Ba đời là đời quá khứ, hiện tại và vị
lai về mặt thời gian có thể dài, có thể ngắn, có thể xa, gần. Dài thì
tính bằng a tăng kỳ kiếp như a tăng kỳ kiếp đời quá khứ, a tăng kỳ kiếp
đời hiện tại, a tăng kỳ kiếp đời vị lai. Tỉ dụ : chúng sinh phát tâm tu
thành Phật phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp lớn, kiếp a tăng kỳ kiếp là
kiếp dài vô lượng không thể kể xiết được. Đơn vị chiều dài thời gian thứ
hai là đại kiếp: đại kiếp quá khứ, hiện tại, vị lai.
Một đơn vị nữa thường được nói tới là
một đời người, kiếp trước, kiếp sau, kiếp hiện tại. Nếu theo những đơn
vị thời gian nhỏ nhất thì tính theo sát na hiện tại, sát na quá khứ, sát
na vị lai (sát na là đơn vị thời gian nhỏ nhất, có thể tưởng tượng
được, có thể tính bằng phần trăm giây). Vì vậy nếu kiếp hiện tại, quá
khứ, vị lai theo ba đời theo nhân quả ba đời là hiểu một cách quá hạn
hẹp.
Một người đã tin ở luật nhân quả trong
đời hiện tại thì cũng phải tin ở luật nhân quả các đời quá khứ, và vị
lai. Song những sự kiện chứng minh luật nhân quả trong thời hiện tại thì
có thể kiểm nghiệm được, còn đối với đời vị lai hay đời quá khứ thì
không kiểm nghiệm được và khó tiếp thu, khó tin, do đó mà cầu ở sự giúp
đỡ của phép thần thông hay quỷ thần đợi đến khi tự mắt mình thấy những
hiện tượng xảy trong đời rồi mới chịu tin.
Sức mạnh của thần thông và quỷ thần tuy
có thực, nhưng rất hữu hạn dù giúp chúng ta biết thời quá khứ hay vị lai
chăng nữa, thì cũng có thể biết trong một thời gian hết sức ngắn ngủi
mà thôi, làm thế nào mà biết hết tất cả mọi chuyện trong cuộc đời quá
khứ và vị lai vô cùng vô tận được. Do vậy cũng không thể thanh toán được
mọi nỗi nghi ngờ, vấn đề nhân quả ba đời vẫn tồn tại như cũ, không giải
quyết được.
Biện pháp của Phật giáo nhằm giải quyết
vấn đề này, không phải là dùng phép thần thông hay sức mạnh của quỷ
thần, mà chỉ dùng hai câu :
"Dục tri quá khứ sự
Kim sinh thọ giả thị
Dục tri vị lai sự
Kim sinh tố giả thị"
Nghĩa là "Muốn biết chuyện quá khứ, qua
tình hình chịu báo đời này thì rõ. Muốn biết chuyện vị lai, qua việc làm
đời này thì rõ".
Đời sống hiện tại là quá khứ của đời vị
lai. Vị lai của hiện tại là hiện tại của vị lai. Quá khứ của hiện tại là
hiện tại của quá khứ. Do đó điều quan trọng là phải hiểu thật rõ nắm
thật vững giờ phút của hiện tại tức là đồng thời nắm vững cả lý nhân quả
của ba đời rồi. Còn quay lại tìm hiểu quá khứ hay là tìm cách biết
trước vị lai, chỉ làm mất thời giờ hiện tại, gây rối rắm và lãng phí giờ
phút hiện tại, đã không ích gì cho hiện tại mà cũng vô bổ cho tương
lai.
Hiện tại gặp vận may chính là do trong
quá khứ tạo ra nhân lành. Hiện tại gặp điều bất hạnh, cũng chính là do
trong quá khứ đã gieo nhân ác. Vận may trong tương lai cũng chính là do
trong quá khứ đã làm điều lành cộng thêm sự cố gắng hiện nay, vận không
may trong tương lai cũng chính là do trong quá khứ đã gieo nhân ác và
hiện tại do lười biếng và tiếp tục làm ác.
Vận mạng đều nằm trong quá khứ, hiện tại
và tương lai của mình đều do ở nghiệp ác hay thiện, siêng năng hay lười
biếng trong hiện tại mà nghiệp ác có thể chuyển biến, vận may cũng có
thể bị đánh mất.
Có người cho rằng vì không thấy được quá
khứ và tương lai, nên không tin là có chuyện quá khứ và tương lai. Thực
ra, nếu nói không thấy nên không tin là có thì trong hiện tại, có nhiều
chuyện mắt không thấy thì cũng không tin hay sao ? Tỉ dụ : Lịch sử dân
tộc, gia phả giòng họ, sự tích tổ tiên, ông bà v.v… đều ghi những chuyện
rất ít người được thấy, nhưng lẽ nào không tin ? Có mấy ai hiện nay
được thấy ông tổ, ông tằng của mình ?
Cái thân xác của bản thân mình được di
truyền từ ông tằng, ông tổ và sẽ được di truyền đến vạn đời con cháu sau
này. Đó là nhân quả ba đời của thân xác. Ngoài thân xác vật chất còn có
linh hồn, tinh thần hay thần thức (từ Phật giáo) lưu chuyển.
Theo quan điểm duy vật thì người chết
như ngọn đèn tắt, ngoài vật chất ra, không có tinh thần. Luận điểm duy
vật đối với người bình thường dễ tạo ra tâm lý và thái độ thiếu trách
nhiệm với hành vi của mình, thậm chí dẫn đến những hành vi tội ác giết
người hay tàn sát hàng loạt vì lợi ích cá nhân hay lợi ích đẳng cấp.
Cho nên niềm tin ở luật nhân quả ba đời ở
sự lưu chuyển của thần thức là an toàn nhất. Nếu cả nhân loại mà có
niềm tin như thế, thì người người kính trọng nhau, nhường nhịn nhau,
cùng tồn tại, cùng phồn vinh. Nếu không tin như thế thì thiện ác không
được phân biệt, thế giới tương lai sẽ trở thành hỗn loạn, bất an.