Ý nghĩa của nghi lễ, sự cúng dường và lễ khai tâm trong đạo Phật
Tổ dịch thuật Trúc Lâm
17/03/2010 02:40 (GMT+7)

Đức Phật đã nhiều lần lưu ý chúng ta đến mối nguy hại của việc 'bám víu và chấp chặt vào các quy tắc đạo đức và nghi lễ” (Pali sìlabbata-paràmàs hay giới cấm thủ).

Theo Ngài, niềm tin cho rằng con người chỉ có thể giác ngộ và giải thoát bằng cách tuân thủ những quy luật đạo đức và thực hành các nghi lễ là một trong bốn chấp thủ (upàdànaû), và điều nầy sẽ tạo thêm khó khăn cho quá trình giải thoát con ngườí[1]. Ngài cũng xem “việc chấp chặt vào những quy tắc đạo đức và nghi lễ” này là một trong mười trói buộc (Pali samyojana, kiết sử)[2] khiến người đời thường (puthujjana) trôi lăn mãi trong luân hồi sinh tử (Samsàra, Thế giới ta bà). Thật ra, để nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của “thái độ phá chấp đối với các quy luật và nghi lễ”, Ngài nói rằng chỉ khi nào tháo gỡ được sự trói buộc này cùng với việc từ bỏ quan điểm sai lầm về một cái ngã hay linh hồn thường hằng, bất biến (Pali sakkàya ditthii) và sự nghi hoặc về Phật pháp (Pali vicikicchà), hành giả mới có thể thành đạt “quả Dự lưu” (Pali sotàpatti)[3], để từ đó bất kỳ người đời thường nào (tăng, ni, upàsaka, ưu bà tắt hay nam cư sĩ ) đều có thể trở thành “thánh đệ tử” (ariya-puggala).

Tuy nhiên, lời dạy này của Đức Phật không có nghĩa rằng tự bản chất, đạo đức và tất cả loại lễ nghi là những chướng ngại trên đường giải thoát; mà để chỉ ra rằng đạo đức và lễ nghi đó chỉ trở thành toàn thiện khi chúng được gắn liền với sự giác ngộ hoàn toàn về bản chất thực tại của con người và được sử dụng với ý thức rằng đây chỉ  là một phương tiện đưa con người đến bờ giác ngộ. Nhưng nếu có người chấp vào các quy tắc đạo đức và nghi lể và cho rằng đây là con đường chắc chắn sẽ dẩn đến giải thoát, vị ấy sẽ trở thành tùy thuộc vào chúng và cái ngã của vị ấy sẽ được thổi phồng lên. Điều này càng ngăn chặn con đường giải thoát của vị ấy. Quy luật nầy cũng được áp dụng cho trường hợp của những người bám víu vào các quy tắc và lễ nghi đạo đức chỉ vì đó là những thói quen, truyền thống, nếp sinh hoạt hằng ngày, hay ngay cả chỉ để thoả mãn những ước vọng thẩm mỹ của riêng vị ấy.

Nếu muốn hiểu đúng đắn vấn đề “không chấp chặt vào các quy tắc đạo đức và nghi lễ” hay “không chấp vào giới cấm thủ”, chúng ta không nên chú ý đến “các giới cấm” (Pali sìlabbata) mà nên để tâm đến vấn đề “bám víu” (paràmàsa) hay “chấp thủ” (upàdàna). Những nghi lễ thờ cúng là một phần của nếp sống cộng đồng Phật giáo từ những ngày đầu tiên của lịch sử đạo Phật. Chẳng hạn, ngay từ đầu nghi thức quy y Phật, Pháp, Tăng là rất quan trọng, quan trọng đến nổi mỗi Phật tử đều hành lễ này, và nghi lễ nầy vẫn được duy trì này đến ngày hôm nay.

Trong Tăng đoàn cũng thế, lễ nghi luôn được xem là quan trọng. Bởi thế, lễ upasampadà hay lễ thọ Cụ túc giới, mà qua đó người Sa di (Pali sàmanera) được nâng lên thành một bhikkhu hay tỷ-kheo (người được thọ giới đầy đủ và chính thức), được tiến hành rất kín đáo trong nhiều thế kỷ, và vị tăng nào mà chưa thọ Cụ túc giới thì không được phép dự các buổi lễ này. Nghi lễ này thường được tổ chức ở một nơi tôn kính đặc biệt cách ly với công chúng.

Những lễ nghi khác cũng được đánh giá cao từ thời xa xưa nhất của đạo Phật, và có những lễ nghi đặc biệt như lễ cúng dường (pùja) và lễ hộ trì thân và tâm (paritta). Cũng tương tự như thế, chúng ta nghe nhắc đến rất sớm lễ đi nhiễu quanh các chùa tháp (Skt. pradakwina) cùng với sự thờ kính những biểu tượng của Đức Phật với đèn cầy và hương hoa cũng như việc đảnh lễ trước các biểu tượng của Đức Phật và nghi lễ tụng kinh Phật. Đây là những điều rất quen thuộc đối với mọi Phật tử.

Việc thực hiện những lễ nghi với tấm lòng chân thành và hoàn thiện luôn là biểu hiện của tinh thần sống đúng theo giới luật và là một hành động thiện trên con đường cao cả theo vết chân Đức Phật. Nhưng Đức Phật ý thức rất rỏ sự yếu đuối của bản chất con người và những bẩy lưới do chính con người tự tạo đang tiếp tục trói buộc con người. Vì thế, Ngài đã nói rõ là ngay cả những gì được xem là “thiện” nhưng khi bị sử dụng sai lầm đều có thể tác dụng ngược lại, để rồi những gì mà bình thường được xem như một phương tiện giải thoát có thể trở thành một sự ràng buộc tuy vi tế nhưng khó phá vở vô cùng Vì lẻ chúng ta có thể nghĩ rằng qua việc tuân thủ nghiêm nhặt những giới luật hay thực hiện một số lễ nghi nào đo, chúng ta đã tạo được một số công đức đặc biệt, và do đó chúng ta sẽ trở nên hoàn thiện hơn, hay thậm chí trở thành những bậc thánh, hoặc là chúng ta có năng lực thần thông để tác động một cách kỳ diệu vào các quy luật vận động của thế gian nầy. Những suy nghĩ và hành động như thế sẽ biến những gì  thánh thiện thành sự độc hại: Người suy nghĩ và hành động như thế đã nâng cái ngã của mình thậm chí cao hơn và củng cố vị trí của nó đối với cuộc đời nầy thay vì làm suy yếu cái ngã và biến  nó thành trong suốt.

Lời cảnh báo của Đức Phật nhắc chúng ta không nên chấp vào giới luật và nghi lễ được tuân thủ rỏ rệt nhất trong Thiền tông Trung Quốc (cơ sở bắt nguồn của Thiền tông Nhật Bản), và trong phong trào các du tăng (siddha) Kim cang thừa mà về sau nầy đã ảnh hưởng xu hướng vô chấp thủ giới trong Kim cang thừa. Những tiểu sử còn lưu lại của các vị du tăng (siddha) và những cao tăng tên tuổi Kim cang thừa như Tilopa, Naropa, và Milarepa cũng như của các thiền sư Trung Quốc và Nhật Bản là những tấm gương sáng về việc vô chấp thủ giới này.

Nhưng trong Thiền tông và Kim cang thừa, luật lệ và lễ nghi vẫn đóng một vai trò lớn và người ta nhấn mạnh đến việc tuân thủ những luật lệ và lễ nghi nầy. Do vậy, vị thiền sinh, sau một khóa học, được huấn thị phải để qua một bên tất cả những kinh sách và những điều đã học được từ kinh sách để không bị ảnh hưởng của định kiến và có thể phát triển đời sống tâm linh một cách tự nhiên và trung thực. Và để thực hiện điều nầy, các thiền sư thường cường điệu cách diễn đạt tư tưởng của mình hoặc dùng những nghịch lý để tạo những cú “sốc” trong tâm các thiền sinh. Nhưng trên mặt khác, thời biểu hằng ngày của thiền sinh phải theo những luật lệ và nghi thức hết sức chi tiết và không ngừng nghỉ từ lúc thức dậy sáng sớm cho đến lúc tối trước khi ngủ như nghi thức ăn uống, rửa bát ăn cơm, bước vào thiền đường, ngồi xuống, tọa thiền, tụng kinh, tụng đọc những lời thệ nguyện, qùy lạy trước những hình ảnh của Đức phật và của ngài Văn Thù cũng như nghi thức tôn kính vị thầy và những hình thức chào hỏi khi gặp nhau. Tóm lại, ngay cả tông phái được xem là ít đặt nặng vấn đề lễ nghi nhất thực ra đã đòi hỏi những hình thức lễ nghi tôn giáo nghiêm nhặt nhất và yêu cầu tín đồ của mình phải có một cuộc sống dựa trên luật lệ và lễ nghi hết sức nghiêm túc. Những người phương Tây ngưỡng mộ và tuân thủ những nghi thức có vẽ “phá lệ” của Thiền tông Nhật bản nên sống một thời gian ngắn trong một thiền viện Nhật để xóa đi những hiểu lầm nầy.

Các nghi lễ tôn giáo mà Thiền tông Nhật Bản phát triển gần như tuyệt mỹ đã được Kim Cương thừa phát triển thậm chí còn nhiều hơn nữa, mặc dầu Kim cang thừa thiên về các biểu tượng tôn giáo hơn và biến nghi lễ thành sinh hoạt hằng ngày của người Phật tử. Với những thực tế này lắm lúc chúng ta phải tự hỏi những hình thức lễ nghi như vậy có tương hợp với lối sống Phật giáo như Thế Tôn đã chỉ dạy hay không, và có nên chăng, những người phương Tây như chúng ta, nếu muốn bắt đầu xây dựng và truyền bá đạo Phật ở đây, tiếp tục giữ lại những hình thức lễ nghi tôn giáo nầy?

Cũng như những chúng sinh khác, con người là sản phẩm của lịch sử và các quan hệ xã hội, nếu không thì con người sẽ không phải là con người như hiện tại. Và từ trong bối cảnh phát triển lịch sử và xã hội nầy mà người ta đã liên tục chứng minh rằng những quy luật đạo đức và lễ nghi có thể tạo ra những năng lực hiền lành và thánh thiện nhằm giúp loài người phát triển về văn hóa nói chung và từng cá nhân con người có thể phát triển đời sống tâm linh của mình nói riêng. Vì thế, mỗi ngày chúng ta sẽ luôn có cảm nhận mới mẻ về sự hòa hợp mà việc hành trì Năm giới mang đến cho cuộc sống chúng ta, cả bên trong lẫn bên ngoài, miễn là chúng ta làm điều một cách ý thức và dựa trên mức độ trưởng thành về tâm linh và trí tuệ của chúng ta. Nhưng điều cần nhớ rõ là chúng ta không nên bao giờ hạ thấp Năm giới này thành “Năm giới cấm” mà chúng ta phải tuân thủ bất chấp mọi tình huống. Nếu không, chúng ta sẽ làm giống như một vị tăng, vì phải nghiêm nhặc tuân theo điều luật không được đụng chạm với nữ giới, cứ đứng yên bất động để mẹ mình chết đuối khi bà bị té rơi xuống giếng.

Chỉ khi nào chúng ta hiểu lý do tại sao người ta đặt ra điều luật này và điều luật nọ và chỉ khi nào chúng ta hoàn toàn đồng ý với lý do đó, chúng ta mới chấp nhận những điều luật và tùy thuận hành động. Đức phật không bao giờ mong đợi đệ tử của mình đi theo Ngài một cách mù quáng. Ngài là vị giáo chủ duy nhất không những cho phép mà còn khuyến khích sự phê phán trong hàng đệ tử của mình. Ngài chỉ muốn mọi người theo Ngài khi họ làm điều này dựa trên cỡ sở của sự tu chứng và lòng tin của riêng họ.

Và vì vậy, Ngài nói với  Ànanda, đệ tử thân tín của mình, rằng “Nếu ngươi theo Chánh pháp do chỉ vì thương ta hay kính ta, thì ta sẽ không thừa nhận ngươi là đệ tử. Nhưng nếu ngươi theo Chánh pháp vì bản thân ngươi đã thể nghiệm sự thật của nó, vì ngươi hiểu và hành động phù hợp theo nó— chỉ trong những điều kiện như vậy ngươi mới có quyền xem mình là đệ tử của Thế Tôn.”

Vì lẻ đó, theo quan điểm Phật giáo, luật lệ đạo đức và lễ nghi chỉ hiền thiện khi chúng được thực hiện trong tinh thần đúng đắn, nghĩa là, với sự hiểu biết đầy đủ, với tuệ quán chín muồi và ý thức rõ ràng. Vì lẽ, nếu lễ nghi được thực hiện như một thói quen mà chúng ta cần làm mỗi ngày hay vì truyền thống và quy ước trong đạo bảo chúng ta phải làm như thế (chủ yếu vì nó không còn ý nghĩa thật sự nữa), lúc đó, việc thực hành nghi lễ sẽ trở thành một hành động vô nghĩa và do đó trở thành một chướng ngại trên con đường tiến bộ thực sự. Nhưng, nếu lễ nghi được thực hiện một cách ý thức với sự hiểu biết trọn vẹn về ý nghĩa của nó thì nó sẽ trở thành một công phu thiền định  được tiến hành và hướng ra bên ngoài, thay vì vào bên trong, và trở thành một quá trình hành động nhằm tập trung toàn bộ các hoạt động thuộc giác quan của hành giả.

Trong một nghi lễ, khi chúng ta cúng dường một ngọn đèn cho Đức Phật chúng ta không nên nghĩ hay cho rằng mình đang làm một ân huệ cho Đức Phật. Mà trái lại, chúng ta nên ý thức một cách trọn vẹn rằng chúng ta phải nâng cao nguồn sáng trí tuệ mà chúng ta đã tiếp nhận từ Ngài, nguồn ánh sáng xua đuổi bóng đêm trong tâm thức chúng ta, hướng dẫn chúng ta và tất cả chúng sinh tìm thấy con đường đi đến giác ngộ. Theo cách này, đối với người thực hiện nghi lễ, ngọn đèn cầy cúng dường cho Đức phật là một phương tiện để hồi tưởng và quán niệm (smfti) về cái ánh sáng giác ngộ đã và đang chiếu sáng trong mỗi người chúng ta từ thời vô thỉ, mặc dù nó luôn bị che khuất trong bóng tối của những bức tường tự ngã mà chúng ta luôn cần phải phá đổ.

Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho việc dâng trầm hương và những đồ cúng dường khác, với những chi tiết gia giảm khác nhau, đêû qua đó chúng ta nói lên lòng biết ơn, sự tận tụy, và tinh thần sẵn sàng quên mình để theo gương Bậc giác ngộ, hầu đánh thức và làm nẩy mầm những chủng tử Phật pháp trong tâm chúng ta. Và, khi nhìn hình ảnh Đức phật, chúng ta nên xem nó như là điều nhắc nhở chúng ta về cái Phật tính tiềm tàng trong chúng ta, về lý tưởng vĩ đại mà Đức phật lịch sử Thích-ca mâu ni đã thực hiện trong chính cuộc đời của Ngài, và đây cũng là lý tưởng kêu gọi chúng ta hãy thực hiện nó trong chính cuộc đời của mình. Bởi vì mục tiêu giác ngộ là trong tầm tay của tất cả chúng sinh có ý thức. Nhưng nếu chúng ta cho rằng chúng ta có thể phục vụ Đức Phật bằng cách tôn kính hình ảnh của Ngài thì đây quả là một điều khờ dại. Đúng lẽ ra, qua việc tôn kính hình ảnh của Đức Phật, chúng ta có thể càng giữ vững mục tiêu của mình trên con đường đạo và trong việc thực hiện Đạo Pháp. Đạo Pháp ở đây không chỉ có nghĩa là lời dạy của Thế Tôn mà còn là những qui luật phổ biến đang vận hành trong cái vũ trụ bao la mà ta thường gọi là thế giới vĩ mô và cái thế giới nhỏ hẹp hay thế giới vi mô đang hiển lộ dưới mắt chúng ta, những con người bình thường sống trong cuộc đới nầy.

 Pháp Phật dựa trên tri kiến về “sự vô ngã” của mọi sự vật hiện tượng. Ngày nào chúng ta còn xem vật chất và tinh thần là những cực đối lập không thể hoà giải được thì ngày đó chúng ta vẫn còn chia chẻ thế giới ra làm hai và đánh mất điểm tựa của mình. Do đó, những hình thức được chế đặt ra là để con người thể nghiệm và hiểu biết. Nghi lễ chỉ là một trong những hình thức được chế đặt để qua đó chúng ta thể hiện những tư tưởng và tình cảm sâu xa nhất trong tâm thức của mình, và vì vậy nó phải là sản phẩm của những tư tưởng rõ ràng và trong sáng hay những tình cảm chân thật và hồn nhiên. Nếu không, nghi lễ sẽ trở thành những hình thức ước lệ kèm theo những lời lẽ rỗng tuếch được lập đi lập lại một cách vô nghĩa trong khi tâm của người hành lễ thì lại để ở đâu đâu. Nếu tiến hành như thế, thì toàn bộ lễ nghi sẽ trở thành chướng ngại của con đường giác ngộ.

Chỉ khi nào mà chúng ta có thể thấy mỗi từ, mỗi điệu bộ, mỗi cách thức, và mỗi đồ vật cúng dường là một biểu tượng đưa chúng ta càng đến gần cái nhìn tuệ quán sâu sắc vào bản chất nội tại của chúng ta, giúp chúng ta trưởng thành hơn về tâm linh và qua đó chuyển hoá nội tâm chúng ta, chỉ có như thế, nghi lễ mới trở thành một phương tiện có giá trị trên lộ trình tu tập của chúng ta. Nó củng cố định lực của chúng ta, giúp chúng ta có cái nhìn trực giác, và bằng những hình tượng, nó đưa chúng ta vượt lên trên mọi hình tượng. Đây là điều mà Kim Cang thừa gọi một cách biểu tượng là “đại ấn” (mahamudra). Theo cách này, những lời chú nguyện (mantras), cách thức bắt ấn (mudràs) và mạn đà la (manđala) trở thành những phương tiện (upàya) có ý nghĩa giống như vòng quay cầu nguyện (mani-khorlo), chuỗi tràng hạt, hoặc bàn thờ trên đó ta làm lễ cúng dường (puja), hoặc các bảo tháp có cấu trúc mang tính tâm lý vũ trụ mà ta đi nhiễu quanh theo hướng mặt trời.

Khi những phương tiện và biểu tượng này được đưa vào các nghi lễ của một truyền thống tôn giáo đương thời và được hành trì với đầy đủ ý thức, nó sẽ rất hữu ích cho người hành trì. Nhưng chỉ khi nào người hành trì thực hiện các nghi lể với tấm lòng chân thành, nghi lễ mới giúp vị ấy có được những sự hiểu biết dựa trên trực giác “tại đây và ngay bây giờ”. Những hiểu biết trực giác nầy sẽ chuyển hóa thân và tâm của vị ấy, và qua đó, giúp vị ấy phát triển đến trình độ tâm linh mà ngôn ngữ tự nó không thể nào diễn tả được.

Trong cùng một thời điểm, nghi lễ cúng đường (puja) trong đạo Phật mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Trước hết, nó diễn tả tấm lòng kính trọng và biết ơn của chúng ta đối với các bậc giác ngộ vĩ đại đã khai mở con đường tâm linh, chư Phật và Bồ tát và tất cả những ai chọn đi trên đường đạo vì sự an lạc của tất cả chúng sinh. Từ sự kính trọng và biết ơn nầy sẽ khởi lên niềm mong ước là tự mình cũng sẽ đi trên đường đạo và sẽ đạt được quả vị giác ngộ.  Rồi bước thứ hai là sự hiến dâng con người của mình, lời thệ nguyện hiến dâng cuộc đời mình phục vụ các bậc giác ngộ, thực hiện những lời giảng dạy của các vị ấy và các chư hiền thánh tăng.  Để thực hiện mục tiêu lý tưởng nầy, chúng ta không có cách nào khác ngoài công phu thiền định. Và ở đây chúng ta sẽ làm quen với khía cạnh thứ ba và quan trọng nhất của nghi lễ cúng dường. Đó là khả năng thể nghiệm nghi lễ qua hình thức trình bày mà chúng ta có thể thấy bằng mắt được.  Đây là  quá trình "kịch tính hóa" của kinh nghiệm thiền định, trong đó hành động thờ phượng trở thành một phương tiện tập trung tâm ý. Đây cũng là một cách để tiến xa hơn nữa trên con đường phát triển tâm linh.

Với những hoạt động tiến hành cùng một lúc của thân thể, tâm lý, và tâm linh thể hiện qua lời nói, điệu bộ, tư tưởng và cảm  xúc, chúng ta sẽ thống nhất được tâm ý. Sự nhất tâm nầy sẽ ảnh hưởng không những phần bên ngoài của tâm thức (phần nầy gồm tri thức, kiến thức và phần ý thức đến từ các giác quan) mà còn ở những cấp độ tâm lý sâu thẳm trong tâm thức chúng ta. Qua tiến trình thực hành đều đặn nghi lễ như thế, toàn bộ con người chúng ta sẽ từ từ chuyển hoá một cách vững vàng, và dễ tiếp thu những năng lực của ánh sáng giác ngộ (bodhicitta hay bồ đề tâm). Và như vậy, puja hay sự cúng dường (mà tất cả hệ phái Phật giáo đồng ý) là một khả năng giúp chúng ta đi vào thiền định. Và vì nó thu hút toàn bộ con người chúng ta và hướng chúng ta về mục tiêu giải thoát nên nó là suối nguồn vô tận giúp chúng ta nhớ lại và nhận biết những gì Đức phật đã chỉ cho chúng ta với tấm gương của ngài. Nó cũng không phải chỉ để nhắc chúng ta nhớ lại lời thệ nguyện quyết tâm đi suốt con đường đạo với tất cả năng lực của mình; Nó còn là một bước tiến trên con đường thực hiện sự thuần nhất và thống nhất trong nội tâm con người.

Để lợi lạc của việc cúng dường được viên mãn, chúng ta phải không ngừng tiếp tục xem xét lại và thể nghiệm lại các nghi thức cúng dường. Trong tiến trình này, sự đa dạng và nhất là ý nghĩa vô tận của các biểu tượng nghi lễ cần phải được thể nghiệm rất nhiều lần để chúng ta có thể cảm nhận tất cả các mặt khác nhau của nó, và qua cách hành trì nầy, nghi lễ sẽ trở thành suối nguồn của những trực cảm mới mẻ. Nhưng nghi lễ cúng dường Đức Phật (puja) chỉ làm được vai trò nầy nếu chúng ta luôn thực hiện nó với “cái tâm của người mới bước vào đạo”, không bị kẹt hay chấp vào những cái thấy biết mà ta đã được một lần thễ nghiệm, hoặc không mong đợi là chúng ta sẽ được thể nghiệm lại những kinh nghiệm đã trải qua từ trước. Vì làm như thế, chúng ta sẽ chận đóng lại dòng chảy tự do của kinh nghiệm sáng tạo mà tự nó là suối nguồn sáng tạo nội tâm vô tận, và chỉ khi nào được tự do tuôn chảy, nó mới có thể nuôi dưỡng tiến trình thay đổi, thống nhất, tỏa sáng và trong suốt liên tục trong tâm thức chúng ta mà thôi.

Trong khi hành lễ cúng dường Đức Phật (puja), người Phật tử biết rõ là mình không đang “làm phù phép”. Vị ấy biết rất rỏõ là trạng thái tâm của người hành lễ sẽ quyết định sự  hiệu quả của những câu thần chú, cách thức bắt ấn, và những hành động mang tính biểu tượng như thắp đèn cầy, biến nước thường thành nước bất tử (amfta), hay việc chưng bày hương hoa lễ vật cúng dường.  Qua sự kết hợp hoà điệu và nhuần nhuyễn của hình thức nghi lễ (gồm âm thanh và nhịp điệu), cảm xúc (đến từ lời kêu gọi và tình cảm hiến dâng cho đạo pháp) và tâm thức (những tâm sở dựa trên tri thức và kinh nghiệm), những năng  lực tâm ly ù sâu xa và tiềm ẩn (những năng lực ít bị sự chi phối nhất của tầng ý thức bên ngoài) sẽ được đánh thức, củng cố và chuyển hoá.

Hình thức (Sắc) ở đây rất thiết yếu vì nó là cái chứa đựng chất lượng của nghi lễ.  Cảm xúc (Thoï) là thiết yếu vì nó tạo sự thống nhất,  có tác dụng giống như sức nóng của lửa làm nóng chảy nhiều kim loại khác nhau và kết hợp chúng lại thành một thể thống  nhất mới. Mặt khác, tâm thức (Idea) là “chất liệu”, hay là cơ sở  vật chất cơ bản (prima materia) mang lại sức sống cho tất cả nhân tố tạo nên tâm thức con người và đánh thức những năng lực đang còn ngủ yên trong tâm thức đó. Chúng ta không nên hiểu từ "tâm thức" dùng ở đây  là tư duy trừu tượng, mà nên hiểu theo ngữ gốc Hy lạp của nó, eidos, nghĩa là một hình ảnh sáng tạo, hay là một loại kinh nghiệm sống thật trong đó thực tại được phản ánh và không ngừng được tái tạo và sáng tạo một cách mới mẻ.

Trong khi hình thức của các nghi lễ cúng dường được biết bao thế hệ kết tinh lại và không ngừng được thay đổi sau hàng ngàn năm, cái tâm thức (idea) đứng phía sau những hình thức nghi lễ cũng luôn được thay đổi và tiếp tục tạo nguồn cảm hứng cho những sự thay đổi về nghi thức mới mẻ trong tương lai.  Cái tâm thức nầy chính là quà tặng mà Đức Phật dành cho đệ tử của ngài. Nhưng ngọn lửa bắt nguồn từ những khối óc và trái tim sáng tạo dựa trên cơ sở của sức mạnh sáng tạo đến từ quà tặng của Đức Phật có thể thắp sáng và đốt cháy hay không phải tuỳ thuộc vào phần đóng góp của người đệ tử Phật. Chỉ khi nào niềm tin của người đêï tử Phật được khởi lên từ một nội tâm vững chắc, và niềm tin của vị ấy đối với giáo pháp là thuần tịnh thì vị ấy mới có được sự thống nhất nội tâm. Nhưng nếu không tu tập thì vị ấy vẫn không thể tiếp nhận và phát triển được tâm thức. Nếu tinh thần vị ấy bị mê mờ và chậm chạp thì những năng lực nội tâm sẽ không thể đáp ứng được lời kêu gọi của Đức Phật. Và nếu thiếu sự tập trung thì vị ấy sẽ không thể kết hợp được tâm và ý của mình cùng với những hình thức nghi lễ một cách hoà điệu và nhuần nhuyễn được.

Như vậy, nghi lễ Phật giáo trong tất cả khía cạnh của nó không phải là một phương pháp để tránh né những phiền nảo của cuộc đời hay để trốn tránh những nghiệp quả do chúng ta gây nên, mà là một phương tiện hổ trợ chúng ta trên con đường đạo.  Nó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực và đấu tranh kiên trì. Chỉ khi nào người hành trì ý thức rõ ràng cái tinh chất cốt lõi của nó  thì toàn bộ nghi lễ hoặc những bộ phận của nó như  ấn, chú, mạn đà la, và tất cả những biểu tượng và hành động liên hệ đến nghi lễ mới trở thành hữu ích. Bất kỳ ai dùng nghi lễ cúng dường hay bất cứ bộ phận nào của nghi lễ để phục vụ những mục tiêu ích kỷ của họ sẽ tạo nên những năng lực tiêu cực và những năng lực nầy sẽ có tác dụng ngược lại trên người ấy. Như vậy, chúng ta không thể niệm thần chú hay sử dụng bất cứ nghi lễ tôn giáo nào hay dùng sức mạnh thần thông để hóa giãi nghiệp báo và hậu quả tiêu cực của những hành động mà chúng ta đã làm. Chỉ bằng cách làm trong sạch tâm và bằng nỗ lực tâm linh chân thật mà con đường giải thoát giác ngộ mới có thể được viên mãn. Milarepa đã nhắc nhỡ chúng ta rằng:

               Nghi lễ tôn giáo có lợi ích gì
               nếu thân, khẩu, ý không đi đúng Chánh pháp?
               Nghi lễ tôn giáo có lợi ích gì
               nếu sân hận không được nhiếp phục?
               Lời kêu gọi “Xin hãy Từ bi!” có lợi ích gì
               nếu chúng ta không thể yêu người khác hơn chính mình?

Ngày nay ở các nước phương Đông và phương Tây,  có những đạo sư truyền  dạy thần chú cho đệ tử mà không khai tâm cho đệ tử theo chiều hướng và ý nghĩa của những thần chú ấy. Sự lập lại một cách vô nghĩa của một âm thanh mang tính biểu tượng may mắn lắm thì cũng chỉ dẫn đến sự thư giãn của một trạng thái thôi miên. Thần chú, ấn quyết, và mạn đà la là những phương tiện trợ giúp cho thiền định. Nếu chúng trở thành những đối tượng của một niềm tin mù quáng hay trở thành những phương tiện để đạt được lợi lộc ở đời thì chúng sẽ mất đi thật nghĩa của chúng. Đức Phật đã đặt con người ở vị trí trung tâm trong hệ thống thế giới của ngài--đó là con người có thể tự giải thoát bằng nỗ lực của chính mình mà không nhờ vào sự can thiệp của thần thánh hay yêu thuật. Nếu nghi lễ hay bất kỳ một bộ phận nào của nó bị lạm dụng theo cách này thì nó mất đi ý nghĩa và tinh thần của lời dạy của Đức Phật và trở thành một sự trói buộc thay vì là một phương tiện khả dĩ đưa đến giải thoát. 

Nhưng chính vì chỉ trích tính "yêu thuật" của các nghi lễ tôn giáo mà những nhà nghiên cứu Ấõn độ học và Tây tạng học ở phương Tây đã  lên tiếng phê phán những nghi thức tôn giáo của Kim cang thừa ở Tây Tạng và Nhật Bản. Chúng được diễn giải như là những buổi lễ cầu thần thánh hay ma quỷ  và một phần của lễ cúng dường được so sánh giống như lễ nhập thánh thể  (transubstantiation) trong Cơ đốc giáo.

Đúng là kinh tạng Mật tông thật sự có nói đến những Devas, nghĩa là các chư thiên hay các vị thần thánh như là những hình tượng được quán niệm trong thiền định. Nhưng chữ Deva trong Mật Tông không liên hệ gì đến khái niệm Thượng Đế của những tôn giáo nhất thần ở Cận Đông. Đối với những người thuộc văn hóa Ấn Độ, Devas là những vị giống như tất cả chúng sinh khác vẫn còn bị trói buộc trong luân hồi sinh tử. Theo Mật Tông, Devas hay chư thiên sẽ  xuống cõi trần khi chúng ta kêu gọi họ, cho họ một hình dángï trong ý thức của ta, và tôn kính họ, cho dù họ chưa bao giờ có mặt trước đó, và họ sẽ ra đi khi không còn được mời gọi nữa, cho dù họ đã sống cả hàng ngàn năm trong ý thức của con người. Vì họ là những phương tiện giúp con người phát triển  năng lực thấy biết của mình, nên việc kêu gọi và tôn kính họ là những hành động sáng tạo về tâm linh dựa trên sự tập trung vào một ý tưởng, một hình ảnh, một biểu tượng, hay ngay cả một  cảm xúc.

Năng lực chuyển hoá của sức quán tưởng các chư thiên (Devas) sẽ có hiệu quả cao nhất khi tất cả những yếu tố này (sự tập trung vào một ý tưởng, một hình ảnh, một biểu tượng, và một cảm xúc) được kết hợp hài hòa với nhau, và nó sẽ không phát huy tác dụng nếu việc kêu gọi chỉ là một hành động thuần túy máy móc hay một màn kịch  trí thức. Nhưng nghi lễ được tiến hành trong tinh thần thiền định đúng đắn là một cách để thống nhất, kết hợp, và mang lại sức sống sáng tạo cho những ý tưởng, hình ảnh, biểu tượng, và tình cảm của người hành trì. Vì vậy nghi lễ có thể trở thành cái chìa khóa mang đến cho chúng ta sức mạnh và năng lực tiềm ẩn của các chư thiên được quán tưởng trong quá trình thiền định. Và đây là lý do tại sao trong những thế kỷ trước đây, những người có hiểu biết về các tiến trình tâm linh trong nghi lễ thường giữ bí mật các nghi lễ nhằm bảo vệ những người chưa đi vào đạo (chưa được khai tâm), và chỉ truyền những nghi lễ ấy cho những đệ tử có phẩm chất cao.

Người ta không "chế đặt" ra các nghi lễ--Nghi lễ bắt nguồn từ những kinh nghiệm tự nhiên và có thật của một số hành giả  có trình độ tâm thức rất cao.  Với thời gian, những vị nầy tích lũy kinh nghiệm và cách thức hành trì của biết bao thế hệ, và tiếp tục phát huy thêm. Nhưng nhìn chung, những gì họ đúc kết đều dựa vào cái cốt lõi đơn giản của một biểu tượng hay của một hành động mang tính biểu tượng đơn giản, xuất phát từ một cảm xúc tâm linh sâu sắc hay một nhận thức có năng lực chuyển hoá. Trong thời mạt pháp, cái cốt lõi này thường bị vùi lấp dưới những mớ nghi lễ vụn vặt không cần thiết, và khi điều nầy xảy ra, chúng ta có thể nói là nghi lễ đã "chết" hay đã mất hết ý nghĩa thật sự của nó.  

Trong Mật giáo, nghi lễ quan trọng nhất là nghi lễ quán tưởng về một hình ảnh của một vị thánh trong tâm thức của hành giả. Những nghi lễ nầy có sức sáng tạo vì chúng tác động đến những năng lực trong ý thức và tiềm thức của con người. Đây là những tác động không những trên cá nhân mà cả tập thể, không những trên chủ thể mà cả khách thể. Nói đến đây, chúng ta hảy trở lại vấn đề “thực tại” thật ra là cái gì? Những người theo Mật giáo cơ bản quan niệm rằng các vị thần thánh có hiện hữu ở ngoài chúng ta hay trong tâm thức chúng ta hay không, đây không phải là điều quan trọng.  Ngay cả việc chúng ta có thể dùng lý luận để chứng minh sự hiện hữu của các vị thầân thánh cũng không quan trọng. Vì ở đây, trong lãnh vực tâm linh, chỉ có những gì "có thật" hay "đang thật sự xảy ra" mới có khả  năng tác động như một sức mạnh sáng tạo. Từ quan điểm này, một hình ảnh, một biểu tượng, hay một nghi lễ có thể tác động trên tâm thức của hàng ngàn con người  và có khả năng chuyển đổi con người phải được xem như là “thực tại sống động và chủ động.” 

Qua lời khấn nguyện, những sức mạnh thiêng liêng sẽ xuất hiện trong tâm thức của người hành trì nghi lễ dưới dạng những hình tượng.  Sức mạnh thiêng liêng nầy  là những năng lực đã bắt rể sâu thẳm trong tâm thức chung của loài người sau hàng mấy nghìn năm sinh hoạt thờ phụng và tôn kính của nhân loại. Chúng chỉ chờ những lời khấn nguyện và kêu gọi của người hành trì nghi lễ để được đánh thức dậy, để có thể phát huy tác dụng chuyển hóa đã có sẳn của chúng.  Vì thế, lời khấn nguyện trong đạo Phật có chức năng tương tự như lời cầu kinh trong các tôn giáo hữu thần. Và nếu trong các tôn giáo hữu thần lời nguyện cầu là để giao lưu và "chuyện trò" với Thượng đế thì lời khấn nguyện trong đạo Phật là để kêu gọi và đánh thức những năng lực bên trong tâm thức của người hành trì nhằm đáp ứng ước mong đạt đến một trạng thái tâm viên mãn hay sự toàn giác của con người. Sức mạnh của lời khấn nguyện xuất phát từ mong ước mãnh liệt của người hành trì nhầm xóa đi khoảng cách giữa một bên là ý thức về sự thiếu sót và không hoàn thiện của mình và một bên là mục tiêu lý tưởng về sự toàn thiện và viên mãn tâm linh của vị ấy. Vì thế, khấn nguyện là phương pháp đầu tiên nhằm triển khai kho tàng kinh nghiệm vô tận ẩn chứa trong tầng ý thức chung, phổ biến, và sâu thẩm nhất của nhân loại. 

Nhưng nghi lễ không chỉ chuyển hoá người hành trì qua sức mạnh của lời nói.  Nó tác động trên toàn bộ tâm thức của của người hành trì , và nó phải làm như thế nếu nó muốn phát huy toàn bộ sức mạnh của nó.  Qua sự phối hợp của điệu bộ, lời nói, và tư tưởng, và qua sự phối hợp của thân, khẩu, ý cũng như qua sự kết hợp nhuần nhuyễn của cảm  xúc, những lời phát biểu, và sự tưởng tượng sáng tạo trong quá trình quán tưởng hình tượng của chư Phật, Bồ Tát, và chư thiên, chúng ta có thể phối hợp và thống nhất được tất cả chức năng có thể có trong đời sống tâm thức của mình. Trong quá trình nầy, không chỉ nhân cách bề ngoài của chúng ta mà cả những tầng lớp ý thức sâu xa hơn của chúng ta cũng bị tác độâng, để rồi qua việc hành trì đều đặn các nghi lễ mà toàn bộ con người của chúng ta sẽ dần dần chuyển hoá đưa chúng ta từng bước đến những mức thiền định sâu hơn, để rồi cuối cùng đến mức thiền định mà ngay cả cái hình ảnh quán tưỡng cũng không còn nữa.  Đó chính là quả vị giác ngộ tối thượng. 

Từ những thời xa xưa nhất, khai tâm (còn có tên là truyền tâm, khai đạo, điểm đạo) là buổi lễ chiếm vị trí then chốt nhất trong các nghi lễ. Từ những ngày đầu của nhân loại, lễ khai tâm có sức mạnh thôi thúc và chuyển hóa giúp con người học hỏi và thể nghiệm thực tại ở những cấp độ cao hơn.  Nó nâng thành viên thanh thiếu niên trong một bộ lạc hay một bộ tộc lên địa vị bình đẳng với các thành viên trưởng thành khác và được mọi người thừa nhận.  Nó hướng dẩn các vị giáo chủ, tù trưởng, hay các nhà vua tương lai về uy tín và năng lực thu hút (mana) của người lãnh đạo, bảo vệ và tăng cường sức mạnh cho những vị nầy trong  thế giới tâm linh huyền bí mới của họ để họ có thể đương đầu tất cả những nguy hiểm trên con đường phát triển nội tâm của mình. 

Trong đạo Phật cũng thế.  Lễ khai tâm rõ ràng có vai trò ngay từ lúc đầu. Vì thế, trong Trường Bộ Kinh (Dìgha Nikàya 16.5.30) có viết về một du sĩ nói với Aïnanda như sau “Thật là một lợi lạc lớn cho tất cả các vị, rất có lợi cho tất cả các vị vì các vị  được tôn phong đệ tử trước mặt của bậc Đạo sư”.  Chẳng hạn như trong thời Vệ đa,ø “Lễ khai đạo” hay "Lễ ban nước thánh" (Skt. abhiseka) được tiến hành trong lễ đăng quang của một vị vua.  Trong buổi lễ nầy,  nước thánh được rảy ướt trên đầu tóc của nhà vua  để giúp mang lại cho ông quyền lực và sức mạnh thu hút của hoàng tộc. 

Và từ rất sớm, Đức Phật nói về các đệ tử của mình như là những người con trai và con gái trong cùng  một gia đình cao quý (arya-kula) của những người hướng về quả vị tâm linh cao thượng. Những ai được “sinh từ miệng của Ngài” sẽ thừa hưởng gia tài người cha tinh thần của họ để lại. Và vì vậy, trong tiến trình phát triển của đạo Phật ở Ấn độ, qua lễ khai tâm (abhiseka), những đệ tử trở thành Phật tử hay tín đồ của Đức Phật, và qua đó, tiếp thu được sức mạnh để thực hiện sứ mệnh tương lai của họ: đó la ø tu tập để trở thành một Đức Phật vì lợi ích của thế gian, một vị vương trên thế gian (cakra-vartin) trong thế giới tâm linh của con người. 

Đặc biệt là qua sự phát triển của Kim cang thừa, lễ khai đạo hay khai tâm (abhiseka) trở thành nguồn sức mạnh đột phá và khai mở quá trình rèn luyện tâm linh lâu dài của người đệ tử. Qua đó những kinh nghiệm thiết yếu và kiến thức được đúc kết và tập trung lại qua biết bao thế hệ đạo sư trở thành nguồn động lực thôi thúc, đặc biệt là hình thức truyền tâm của vị đạo sư mà bản thân ông đã phát triển và tiếp nhận từ chính vị đạo sư của mình, và bây giờ ông trao truyền laị cho đệ tử của mình qua nghi lễã “truyền tâm” (tiếng Tây Tạng là dBang-nskur); vị đệ tử tiếp nhận đạo lực này, và triển khai nó cho đến lúc tâm thức của vị ấy có thể cởi mở, tiếp thu, và kế thừa nó. Đạo lực được tiếp nhận sẽ chỉ ra phương hướng tu tập và tạo nguồn cảm hứng cần thiết để vị đệ tử tiếp tục tinh tấn chuyên chú trên con đường tiến đến mục đích tối thượng. 

Trong lễ truyền tâm, người đệ tử  tiếp nhận hương vị đầu tiên của cứu cánh giải thoát khi được chia sẻ tâm thức và trình độ giác ngộ của vị đạo sư. Chính kinh nghiệm này giúp cho người đệ tử mới bước vào đạo tin tưởng rằng mình sẽ đạt được mục tiêu tối thượng và nên tập trung mọi nỗ lực cho mục tiêu nầy.  Từ đây trở đi, vị ấy không còn là một người tầm đạo mù mờ nữa mà là một người biết rỏ mình đang đi về đâu. Vị ấy tràn ngập với niềm tin (Phạn ngữ là zràddhaø) bất thối chuyển, để rồi việc tu tập (sàdhana) chỉ đem lại niềm hạnh phúc và hỷ lạc sâu sắc trong nội tâm vị ấy. Và bây giờ, quá trình tu tập không còn là việc phải cực lòng chấp hành những bổn phận cuả một người đệ tử và cũng không còn là việc thực hành những thời khóa tôn giáo hay những buổi lễ tụng kinh mang tính thường xuyên và ước lệ. 

Vì lẽ đó việc truyền tâm của một vị đạo sư chân thật vượt lên trên tất cả những khác biệt về trường phái, hệ phái, và những lý luận kinh viện. Đó là việc đánh thức cái thế giới nội tâm của mỗi người chúng ta, cho dù chúng ta chỉ thoáng cảm nhận điều này thôi, nó cũng sẽ định hướng con đường phát triển tâm linh và toàn bộ cách sống của chúng ta, mà không cần sự cưỡng bách của bất cứ quy luật nào từ bên ngoài. Vì thế lễ truyền  tâm là quà tặng lớn nhất của một vị đạo sư dành cho người đệ tử của mình.  Quà tặng nầy quý hơn cả lễ thụ phong chính thức để gia nhập tăng đoàn hay bất kỳ một tổ chức tôn giáo nào. Lễ thụ phong có thể luôn được tiến hành mà không cần đòi hỏi những phẩm chất tâm linh hay đạo lực của người thụ phong hay người dự tuyển thụ phong, miễn là người dự tuyển thụ phong sẵn lòng tuân thủ những luật lệ được quy định và không bị những khuyết tật về thể chất, đạo đức hay tinh thần. 

Mặt khác, lễ truyền tâm (abhiseka) là một nghi thức mà nhờ đó tâm thức của người được khai tâm mở ra một phương hướng mới.  Và cùng với những lời hướng dẫn cũng như những chú nguyện, phương hướng mới này sẽ khởi động và làm thúc đẩy quá trình chuyển hóa nội tâm của hành giả. Trong mối liên hệ này, lời chú nguyện (mantras), (ngoài tính chất đặc biệt của chúng là những biểu tượng nguyên gốc của một thái độ tâm lý cá biệt) là những tinh chất được đúc kết từ kinh nghiệm hàng trăm năm tu tập và thiền định.  Thêm vào đó, lời chú nguyện còn mang dấu ấn tình cảm và cá nhân đặc biệt gắn liền vị đạo sư và người đệ tử với nhau. Những lời chú nguyện này cùng với kinh nghiệm thiền định nhắc nhở người đệ tử nhớ lại giờ phút khai tâm của mình, và làm trào dâng lên trong tâm vị ấy sức mạnh để tiếp tục trên con đường đạo mà vị ấy đã bắt đầu.

 Cái “sức mạnh” được truyền trao trong lễ khai tâm chỉ có hiệu lực trong lĩnh vực tâm linh, và chúng ta không được lợi dụng nó cho những mục đích tư riêng. Nó là năng lực khởi động quá trình chuyển hoá nội tâm của một con người khi người ấy mở rộng tâm mình để tiếp thu tác động chuyển hóa đó; để rồi người ấy trở thành người thị hiện sự chứng ngộ vượt lên trên phạm vi cá nhân và có thể tác động lại trên người khác.  Vì lý do nầy, vị đạo sư chỉ có thể tiến hành lễ khai tâm và truyền trao đạo lực của mình khi nào chính bản thân ông đã phát huy những đạo lực nầy sau nhiều năm tu tập nghiêm  chỉnh. Và người đệ tử chỉ có thể trưởng thành và trở thành một vị đạo sư  khi vị ấy không ngần ngại mở rộng tâm của mình tiếp nhận sự hướng dẫn tâm linh đặc biệt của thầy mình.  Và từ sự gắn bó về tâm linh giữa vị đạo sư và người “thiện nam tử” hay “thiện nữ tử” được chọn lựa ấy, người đệ tử  sẽ gia nhập vào đội ngũ những người thưà kế sự nghiệp tâm linh của thầy mình.


[1] Bốn sự chấp thủ đó là: chấp ái dục, chấp kiến, chấp giới, chấp ngã

[2] Mười trói buộc là 1.  Ngã kiến, thấy có cái ta.  Về ngã kiến có hai loại:  a.  Tin vào cái ngã thường hằng và bất biến (sassata-ditthi) b. Tin vào cái ngã sẽ bị hủy diệt (ucche-dapditthi) nghĩa là tin vào cái ngã tùy thuộc vào 5 uẩn (khandhas), khi năm uẩn tan rã, cái ngã cũng mất theo. 2.  Nghi ngờ. 3. Giới cấm thủ hay chấp chặt vàonhững giới điều đạo đức. 4. Tình dục. 5. Não hại (những mong ước xấu và có hại) cho chúng sinh và bản thân mình. 6. Tham đối với cuộc sống ở cõi sắc giới (ruparaga). 7. Tham đối với cuộc sống ở cõi vô sắc giới (aruparaga). 8.  Kiêu mạn. 9. Trạo cử (lăng xăng, không yên). 10. Vô minh.

[3] Quả dự lưu (sotapanna) là "người đang  trên đường vượt qua ba trói buộc đầu tiên, và do đó đã đi vào dòng đạo, hay người đã vượt qua ba trói buộc đầu tiên--Người đó được gọi là Tu đà hoàn" (Kinh Puggala Pannatti 1.47)

Theo DPNN

Các tin đã đăng: