Một nghi thức tiễn biệt người quá cố theo truyền thống Phật giáo Việt Nam qua các lễ lược như sau:
1- Trị quan nhập liệm: Một người mất (chết), trút hơi
thở cuối cùng. Sau đó ít nhất là 4 giờ, tốt hơn hết là sau 24 giờ, được
tắm rửa sạch sẽ, đưa vào một cái hòm gỗ (quan tài) bằng một nghi thức
như sau: Dùng một chén nước trong, một cây đèn nến (sáp) gắn vào một
cái cây gác trên một góc hòm. Vị gia trì sư dùng tam mật tương ưng (tay
kiết ấn, khẩu đọc thần chú, Ý quán tưởng Phật) tẩy sạch quan tài và
vật dụng tẩm liệm. Ðưa thi hài vào quan tài. Thi hài thường được mặt một
chiếc áo Quan Âm (mền Quang Minh). Theo cổ tục có nơi còn bỏ gạo hay
vàng ngọc vào miệng thi thể.
2- Phục hồn: Thiết lập một bàn thờ Linh có linh ảnh,
bài vị, bát nhang. Thỉnh vong linh an vị, để cho thần thức định tỉnh
nhận rõ sự việc đang phải lìa thể xác. Vì theo quan niệm thần thức của
người mất lúc bây giờ đang bơ vơ, sợ sệt, chưa ý thức được đang gặp sự
việc gì. Theo cổ tục dân tộc có một bát cơm (hai chén úp một),cấm lên
hai chiếc đủa và một cái trứng luộc.
3- Khai kinh- Tiến linh: Thiết lập bàn Phật, thỉnh
Phật chứng minh và siêu độ sự ra đi của vong giả. Tụng kinh để hương
linh làm tư lương hướng Phật. Khuyến tấn hương linh quy y Phật, dứt
nghiệp trần lao.
4- Phát tang: Ðể cho bà con thân bằng quyến thuộc có
cơ hội từ giả biệt luận với vong giả. Một hình thức ghi nhớ ơn đức,
hiếu hạnh trong gia tộc. Ðặc biệt trong nghi thức này vị gia trì sư lại
dùng tam mật tương ưng chú nguyện vào tang phục và xướng : “Ngũ phục
chi nhơn các thọ kỳ phục” trao cho tang gia mặc vào người. Từ giờ phút
này mới chính thức báo tang, bà con thân hữu mới thăm viếng với tư cách
tang lễ.
5- Triêu điện: Trong thời gian chưa chôn, các lễ
cúng cho hương linh goị là “điện”. Vậy triêu điện là một lễ cúng buổi
sáng gần ngày đưa đám, thường dành riêng cho bà con muốn làm một lễ
cúng riêng, đọc ai điếu, lời từ biệt.
6- Tịch điện: Lễ cúng buổi tối gần ngày đưa đám,
thường dành cho con cháu nội tộc, để con cháu có cơ hội nói lên ơn
nghĩa, những hình ảnh thân thương, tưởng niệm đến công hạnh của người
quá cố. Còn thường ngày 3 buổi: sáng cúng trà; trưa, chiều cúng cơm
dùng hình thức nghi lễ đơn giản gọi là “tiến linh”.
7- Triệu tổ: Lễ này thường được cừ hành trước ngày
di quan khoảng 2 hôm trở lui. Tang quyến thỉnh linh vị, di ảnh, bát
nhang đầy đủ lễ vật đến tự đường (nhà thờ họ). Ðặt linh vị trên một cái
bàn nhỏ đối diện án thờ gia tiên. Thí dụ án thờ ở phía tây, linh vị ở
phía đông, con cháu tang quyến ở phía nam; cất gậy, mũ mấng đi để làm
lễ cáo tổ tiên.
8- Sái tịnh, nhiễu quan và quy y linh: Trong lúc đại chúng đang tụng chú Ðại Bi, vị chủ sám dùng bình Cam Lồ vào tẩy tịnh quan tài, chú Ðại Bi vừa dứt, sám chủ thán:
“Giác tánh viên minh, tùng lai trạm tịch; bổn lai nhơn ngã chi huyễn
tướng, hà hữu sanh tử chi giả danh? Nhơn tối sơ nhất niệm sái thù, tùng
mộng tưởng hữu tư sanh diệt. Tuy nhiên:
Diệt nhi bất diệt,
Tằng Ðạt Ma chích lý Tây quy.
Sanh nhi bất sanh,
Nãi Thích Tôn song lâm thị tịch.
Nhược phi nhất nhơn, hiểu liễu nan miễn tứ đại tương man,
Cố nhơn thiên thượng, hữu luân hồi khởi phận, thử đắc vô sanh diệt.
Kim vị tang chủ: . . . Thống duy:
Hương hồn quyên tam xích chi xu, nhập cữu tuyền chi lộ.
Lâm thời hoảng hốt, phách tán hồn phiêu.
Tuy nhiên, thuận thế gian:
Sanh viết ký, tử viết quy, bất xuất tử sanh chi nội; nãi nhược thăng
vu thiên nhi giáng vu địa. Tổng quy lục đạo chi trung, u quan ảm đạm
minh tiền đồ, triễn nghiệp lực na năng giải thoát.
”Thỉnh linh yết Phật qui y, thuyết linh.
9- Cáo đạo lộ: Lễ này thường nhờ một người hộ tang
đứng cúng, được cử hành trước một hôm đưa đám, đặt bàn cúng trước cữa
ngõ, ý nghĩa xin hộ đàng cho đám táng được yên ổn thuận lợi. Có gia
đình tổ chức lễ cúng thí thực và phóng sanh nữa.
10- Khiển điện: Lễ này cúng trước khi di quan, thường dành cho bằng hữu tỏ bày tâm sự, tình cảm với hương linh qua điếu văn.
11- Di quan (động quan): Lễ di chuyển quan tài đi
chôn hay hỏa táng, một lễ có nhiều xúc động nhất. Trong lễ này Gia trì
sư thường đội nón Tỳ Lư và cầm tích trượng để hướng dẩn hương linh. Sau
nghi thức cúng cấp xong, Gia trì sư xướng: - Cung thối, thỉnh bổngg
danh sanh, thần vị, linh ảnh thăng xa.
Triệt linh sàng.
Thán: Quy khứ lai hề quy khứ lai,
Tây phương tịnh độ bạch liên khai.
Nhất trận hương phong xuy hốt đáo,
Hương linh thừa thử bộ kim giai.
Ngưỡng bạch Di Ðà từ bi phóng quang tiếp độ.
Nam mô tiếp dẫn đạo sư A Di Ðà Phật.
12- Tế độ trung: Cúng giữa đường, lễ này với ý
nghĩa: Trước tiên vì đường sá xa xôi, nghỉ xả hơi cho âm công (người
gánh đám) lấy sức, đãi đằng ăn uống. Thứ đến để cho con cháu có dịp lễ
lạy tỏ lòng hiếu thảo trong lúc nghỉ giải lao.
13- Trị huyệt: Một lễ làm tinh sạch huyệt, trước khi
hạ quan tài. Sái tịnh, trị quan, trị huyệt với ý nghĩa dùng nước Cam lồ
làm tinh sạch nơi chỗ để xếp đặt thi thể, hay nơi thờ cúng. Còn có
nghĩa chúng sanh nào đang ẩn trú vào nơi ấy xin đi nơi khác.
14- Tạ thổ thần: Lễ khấn vái thổ thần và những hương
linh của những ngôi mộ chung quanh. Nay có huơng linh . . . cùng chung
cư trú tại địa phận này.
15- Nhiễu mộ: Lễ này cử hành sau khi an táng xong; bái biệt hương linh, tạ chư Tăng, và quan khách đi dự đám táng.
16- An linh: Khi về đến nhà, chùa, an vị hương linh
để hương khói thờ phụng. Ngày trước đưa về nhà, phải thiết bàn thờ
riêng trong hai năm hoặc ít nhất là 100 ngày, sau mới được nhập vào bàn
thờ chung với tổ tiên. Ngoài ra còn có lễ đề phan vị, đề thần chú, lễ
khai môn (mở cửa mã): sau khi chôn ba ngày làm lễ khai môn để hương
linh được phép ra vào.
Ngày trước vấn đề tang chế được xem rất quan trọng nên việc để tang
được ấn định rõ ràng từng cấp phải để tang như thế nào, bao lâu đã được
ghi trong sách Thọ Mai. Nên có rất nhiều lễ xả tang vào các thời kỳ
như: bách nhật, một năm, hai năm, ba năm . v . v .
Trong nghi xả tang có các điểm trọng yếu như sau:
Sái tịnh: Người thọ tang quỳ trước bàn linh, Gia trì sư rãi nước Cam
Lồ, lấy kéo cắt tượng trưng đồ tang hay lấy khăn tang xuống.
Xướng: Ngũ phục chi nhơn, cát tựu trừ phục.
Tán hay tụng:
Giải kết, giải kết, giải oan kết,
Giải liễu tiền sanh an hòa hiệp,
Tẩy tâm địch lự phát kiền thành
Cung đối án tiền cầu giải kết.
Nam mô Giải oan kết Bồ Tát (3 lần)
Sau này thời gian bận rộn, cuộc sống vội vàng, không cho phép làm đám
lâu ngày; Ðể phù hợp với nếp sống, chỉ còn một vài nơi như ở Huế còn
giữ cổ lệ lễ lược như xưa, còn đại đa số nghi lễ được giản lược. Thông
thường được gom lại làm các lễ chính như sau:1- Phát tang, 2- Cầu siêu,
3- Lễ táng (hỏa táng hay thổ táng). Việc ứng xử tùy theo hoàn cảnh và
thời gian , gộp lại như vậy xem ra cũng gọn nhẹ về phần bày biện. Nhưng
có nơi không giữ được ý nghĩa của cuộc lễ: Ba buổi lễ xem như giống
nhau, trước bàn Phật, bàn linh, bài bản xướng tán không rõ rệt; đơn
điệu, không diễn tả được nghi lễ đích thực nói lên hết ý nghĩ chư tôn cổ
đức đưa ra nêu cao việc hiếu hạnh của con người
Chúng tôi có cơ hội tham gia lễ lược giúp quý thầy, quý gia đình thân
hữu: ở Huế trước và sau 1975 (quy y với thượng tọa Thích Ðôn Hậu
năm1956, sinh hoạt khu vực chùa Ba La, Phú vang); ở Sàigòn (Gò vấp-
Bình thạnh) trong đạo tràng Từ Quang thuộc chùa Vạn Hạnh (Hoà thượng
Thích Minh Châu) từ 1984-1994, ở nam Cali trong ban hộ niệm chùa Bát
Nhã (Thượng tọa Thích Nguyên Trí) tứ 1995-2002. Có lúc có thầy nhiều hệ
phái khác nhau, có lúc vì hoàn cảnh, thời thế khó khăn không có thầy,
nhất là vùng thôn quê hẽo lánh. Hơn nữa qua giao thiệp bạn bè khác tôn
giáo, chúng tôi cũng có nhịp tham lễ táng của các tôn giáo bạn như:
Thiên chúa giáo mặc dù việc làm lễ mới vay mượn phong tục tập quán Việt
Nam sau này, nhưng các nhà thờ làm khá đồng nhất hài hòa. Nhất là Tin
Lành mới đây làm theo trào lưu, nhưng sự sắp xếp khá đồng bộ. Trong lúc
Phật giáo chúng ta, phải nói là thừa kế một rừng nghi thức, đơn có,
kép có, lễ nhạc có. Chúng ta bình tâm nhận xét lối hành lễ mỗi đám một
khác không đồng bộ, hài hòa, trong cộng đồng nhất là giới trẻ khó tiếp
thu.
Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta nên chấn chỉnh cung cách cử hành tang
lễ. Nắm vững các nét đặt trưng của tang lễ, giữ mối đạo, thu phục nhân
tâm. Một tang lễ phải bao gồm các lễ chính như sau:
1- Phát tang:
a/ Khai kinh bạch Phật: Thiết bàn Phật, cung kính, nghiêm trang. khấn nguyện rõ ràng.
b/ Trị quan nhập liệm: Ấn chú nghiêm minh, tẩy tịnh kỹ lưỡng với ý
niệm lấy nước Cam lồ rửa sạch ô uế hoặc mời những chúng sanh nào còn ẩn
trú trong quan tài xin lui ra.
c/ Phục hồn, thành phục: Thiết bàn linh, thỉnh linh an vi, trong lúc
này thần thức hương linh rất nhạy bén, nhưng rất sợ hải và dễ bị sân
hận. Quy cách mặc đồ tang, chỉ cho tang quyến hiểu rõ ý niệm hiếu thảo
qua cách để tang, cúng cơm.
2- Cầu siêu: .
a/ Sái tịnh: Gia trì sư làm phép tẩy tịnh quan tài lần này với ý
nghĩa rửa sạch trần lao. Thán: Nhắc nhở hương linh ý thức sự sanh tử chỉ
là giả tướng, không nên lưu luyến huyễn cảnh trần lao nữa. Nên thuận
thế gian, nghiệp lực, phát tâm quy hướng Phật.
b/ Thỉnh linh quy y: Thỉnh bát nhang, linh ảnh qua bàn Phật đảnh lễ và quy y, thuyết linh nhiễu quan, hoàn cựu sở.
c/ Tịch điện: Cúng cơm tối, con cháu dâng điếu văn cảm niệm.
3- Lễ táng:
a/ Khiển điện, di quan: Cúng cơm, đọc điếu văn bằng hữu, hội hè. Làm lễ di quan.
b/ Trị huyệt, nhiễu mộ: Làm lễ trị huyệt, hạ quan tài, nhiễu mộ, lời cám ơn. Nếu hỏa táng tụng kinh kỳ siêu .
c/ An linh: Sau khi chôn hay làm lễ hỏa táng xong, thỉnh bát nhang,
linh ảnh về chùa hay nhà, an linh để hương khói thờ phụng ít nhất trong
vòng 7 tuần lễ.
Qua thời gian, hoàn cảnh và nếp sinh hoạt hiện nay đã hình thành 3
lễ chính như trên. Có nhiều thời gian kéo dài thì làm lễ từng mục một.
Thông thường tang lễ 3 ngày thì làm thứ tự như trên. Nếu thời gian bức
bách vội vàng trong một ngày, một buổi thì nắm những ý chính châm chước
để hoàn thành tang lễ.
Thực ra tang lễ ngày xưa rất rõ ràng chi tiết, có từng nghi thức, sớ
điệp, tán thán thâm hậu, thống thiết. Nhưng với mục đích ứng phó đạo
tràng, qua thời gian tôi xin ghi lại những điều cần thiết phải làm cho
phù hợp với nếp sống ngày nay. Nếu khi không có Thầy, cư sĩ theo nghi
thức rút gọn cũng có thể giúp nhau trong tang lễ.
Theo Cục Văn Hóa Cơ Sở