“Ai trước phóng dật, sau không phóng dật,
Sáng chói đời này, như trăng thoát mây,
Ai làm ác nghiệp, nhờ thiện chặn lại,
Sáng chói đời này, như trăng thoát mây”1.
Sám hối là một thực hành tu tập quan trọng và phổ biến trong Phật giáo. Sám hối là quán chiếu lại bản thân, xem mình đã phạm phải những lỗi lầm gì qua thân, khẩu và ý, từ đó thể hiện tâm ăn năn hối cải, và nguyện không để những hành vi sai trái như vậy xảy ra lại trong tương lai. Sám hối, cũng được cho là để “tỏ bày lỗi lầm của mình trước Phật, Bồ-tát, Sư trưởng hay đại chúng với mục đích mong được diệt tội”2. Vậy sám hối có thật sự diệt được tội hay không? Và ai là người có thể “giải tội” cho mình? Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Nếu nói “Tội tùng tâm khởi tương tâm sám/ Tâm nhược diệt thời tội diệc vong”, thì tội có thể diệt trừ sau khi sám hối và tâm được thanh tịnh. Nhưng trong một số bản kinh thuộc hệ văn học Nikaya, sám hối chỉ có thể làm giảm nhẹ tội đã tạo, mà tội đó không được “diệt trừ” hoàn toàn, cho dù người phạm tội đã sám hối, không chỉ bằng sự ăn năn, nhận tội, mà bằng cả sự tu tập chuyển hóa thân tâm của mình. Bài viết này xem xét một vài trường hợp được đề cập đến trong Kinh tạng Pāli, qua đó có thể phần nào cho thấy một vài khía cạnh của vấn đề này.
Thành tâm sám hối - Tranh PG
Trường hợp Tỳ-kheo Bhaddāli
Trường hợp của Tỳ-kheo Bhaddāli được đề cập trong Trung bộ, kinh Bhaddāli, bản kinh được đặt theo tên của vị Tỳ-kheo này. Bản kinh này thuật lại việc Tỳ-kheo Bhaddāli, cảm thấy ăn năn và hối tiếc, do không thể thực hiện được một học giới mà Đức Phật đã chế định. Học giới ở đây là “ăn chỉ ngồi một lần” (ekasanabhojana), mà nếu ăn như vậy sẽ “ít bệnh, ít não, nhẹ nhàng, có sức và lạc trú”. Nhận thấy mình có lỗi, không thực hiện được học giới này, Tỳ-kheo Bhaddāli đã đến gặp Đức Phật để xin sám hối: “Bạch Thế Tôn, một lỗi lầm đã chiếm đoạt con, thật là ngu ngốc, thật là si mê, thật là bất thiện. Trong khi chúng Tỳ-kheo chấp hành học giới đã được Thế Tôn chế định, con đã tuyên bố sự bất lực của con. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho con lỗi lầm này là một lỗi lầm để có thể phòng hộ trong tương lai”.
Đức Thế Tôn sau những lời khiển trách Tỳ-kheo Bhaddāli vì không giữ được học giới, đã nói rằng, “Này Bhaddāli, nếu ông sau khi thấy một lỗi lầm là một lỗi lầm, và như pháp phát lộ, chúng ta sẽ chấp nhận cho ông. Vì rằng, này Bhaddāli, như vậy là sự lớn mạnh trong giới luật của bậc Thánh, nghĩa là bất cứ ai, sau khi thấy một lỗi lầm là một lỗi lầm, phải như pháp phát lộ và phòng hộ trong tương lai”3.
Trong kinh Bhaddāli chúng ta thấy rằng, việc phát lồ sám hối diễn tiến qua những bước tuần tự sau: thấy được lỗi lầm của mình, ăn năn về lỗi lầm đó, sám hối lỗi lầm, và ngăn chặn lỗi ấy xảy ra lại trong tương lai. Ở đây, Tỳ-kheo Bhaddāli thấy mình có lỗi vì không thực hành trọn vẹn học giới được chế định, sau đó được chư Tỳ-kheo khác khuyên bảo nên tư niệm về điều đó, thầy ăn năn hối lỗi và tìm đến Đức Thế Tôn sám hối, Đức Phật chấp nhận sự sám hối đó và khuyên bảo phải “phòng hộ trong tương lai”.
Bản kinh này không cho ta thấy việc sám hối có thể diệt trừ được tội đã phạm hay không, hay nói cách khác khác là lỗi của một người có được miễn trừ sau khi sám hối hay không, mặc dù bản kinh cho biết rằng, khi một người phạm tội nhưng né tránh tội của mình, không chịu lắng nghe, lại thể hiện sự bất mãn, sân giận... thì “chớ có giải tội ấy một cách mau chóng”. Còn một người phạm lỗi, nhưng nhận lỗi, không thể hiện sự bất mãn hay sân hận đối với những người chỉ ra lỗi lầm cho mình, thì “hãy giải tội ấy một cách mau chóng”. Tuy nhiên ở đây ta có thể hiểu, “giải tội” ở trong ngữ cảnh này không có nghĩa là khiến cho tội đó được diệt trừ, mà có nghĩa là chấp nhận sự sám hối của người phạm lỗi, cho người phạm lỗi tiếp tục sống trong cộng đồng của mình, và lỗi mà vị ấy đã phạm sẽ không được nhắc trở lại. Nhưng bản thân người phạm lỗi cũng sẽ không phạm phải lỗi này nữa trong tương lai.
Một khía cạnh quan trọng khác của việc “giải tội” ở trong bản kinh này là để cho người phạm lỗi có cơ hội “sửa sai” và để người này không thui chột niềm tin, tức rằng để người này không đoạn diệt những phẩm tính tốt còn lại nơi bản thân mà họ có thể phát triển. Sự “giải tội” ở đây như vậy là thể hiện lòng từ bi của cá nhân hay cộng đồng mà người phạm lỗi đối diện “phát lộ”. Ở đây Đức Phật nói rằng,“Nếu chúng ta thường hay kết tội Tỳ-kheo này, thời chút ít lòng tin, chút ít lòng thương của vị ấy sẽ đi đến đoạn diệt. Vậy chúng ta hãy đừng để cho chút ít lòng tin, chút ít lòng thương của vị ấy đoạn diệt”. Và Ngài đưa ra sự so sánh rằng giống như một người chỉ còn lại một mắt, những người thân của vị ấy bảo vệ con mắt còn lại đó và nghĩ rằng không để cho con mắt còn lại này bị hủy diệt.
Nếu con mắt còn lại bị hủy diệt đi, hẳn nhiên, người này sẽ trở thành một người mù lòa, không còn nhìn thấy thứ gì cả. Nếu để những thiện căn còn lại nơi một người phạm lỗi diệt mất, người này sẽ trở nên tăm tối, mất đi niềm tin vào việc có thể trở lại sự thanh sạch và có thể thăng tiến trong lộ trình phát triển tâm linh.
Sự phát lồ sám hối trong kinh Bhaddālilại cho ta thấy thêm một điều khác cũng rất mực quan trọng trong việc sám hối, rằng lỗi của một người cần được chỉ cho biết, nhưng những người chỉ lỗi của người khác phải không phạm lỗi ấy, và họ chỉ ra lỗi lầm không phải vì sự ghét bỏ, mà với lòng từ bi mong muốn cứu giúp người khác, giống như trường hợp người ta bảo vệ con mắt còn lại của một người thân của họ, không để người ấy trở nên mù lòa. Với những người chỉ lỗi như vậy, người phạm lỗi sẽ có sự tin tưởng hơn trong việc nhận lỗi của mình, trong niềm tin rằng việc nhận lỗi sẽ không khiến họ bì dìm xuống sâu hơn mà là cơ hội để họ có thể tiến bộ trong con đường tu tập.
Trong đạo hay trong đời sống xã hội nói chung, chẳng mấy ai dám nhận lỗi hay “tự phê” khi đối diện với họ là một hội chúng thiếu từ bi và trí tuệ, muốn biết lỗi của người khác để rồi đi rêu rao và cũng có cớ làm hại họ. Việc nhận lỗi ở đây không phải được thực hiện một cách bí mật giữa một người với một người, mà được nói ra giữa nhiều người. Tuy nhiên, cho dù việc nhận lỗi được thực hiện trước nhiều người, lỗi lầm của người phạm cần giới hạn trong phạm vi đó, tức là trong phạm vi của những người nghe người kia nhận lỗi, và trong phạm vi một cộng đồng mà ở đó một lỗi lầm như vậy không được vi phạm.
Trường hợp Tôn giả Pukkusati
Trường hợp của Tôn giả Pukkusati được đề cập trong kinh Giới phân biệt (Dhātuvibhanga sutta)4. Vị Tôn giả này vì ngưỡng mộ Đức Phật và giáo pháp của Ngài nên đã từ bỏ gia đình, sống đời du sĩ và thực hành theo pháp Phật. Tuy vậy ông chưa hề một lần gặp Phật và không thể hình dung Ngài là người như thế nào. Tình cờ một lần nọ, trong một đêm ở tại trú xứ của vị thợ gốm tên là Bhaggava, Pukkusati đã gặp được Đức Phật, nhưng vì không nhận ra Ngài nên vị này gọi Đức Phật là Hiền giả. Đức Phật sau đó đã thuyết giảng cho Pukkusati. Khi nghe xong những gì được giảng dạy, Tôn giả nhận ra rằng người đối diện với mình không ai khác mà chính là Đức Thế Tôn, người mà ông đã “xuất gia và y cứ” và nhận làm Bậc Đạo sư. Khi ấy Tôn giả Pukkusati nói rằng, do vì “si mê và không khéo léo” ông đã xưng hô với Thế Tôn là Hiền giả, điều ông nghĩ là một lỗi lầm, và vì thế ông mong Thế Tôn nhận lỗi lầm ấy như một lỗi lầm.
Khi ấy Đức Phật nói rằng “...nếu Ông thấy một lỗi lầm là một lỗi lầm, và như pháp phát lộ, thời Ta chấp nhận lỗi lầm ấy cho Ông. Vì rằng, này Tỳ-kheo, đây là sự tăng ích trong giới luật của bậc Thánh, khi nào một ai thấy lỗi lầm là một lỗi lầm, như pháp phát lộ, để ngăn ngừa trong tương lai”.
Đoạn văn này là giống với đoạn văn ở trong kinh Bhaddāli, tuy rằng trường hợp phạm lỗi của Pukkusati khác với Bhāddali. Trong khi một người phạm lỗi vì không thể thực hiện theo học giới đã được Tăng chúng chấp nhận thực hiện, còn một người phạm lỗi chỉ vì vô ý không nhận ra người đối diện với mình là ai. Trong trường hợp của Pukkusati, ông phạm lỗi - nếu phải nói như thế - chỉ vì sự nhầm lẫn; và việc nhận lỗi của ông có thể xem như một sự “xin lỗi” hơn là một sự “sám hối”. Tuy nhiên, dù mức độ lỗi lầm như thế nào, việc nhận ra nó và sám hối, đều có sự “tăng ích” trong cuộc sống cũng như trong tu tập. Và thêm nữa, ở trong bản kinh này, Pukkusati phạm “lỗi lầm” với chính Đức Phật, và việc “nhận lỗi lầm cho ông” có thể được xem như việc Ngài bỏ qua sự nhầm lẫn này.
Trường hợp Ajātasattu
Ajātasattu (A Xà Thế) được nhắc đến khá nhiều trong kinh sách Phật giáo. Việc ông cấu kết với Đề Bà Đạt Đa để làm những điều bất thiện, cũng như việc ông giết hại cha của mình để soán ngôi đã trở thành những ví dụ điển hình về mối liên hệ giữa lòng tham quyền lực và cái ác. Nhưng câu chuyện về vua Ajātasattu cũng phản ánh một khía cạnh khác, rằng sự cải tà quy chánh, sự ăn năn hối lỗi có thể khiến người ta trở nên hiền thiện hơn, và chính lòng ăn năn hối lỗi sẽ giúp người ta tiến bộ hơn trong đời sống xã hội cũng như trong đường đạo.
Câu chuyện về Ajātasattu đến gặp Đức Phật và thể hiện lòng ăn năn vì đã giết cha của mình để đoạt ngôi được đề cập trong kinh Sa-môn quả5. Tuy nhiên, nội dung chính của bản kinh này không phải dành riêng cho câu chuyện này; câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Đức Phật và Ajātasattu chỉ là “duyên khởi” cho một nội dung kinh quan trọng hơn, là nói về các “quả” của những nhóm Sa-môn khác nhau. Việc Ajātasattu sám hối chỉ được đề cập đến ở phần cuối của bản kinh. Và ở đây ta xem xét là việc nhận tội của nhà vua có giúp vị vua này trừ diệt được trọng tội của mình hay không. Hay nói cách khác, việc sám hối tội lỗi do mình gây ra có giúp vị vua này tránh khỏi nghiệp quả của mình hay không.
Trước hết, cũng như ở trong kinh Bhaddāli, việc sám hối bắt đầu từ việc nhận ra lỗi của mình. Trong trường hợp của vua Ajātasattu, ông đã nhận thấy việc sát hại cha của ông là một trọng tội. Khi ông thấy đó là một trọng tội được gây nên bởi lòng tham quyền lực và vô minh, ông muốn thú nhận tội ấy. Và người mà ông tin tưởng và có thể đối diện sám hối là Đức Phật. Đoạn kinh trình bày về việc nhận lỗi của vua Ajātasattu như sau: “Bạch Thế Tôn, con đã phạm một trọng tội. Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, con đã hại mạng phụ vương con, một vị vua chơn chánh, để đoạt vương quyền. Mong Thế Tôn nhận cho con tội ấy là một tội để con ngăn chặn về tương lai”.
Và khi vua Ajātasattu ăn năn nhận lỗi, Đức Phật đã nói như sau: “Ðại vương, thật là một trọng tội. Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, Ðại vương đã hại mạng phụ vương, một vị vua chơn chánh, để đoạt vương quyền. Vì Ðại vương đã thấy tội ấy là một tội, đã thú tội đúng với Chánh pháp, Ta nhận tội ấy cho Ðại vương. Ðó là một sự tiến bộ, này Ðại vương, trong luật pháp của bậc Thánh, những ai thấy tội là tội, thú tội đúng với Chánh pháp, và ngăn chặn ở tương lai”.
Như vậy, sự nhận tội là một sự tiến bộ và tội ấy phải không được phạm lại ở trong tương lai. Nhưng ở trong đoạn kinh này, Đức Phật “nhận tội” của vị vua này, không có nghĩa rằng Ngài đã “xá” tội cho ông. Mà ở đây chỉ có nghĩa rằng, Ngài chấp nhận sự sám hối đó và việc nhận lỗi và sám hối như vậy là phù hợp với Chánh pháp, và sự nhận lỗi như vậy cũng sẽ góp phần giải tỏa tâm lý của người phạm lỗi.
Về mặt nhân quả, nhân của tội ấy không được diệt trừ hoàn toàn sau khi sám hối và người gieo nhân phải gặt quả, nhưng tất nhiên ở đây nhân quả không được trình bày theo kiểu: trồng dưa hái dưa, gieo lúa gặt lúa; ông đã giết cha để cướp ngôi thì con ông sẽ thực hiện điều tương tự như vậy đối với ông hoặc trong đời này hoặc trong kiếp sau. Mà nhân quả ở đây được diễn tả qua việc, bởi do vì đã gây nên tội giết cha, cho dù đã ăn năn sám hối, nghiệp nhân đó đã có những tác động tiêu cực đến việc phát triển trong đường đạo của ông. Điều này được trình bày qua đoạn kinh: “Này các Tỳ-kheo, tâm vua ấy rất ăn năn, này các Tỳ-kheo, tâm vua ấy rất hối lỗi. Nếu vua ấy không hại mạng vua cha, một vị vua rất chân chánh, thì tại ngay chỗ ngồi này, vua ấy đã chứng được pháp nhãn, không trần cấu, không ô uế”.
Như vậy, nếu Ajātasattu không phạm tội giết cha, thì khi nghe Đức Phật thuyết giảng về các “Sa-môn quả” và với sự chân thành ngay nơi việc phát nguyện quy y Tam bảo, ông đã “chứng được pháp nhãn”, nhưng do vì phạm tội giết cha, ông đã không chứng đắc được điều ấy. Tuy nhiên, trong kinh Sa-môn quả thuộc Trường A-hàm, sau khi Ajātasattu ra về, Đức Phật đã nói với các Tỳ-kheo rằng: “Vua A Xà Thế này, tội lỗi đã vơi bớt, đã nhổ trọng tội. Nếu A Xà Thế không giết cha, thì ngay tại chỗ này đã được con mắt thanh tịnh thấy pháp. Nhưng vua A Xà Thế nay đã hối lỗi, tội lỗi đã vơi bớt, đã nhổ trọng tội”6. Như vậy kinh Sa-môn quả thuộc Trường A-hàm xác định rằng, vị vua này đã giảm bớt tội lỗi, đã nhổ trọng tội nhờ ăn năn sám hối và quy y Tam bảo!
Trường hợp Angulimāla
Ở đây ta xét thêm một trường hợp khác để hiểu rõ hơn vấn đề này, trường hợp của Tôn giả Angulimāla, được đề cập đến trong kinh Angulimāla7, dù rằng bản kinh này không đề cập trực tiếp đến việc Angulimāla nhận lỗi với Đức Phật như những trường hợp ở trên. Angulimāla trước đó là một tên cướp giết người khét tiếng, được cho là “bàn tay vấy máu, sát hại, bạo tàn, không có lòng từ mẫn đối với chúng sanh”. Nhưng sau khi gặp và xuất gia theo Phật, ông đã tu tập tinh chuyên và chứng đắc Thánh quả. Nhưng dầu chứng đắc Thánh quả A-la-hán, nghiệp nhân ông tạo trong đời hiện tại cũng đã trổ thành quả. Tuy nhiên, nghiệp quả mà ông thọ nhận nhẹ hơn rất nhiều so với nghiệp nhân ông đã tạo. Điều này xảy ra nhờ bởi sự sám hối chân thành của ông, cũng như nhờ sự tu tập chuyển hóa, và chứng đắc Thánh quả của ông.
Bản kinh này thuật rằng, trong một lần đi khất thực, Tôn giả Angulimāla bị “lỗ đầu, chảy máu, bình bát bị bể, ngoại y bị rách” do một người nào đó vô tình ném đất đá, gậy gộc vào ông. Và khi ông đến gặp Đức Phật để thuật lại sự việc, Đức Phật nói rằng: “Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn! Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn! Ông đang gặt hái ngay trong hiện tại quả báo của nghiệp mà đáng lẽ ông phải chịu nấu sôi ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm”. Như vậy, nếu không sám hối, tu tập và chứng quả, vị Tôn giả này sẽ phải đọa vào địa ngục trong một khoảng thời gian lâu dài, nhưng nhờ sám hối và tu tập, tội nghiệp của ông được chuyển thành nhẹ hơn, và ông cũng phải nhận lấy quả báo đó.
Nhưng ở đây cũng cần nói thêm rằng, nhân tố chính giúp cho Angulimāla giảm bớt việc thọ nhận nghiệp quả không phải là việc “nhận tội” như một sự sám hối, mà chính nhờ vào việc tu tập chuyển hóa của ông. Tuy nhiên, việc nhận ra tội và sám hối lại chính là bước tiên khởi để ông bước vào Thánh đạo.
Nguyên Hiệp
___________________
(1) Trung bộ, tập II, kinh Angulimāla, HT.Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 2000, tr.517.
(2) Thích Minh Cảnh chủ biên, Từ điển Phật học Huệ Quang, tập IV, NXB. TP.Hồ Chí Minh, 2004, tr.916. Kinh Tứ thập nhị chương, chương V, thì cho rằng, người có lỗi lầm mà không sám hối để chấm dứt tội ấy thì tội chất chồng vào thân ngày càng lớn, như nước chảy về biển dần trở nên sâu rộng. Còn người phạm tội mà nhận biết được tội, bỏ ác làm lành thì tội tiêu diệt.
(3) Kinh Trung bộ, tập II, kinh Bhaddāli, HT.Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 2000, tr.215.
(4) Trung bộ, tập III, kinh Giới phân biệt, HT.Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1992, tr.541
(5) Trường bộ, tập I, kinh Sa-môn quả, HT.Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991, tr.93
(6) Trường A-hàm, kinh Sa-môn quả, TT.Thích Tuệ Sỹ dịch.
(7) Trung bộ, kinh Angulimāla, HT.Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 2000, tr.215.