Phật dạy lợi ích Bố thí giữa cho và nhận
Thích Đạt Ma Phổ Giác
22/11/2014 23:25 (GMT+7)

     Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi đắp y, cầm bát đi đến trú xứ của gia chủ Ugga, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Gia chủ Ugga đi đến đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:

 

 

     Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn: “Ai cho vật khả ý thì nhận được điều khả ý”. Vì thế, con có nấu cháo từ hoa cây sàla và rất nhiều loại món ăn thật là khả ý; con có nhiều loại vải dệt từ Kàsi thật là khả ý. Mong Thế Tôn hãy nhận lấy vì lòng từ ái đối với chúng con.


    Thế Tôn nhận lời và nói với Ugga bài kệ tùy hỷ này: “Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý, đối với bậc Chánh trực, vui lòng đem bố thí, vải mặc và giường nằm, ăn uống các vật dụng, biết được bậc La hán, được ví là phước điền, nên các bậc Chân nhân, thí những  vật khó thí, được từ bỏ giải thoát, không làm tâm đắm trước, người thí vật khả ý, nhận được điều khả ý”.


    (ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda, phần Cho các vật khả ý, VNCPHVN ấn hành 1996, tr. 382)'


     Người thí chủ thực hành bố thí và cúng dường trước hết phải xuất phát từ tấm lòng từ bi rộng lớn, trong lòng hân hoan, vui vẻ và hoàn toàn tự nguyện. Chúng ta phát tâm bố thí và cúng dường mục đích chính là muốn cho Tam bảo được trường tồn ở thế gian, để mọi người có nơi nương tựa và tu học.


     Nhờ có tín tâm sâu, khi chúng ta bố thí cúng dường, giúp đỡ người khác không phải với tâm cống cao ngã mạn, mà vì đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, nên việc làm cao cả ấy sẽ không lệch hướng. Ta không thấy mình là kẻ ban ơn và người thọ ơn. Chính vì vậy “của cho không bằng cách cho”, do đó, chưa chắc người có nhiều tiền lắm của mà biết bố thí với tâm trong sạch.


    Thực tế mình cho người tức là mình đang tích lũy phước cho mình, ta đang gầy dựng nền tảng giàu có trong hiện tại và mai sau. Chính vì thế, ngoài tấm lòng bao dung, độ lượng đối với tha nhân, người Phật tử chân chính thực hành bố thí với mục đích nhằm buông xả những tâm niệm tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn, keo kiết để hoàn thiện chính mình.


    Mặt khác, bố thí và cúng dường cũng là một pháp tu cho người Phật tử tại gia, khi làm việc cao cả này chúng ta phải hoan hỷ, khi đem niềm vui đến cho mọi người nhằm làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh. Đây là những điều cần thiết, để người Phật tử ý thức trách nhiệm mà cố gắng tu tập, nhằm thành tựu sự bố thí và cúng dường đúng như pháp.


    Chúng ta, có thể sẵn sàng cho đi những tài sản vật chất mà không cầu đền đáp, là một việc khó làm đối với người còn đặt nặng lợi ích cá nhân quá nhiều. Càng khó khăn hơn đối với họ khi phải cho những vật quý tốt, tức những vật mà mình yêu thích. Phần nhiều chúng ta chỉ cho những đồ vật mình cảm thấy dư thừa, nhưng người “xả” được như vậy cũng là quý lắm rồi.


   Trong cuộc sống hai người cùng làm một công việc bố thí như nhau,  thế nhưng có người càng thí lại càng giàu có và có người lại không được gì, thậm chí là thất bại nữa. Đối với những người không thành công, họ nghĩ rằng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, như vậy là họ chưa có niềm tin sâu sắc đối với nhân quả. Chúng ta nên biết, nhân tố tiềm ẩn chi phối sự thành công hay thất bại của mỗi người chính là phước báo của chính họ, đã gieo tạo từ nhiều đời kiếp nên nhân quả nhãn tiền.


    Người Phật tử chân chính, sẵn sàng ban tặng những gì mà người khác cần, kể cả những vật mình yêu thích thậm chí có thể dâng hiến cả thân mạng. Như vậy cho người là một nhiệm vụ, một nghĩa cử cao đẹp thiêng liêng. Nếu chúng ta dám cho những gì mình yêu thích, mình trân quý, mới thực sự là cách cho không có sở cầu.


    Để đạt được cách cho cao cả như vậy, trước tiên chúng ta phải có trí tuệ thấy biết đúng như thật, thấu hiểu bản chất cuộc đời là vô thường đổi thay và không có cái ngã cố định. Chính tuệ giác vô ngã đã soi sáng cho việc bố thí còn phân biệt, để dần hồi tiến đến Bố thí Ba-la-mật, một sự ban tặng mà không có điều kiện hay mong cầu gì hết.


    Sự thọ nhận càng nhiều chỉ mang nợ đàn na tín thí càng lớn, nếu  chúng ta không tạo ra công đức để hồi hướng cho thí chủ. Do đó, ngưòi thí chủ và người thọ thí phải thành tựu công đức tu hành để việc bố thí và cúng dường như pháp, đạt được lợi ích lớn, như lời Đức Phật đã dạy.


    Trong kinh Phật dạy: Nếu hai người cùng tu tập với niềm vui cung kính đối với Tam bảo, có giới đức và trí tuệ ngang nhau, nhưng có sự chênh lệch về hạnh bố thí, người bố thí nhiều hơn sẽ gặt được kết quả phước báo đầy đủ, hơn người kia về tài sản vật chất và uy quyền thế lực. Sự vượt thắng này sẽ giúp cho người đó được mạnh khỏe,  sống thọ, nhan sắc xinh đẹp dễ nhìn, sống an lạc hạnh phúc, có quyền cao chức trọng và đó là ước mơ mong muốn của nhiều người.


    Chính vì thế, người Phật tử ngoài việc tu tập Giới-Định-Tuệ để chuyển hóa phiền não tham-sân-si và còn phải có lòng từ bi giúp đỡ sẻ chia hay cúng dường Tam bảo. Người Phật tử tại gia tu tập bố thí để góp phần xây dựng con người văn minh, giàu đẹp, bền vững và lâu dài, để hoàn thiện chính mình.


    Do vậy, người Phật tử sống và tu tập theo lời Phật dạy, trước tiên là phải thực hành bố thí và cúng dường, để hiện tại đảm bảo an sinh đời sống gia đình, đóng góp lợi ích xã hội và không phải lo lắng cơm áo gạo tiền, mà còn có thời gian làm phước và tu tập.


    Do đó, thực hành cúng dường Tam bảo là điều cần thiết giúp cho chư Tăng, Ni có thời gian tu học để hoàn thiện chính mình mà giúp người cứu vật. Chư Tăng, Ni có trọng trách vô cùng lớn lao, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh, giúp mọi người tin sâu nhân quả, tin chính mình là chủ nhân bao điều họa phúc, tránh dữ làm lành và chịu trách nhiệm về hành vi tạo tác của mình.


    Có rất nhiều cách gieo trồng phước đức, nếu ta biết bố thí đúng lúc, đúng chỗ, đúng nơi, đúng đối tượng thì phước đức sẽ không thể nghĩ bàn. Khi thực hành bố thí, dù là người nghèo khổ, ăn xin, ta cũng phải tôn trọng, thành tâm mới có phước báo to lớn. Nếu ta bố thí mà có thái độ coi thường, khinh rẽ hay mạt sát người, tuy vẫn có phước nhưng ta phải chịu quả báo ân oán hận thù về sau. Phước tuy được hưởng nhưng họa làm cho người ta đau khổ và họ sẽ tìm cách trả thù, khi có nhân duyên.


    Muốn có sự sống tốt đẹp trong đời hiện tại, ta phải tu tập bố thí để làm hành trang cho mai sau. Tài sản, của cải vật chất, danh vọng, tiếng tăm, nhà cửa, tiền bạc, ruộng vườn ta sẽ không mang theo được gì khi nhắm mắt lìa đời, chỉ mang theo nghiệp tốt, xấu.


     Do đó, quý Phật tử phải sáng suốt chọn lựa, thường xuyên gieo trồng phước đức để tạo nên nghiệp thiện lành làm tư lương, hành trang cho hiện tại và mai sau.


     Đối với chư Tăng, Ni những người thọ thí, lại càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tu tập của mình, để chuyển hóa phiền muộn khổ đau thành vô lượng trí tuê, từ bi mà sống đời bình yên, hạnh phúc. Nếu chúng ta không trau giồi, tu sửa thân tâm, đoạn trừ phiền não thì vật phẩm cúng dường của đàn na tín thí rất khó tiêu, có thể sẽ mang lông đội sừng để đền trả xứng đáng.


     Đối với những người bất hạnh có hoàn cảnh khó khăn, khi nhận được món quà từ tay các nhà hão tâm, quý Phật tử, các vị hãy nên trân trọng, quý kính, và không nên ỷ lại. Để tỏ lòng thành kính đối với người giúp đỡ, ta phải biết ơn mà cố gắng siêng năng làm việc tinh cần, tiết kiệm, tiêu xài đúng mức.


     Phật dạy: Nghèo là do không biết bố thí cúng dường hoặc giúp đỡ sẻ chia, gian tham trộm cướp lường gạt của người khác, ỷ lại cha mẹ và lười biếng, sống sa đọa phóng túng và không biết tiết kiệm.


    Bố thí là một pháp tu quan trọng, rất phổ biến trong đời sống trong xã hội, và dễ thực hành cho hàng Phật tử, người có của thì bố thí vật chất, kẻ không tiền thì bố thí bằng tấm lòng và dùng thân này để công quả làm lợi ích cho người. Do vậy, cùng tu tập về bố thí nhưng tùy theo mục đích và tâm nguyện của mỗi người mà có kết quả, phước báo khác nhau.


    Theo tuệ giác Thế Tôn, nếu chúng ta bố thí với tâm phân biệt và có điều kiện thì kết quả gặt được phước báo sẽ có giới hạn trong chừng mực nào đó. Ngược lại, người bố thí vì tình thương cao cả không điều kiện, thì phước báo sẽ vô cùng to lớn.


     Vì thế, chúng ta muốn tu tập bố thí để đạt được lợi ích lớn và kết quả thù thắng thì tâm phải rộng lớn, không mong cầu, thấy khổ liền giúp mà không thấy mình là kẻ ban ơn, người thọ nhận và của để thí, thì phước báo vô lượng không thể nghĩ bàn.


    Người Phật tử chân chính, tu tập hạnh bố thí từ ban đầu có tính toán phân biệt và cuối cùng là nỗ lực buông xả vô điều kiện, để vươn tới đỉnh cao bố thí Ba-la-mật. Người phát tâm bố thí Ba-la-mật hoàn toàn không có tác ý phân biệt về người cho, kẻ được nhận và vật để bố thí, thì sẽ thành tựu công đức viên mãn mà không thấy ta, người, chúng sinh.


    Tóm lại, việc gieo trồng phước đức thông qua bố thí, cúng dường là cách thức chuyển hóa nghèo khó thành vô lượng phước đức, đồng thời cũng là phương tiện giúp mọi người sống thương yêu nhau bằng trái tim hiểu biết, với tinh thần“tốt đạo đẹp đời”.


    Bồ-tát bố thí Ba-la-mật luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cần thiết của chúng sinh, không phân biệt người thân hay kẻ thù. Bồ-tát sẵn sàng bố thí tất cả, không bao giờ có sự hối tiếc và có thể chịu khổ, chịu chết thay cho chúng sinh. Bố thí như thế mới gọi là bố thí Ba-la-mật.


    Tại sao Bồ-tát thực hành bố thí Ba-la-mật? Bởi Bồ-tát là người đang trên đường tiến tới giác ngộ để thành Phật viên mãn, nên mỗi khi làm việc gì có lợi cho chúng sinh Bồ-tát đều phát nguyện và hồi hướng. Trong các hạnh bố thí, chỉ có bố thí Ba-la-mật là phước đức cả hai mặt vật chất lẫn tinh thần.


    Người mới phát tâm cầu làm Bồ-tát phải có hai điều kiện tất yếu là phát nguyện và hồi hướng. Phát nguyện là để giữ vững ý chí, lập trường của mình khi gặp những khó khăn, trở ngại. Phát là phát cái tâm làm các việc thiện lành, còn nguyện giống như một lời thề nguyền để ta ghi nhớ mà quyết tâm phấn đấu vượt qua, mỗi khi gặp chướng duyên nghịch cảnh.


    Người Phật tử chân chính, mỗi khi làm được việc gì có lợi ích cho mình và người khác, đều hồi hướng hết cho tất cả chúng sinh được thừa hưởng. Chính vì vậy, phát nguyện và hồi hướng là việc làm cao cả, để Bồ-tát hướng đến bố thí Ba-la-mật và thành Phật viên mãn. 


Các tin đã đăng: