Hiểu Phật, tin Phật, hành theo Phật qua cái nhìn từ hạnh bố thí, cúng dường
22/11/2011 15:20 (GMT+7)


Phật sự và... ma sự

Thông thường, khi nói đến hạnh bố thí, phần lớn Phật tử nghĩ ngay đến việc… cho tiền. Dù sao đi nữa thì giúp đỡ người khác trong lúc họ gặp hoạn nạn, khó khăn bằng những đồng tiền do chính mình làm ra cũng là một việc làm tốt, cũng có thể coi là một “Phật sự”. Nhưng nếu không cẩn thận, “Phật sự” có thể trở thành “ma sự” lúc nào không hay biết.


Một cụ già thuộc đường dây chăn dắt người già, ông C. (Thanh Hóa) nhận tiền bố thí của người qua đường trên cầu Ông Lớn (đại lộ Nguyễn Văn Linh, Q.7). Khi chúng tôi hỏi chuyện, cụ hoảng sợ dùng nón che mặt - Ảnh: Tuổi Trẻ

 Lấy ví dụ, có một người ăn xin đến chìa tay trước mặt ta, với lời lẽ buồn khổ, muốn xin ta một thứ gì đó. Ta liền khởi tâm muốn bố thí. Theo như cách cư xử thông thường, ta liền rút ví ra coi có đồng tiền lẻ nào đó để cho người ăn xin. Khi nhận được tiền, người ăn xin vui mừng cảm ơn ta rối rít còn ta thì hài lòng vì đã làm được một việc tốt.

Nhưng chờ đã, có ai biết được rằng người ăn xin kia sẽ dùng tiền của ta vào việc gì? Lại ví dụ, nếu người ăn xin không dùng tiền đó mua cái bánh hay bát cơm để ăn cho đỡ đói bụng, thay vào đó, lại mua một điếu thuốc để hút hay một chai rượu để uống, thì sao? Như vậy vô tình ta đã khiến người ăn xin kia tạo nghiệp xấu.

Không dừng lại ở đó, lại ví dụ, nếu do vì đầy đủ nhân duyên, trong lúc mua thuốc hay mua rượu, người ăn xin đó lại gặp những người bạn xấu rủ rê, lôi kéo bước vào con đường xấu như buôn lậu, bán ma túy, thì sao? Như vậy, nhờ có “đồng tiền lẻ” của ta mà người ăn xin đã dấn bước vào con đường phi pháp, từ đó tạo biết bao ác nghiệp. Như thế, “Phật sự” bố thí một đồng tiền lẻ của ta đã trở thành “ma sự”.

Một ví dụ khác, đó là về bố thí pháp. Phật dạy, trong tất cả công đức, Pháp thí có công đức lớn nhất. Ấn tống kinh sách, in băng đĩa… là một việc làm thường thấy trong giới Phật tử. Ở các chùa lớn, nhỏ đều có “Tổ ấn tống kinh sách”, hay như các Phật tử tại gia cũng thường phát tâm in ấn kinh sách, băng đĩa để hồi hướng công đức cho gia đình, tổ tiên. 

Tuy nhiên, không phải cứ in ra thật nhiều kinh Phật, sách Phật, băng đĩa giảng Pháp là có công đức “vô lượng vô biên” như lời Phật dạy. “Kinh đó là kinh gì, có phải kinh Phật hay không? Kinh đó dạy về điều gì? Mình đã thể nghiệm điều dạy đó chưa?…”, Phật tử thường không quan tâm đến những vấn đề đó.

Một bộ phận Phật tử không phân biệt được đâu là kinh Phật, đâu không phải là kinh Phật, hoặc thậm chí, chỉ nghe thấy nói đến có người vận động đóng tiền để “in kinh sách” là ngay lập tức phát tâm bố thí. 

Một ví dụ khá điển hình đó là ở một số chùa miền Bắc vẫn còn lưu truyền những kinh sách ngụy tạo Phật giáo (như Địa Mẫu Chân Kinh, Táo Quân Chân Kinh?) và Phật tử vẫn tụng những bản kinh ngụy tạo này, có khi còn tụng nhiều và tụng thuộc hơn cả kinh Phật.

Như vậy, chính sự không xem xét cẩn thận của Phật tử tạo điều kiện cho những kinh sách ngụy tạo Phật giáo có chỗ đứng “vững vàng” trong Phật pháp! Những tư tưởng như “Phật cha, Mẫu mẹ” đi cùng với những tư tưởng biến Phật giáo thành một tôn giáo thần quyền đều là những “sư tử trùng” rất nguy hiểm đối với Phật pháp.

Từ đó ta thấy, bố thí không chỉ đơn giản là việc “lấy của ta cho người”. Một việc làm thuần thiện là một việc làm có từ bi và trí tuệ. Hạnh bố thí cũng vậy, cần phải xuất phát từ lòng từ bi và phải có một trí tuệ sáng suốt để nhìn nhận. Nếu không, Phật sự dễ dàng trở thành Ma sự, nghiệp lành chẳng được gieo trồng mà vô tình tạo nghiệp ác.

Bố thí đúng pháp là như thế nào?

Khi nói đến sự bố thí, có ba yếu tố quan trọng: năng thí (người cho), vật thí (món đồ), sở thí (người nhận). Ba yếu tố này, tuy ba mà một, có mối tương quan qua lại lẫn nhau, trong đó, người cho (năng thí) có vai trò chủ động, quyết định hai yếu tố còn lại.

Riêng về việc bố thí pháp, theo ý kiến cá nhân của người viết, chỉ nên in ấn kinh sách, băng đĩa Phật giáo, đặc biệt là những kinh sách, băng đĩa đã có sự trải nghiệm qua sự tu tập của bản thân, cảm nhận được sự an lạc qua lời chỉ dạy trong đó… thì mới nên ấn tống. Còn những băng đĩa, kinh sách chưa có sự thể nghiệm bản thân, thậm chí, chưa một lần đọc qua, không biết kinh dạy điều gì, sách nói điều gì… mà vẫn “phát tâm” ấn tống. Như thế chẳng khác nào, theo Phật mà không hiểu Phật, tức là phỉ báng Phật vậy.

Trên phương diện người bố thí, một người bố thí như Pháp là một người có đầy đủ từ bi và trí tuệ. Bố thí cần phải xuất phát từ lòng từ bi, đó mới là sự bố thí chân chính. Nếu bố thí vì tư lợi, bất kính, chán ghét, yếu hèn, ghen tức, ganh đua, kiêu ngạo, cầu danh, tránh né sự nguy hiểm, muốn mê hoặc lòng người… thì sự bố thí đó nếu có phước cũng sẽ rất ít. 

Người tu hạnh bố thí, nên lấy câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu làm “tâm chỉ” trong việc bố thí: “Làm ơn há để trông người trả ơn”, tức là sự mong cầu phước báo tại thế gian hay vượt thế gian không nên có, rốt ráo chỉ vì lợi ích và niềm an vui của người nhận bố thí. Từ bi rồi, cần phải có trí tuệ quán sát:

- Đâu là người đang cần nhận sự bố thí, đâu là người đang dựa dẫm vào sự bố thí? (Câu hỏi này để tìm ra người xứng đáng nhận sự bố thí)

- Bố thí cái gì để đem lại lợi ích nhiều nhất cho người nhận? (Câu hỏi này tìm ra vật bố thí thanh tịnh)

Tìm ra người xứng đáng nhận được sự bố thí để không bị những người không xứng đáng dựa dẫm, lợi dụng. Như vậy, việc bố thí vừa tạo được phước cho ta, vừa kiệm phước cho những người không xứng đáng kia. Vì họ không xứng đáng được nhận sự bố thí của ta mà họ vẫn nhận, điều đó sẽ khiến họ bị tổn phước trong tương lai, như vậy sẽ gây đau khổ, phiền não.

Một ví dụ điển hình, đó là những người ăn xin thường “nằm lòng” những ngày lễ lớn của Phật giáo, như ngày Phật đản sinh, ngày Vu lan để lui tới các chốn chùa chiền có đông Phật tử, hòng dễ việc… xin bố thí.

Các ngày lễ lớn ở các chùa, cổng chùa luôn là nơi “hội ngộ” của rất nhiều người ăn xin (thậm chí có cả người giả ăn xin). Họ lợi dụng tâm lý, “không lẽ nhà Phật từ bi, không bố thí nỗi một đồng một hào?”. Nhưng, như đã phân tích ở ví dụ trên, thà không làm một việc tốt, còn hơn làm mà không chắc chắn việc mình làm có thực sự trở thành một việc tốt hay không!

Về phương diện vật bố thí, xin được quay trở lại ví dụ ở trên, câu hỏi đặt ra là nếu không cho tiền, thì cho cái gì bây giờ? Câu trả lời rất đơn giản, nếu bạn thấy người ăn xin đang đói bụng, xin bạn hãy từ bi dùng tiền của mình đi mua cho người ta một chiếc bánh (hoặc một bát cơm nếu điều kiện cho phép), như vậy thì tốt hơn bạn “giao trách nhiệm” lòng tốt của bạn cho một tờ tiền vô tình.

Người con Phật từ bi, nhưng lòng từ bi của Phật giáo là lòng từ bi có trí tuệ. Một việc tốt nếu làm không đúng người, đúng việc thì sẽ gây đau khổ cho cả mình và người.

Mạnh Đức (GNO)

Các tin đã đăng: