“Thở”
và“thiền” được coi là cách thức hữu hiệu giúp con người “an lạc” hơn.
Nhận biết được hơi thở trong từng phút giây giúp kiểm soát được cảm xúc
và tâm trạng tốt hơn. Tuy vậy “thở” và “thiền” hay được gắn liền với
tính “huyền bí”… Khoa học, y học nhìn vấn đề này như thế nào? Chúng tôi
trò chuyện với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, người đã có nhiều buổi nói chuyện
về “thiền và sức khoẻ” để tìm hiểu rõ hơn.
Nào “thở” &“thiền”
Thưa bác sĩ, nhiều người biết thiền là tốt, nhưng thấy nó cao siêu, huyền bí quá. Có đúng vậy không?
Quả thực là có những thứ thiền “cao siêu huyền bí”. Thứ
thiền dành cho những tu sĩ, ngồi tĩnh lặng trên đỉnh núi cao, hoặc
trong hang động sâu, xa lánh bụi trần, hoà nhập vào vũ trụ mênh mông…
Đó là thứ thiền của những vị Alahán, nhà tu khổ hạnh, hay là thứ thiền
của các vị triết gia, luận sư… Người bình thường càng đọc càng rối, dễ
tẩu hoả nhập ma.
Ở góc độ người thầy thuốc, tôi quan tâm đến thứ thiền
đơn giản mà hiệu nghiệm, không “cao siêu, huyền bí và khó khăn”. Đó là
thứ thiền trong đời sống hàng ngày. Nó liên quan đến sức khoẻ, đến khoa
học y học, được nghiên cứu và ứng dụng khá rộng rãi. Nó đã mang lại
những hiệu quả rất bất ngờ. Nó chữa được nhiều căng thẳng (stress), lo
âu, nhiều bệnh lý do hành vi lối sống gây ra mà thuốc men không thể
chữa dứt.
Nghe nói bác sĩ đến với thiền sau một biến cố cá nhân?
Tôi đọc về thiền từ hồi trẻ nhưng thấy nó bí hiểm, khó
khăn quá. Cho đến một hôm, cách đây 14 năm, lúc tôi đang cật lực làm
việc thì phải đưa đi cấp cứu vì cơn đột quỵ (tai biến) do xuất huyết
não. Mổ xong, tôi thấy mình như tái sinh, tìm lại được cuộc sống tưởng
chừng đã mất. Đồng nghiệp cho tôi nhiều thuốc nhưng tôi biết không cần
nhiều đến thế. Tôi bắt đầu tự điều trị cho mình. Tôi nhớ lại phương
pháp “thở” của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, cũng như đọc lại Bát nhã tâm
kinh. Trước giờ tôi đọc mà không hiểu lắm, nhưng lạ lùng là sau cơn bạo
bệnh tôi thấy hiểu được rất dễ dàng. Tôi kết hợp chúng lại để tự chữa
trị cho mình và thấy có hiệu quả.
Đâu là bài tập thiền đơn giản nhất mà tất cả mọi người có thể luyện tập được?
Theo tôi, thiền chính là thở với một phương pháp khoa
học. Đó là thở bụng và đặt chánh niệm vào hơi thở. Nhờ đó mà thân tâm
được an lạc. Nguyên tắc cơ bản là thở bụng – rồi nhớ nghĩ (chánh niệm)
về cái hơi thở đó. Hơi thở gắn với cảm xúc, lại gắn với hoạt động của
cơ thể. Nó là cầu nối giữa thân và tâm. Ta có thể “can thiệp” vào nó để
bình ổn thân tâm. Thở bụng và dõi theo luồng hơi thở vào ra sẽ là bước
căn bản. Dõi theo một lúc, tâm sẽ tĩnh lặng. Lý do, về sinh học, trí
não ta không thể cùng lúc nhớ nghĩ đến hai điều. Đã nghĩ đến cái thở
vào ra kia thì sẽ quên những cái lăng xăng khác, những lo âu, phiền
muộn, căng thẳng... Đó chính là bí quyết để xả stress.
“Thiền là thở” nên nó gắn liền với cuộc sống, với mỗi
chúng ta, mọi lúc, mọi nơi. Hơn 2.500 năm trước, bài học đầu tiên Phật
dạy về thiền là anapanasati, tức “quán niệm hơi thở”, thực chất chính
là thở và nhớ nghĩ (quán niệm) về hơi thở vào ra đó. Thế thôi. Nếu thực
hành tốt, đó là phần cốt lõi bước đầu của thiền vậy.
Dĩ nhiên thiền không dừng ở đó mà còn nhiều điều sâu thẳm hơn.
Đâu là trở ngại lớn nhất trong việc tập “thiền”, thưa bác sĩ?
Trở ngại lớn nhất là sự nôn nóng, mong đợi, kỳ vọng...!
Không có chuyện mong đạt đến điều này điều nọ ở đây. Thường đó là
những huyền thoại, dễ dẫn đến dị đoan mê tín, “tẩu hoả nhập ma” thôi.
Trở ngại lớn nữa là thiếu kiên nhẫn, nản lòng, bỏ cuộc... Một trở ngại
đáng để ý là bị thầy, bạn, “cưỡng ép” mình phải làm cho giống họ, trong
khi về tâm lý, sinh lý, tuổi tác, hoàn cảnh... mỗi người mỗi khác.
Ráng bắt chước y chang sẽ rất nguy hiểm!
Nhiều người muốn tập thiền không đủ ý chí theo đuổi
nó. Họ thấy thiếu không gian tĩnh lặng, lại luôn bị áp lực bên ngoài
tác động làm mất tập trung. Lời khuyên của bác sĩ là...?
Thiền không phải là tập trung mà ngược lại, là thả
lỏng. Không gian thì chỉ cần một vài mét vuông là đủ. Mới đầu có thể
cần một chỗ yên tĩnh, khi quen thì ở đâu cũng “thiền” được. Tôi đã thấy
có người ngồi thiền dưới gốc cây, có người thiền trên bàn làm việc,
ngay sau giờ giao ban. Không mất thì giờ nhiều đâu. Tuỳ hoàn cảnh mỗi
người. Sau đó, đầu óc sẽ tỉnh táo hơn, giải quyết công việc hiệu quả
hơn.
Áp lực bên ngoài tác động không đáng sợ bằng áp lực bên
trong. Chính những nỗi mong cầu, lo âu, bực dọc, sợ hãi... (tham sân
si) trong tâm tưởng mới làm cho ta bấn loạn, bứt rứt, hoặc ngủ gà ngủ
gật...
Việc tập thiền giữa phụ nữ và đàn ông có khác nhau không?
Không. Phụ nữ dẻo dai, bền chí hơn đàn ông. Phụ nữ hiện
đại càng cần thiền vì đời sống quá nhiều stress. Thiền giúp cân bằng
trong cuộc sống. Thiền đúng, sẽ ít đau ốm lặt vặt, tươi trẻ hơn và nói
chung, hạnh phúc hơn. Nhưng cẩn thận. Nhớ đừng đi vào mê tín dị đoan,
bỏ nhà bỏ cửa rồi đổ thừa tại thiền nhé.
Nên tập thiền ở đâu, thưa bác sĩ?
Nơi nào dạy đúng nguyên tắc, không bày đặt, ép buộc,
hứa hẹn, dụ dỗ nọ kia… thì đều tốt. Nhớ “hãy quay về nương tựa chính
mình!”
Theo Song Hà - SGTT
Tác dụng của thiền đã được nghiên cứu rộng rãi?
Âu Mỹ nghiên cứu ứng dụng thiền hơn nửa thế kỷ nay
(Vakil, 1950), coi như là một phương pháp trị liệu trong y học
(Craven, 1980; Haarmon & Myers, 1999). Thiền giúp giảm thời gian
nằm viện của bệnh nhân và giảm số lần đi khám bệnh ( Orme-Johnson,
1987). Nghiên cứu đối chứng về cơn đau kinh niên, lo âu, trầm cảm,
giảm 50% các triệu chứng tâm thần và giảm 70% triệu chứng lo âu
(Roth, 1997). Ngoài ra, thiền giúp giảm cân, giảm béo phì, cai nghiện
thuốc lá, nghiện rượu, ma tuý… (Alexander, 1994).
Về tích tuổi thì người thiền trên năm năm có tuổi sinh
lý trẻ hơn 12 năm so với người cùng tuổi, dựa trên ba yếu tố: huyết
áp, điều tiết nhìn gần của thị giác, độ nhạy của thính giác.
(theo Thiền và sức khoẻ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc)