Yếu nghĩa trì chú
18/06/2010 01:17 (GMT+7)

Chúng ta, phàm là người tu ai cũng phải nương theo thầy, theo bạn và nương vào những người đồng tu đồng hạnh đồng nguyện, đồng chí hướng với mình ( tự lực và tha lực).

Trước hết phải khẳng định, trong việc tu học, chúng ta không thể nào tu học một mình như các bậc Độc giác trước kia được mà phải dựa vào tha lực nơi chư Phật chư Bồ Tát.

Trì tụng Đà La Ni (trì chú) là một trong những con đường cho các hành giả tiếp nhận được năng lượng lành từ chư Phật chư Bồ tát, chư hiền thánh Tăng và của cả ông bà tổ tiên, những người lớn hơn có kinh nghiệm có thể yểm trợ cho các hành giả tu trì Đà la ni.

Vậy Đà la ni (thần chú) là gì, đó là những câu nói từ kim khẩu của chư Phật và bây giờ chúng ta trì tụng từ miệng chúng ta lại một lần nữa phát ra trong khi thân khẩu ý của chúng ta hợp nhất (gọi là tam mật gia trì).

Khi thân khẩu ý chúng ta thành tâm hợp nhất lại thì tự nhiên chúng ta có sức mạnh. Thân tâm chúng ta lúc này an hưởng trong tam muội, nói theo cách nói của các vị thiền gia là lúc này chúng ta an trú vào chính định. Khi tâm ta an trú vào chính định rồi, lúc này mỗi âm thanh ta phát ra đều có những tác động đáng kể.

Nếu như chúng ta dùng năng lượng này để hồi hướng và cầu nguyện cho một ai đó, mà người đó cũng nhiếp tâm đem thân khẩu ý của họ thành tâm hợp nhất để nghe và cũng lặp lại những âm hưởng đó, họ cũng tiếp nhận được năng lượng của chúng ta mà chuyển hoá được.

Khi nói đến vấn đề này nhiều người cho là khó hiểu. Thực ra điều này không khó hiểu. Nếu tôi tụng kinh Adiđà bằng thân miệng ý hợp nhất, thanh tịnh và có định lực thì trong tôi cũng sẽ phát ra một dòng năng lượng lớn như khi tôi trì chú vậy.

Nếu trong pháp hội tụng kinh đó mà có các vị mà thân tâm khẩu hợp nhất, họ cũng an trú trong chính định để lắng nghe lời kinh thì họ cũng tiếp nhận được những nguồn năng lượng mầu nhiệm như tôi vậy.

Tụng kinh mà được như vâỵ ta thấy mình có sự chuyển hoá liền cũng như trì tụng Đàlani. Vì tụng kinh ở đây không chỉ là phát ra âm thanh thuần tuý mà trong âm thanh đó còn có năng lượng.

Ngược lại nếu chúng ta chỉ tụng kinh bằng miệng mà thân tâm không hợp nhất thì chúng ta cũng sẽ chẳng tiếp nhận được gì để chuyển hoá. Đó chính là yếu nghĩa của tổng trì Đàlani.

Chư Phật, chư Bồ Tát là những vị có định lực lớn.Trong từng sát na các Ngài đều an trú trong chính định. Từ trong chính định các Ngài có đầy những tâm từ và tuệ lực, do đó những điều các Ngài nói ra đều trở thành Đàlani.

Nếu các hành giả tiếp nhận những câu nói, những âm thanh của các Ngài với tâm trạng tỉnh thức, với tam mật thân khẩu ý nhất như chúng ta sẽ tiếp nhận được năng lượng nơi Phật và các vị Bồ tát.

Vậy trì tụng Đalani có nhất thiết phải trì bằng Phạn ngữ không? Không nhất thiết. Bất cứ âm thanh nào, câu nói nào được phát ra trong chính định của tam mật thân khẩu ý đều có ảnh hưởng rất lớn đến xung quanh.

Khi Bồ tát Quán Thế Âm an trú trong chính định, ngài quán xét chúng sinh và Ngài có tình thương lớn đối với chúng sinh ấy thì một câu nói trong kinh Phổ môn cũng trở thành thần chú Đalani. Do tình thương mà trong Ngài lúc đó tràn đầy năng lượng cho nên tất cả những gì Ngài nói đều trở thành thần chú.

Cho nên khi tụng kinh Phổ môn hay tụng kinh Adiđà với thân khẩu ý nhất như chúng ta sẽ tiếp nhận được năng lượng hào quang của Phật Di Đà hay Bồ tát QTA. Còn nếu chỉ tụng như một bản nhạc hay một cái máy tụng kinh thì chúng ta sẽ không tiếp nhận được gì hết.

Hành giả tu trì Đalani cần phải nhớ; chư Phật, chư Bồ tát luôn có mặt trong ta, luôn phát ra năng lượng để gia trì cho ta. Cần phải có niềm tin nơi các Ngài. Khi chúng ta thực tập và hành trì bất kỳ pháp môn nào chúng ta cũng sẽ nhận được sự yểm trợ nơi các Ngài như khi tu trì Đàlani vậy.

Nguyên Hưng

 

Các tin đã đăng: