Bên dưới làn da
Tỳ Kheo Thanissaro-Chuyển ngữ: Thiện Ý
24/02/2015 22:39 (GMT+7)

  Trong những năm đầu khi tôi đang tu tại một tu viện ở Bangkok, quý Thầy được các con của một bệnh nhân bị ung thư gan, mời đến một bệnh viện để giảng pháp cho bố của họ lần cuối trước khi ông ra đi.  Ngày hôm sau, năm người chúng tôi cùng đi, và vị thượng tọa của nhóm nói pháp cho người bệnh để giúp ông ta chuẩn bị cho cái chết và ra đi nhẹ nhàng. ‘Đây là lúc’ vị thượng tọa thuyết, ‘ông phải rũ bỏ hết mọi lo lắng về thân mà lo tập trung cho trạng thái của tâm mình, để không bị cái đau của thân làm cho tâm bấn loạn.’

   Hốt nhiên, người bệnh thú thật không phải cái đau của bệnh ung thư khiến ông hoảng sợ, mà là sự xấu hổ.  Suốt cuộc đời, ông ta rất hãnh diện là mình có một thân hình gọn gàng và tráng kiện trong lúc các bạn của ông mập phì và béo phệ.  Nhưng giờ đây, bụng ông bị trương phồng dị dạng vì ung thư khiến ông không thể nào chấp nhận, hay tưởng tượng người khác nghĩ thế nào khi thấy ông như vậy!  Dù cho Thầy thượng tọa có khuyên can cỡ nào, rằng là không có gì phải xấu hổ vì thân này không do sự kiểm soát của mình, người bệnh cứ nhất mực không bỏ qua quan niệm là thân thể này đã phản bội ông, khiến ông bị hổ thẹn trước cặp mắt của mọi người.

  Trong suốt buổi giảng pháp, trong đầu tôi cứ luôn nghĩ rằng giá mà ông ta bỏ nhiều thời gian nghĩ về sự bất tịnh của thân, thay vì cứ lo lắng cho cái chuyện có một thân hình đẹp, thì ông ta đâu có đau khổ như vầy!  Bản thân tôi chưa bao giờ thích quán chiếu về đề mục thiền quán này – Tôi thích tập trung nơi hơi thở và quán niệm về thân như là một thủ tục, chứ không có gì khác.  Nhưng bây giờ tôi mới hiểu được lời dạy của đức Phật về quán niệm nơi thân là một hành động của từ bi, một trong những phương tiện hiệu quả và căn bản mà Phật đã truyền lại cho đời sau để giúp diệt trừ những đau khổ của thế gian.

  Trên đường về lại tu viện, tôi cũng trực nhận ra rằng, dù là thất vọng với chính mình, tôi đã có một thái độ tự mãn đối với bản thân mình. Dù có quán niệm về sự ô uế của ruột gan, và nội tạng bên dưới lớp da, tôi rất hãnh diện về sự kiện là mình có một thân hình chắc nịch trong khi những người đồng tuổi tôi đều trở nên mềm nhẽo ra! Tôi cảm thấy có một ít cao ngạo về đạo hạnh khi có một thân hình gọn gàng dù tôi luôn chống lại cái nét đẹp tiêu chuẩn, thiếu thực tế mà các phương tiện truyền thông công cộng hay đề cao.  Nhưng bây giờ tôi phải thú nhận rằng ngay như một chút cao ngạo hợp lý của tôi cũng sẽ mang đến nguy hiểm về sau: Tôi đang tự đặt mình vào bẫy!  Ăn uống đúng cách và tập thể dục để được khỏe mạnh, nói chung, là một đường lối tốt, nhưng lo lắng quá về sức khỏe của mình lại là điều không tốt lắm cho tâm trí.   

   Hầu hết những người Tây phương không thấy như vậy.  Vì sự ám ảnh của thời đại về một thân hình hoàn hảo, không tưởng đã dạy nhiều người ghét bỏ thân thể họ một cách bệnh hoạn nên nó đã đưa chúng ta đến chỗ nhận thức tâm lý khỏe mạnh qua hình tượng một thân hình chắc nịch, và tâm lý bệnh hoạn qua một thân thể xấu xí. Khi chúng ta học lời Phật dạy về quán niệm thân, mình chỉ thấy có thân là khổ, chứ không hiểu thấu vấn nạn này.  Mình cho rằng việc mình cần là phải quán niệm một thân thể tráng kiện như là một phương tiện để diễn đạt từ bi.

   Nhưng từ cái nhìn của đức Phật, thái độ này là căn bản của vô minh.  Là một hoàng tử, Ngài không lạ gì với việc bị ám ảnh phải có một tiêu chuẩn quá mức về sắc đẹp. Nếu bạn đọc cuốn giới luật ngăn cấm tăng và ni làm đẹp – kem thoa, mỹ phẩm, trang sức, thuốc nhuộm cho tay và chân – Bạn mới thấy rằng xứ Ấn độ cũng bị ám ảnh về sắc đẹp như người phương Tây chúng ta vậy. Dù đức Phật hiểu rằng khái niệm về thân có công dụng vừa là giúp ích, vừa là chướng ngại trên con đường tìm kiếm giải thoát, Ngài nhận chân có 4 loại hình thể, chứ không phải chỉ có 2: Lành mạnh tích cực (healthy positive), không lành mạnh tích cực (unhealthy positive), lành mạnh tiêu cực (healthy negative), và không lành mạnh tiêu cực (unhealthy negative) – “lành mạnh” nghĩa là đưa đến hạnh phúc lâu dài; “không lành mạnh” là đưa đến đau khổ lâu dài. 

     Khi bạn hiểu được điều này, bạn sẽ thấy rằng lời dạy của Phật về thân là nhắm vào giải thoát chúng ta khỏi 2 hình ảnh không lành mạnh và thay thế chúng bằng 2 hình ảnh lành mạnh kia.  Và khi bạn hiểu được sự nguy hiểm của hình ảnh không lành mạnh về thân, kể cả tích cực lẫn tiêu cực, cùng với trạng thái thoải mái, tự do từ việc khai thác những hình ảnh lành mạnh về thân, bạn sẽ nhận thấy rằng lời Phật dạy để chuyển hóa những hình ảnh về thân bạn là một hệ thống phòng thủ hiệu quả chống lại những truyền thông lệch lạc, méo mó trong văn hóa của bạn, và là một bộ phận cần thiết trên đường tu.

    Những hình ảnh không lành mạnh về thân, dù tích cực hay tiêu cực, được bắt đầu bằng việc cho rằng giá trị của thân thể được tính bằng vẻ đẹp bề ngoài.  Tai hại của quan niệm này là không những dễ đưa đến những hình ảnh tiêu cực về thân, mà còn tệ hại hơn, dẫn đến những hình ảnh quá tích cực. 

    Điều này là do khái niệm về sắc đẹp có mang một sức mạnh.  Chúng ta cảm nhận được sức mạnh này khi thấy người nào mà mình cho là hấp dẫn, đẹp; và chúng ta muốn vận dụng cùng một công sức như vậy đối với chính mình.  Đây chính là một trong những lý do khiến mình chống chọi lại quan niệm thấy thân thể mình không đẹp, vì quan niệm này chối bỏ nguồn sức mạnh mà, dù ý thức hay không ý thức, mình đang cố gắng sử dụng.  Chúng ta quên, dù cố tình hay vô ý, sự nguy hiểm mà cái sức mạnh này mang đến.

  Trước hết, nó dẫn đến những nghiệp xấu.  Vì cái đẹp có một đặc tính là mời gọi sự so sánh.  Nó thường mang theo cảm giác kiêu hãnh, ngạo mạng đối với người mà bạn cho là xấu xí hơn bạn, cùng với thái độ hành xử kém cỏi do kiêu căng mang lại.

    Thứ hai, nó rất mong manh. Bất kể bạn có cố gắng cách nào chăng nữa để xóa bỏ sự già nua, dấu hiệu già cỗi lúc nào cũng đến sớm hơn.  Sự kiêu hảnh về sắc đẹp mà bạn từng gìn giữ, nay xoay lại đâm vào lưng bạn.  Ngay như khi thân thể bạn ở đỉnh cao của sự khỏe mạnh và thanh xuân, để công nhận nét đẹp này đòi hỏi bạn phải giả vờ làm ngơ rằng: Bạn xem những nét ngoại hình không đẹp chỉ từ một khía cạnh nào đó mà thôi.  Vì chúng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nên bạn cần kiểm soát liên tục, và không để cho ai thấy chúng, và bạn luôn tự hỏi không biết người nói mình đẹp có nói dối hay không!

      Khi bạn bị cám dỗ bởi những thứ mong manh như vậy bạn đang tự làm khổ mình.  Sự xuất hiện của mỗi vết nhăn mới là nguồn gốc của lo sợ.  Và nếu đây là sự thật.  Làm sao bạn không sợ già, ốm đau, và chết chóc? Và nếu bạn không thể vượt qua được sự sợ hãi này, làm sao bạn có thể giải thoát được?

     Và kế đến, Sự mong manh của quyền lực này cũng khiến bạn làm nô lệ cho kẻ khác. Khi bạn muốn mọi người thấy mình đẹp, bạn đang đặt giá trị của mình trong tay họ.  Đây là lý do tại sao những ai nhạy cảm về cách ăn mặc dễ bực bội vì những cái nhìn xoi mói của người khác.  Bạn muốn thấy người ta đang hâm mộ mình với cách nhìn như vậy, nhưng thật lòng bạn biết thường là không phải vậy! Những người nhìn xoi mói như vậy có thực sự hâm mộ bạn không? Tiêu chuẩn nào mà họ dùng để đo lường nét đẹp của bạn?  Ngay như nếu họ hâm mộ bạn, vậy họ hâm mộ tới mức nào? Có phải bạn muốn sự chú ý của họ? 

Khi bạn tiếp thu cái nhìn xoi mói của họ, bạn là tù nhân của cái nhìn đó.  Bạn càng muốn tin vào vẻ đẹp của mình, bạn càng bị thu hút bởi những ai đang tỏ dấu hâm mộ bạn, nhưng rồi bạn phát hiện là mình đang làm lợi cho họ hơn là cho chính mình.

Trên bước đường tìm kiếm để phát triển và duy trì nét đẹp của mình, bạn trở thành kẻ nô lệ của kỷ nghệ sắc đẹp dưới nhiều dạng khác nhau – kỷ nghệ này hứa hẹn sẽ cho bạn một sắc đẹp vĩnh viễn, nhưng cùng lúc tiếp tục nâng cao vẻ đẹp lý tưởng đến một mức độ không thể thực hiện được, và đòi hỏi nhiều tiền bạc và thời gian của bạn.  Đôi khi bạn phải hy sinh sức khỏe để có được nét đẹp lý tưởng này, như trường hợp của những người mẫu cực ốm, và những tay lực sĩ thể hình với những bắp thịt dị dạng.

Đây có thể là một khía cạnh thật oái oăm về sức mạnh của vẻ đẹp:  rằng sự khao khát dùng vẻ đẹp của mình để thu phục người khác; ngược lại, khiến mình làm nô lệ cho người nào hứa giúp duy trì nét đẹp của mình, cũng như người mà mình muốn thu phục.

Ngược lại với hình ảnh của một thân thể không lành mạnh, một thân hình lành mạnh không chỉ tập trung vào thân thể có thể trông đẹp ra sao, mà còn là những chuyện gì nó có thể làm được.  Là đối tượng cho thiền tập, thân thể có thể là nguồn lực tạo sự an lạc vô ngần và khỏe khoắn giúp duy trì bạn trên đường đạo.  Chúng ta học để biết đánh giá cao thân thể như là một công cụ để diễn đạt lòng từ và phát triển nét đẹp nội tâm của đức hạnh và rộng lượng, mà đức phật đã ca tụng là không bao giờ bị già cỗi.  Với cách quán tưởng như vậy, sự xuất hiện của những nếp nhăn không còn là mối đe dọa đối với thân bạn mà là một sự nhắc nhở đơn giãn để tăng thêm nỗ lực làm điều lành vì thời gian đang bị rút ngắn.

Đa số tin rằng có thể phát huy nét đẹp của thân cả trong lẫn ngoài, nhưng hình ảnh đẹp về thân bên ngoài làm hại nét đẹp trong tâm vì thời gian và năng lực tiêu phí để xây đắp cái đẹp làm mất thời gian để làm việc lành thiện.  Đồng thời, tiến trình không rõ của việc làm đẹp thường phức tạp và hay làm hỏng ý niệm về việc làm lành. Không ai, dù là người đã giải thoát khỏi những hình ảnh tiêu cực và không lành mạnh về thân, sẽ nghiêm túc nghĩ về ý niệm này.

Bởi chính vì một hình tượng về thân tích cực, nhưng không lành mạnh, có tác động đến hình tượng tích cực lành mạnh cần thiết để đối kháng với cái đẹp do hình tượng thân bất tịnh tạo ra.  Điều này tạo ra 3 điểm quan trọng, khác biệt từ hình tượng thân bất tịnh, không lành mạnh:

Một, người nào có ảnh tượng về thân bất tịnh, không lành mạnh thấy một thân thể không hấp dẫn là một điều xấu. ngược lại, ai có ấn tượng về một thân thể bất tịnh, nhưng lành mạnh sẽ thấy rằng sự thiếu hấp dẫn chẳng qua là một quan niệm , cũng trống rỗng như tất cả các quan niệm khác, và không thích đáng để đo lường giá trị của thân và của chính con người bạn.

Hai, ai có hình tượng về thân bất tịnh, không lành mạnh là nguyên do từ thấy thân người khác thì hấp dẫn, nhưng thân mình thì không.  Người có ảnh tượng về thân bất tịnh, nhưng lành mạnh thấy thân người nào cũng không hấp dẫn hết! Vì hiện giờ chúng tương đối xinh đẹp, nhưng khi chúng bốc mùi thối rữa từ từ thì bạn sẽ thấy chúng chẳng còn hấp dẫn gì cả!

Ba, người có hình tượng thân bất tịnh, không lành mạnh là do kết cục của sự luyến ái (attachment).  Ghét bỏ ngoại hình không có nghĩa là mình không ái luyến thân mình.  Ngược lại, mình thực sự yêu quý thân mình mãnh liệt và cái vẻ đẹp của thân mà mình luôn mơ ước.  Mâu thuẫn giữa hai hình tượng luyến ái này khiến chúng ta đau khổ.

Điều làm cho việc có hình tượng lành mạnh nhưng bất tịnh của thân là tốt lành vì rằng nó cho phép chúng ta xem cái vẻ đẹp của thân không quan trọng, và dùng thân như công cụ để phát huy những phương tiện thiện xảo cho tâm linh.

Chiến thuật Phật dạy để phát triển hình tượng bất tịnh của thân, nhưng lành mạnh là bắt đầu bằng việc thực tập chánh niệm, tập trung trong thân và chính tự thân, gạt bỏ mọi tham đắm, khổ đau đến từ ngoại cảnh (Kinh Tăng Chi số 22).  Nói cách khác, Bạn quán niệm về thân như bạn đang thực sự trải nghiệm trong phút giây hiện tại, thay vì nhìn thân mình qua cái sự nhìn ngắm của kẻ khác.  Chỗ khởi đầu tốt nhất là kinh nghiệm qua hơi thở, học cách vận dụng hơi thở để đem đến cảm giác dễ chịu và tươi mát trong từng cảm xúc với thân.  Cảm xúc an lạc này tái khẳng định cái giá trị của thân như là một nguồn hạnh phúc khi bạn khéo léo tiếp xúc, ngay cả khi bạn loại bỏ quan niệm về sự hấp dẫn của nó. 

Có 2 cách căn bản để bắt đầu tháo gỡ: hoặc là hình dung xem thân thể mình sẽ như thế nào khi bạn mổ xẻ nó ra từng khúc, hoặc hình dung nó sẽ tan rữa ra sao sau khi chết. 

Đối với việc quán niệm về thân bất tịnh vi tế, bạn có thể bắt đầu theo kinh tạng, liệt kê ra 31 phần: tóc, lông, móng, răng, bắp thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, phổi, màng phổi, lá lách, ruột già, ruột non, dạ dày, bao tử, phân, mật, đờm dãi, bạch huyết cầu, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, da, nước miếng, đàm, nước nhờn khớp xương, và nước tiểu. Quán tưởng mỗi phần thân ở trên cho đến khi bạn không còn ảo tưởng về chúng nữa, và rồi tập trung vào đó.  Hoặc bạn có thể thiền định về những phần của thân, không có trong danh sách trên.  Tôi, chẳng hạn, đã tìm thấy hiệu nghiệm khi quán về mắt mà không có mí mắt. 

Để bắt đầu bằng thái độ đúng đắn về đề tài thiền quán này – nghiêm túc đủ để biểu lộ sự quyết tâm, nhưng nhẹ nhàng để không bị áp lực – Bạn có thể tự hỏi mình khi quán niệm mỗi phần thân:  Bạn sẽ làm gì khi mở cửa căn phòng và bất ngờ tìm thấy một phần thân thể này trên sàng nhà?  Hoặc giả bạn ngồi xuống một bàn ăn và thấy nó nằm ngay trong đĩa thức ăn của mình?  Nếu nó là chất lỏng, bạn có muốn tắm trong đó không?  Quán chiếu như vậy cho đến khi bạn thấy thật là nực cười khi những cái bạn muốn cho sắc đẹp của mình lại làm thành từ những vật chất mà mình chẳng muốn đụng vào.

Đối với việc quán niệm về hoại sắc, bạn có thể bắt đầu bằng quán chiếu thân già đi trong mỗi 10 năm, rồi chết đi, sình trướng, và khô khốc đến khi biến thành bụi.  Rồi bạn có thể quán chiếu ngược lại, xem thân mình trong giai đoạn hiện thời để nhấn mạnh đến cái khả năng nó có thể kinh qua những giai đoạn thối rữa như vậy!  Việc quán niệm này nhắc chúng ta nhớ rằng dù mình có chăm sóc cho thân mình đến cỡ nào, rồi có một ngày mình sẽ không muốn gần nó nữa! Nếu bạn không buông xả bây giờ, khi cái chết gần kề bạn sẽ khó mà bỏ rơi nó được. 

Để những quán niệm này được lành mạnh, bạn phải học cách áp dụng chúng đồng đều cho tất cả mọi người, không phân biệt.  Bạn quán chiếu về sự thật của tất cả mọi thân thể một cách bình đẳng và khắp mọi nơi.  Đa số các hành giả được khuyến khích nên ứng dụng những ý niệm này trên thân họ trước, sau đó mới đến người khác – dựa trên nền tảng là mình thường bị sức hấp dẫn của chính thân mình trước người khác.  Nhưng nếu bạn đang đau khổ vì hình tượng tiêu cực, bất tịnh của thân mình thì bạn có thể bắt đầu quán chiếu về thân thể của người bạn đang ghen tức.  Giả dụ, hãy tưởng tượng rằng các siêu người mẫu phải mặc áo bằng da của chính mình, và các lực sĩ thể lực và các người diễn tuồng sân khấu phải khoe cái bộ đồ lòng của họ trước khán giả.  Khi nào cái hình tượng khôi hài này xóa mất sự ganh tỵ thì bạn mới nên quán chiếu cái xấu xí của thân mình.

Bất kể là loại hình ảnh bất tịnh về thân nào mà khởi lên trong tâm bạn, cách quán niệm này sẽ làm bạn khó chịu, ngứa ngáy. Và chắc chắn tâm bạn sẽ kháng cự lại.  Nếu bạn tuân thủ và nhận chịu sự đối kháng này, bạn sẽ không bao giờ có thể khám phá ra cái thái độ không lành mạnh trốn đằng sau sự đối kháng đó. Chỉ khi nào bạn thách thức sự kháng cự kia thì bạn mới nhìn thấy cái luyến ái không lành mạnh của tâm đối với vẻ đẹp của thân mình.  Và chỉ khi nào bạn thấy rõ, bạn mới có cơ giải thoát khỏi chúng.

Nói chung, mục đích tối hậu của quán niệm này không phải hoàn toàn về thân, mà do những ý niệm mà bạn chọn.  Nó kích thích bạn phải chọn lựa như thế nào:  Khi bạn đang quán niệm về một thân bất tịnh, tại sao tâm bạn ngay lập tức biến ý niệm này thành một thân thể đẹp và hấp dẫn?  Khi bạn cố thử tìm câu trả lời qua sự quán sát tâm mình, bạn sẽ hiểu rằng tâm bạn đang đánh lừa chính nó và nó tự nguyện chấp nhận sự lừa dối này!

Trên hết, cố mang một thái độ khôi hài đối với sự kiện này, để bạn có thể cười hoan hỉ đối với sự ngu xuẩn của mình, muốn tìm một vẻ đẹp cho thân.  Nếu, trong bất cứ lúc nào, quán chiếu này đưa đến cảm giác kinh tởm và buồn chán, hãy lìa bỏ chúng và quay trở lại tập trung vào hơi thở cho đến khi bạn đem lại cảm giác thư thái và tươi mát.  Tiếp tục trở lại quán niệm thân bất tịnh chỉ khi nào tâm bạn trong trạng thái thăng bằng.  Như một Thiền sư người Thái lan từng nói: ‘Con đừng nhắm vào sự khiếp sợ, mà đơn giản cố gắng để bình tâm.’

Và đừng lo sợ rằng quán niệm này sẽ khiến bạn bơ phờ, rầu rĩ vì bạn càng tỉnh khô từ cái nhìn xoi mói của kẻ khác đối với thân mình, bạn sẽ cảm thấy mình nhẹ nhàng, tự do hơn.  Cũng như khi bạn càng có nhiều điều khôi hài về thân mình, bạn sẽ càng có nhiều năng lượng lành mạnh cho tâm.

 

Thanissaro Bhikkhu – là trụ trì Thiền Viện Từ Lâm (Rừng Từ).  Nhiều bài viết của Thầy có đăng miễn phí trên mạng accesstoinsight.org.  

  • Nguồn:  Under Your Skin, Tricycle Magazine - Winter 2014 by Thanissaro Bhikkhu.                                 
                                                                             Thiện Ý chuyển ngữ           

Các tin đã đăng: