Ý Nghĩa và Mục Đích Khóa Tu Phật Thất
08/08/2011 11:38 (GMT+7)

I. Ý Nghĩa và Mục Đích Khóa Tu Phật Thất 


Khóa tu Phật thất lần đầu tiên được tổ chức tại chùa Hoằng Pháp từ ngày 2/ 5 đến 9/ 5/ 1999 (17/ 3 đến 24/ 3 Kỷ Mão) với số lượng 68 Phật tử tham dự. Đến nay là khóa thứ 6 được tổ chức từ ngày 17/ 9 đến 24/ 9/ 2000 (20/ 8 đến 27/ 8 Canh Thìn) với số lượng Phật tử tham dự là 313 vị. Đây là một mô hình tổ chức khá mới lạ, nên dù đã mở được 6 khóa tu, và số Phật tử đến tham dự ngày càng đông, nhưng vẫn có nhiều người chưa hiểu rõ được về ý nghĩa của khóa tu.

Nay, nhân buổi pháp thoại này, chúng tôi xin được giảng giải về ý nghĩa và mục đích của khóa tu Phật thất, để quý vị hiểu thật rành rõ, khi đó mới có thể phát lòng chánh tín và chí tâm thực hành để đem lại lợi ích cho mình, cho người.

1/ Ý Nghĩa Phật Thất
Chữ “Phật” có nghĩa là niệm Phật. Chữ “Thất” có nghĩa là 7. Như vậy “Phật thất” có nghĩa là 7 ngày tu tập niệm Phật.

Quý vị nên phân biệt rõ sự khác nhau giữa hai từ “Phật thất” và “Nhập thất.” “Nhập thất”, nghĩa chữ thất ở đây là nhà. Nhập thất là chỉ có một người tu tập riêng biệt trong căn nhà một thời gian nào đó tùy theo sự phát nguyện. Còn Phật thất là một tập thể gồm nhiều người cùng tu tập niệm Phật trong thời gian 7 ngày tại tự viện.

Phật thất cũng có thể xem là đoản kỳ xuất gia và cũng là một dạng biến thể của Bát quan trai giới. Bát quan trai giới là hành giả phát nguyện tu trong 1 ngày 1 đêm. Còn Phật thất thì thời gian tu tập trong suốt 7 ngày 7 đêm. Đoản kỳ xuất gia là một loại hình thức xuất gia ngắn ngày, suốt trong thời gian 7 ngày ở tại chùa, người Cư sĩ tại gia cố gắng tu tập giống như đời sống phạm hạnh của người Tu sĩ xuất gia.

2/ Nguyên Nhân Và Vấn Đề Tổ Chức
Mô hình Phật thất do người Trung Quốc tổ chức đầu tiên. Có lẽ họ căn cứ theo kinh A Di Đà: “Nếu có người thiện nam thiện nữ nghe nói về Phật A Di Đà, chuyên trì danh hiệu, hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày Nhất tâm không loạn, người ấy khi chết được Phật A Di Đà và Thánh chúng hiện ở trước. Người này khi chết tâm không điên đảo liền được vãng sinh về cõi Cực lạc của Phật A Di Đà.”

Từ đó, các bậc Tổ sư Trung Quốc đã nghĩ ra mô hình Phật thất nhằm tạo điều kiện cho Phật tử tại gia đến chùa tu tập trong 7 ngày để tinh tấn niệm Phật đạt đến chỗ “Nhất tâm bất loạn”.

Còn ở Việt Nam, Phật thất có từ lúc nào và được tổ chức ở đâu, thì chúng tôi không biết chắc chắn, nhưng tại Thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ chùa Hoằng Pháp là nơi tổ chức mô hình Phật thất đầu tiên.

Nguyên nhân nào mà chúng tôi tổ chức khóa tu Phật thất này?

Trước đây chúng tôi có hoài bão làm thế nào tổ chức được một đạo tràng tu học có quy củ nề nếp, dành cho Phật tử tại gia. Khi tìm hiểu về các khóa tu học của Phật giáo Đài Loan qua sách vở, nhất là thông tin của Phật Quang Sơn, trong lòng chúng tôi rất cảm mộ và ao ước có dịp nào được đến đó chiêm bái và học hỏi thêm kinh nghiệm tổ chức của Phật giáo nước bạn.

Thế rồi một nhân duyên đã đến, Thầy Minh Hiệp du học bên Đài Loan về chơi, có ghé thăm chùa Hoằng Pháp. Thầy mời chúng tôi qua Đài Loan dự lễ khánh thành tháp Phật Đà Xá Lợi do Thượng tọa Thích Quảng Tâm xây dựng. Nhân chuyến đi này chúng tôi có đến thăm Phật Quang Sơn. Hôm đó chúng tôi được tham dự một thời công phu khuya, nhận thấy từ cách xếp hàng, đi đứng đến việc tụng kinh, từng động tác lễ lạy của đại chúng đều được thể hiện rất trang nghiêm. Chắc chắn họ phải trải qua một quá trình luyện tập thật kỹ mới được như vậy.

Sau đó, chúng tôi đến chùa Linh Nham của Hòa thượng Diệu Liên (Là đệ tử của Ấn Quang Đại sư) Hòa thượng là một trong những vị cao tăng chuyên tu về pháp môn Tịnh độ. Ngài đã nhiều lần Nhập thất tu pháp Ban Chu tam muội, thời gian mỗi lần Nhập thất là 90 ngày không ngồi, không nằm, không ngủ, chỉ đi đứng niệm Phật. Khi chúng tôi đến thấy khoảng gần 400 Phật tử đang niệm Phật tại chánh điện, âm thanh niệm Phật của họ trầm bỗng du dương, và động tác lễ lạy, đứng lên ngồi xuống, kinh hành của họ rất nhịp nhàng thuần thục. Quả thật công lao của chư Tăng huấn luyện cho Phật tử tu tập được như vậy là điều rất đáng phục, đáng để cho chúng ta học hỏi.

Được chứng kiến tận mắt, chúng tôi có suy nghĩ, so với Phật giáo Đài Loan, Phật giáo Việt Nam đã có bề dày lịch sử hơn 2000 năm, nhưng nhìn lại về hình thức tổ chức tu học cho Phật tử tại gia thì lại thua kém rất nhiều. Điều này khiến cho chúng tôi băn khoăn suy nghĩ, làm thế nào để đưa vấn đề tu tập của Phật tử chúng ta nâng cao lên, nhằm đạt được một trình độ nào đó, mặc dù chưa nói về tâm linh, chỉ riêng về mặt hình thức thôi thì cũng cần phải có một tổ chức để đưa Phật tử vào khuôn khổ nề nếp.

Chúng tôi rất muốn thực hiện mô hình tu học đó, nhưng không biết cách thức tổ chức như thế nào. Vì thời gian thăm viếng của chúng tôi lại quá ngắn ngủi, chỉ mới được nhìn ngó sơ sơ qua sự sinh hoạt, chưa tiếp xúc được nhiều, chưa nắm được một cái gì cụ thể hết thì làm sao tổ chức được. Cần phải có thời gian lâu dài ở tại chỗ, quan sát cách thức sắp xếp, điều hành như thế nào thì mới học hỏi được nhiều cái hay.

Nhưng khi chúng tôi hoài bão một việc gì thì nhất quyết phải làm cho bằng được. Với nhiệt tâm đó, chúng tôi trình bày với hai vị Thượng tọa Chánh và Phó Ban Đại diện Phật giáo huyện Hóc Môn về việc tổ chức mô hình Phật thất để tạo điều kiện cho Phật tử tu tập. Khi nêu ý kiến này ra thì cả hai vị Thượng tọa đều rất hoan hỷ và chấp nhận coi đó là Phật sự của Ban Đại diện Phật giáo huyện Hóc Môn.

Sau khi thống nhất ý kiến, Ban Đại diện quyết định đứng ra xin phép tổ chức, và địa điểm khóa tu Phật thất được đặt tại chùa Hoằng Pháp, do chùa Hoằng Pháp chịu trách nhiệm đảm nhận khâu tổ chức. Sau đó, chúng tôi lên xin phép Thành hội Phật giáo TP.HCM, khi mới nghe qua thì chư tôn đức lãnh đạo thấy cũng hơi lạ, nhưng sau khi nghe chúng tôi giải thích cặn kẽ, quý Ngài cũng hoan hỷ đồng ý cho tổ chức.

Về mặt chính quyền, khi đưa đơn xin phép thì Ban Tôn giáo huyện Hóc Môn cũng thấy hơi lạ, nhưng do đây là một Phật sự của Ban Đại diện nên Ban Tôn giáo thấy không có gì trở ngại, và tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ Ban Đại diện Phật giáo huyện Hóc Môn tổ chức khóa tu Phật thất. Trong buổi lễ khai khóa tu Phật thất đầu tiên, ông Nguyễn Kim On, Phó Ban Tôn giáo huyện Hóc Môn, phát biểu rằng: “Hôm trước Ban Đại diện có gởi đơn để xin tổ chức khóa tu, nhưng tôi thấy sao cái này nó lạ quá, trước đây tổ chức tu Bát quan trai chỉ có 1 ngày 1 đêm, mà bây giờ tổ chức tu Phật thất tới 7 ngày 7 đêm. Tôi mới suy nghĩ lại hình như trong kinh Di Đà có câu nhất nhật, nhị nhật, thất nhật gì đó, như vậy trong kinh nói là tu 7 ngày, chắc là quý vị tổ chức tu 7 ngày đây….” Câu nói này khiến mọi người hiện diện trong khóa tu đều cảm động và hoan hỷ.

Như vậy, bước thứ nhất là Giáo hội, bước thứ hai là chính quyền, tức là về mặt pháp lý, mọi việc tương đối được ổn định rồi.

Còn về phía nhà chùa, để tạo điều kiện thuận lợi cho một số đông Phật tử tập trung về tu tập trong nhiều ngày, thì trước nhất đòi hỏi phải có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như chỗ ăn, chỗ ngủ, nhà vệ sinh…; rồi kéo theo nhiều thứ như mùng mền, chiếu gối v.v…. Những thứ này có thể giải quyết được, nhưng cái đáng lo nhất là việc tổ chức thời khóa tu tập cho Phật tử như thế nào để ổn định và đạt được kết quả tốt đẹp. Sau đó chúng tôi có mời Sư Ngộ Chơn Thành trụ trì chùa Giác Hạnh ở Mỹ Tho, Tiền Giang đến cùng bàn bạc và đề ra chương trình tu học.

Chúng tôi phải tập trung quý Thầy lại để tập niệm Phật, suốt mấy ngày cũng chưa chọn ra được cách niệm Phật nào cho thích hợp. Rồi lại phải lo sắp xếp mọi việc ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh sao cho chu đáo, nhất nhất việc gì cũng đều mới lạ cả.

Mọi việc đã được sắp đặt xong xuôi. Chúng tôi còn lo một điều nữa là không biết có ai đến tu không? Vì tu Bát quan trai một ngày một đêm đã là khó rồi, còn tu Phật thất đòi hỏi tới bảy ngày bảy đêm thì không dễ gì có người đủ điều kiện tham dự.

Nhưng rồi do nhân duyên tốt đẹp, khóa tu đầu tiên được gần 70 người tham dự. Mặc dù là lần đầu tiên tổ chức khóa tu Phật thất, nhưng chúng tôi đã đưa ra những nội quy cùng thời khóa tu tập khá nghiêm ngặt. Từ hạt nhân 70 người này có lẽ sau khi tu tập khóa Phật thất đầu tiên chắc đạt được nhiều điều hay và lợi ích, nên mới Giới thiệu với bạn bè. Đến khóa 2 số lượng tăng gấp đôi gần 150 người. Và đến khóa 6 này thì đã hơn 300 vị.

Đến khóa 3, chúng tôi có nghe một Phật tử nói chùa Nhất Nguyên ở Bình Dương cũng tổ chức tu niệm Phật tới 100 ngày. Chúng tôi liền đến tận nơi tham khảo để học tập rút kinh nghiệm cho tổ chức của mình. Chúng tôi được biết khóa niệm Phật bá nhật này được tổ chức từ trước năm 1975, cứ mỗi năm tổ chức một lần kéo dài tới ngày vía Phật A Di Đà thì kết thúc. Về thời khóa tu tập, thì thấy họ luân phiên niệm Phật suốt ngày đêm, có tính chất tự do. Sau khi quan sát kỹ cách tu hành này, chúng tôi thấy tổ chức niệm Phật như thế rất hay nhưng không thể đưa mọi người vào khuôn khổ nề nếp được.

Khóa 6 này chúng tôi dự định nhận khoảng 250 người thôi. Khi Phật tử đăng ký đã đủ số lượng như dự định, chúng tôi đã ngưng không nhận nữa, nhiều vị cứ điện thoại về xin mãi. Cuối cùng chúng tôi bàn với quý Thầy là người ta ham tu quá, cũng phải tạo điều kiện cho họ tu thôi. Về phía nhà chùa thấy quý vị về tu đông thì rất hoan hỷ. Nhưng sau cái vui là cái lo, lo là không tạo được mọi điều kiện thuận lợi tốt đẹp để cho các vị tu. Vì khi quý vị về đây tu tập đông đảo mà chỗ ăn chỗ ngủ không được chu đáo, không biết quý vị có hoan hỷ không, hay là đôi khi do chật hẹp lại sinh phiền não thì uổng công tu tập quá.

Để đáp ứng nhu cầu tu học ngày càng đông của quý vị, chúng tôi đã nới rộng thêm nhà ăn, nhà vệ sinh, và đang tiến hành xây dựng một dãy nhà ngang 14m, dài 38m, một trệt hai lầu với sức chứa khoảng hơn 600 người. Nhưng rồi không biết trong tương lai những cơ sở vật chất ấy có đủ để phục vụ cho nhu cầu tu học của quý vị không?

3/ Mục Đích Của Khóa Tu Phật Thất
Khi đưa ra mô hình khóa tu Phật thất tại Việt Nam, chúng tôi nhằm vào mục đích: Để giúp cho những Phật tử tại gia có điều kiện thuận lợi cắt bớt trần duyên, đến chùa tu tập hầu thúc liễm thân tâm, trau giồi Giới đức, Nhất tâm niệm Phật, chứng nghiệm sự an lạc trong Giáo pháp của Phật.

1. Cắt bớt trần duyên.

Trần có nghĩa là bụi bặm; cắt bớt trần duyên nghĩa là cắt bớt cái duyên bụi bặm. Thường người ta gọi là trần thế hay thế gian, để chỉ cho cõi đời này. Tại sao lại gọi cõi đời này là bụi bặm? Trong kinh A Di Đà, Đức Phật cũng nói cõi đời này là ngũ trược: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược, là năm thứ dơ bẩn…

Vì trong cuộc đời này chúng ta thường đắm chìm vào năm thứ ham muốn (ngũ dục) là tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn ngon, ngủ kỹ. Đó là những thứ mà con người chúng ta bị lệ thuộc, bị ràng buộc vào đó. Từ những thứ ham muốn đó nó lôi kéo chúng ta đi vào cái vòng tham, sân, si, phiền não, nối tiếp theo muôn ngàn điều ác. Vì muốn có được tiền tài, sắc đẹp, danh lợi mà chúng ta phải lao vào tính toán, thậm chí gây ra biết bao tội lỗi để phục vụ cho ngũ dục.

Vấn đề mà chúng ta thấy trong thế gian ít ai tránh khỏi, đó là nghiệp nhà, nghiệp gia đình, vợ chồng, con cái, từ cái nghiệp nhà này đã gây biết bao nhiêu điều phiền toái, bất hạnh xảy ra.

Cho nên người đời thường nói: “Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo.” Tuy biết đó là nghiệp báo, là oan gia, nhưng người đời vẫn cứ ham thích. Vẫn biết nghiệp nhà là nghiệp phiền não, nghiệp đau khổ, nhưng mà hình như người ta vẫn không sao tránh được nó. Vì đã vướng vào vòng tình ái thì bao nhiêu dây oan gia nghiệp chướng cứ theo đó mà phát sinh, kéo dài mãi, cứ nối tiếp như vậy không bao giờ ngừng nghỉ, gây cho ta một cái vòng oan nghiệt đau khổ Luân hồi. Như bài kệ sau đây của Ngài Thanh Sĩ:

“Nghiệp cha mới vừa buông con bắt

Hết cháu rồi kế chắt nối truyền

Cứ như thế đó lưu liên

Gây nên một mối thảm duyên nhiều đời

Cha mẹ chết con rơi nước mắt

Con chết thì cháu chắt khóc ròng

Vợ thì chan chứa vì chồng

Chồng thì vì vợ đôi dòng lệ rơi

Nước mắt ấy từ đời vô thỉ

Bốn biển to đem ví không cùng

Tử sinh Sanh tử không ngằn

Dây oan đáng sợ, nợ trần đáng ghê.”

Như chúng tôi đã trình bày, cái nghiệp gia đình đã ràng buộc chúng ta không những đời này mà là nhiều đời nhiều kiếp rồi, muốn thoát ra khỏi cái vòng Luân hồi Sanh tử, muốn cắt bỏ dây oan gia nghiệp chướng này không phải dễ dàng đâu. Nếu chúng ta không đại hùng đại lực thì không thể cắt được. Như câu:

“Ái bất trọng bất sinh Ta bà

Niệm bất nhất bất sinh Tịnh độ.”

Có nghĩa là nếu chúng ta không có tình cảm luyến ái thì chúng ta không sinh ở cõi Ta bà này. Vì tình cảm luyến ái đó mà chúng ta phải sinh vào cuộc đời này luẩn quẩn hết làm người, đến làm thú trong Dục giới không bao giờ nhàm chán. Và nếu chúng ta niệm Phật mà không chuyên tâm, “Nhất tâm bất loạn” thì không thể sinh về cõi Phật được.

Cho nên cái tình cảm, cái luyến ái của gia đình thế gian là lối sống quen thuộc của con người. Từ đó gây nên bao nghiệp chướng nặng nề, khiến bị chìm đắm trôi lăn mãi trong biển khổ Luân hồi Sanh tử.

Người tu muốn chấm dứt khổ lụy tái sinh thì phải lập chí mạnh bước ra khỏi mọi trói buộc hệ lụy về năm thứ ham muốn. Phải biết tu tập xả ly, cắt đứt không luyến tiếc bất cứ cái gì, gắng công tập buông bỏ mọi lo nghĩ, mọi bám víu quá nặng về vật dục, siêng năng tháo gỡ từng hồi, từng chút mọi đeo níu vào cái tình cảm ham thích dục lạc đó.

Cho nên khóa tu Phật thất này là để tạo điều kiện cho quý vị tập cắt bớt trần duyên. Nếu quý vị chưa thể cắt được trọn vẹn, thì tập cắt 7 ngày. Như vậy khi đến đây, quý vị có còn nghĩ gì đến chuyện gia đình nữa hay không, cái đó đòi hỏi ở tâm tư của mỗi vị phải khẳng định và cố gắng buông hết, đừng có còn nghĩ gì hết.

Ông Lê Văn Bái có lẽ cũng thao thức trong vấn đề cuộc sống và muốn cắt đứt trần duyên nên đã làm bài thơ sau:

“Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá

Lệ lòng mong cạn chốn am không

Cửa thiền một đóng duyên trần dứt

Quên hết người quen chốn bụi hồng.”

2. Thúc liễm thân tâm.

Thúc liễm thân tâm có nghĩa là cột trói thân tâm. Quý vị thường nghe nói trong kinh Đức Phật ví tâm chúng ta là “tâm viên, ý mã.” Có nghĩa là tâm của chúng ta vốn buông lung phóng túng, lăng xăng nghĩ tưởng đủ thứ không ngừng, ví như con khỉ leo trèo nhảy nhót không biết chán, ý thức chạy rong không bờ bến giống như con ngựa chạy.

Quý vị khi ở ngoài muốn làm gì thì làm, muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ, đi lại tự do, buông lung phóng túng. Khi vào đây tu tập, chúng tôi tạo điều kiện để cho quý vị thúc liễm thân tâm, nghĩa là cột trói thân tâm lại bằng những Giới luật, bằng những thời khóa tu tập. Chẳng hạn như quý vị chịu ngồi đây từ sáng đến giờ là đã cột thân lại ở đây rồi, nếu để tự do có lẽ quý vị đã không chịu ngồi yên.

Trong khóa tu Phật thất, pháp tu của chúng ta là niệm Phật. Trong lúc niệm Phật, thân chúng ta ngồi yên, miệng niệm Phật, ý chúng ta có chăm chú vào câu niệm Phật, nhớ tưởng đến Phật thì tâm chúng ta không vọng tưởng điên đảo hay lăng xăng nghĩ nhớ điều xấu gì khác, vì nhờ câu niệm Phật thúc liễm tâm chúng ta lại.

Vì thế, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở quý vị chú tâm vào từng động tác đi đứng, ăn uống… trong mọi sinh hoạt, thì mới có thể thúc liễm được cả thân và tâm.

Trong nhà Thiền thường sử dụng mười bức tranh chăn trâu để cụ thể hóa cho việc điều chỉnh tâm, rèn luyện tự tánh của chính ta từ lúc khởi điểm cho đến khi thành đạo hoàn mãn. Con trâu lúc ban đầu là trâu đen còn hung hăng chưa thuần thục, tượng trưng cho vọng tưởng điên đảo của chúng ta cứ lướt đi mãi không bao giờ dừng nghỉ. Muốn chế ngự sai sử được trâu, mục đồng phải lấy dây xỏ mũi nó, lại phải có cái roi để canh chừng dọa nạt. Hễ nó mà đi sai thì nắm mũi kéo lại, còn bướng quá thì lấy roi quất để răn đe. Cho tới chừng nào trâu đã chịu phép, người chăn mới bỏ dây bỏ roi. Khi trâu đã thuần phục, lúc đó mục đồng mới hoàn toàn thảnh thơi ngắm nhìn bốn bề bát ngát trời xanh mây trắng.

3. Trau giồi Giới đức.

Khi vào đây tu học là chúng ta học cái hạnh làm Phật, tu cái hạnh để thành Phật. Phần đông, khi được hỏi tu để làm gì, thì hầu như không ai dám trả lời là tu để thành Phật. Như Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sinh đều là Phật sẽ thành”, nghĩa là tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Cho nên mục đích của chúng ta học Phật, tu Phật là để thành Phật, nhưng còn thời gian bao lâu mới thành được là do sự quyết tâm của mỗi người.

Đức Phật là bậc Lưỡng Túc Tôn, đầy đủ phước đức, Trí tuệ, là một con người toàn diện về nhân cách, nghĩa là ba nghiệp thân khẩu ý của Đức Phật là hoàn toàn thanh tịnh trang nghiêm.

Chúng ta trau giồi ba nghiệp thân khẩu ý của chúng ta cho được thanh tịnh như Đức Phật tức là trau giồi Giới đức. Bởi vì ba nghiệp đó nếu được thanh tịnh thì chúng ta mới có an lạc. Chúng tôi thường nhắc quý vị cố gắng chăm chú vào tất cả mọi oai nghi cử chỉ động tác để từ đó mà có Chánh niệm giúp cho ba nghiệp của quý vị được thanh tịnh,

Ở ngoài thế gian, các vị thấy tư cách của một ông Thầy giáo phải khác với người đạp xích lô, hay một vị nguyên thủ quốc gia, tư cách lại khác hơn người thường. Vì họ là bậc đại diện mẫu mực của quốc gia, cho nên từ cái ăn cái nói, cái đi cái đứng đều phải hết sức cẩn thận trang nghiêm nhằm thể hiện cái gì đó khiến mọi người nhìn vào phải mến phục cung kính.

Còn Đức Phật là bậc đầy đủ phước đức, Trí tuệ, đạo đức cao thượng đương nhiên nói về nhân cách oai nghi thì Ngài hơn họ rất nhiều. Còn chúng ta về đây tu học để làm Phật, thì từ lời nói, suy nghĩ, việc làm cho đến tư cách phải thể hiện giống như Phật, vì “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, đi tu Phật mà không giống Phật thì không phải là con Phật. Cho nên, ngoài việc chuyên tâm niệm Phật, chúng ta còn cần phải chăm chú về oai nghi. Vì vậy chúng tôi thường hay nhắc nhở quý vị khi đi đứng ngồi nằm, lúc ăn uống, hoặc khi chắp tay, khi kinh hành cần cố gắng thể hiện tư cách trang nghiêm của người Phật tử.

Thí dụ khi làm bánh, muốn có loại bánh tròn thì phải dùng khuôn tròn, muốn có loại bánh vuông thì phải dùng khuôn vuông. Còn muốn làm Phật thì chúng ta phải khép mình vào khuôn khổ, vào Giới luật của Đức Phật đã chế, có làm đúng như thế thì sau này chúng ta mới có thể làm Phật, mới thành Phật được. Chúng ta muốn tu Phật, học Phật, thành Phật mà đi ngược lại giáo lý, Giới luật và oai nghi của Đức Phật là không được, vì “Thầy nào trò nấy.”

Khi đến đây là quý vị phải theo ở đây, vì khuôn khổ, nội quy ở đây là như vậy rồi, quý vị không thể tự chế ra cái của mình rồi cho là mình đúng bắt chùa phải theo. Chúng tôi khép quý vị vào nội quy, vào khuôn khổ là để quý vị trau giồi Giới đức. Nếu quý vị chú tâm vào từng động tác từng cử chỉ thì thói quen buông lung trước đây của quý vị sẽ có sự thay đổi rất nhiều. Khi Giới đức của quý vị tốt đẹp tức là ba nghiệp thân khẩu ý của quý vị sẽ được thanh tịnh. Như trong bài thơ của Viên Minh dưới đây:

“Học đạo quý vô tâm

Làm nói nghĩ không lầm

Sáng trong và lặng lẽ

Giản dị mới uyên thâm.”

Nghĩa là làm, nghĩ, nói thuộc về ba nghiệp thân khẩu ý lúc nào cũng tỉnh giác, giữ vững Chánh niệm, không bị lầm lạc thì không gây ra tội lỗi, đau khổ cho mình và cho người. Mọi hành động cử chỉ đi đứng không phóng túng, thô tháo, bớt ăn nói ồn ào cũng là cách định tâm lắng ý. Những ngày tu tập này chính là những ngày phản tỉnh cần thiết. Đó là dịp thuận tiện để ta đi sâu vào “Nhất tâm bất loạn”.

4. Nhất tâm niệm Phật.

Nhất tâm niệm Phật là đem hết ý chí vào câu niệm Phật. Nếu miệng niệm Phật mà trong tâm vọng tưởng lăng xăng thì khó được lợi ích thiết thực.

Khi đặt ra khóa tu Phật thất chúng tôi đã bàn bạc rất kỹ việc tổ chức như thế nào đó để tạo điều kiện thuận lợi cho quý vị khỏi phải bận tâm về ăn uống, ngủ nghỉ, để quý vị có thời gian tu tập, chú tâm vào việc niệm Phật nhiều hơn. Ngoài thời khóa niệm Phật ở trên chánh điện, chúng tôi còn mở băng niệm Phật để quý vị nghe tiếng niệm Phật, lúc nào cũng nhớ Phật tưởng Phật.

Tuy nhiên trong thời khóa quý vị còn ổn định chăm chú niệm Phật, chứ ngoài thời khóa quý vị lại không chú tâm nữa, cứ ngồi lại với nhau để nói chuyện, thấy uổng lắm. Vậy mọi người hãy cố gắng nhiếp tâm niệm Phật. Nếu tu mà không nhiếp tâm thì không thành tựu được, coi như chỉ mới bước vào tới cổng thôi.

Muốn về Tịnh độ thì phải “Nhất tâm bất loạn”. Mà muốn “Nhất tâm bất loạn” thì ngay đây, bây giờ phải thực tập nó bằng công khóa và quán chiếu để lập chí hăng hái.

“Nhất tâm bất loạn” có dễ không? Trong thời khóa niệm Phật chúng ta còn chưa chắc nhiếp tâm được, huống chi trong lúc buông lung phóng túng. Chúng ta thấy đơn giản nhưng thực không đơn giản đâu, như Ngài Thanh Sĩ có bài kệ:

“Ngồi niệm Phật thì ai cũng niệm

Nhất tâm không xao xuyến ít người

Tâm như chong chóng giữa trời

Phật thì một niệm còn mười niệm ma.

Các việc xấu nhớ ra trước nhất

Kế tay chân buồn bực mỏi mê

Rồi ma buồn ngủ chạy về

Phật không niệm tới khói mê phủ vào

Chẳng cần hỏi ông nào cũng biết

Niệm thế bao giờ Phật chứng cho

Ví như nồi gạo mới vo

Bắc lên nhắc xuống bao giờ chín cơm.”

Bất cứ việc gì ở đời muốn thành công cũng đều phải trải qua sự gian khổ rèn luyện, như người làm trò xiếc, họ cũng phải khổ luyện lâu ngày mới biểu diễn hay tuyệt như thế. Tu cũng vậy, phải trải một quá trình gian khổ để huấn luyện tâm ý, chớ một sớm một chiều thì chưa ăn thua gì. Pháp tu nào cũng luôn luôn đòi hỏi sự siêng năng vô hạn từ đêm đen đến ngày trắng mới mong có kết quả sáng chói. Cho nên sự “Nhất tâm bất loạn” đòi hỏi sự quyết tâm nhiều lắm, phải kiên trì, nhẫn nại mới có thể thành công được. Như lời Thiền sư Hoàng Bá Hy Vân:

“Nếu chẳng một phen xương lạnh buốt,

Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.”

Theo kinh nghiệm tu hành của chúng tôi, chúng ta khó Nhất tâm được là do chúng ta đã tạo bao nhiêu nghiệp chướng từ nhiều đời nhiều kiếp. Do nghiệp chướng nặng nề nên khi niệm Phật tâm dễ sinh loạn tưởng. Tu tới khi nào nghiệp chướng nhẹ lần cho đến tiêu tan hết thì chúng ta mới có thể thanh tịnh, mới vào chánh định được. Không phải một sớm một chiều mà chúng ta có thể thực hiện được sự “Nhất tâm bất loạn”. Nên chúng ta đừng coi thường pháp niệm Phật này. Vì pháp niệm Phật là một pháp tu rất thù thắng nhằm trợ duyên cho chúng ta nhiếp tâm để mà tiêu trừ nghiệp chướng.

Thí dụ chúng ta trồng cây mít, mong muốn chừng một tháng sau cây có trái, có được hay không? Đương nhiên là không được rồi. Vì khi ta gieo hạt cho đến khi cây trổ trái, còn đòi hỏi bao nhiêu điều kiện tối thiểu cần thiết, chưa kể hạt giống có thể bị hư do sâu rầy, thời tiết hoặc hạt giống của chúng ta không tốt.

Việc tu hành cũng vậy, phải có quá trình thời gian. Nhân mới gieo mà muốn có quả, quả đâu ra liền. Mới tu muốn thành Phật ngay thì sao mà thành được. Tiến trình từ lúc gieo nhân đến kết quả còn tùy thuộc vào duyên lực, hoàn cảnh, điều kiện thích hợp và nhất là ý chí con người. Quá trình chúng ta tu đến khi thành Phật không dễ dàng đâu. Chúng tôi rất tâm đắc bài kệ sau:

“Đốn ngộ tuy đồng Phật

Đa sinh tập khí thâm

Phong đình ba thượng dũng

Lý hiện niệm du xâm.”

Hai câu đầu ý nói Phật tánh của ta với Đức Phật đồng nhau, giống nhau, nhưng chúng ta lại khác Phật ở chỗ Đức Phật đã tích lũy công đức tu hành trong nhiều đời, còn chúng ta từ vô thỉ kiếp đã tạo biết bao nhiêu tội lỗi, nghiệp chướng trần lao nên tập khí của chúng ta quá sâu dày rồi.

Câu thứ ba của bài kệ đưa ra hình ảnh một cơn gió mạnh thổi đến, mặt biển sóng dậy lên, gió đi qua rồi làn sóng vẫn chưa ngưng liền được, cứ dập tới dập lui cho đến khi hết cái trớn mới dừng lại được. Câu thứ tư có nghĩa là lý Phật tánh của chúng ta lúc nào cũng vẫn có sẵn đó nhưng mà cái niệm điên đảo vọng tưởng vẫn còn, nghĩa là chúng ta muốn dừng cái nghiệp chướng nhiều đời nhiều kiếp nhưng mà chưa dừng được, cũng giống như gió dừng nhưng sóng chưa dừng vậy.

Chúng ta Giác ngộ rồi, biết tu Phật thành Phật như vậy rồi, đốn ngộ như Phật rồi, nhưng nghiệp chướng nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta chưa cho chúng ta yên. Cái dòng tâm thức của chúng ta đang sôi trào cuồn cuộn như sóng bay khắp chân trời mặt đất trong tâm ta, không bao giờ ngừng nghỉ phút nào, muốn dừng cho yên thì không dễ đâu. Chúng ta phải hiểu điều này và cố gắng tu tập để cho nghiệp chướng tiêu trừ dần dần, cũng như làn sóng giảm từ từ rồi mới yên. Khi sóng nghiệp từ từ lặng yên, lúc đó tự nhiên chúng ta sẽ vào được định. Phải cố gắng kiên trì đừng có nản, nếu chán nản bỏ nửa chừng thì lại càng tệ hại hơn. Đã biết nghiệp lực sâu dày thì càng phải cố gắng tu, nay không được, mai không được, càng phải quyết tâm vững chắc nhiều hơn nữa thì cũng có ngày nghiệp chướng tiêu trừ, vọng tưởng điên đảo không còn, tâm ta sẽ dễ dàng Nhất tâm.

Pháp nhiếp tâm không gì hơn phải chí thành khẩn thiết. Nếu tâm chẳng chí thành mà muốn nhiếp thì khó có thể được. Khi được Nhất tâm rồi, tâm cùng Phật hợp nhau, tâm cùng đạo hòa nhau thì mình và Phật không xa. Cho nên mục đích của người tu Phật thất phải quyết tâm đạt cho được sự Nhất tâm.

5. Chứng nghiệm sự an lạc.

Thực hiện được bốn điều cắt bớt trần duyên, thúc liễm thân tâm, trau giồi Giới đức và Nhất tâm niệm Phật, thì chúng ta sẽ đạt được mục đích cứu cánh là chứng nghiệm sự an lạc. Trong bài thơ chúc mừng Phật thất, chúng tôi có nêu lên cái ý như vầy:

“Bảy ngày tu tập cùng chung

Thân tâm thanh tịnh cõi lòng thảnh thơi

Miệng luôn nở nụ cười tươi

Uống ăn đi đứng nằm ngồi trang nghiêm

Bước chân mỗi bước tự nhiên

Kinh hành niệm Phật não phiền tiêu tan

Âm thanh trầm bỗng ngân vang

Hòa theo tiếng mõ nhịp nhàng xuống lên

Bụi trần vọng tưởng đảo điên

Lặng yên theo tiếng kinh thiền ngân nga

Nam mô Đức Phật Di Đà

Tây phương Cực lạc không xa tâm mình.”

Trong 7 ngày tu tập quý vị cố gắng trau giồi Giới đức, tinh tấn niệm Phật để thực hiện được sự trang nghiêm. Có trang nghiêm rồi thì sẽ đưa đến thanh tịnh tức là không còn phiền não nữa. Có trang nghiêm, có thanh tịnh, có tinh tấn, có Nhất tâm chúng ta mới chứng nghiệm được sự an lạc ngay trong cuộc sống hiện tại.

Ta trôi nổi trong nội thức suy tư và đối tượng bên ngoài suốt tháng năm, bồng bềnh theo cơn vui buồn giận ghét. Chúng ta không tự cứu mình trước bằng cách phản tỉnh làm lắng sạch tâm ý thì đâu có ai làm cho mình được. Nên chúng ta cần phải trút bỏ lại mọi lo toan trần thế, tự hứa gom mình vào định hướng tu tập.

Nếu lòng thanh thản không lo nghĩ

Ấy buổi êm đềm chốn thế gian.

Chúng ta tu đến khi nào đạt được sự an vui thì mới về được cõi Cực lạc. Vì Tây phương Cực lạc được gọi là cõi Tịnh độ – Tịnh độ: độ là cõi, tịnh là thanh tịnh, Tịnh độ là cõi thanh tịnh – Chúng ta muốn về cõi Tịnh độ thì chúng ta phải thanh tịnh, còn tâm cứ bực tức, phiền não, buồn giận thì không về được Tịnh độ. Phật là thanh tịnh, cho nên ta cũng phải thanh tịnh thì việc đến với Phật không còn xa.

Nếu không quyết liệt lập chí, thì ta không về Cực lạc được. Do vậy tu Tịnh độ cũng phải lập nguyện thiết tha vô hạn như kẻ tha hương chí cốt muốn về yên nghỉ nơi cố hương. Nhưng điều cần thiết nhất là phải tin sâu chắc, nguyện tha thiết mới cảm thông với Phật, mới có thể quyết định hiện đời ra khỏi Ta bà sinh về Cực lạc.

Tóm lại, trên đây chúng tôi đã trình bày rõ ràng về ý nghĩa và mục đích của khóa tu Phật thất. Đến nay, mô hình Phật thất đang trên đường phát triển mạnh. Ngoài việc tổ chức tu Phật thất mang tính tập thể ra, chúng tôi cũng đang xây dựng mô hình tu Nhập thất cá nhân. Hiện tại chúng tôi đã xây dựng được 6 cái thất. Trong hướng tới, chúng tôi sẽ thực hiện việc tu Nhập thất, và pháp tu này đòi hỏi người tu phải có bản lĩnh và phải có sự quyết tâm cao. Mong rằng sau này chúng tôi sẽ được đón tiếp các Phật tử phát nguyện chuyên tâm tu học để đạt được kết quả an vui Giải thoát.

Chúng tôi rất mừng là Khóa tu Phật thất đã tạo ra một sinh khí tu học mới, từng bước đưa Phật tử vào trong khuôn khổ nề nếp của sự tu tập, khi đi đến đâu cũng thể hiện được sự trang nghiêm thanh tịnh, vì khi quý vị đến đây đã được đào luyện tu học rất kỹ lưỡng. Chúng tôi mong rằng những hạt nhân này sẽ được đâm chồi, nẩy lộc, phát triển nhiều hơn nữa. Đây chính là sự đóng góp công sức để xây dựng cho Phật giáo Việt Nam thăng hoa và phát triển phù hợp với thời đại mới.

(Phật tử Diệu Huệ viết theo bài giảng Khóa tu Phật thất của Thầy Thích Chân Tính)

Các tin đã đăng: