Sự Mầu Nhiệm Của Giây Phút Hiện Tại.
Chánh Niệm
06/02/2010 11:39 (GMT+7)

Chính Niệm là gì

Chính niệm có nghĩa là ta biết tự nhìn lại mình, quan niệm sống của mình, và ý thức được tính chất toàn vẹn của mỗi giây, mỗi phút trong cuộc sống. Và trên hết, chính niệm có nghĩa là tiếp xúc được với thực tại, những gì đang xảy ra chung quanh ta. 

Theo quan điểm của Phật giáo, thì trạng thái tỉnh thức của một người bình thường rất có giới hạn và đang bị giới hạn. Nói chính xác hơn thì trạng thái ấy giống như của một người nằm mộng hơn của một người tỉnh thức. Thiền tập sẽ giúp đánh thức ta dậy từ một giấc ngủ mê của những tập quán hành động máy móc vô ý thức. Và từ đó ta mới có thể thật sự sống, và có thể xử dụng được hết mọi khả năng của ý thức cũng như trong tiềm thức của mình.

Những bậc thánh nhân, các nhà Yoga, những vị thiền sư đã thám hiểm và thăm dò lãnh thổ này từ hàng mấy nghìn năm nay. Và trong tiến trình ấy, họ đã học được những điều có thể đem lại lợi ích lớn lao cho chúng ta, nhất là những người sống ở Tây phương, giúp họ làm quân bình lại một nền văn hóa lúc nào cũng muốn chiếm hữu, kiểm soát thiên nhiên, thay vì ý thức được rằng ta cũng là một phần rất thân thiết đối với chúng.

Kinh nghiệm của những bậc thánh nhân dạy rằng, khi ta biết quay vào trong và tự quán sát mình cho sâu sắc, bằng những phương pháp có hệ thống rõ ràng , chúng ta có thể sống một cuộc đời hòa hợp hơn, hạnh phúc hơn và với nhiều tuệ giác hơn. Nó cũng sẽ đem lại cho ta một cái nhìn mới về thế giới chung quanh, có thể bổ sung cho những quan niệm duy vật hạn hẹp đang chi phối tư tưởng và tập tục của chúng ta, nhất là những người Tây phương.

Nhưng quan điểm mới này không nhất thiết là của riêng gì Ðông phương hoặc là một triết lý nào huyền bí cả. Ông Thoreau cũng đã nhìn thấy rất rõ vấn đề này, ở New England vào năm 1846 và ông đã viết về hậu quả nguy hại của nó với một cảm xúc rất mạnh mẽ. 

Trong đạo Phật, chính niệm còn được gọi là trái tim của thiền quán. Trên căn bản thì chính niệm là một ý niệm hết sức đơn giản. Sức mạnh của chính niệm nằm ở chỗ ta biết thực hành và áp dụng nó. Chính niệm có nghĩa là chú ý theo một đường lối đặc biệt: có mục đích, ở trong giây phút hiện tại và không phán xét. Sự chú ý này sẽ nuôi dưỡng một ý thức rộng lớn, sáng tỏ và biết chấp nhận thực tại.

Chính niệm đánh thức ta dậy để nhận thấy sự thật rằng sự sống của ta chỉ có mặt trong giây phút hiện tại này mà thôi. Nếu chúng ta không có mặt trọn vẹn trong những giây phút ấy, ta không những bỏ qua những gì quý báu nhất trong đời mình, mà còn không thể nhận diện được sự giàu có và thâm sâu của những cơ hội có thể giúp ta trưởng thành và chuyển hóa. 

Nếu ta thiếu chính niệm trong giờ phút hiện tại, những thói quen và tập quán vô ý thức sẽ có thể tạo nên nhiều vấn đề khác nữa, thường thường chúng bị thúc đẩy bởi một sự sợ hãi và bất an sâu xa trong ta. Những vấn đề này sẽ tích tụ qua thời gian, nếu lâu ngày không được chăm sóc, chúng có thể gây cho ta một cảm giác bị mắc kẹt và xa lìa thực tại. Và cuối cùng, ta có thể sẽ đánh mất đi niềm tin vào khả năng giải thoát của chính mình. 

Chính niệm là một phương pháp tu tập giản dị nhưng có một năng lực vô song, có thể giúp ta thoát ra và tiếp xúc lại được với tuệ giác và sự sống của mình. Ðây cũng là một phương cách giúp ta làm chủ lại được đường hướng và phẩm chất của đời mình, trong đó có những mối tương quan của ta trong gia đình, ngoài xã hội, rộng hơn nữa là với thế giới và trái đất này, và căn bản hơn hết là với chính ta, như một con người. 

Cây chìa khóa của con đường giải thoát này có gốc rễ nằm trong đạo Phật, đạo Lão và Yoga, nhưng ta cũng có tìm thấy nó trong các công trình của những người Tây phương như Emerson, Thoreau và Whitman, và trong tuệ giác của người Da Ðỏ nữa. Ðó chính là sự ý thức được tính chất quý báu của giây phút hiện tại và nuôi dưỡng một mối liên hệ mật thiết với thực tại bằng một sự chú ý liên tục và thận trọng. Thái độ ấy hoàn toàn khác hẳn với những khi ta xem cuộc sống này như là một cái gì rất bình thường và đương nhiên! 

Thói quen đem hy sinh giây phút hiện tại này cho một sự kiện nào đó chưa xảy ra, đẩy ta thẳng vào thế giới của thất niệm, và từ đó ta không còn ý thức được màn lưới chằn chịt nối liền mọi sự sống với nhau nữa. Sự thất niệm ấy gồm có việc thiếu ý thức và thiếu hiểu biết về chính bản tâm ta, và ảnh hưởng của nó trên nhận thức và hành động của ta.

Vì vậy sự sống của ta, mối tương quan với người khác, và với thế giới chung quanh, đã trở nên vô cùng giới hạn. Xưa nay, người ta vẫn thường cho rằng, những vấn đề căn bản ấy là thuộc lãnh vực tôn giáo, nằm trong một khuôn khổ tâm linh. Nhưng thật ra chính niệm không có dính dáng gì đến tôn giáo hết, ngoại trừ trong ý nghĩa cơ bản của danh từ ấy, như là một phương tiện để tiếp xúc với sự huyền nhiệm của sự sống, và ý thức được rằng ta có một mối liên hệ rất mật thiết với hiện hữu chung quanh ta. 

Khi ta biết chú ý một cách cởi mở, không để bị chi phối bởi sự ưa thích, ghét bỏ của mình, cũng như những ý kiến, phê bình, xu hướng và mong ước, thì sẽ có những cơ hội mới xuất hiện và chúng có thể giúp ta thoát ra khỏi được sự trói buộc của vô thức trong ta. 

Ðối với tôi thì chính niệm là một nghệ thuật sống tỉnh thức. Bạn không cần phải là một Phật tử hay một nhà Yoga mới có thể thực tập chính niệm. Thật ra trong Phật giáo, điểm quan trọng nhất là ta phải biết trở về với chính mình, chứ không nên cố gắng trở thành một cái gì khác hơn là mình. Ðạo Phật dạy cho ta biết tiếp xúc với tự tính của ta và để cho nó hiển lộ ra một cách không ngăn ngại. Có nghĩa là ta phải tỉnh thức dậy và nhìn thấy sự vật như chúng thật sự như vậy. Thật ra chữ Buddha, Phật, có nghĩa là một người tỉnh thức, một người đã thấy được tự tính của mình. 

Vì vậy, sự thực tập chính niệm không hề xung đột với bất cứ một tín ngưỡng hay một truyền thống nào khác - cho dù đó là tôn giáo hoặc khoa học - và nó cũng không đòi hỏi ta phải tin vào một hệ thống tư tưởng hoặc một chủ nghĩa nào hết. Chính niệm chỉ đơn giản là một phương pháp cụ thể giúp ta tiếp xúc được với chính mình một cách trọn vẹn hơn, qua một quá trình tự quán chiếu, tự xét soi và hành động có ý thức. Quá trình ấy không có gì là lạnh lùng, khô khan và vô tâm hết. Thật ra nền tảng của chính niệm phải là lòng từ ái, hiểu biết và nuôi dưỡng. Bạn cũng có thể nghĩ đến chính niệm như là một lòng nhân từ. 

- Có một người học trò nói rằng: "Khi tôi là một Phật tử thì cha mẹ, bạn bè tôi ai cũng cũng lấy làm khó chịu. Thế nhưng khi tôi là một vị Phật, thì mọi nguời đều hạnh phúc".

GIẢN DỊ NHƯNG KHÔNG DỄ

Mặc dù phương pháp tu tập chính niệm có thể rất là đơn giản, nhưng nó không có nghĩa là dễ dàng. Sự thực tập chính niệm đòi hỏi một nỗ lực và một kỷ luật khá hơn. Việc ấy cũng dễ hiểu, vì chúng ta phải đương đầu với một năng lực thất niệm rất mãnh liệt, tức những tập quán và thói quen vô ý thức của ta. Những năng lực ấy rất là mạnh, chúng phát xuất từ nội tâm ta, đôi khi chúng ta cần một sự cương quyết cũng như cố gắng chỉ để duy trì sự tu tập của mình, cũng như để bắt giữ được giây phút hiện tại. Nhưng việc làm ấy rất là thỏa mãn, vì nó giúp ta tiếp xúc được với những khía cạnh mới của sự sống mà ta đã đánh mất vì không chịu nhìn thấy. 

Việc làm ấy cũng rất là khai ngộ và giải thoát. Khai ngộ là vì nó giúp ta nhìn thấy sự vật được rõ rệt, và từ đó ta sẽ có thể hiểu biết được sâu sắc những khía cạnh khác trong cuộc sống, mà ta đã vì cách biệt hoặc vì không muốn nhìn tới. Việc ấy cũng có nghĩa là ta sẽ phải tiếp xúc với những cảm xúc sâu kín của mình - như là khổ đau, tổn thương, giận dữ và sợ hãi - mà chúng ta đã thường tìm cách trốn tránh hoặc đã không bao giờ cho phép chúng được biểu lộ ra. Và chính niệm cũng sẽ giúp ta được thật sự sống với những cảm xúc như là vui sướng, an lạc và hạnh phúc, mà nhiều khi chúng chỉ trôi thoáng qua trong cuộc đời vì ta thiếu ý thức.

Chính niệm có tính cách giải thoát vì nó giúp ta thật sự sống với chính mình và với những gì đang xảy ra chung quanh ta. Nó đem ta ra khỏi chiếc hố sâu mù mịt của thất niệm. Ngoài ra, chính niệm còn có thể gia quyền cho ta nữa, ban cho ta sức mạnh, vì nó giúp ta khai mở được nguồn năng lượng tích trữ của sự sáng tạo, trí thông minh, tưởng tượng, sự cương quyết, biết chọn lựa và một tuệ giác tiềm ẩn trong ta. 

Chúng ta thường có một khuynh hướng đặc biệt là không ý thức được rằng mình lúc nào cũng đang suy nghĩ. Dòng tư tưởng lúc nào cũng trôi chảy không ngừng nghĩ, trong tâm ta không bao giờ có một giây phút tĩnh lặng. Chúng ta không còn có một khoảng không gian nào để cho mình yên nghỉ, để thôi đeo đuổi hết việc này đến việc khác. Và những hành động của ta phần nhiều, thay vì được chính niệm soi sáng, thì lại bi sai xử bởi những ý nghĩ và sự thúc đẩy rất tầm thường, chúng đi ngang qua tâm ta như một dòng sông cuồn cuộn chảy, nếu không phải là một dòng thác lũ. Và cuộc đời ta bị dòng nước lớn ấy tràn ngập, lôi cuốn ta về một nơi mà mình không muốn, và chắc chắn có lẽ cũng không biết là sẽ đi về đâu. 

Thiền tập có nghĩa là ta học phương pháp thoát ra dòng nước lũ ấy, để ta có thể ngồi lại bên bờ, lắng nghe nó, học hỏi nó, để rồi xử dụng năng lượng ấy theo ý ta, thay vì bị nó khống chế và áp đảo. Nhưng quá trình ấy không phải là tự nhiên xảy ra được. Nó đòi hỏi một sự cố gắng, một công phu. Và chúng ta gọi sự cố gắng để phát triển khả năng sống trong hiện tại ấy là tu tập hoặc thiền tập. 

Hỏi: Làm sao con có thể sửa đổi được một vấn đề khó khăn, khi nó hoàn toàn nằm dưới phần ý thức của con

Nisargadatta: Bằng sự sống thực với mình... bằng cách tự quán sát mình trong đời sống hằng ngày trong chính niệm, với một ý muốn để tìm hiểu hơn là để phê phán, hoàn toàn chấp nhận bất cứ việc gì xảy đến, bởi dù sao thì nó cũng đang có mặt, ta phải biết khuyến khích những gì sâu kín được biểu lộ lên trên bề mặt, và làm phong phú thêm cho sự sống và tâm thức của ta bằng năng lượng ẩn tàng của nó. Ðó là sản phẩm của ý thức; nó loại trừ hết những chướng ngại và tháo mở năng lượng của ta bằng sự hiểu biết về tự tính của sự sống và tâm thức. Trí thông minh là cánh cửa của tự do, mà chính niệm là mẹ đẻ của trí thông minh. -- Nisargadatta Maharaj, "I am That".

Jon Kabat-Zi

 

Nguyễn Duy Nhiên (dịch), Trích từ sách "Nơi ấy cũng là bây giờ và ở đây"

Các tin đã đăng: