Ðể giải thích phần nào
những thắc mắc đó hầu tránh khỏi cái nạn vì nghẹn bỏ ăn, ở đây
xin nêu vài ý kiến theo trường hợp này:
1. Thuyết pháp độ sanh là bản
hoài của Phật, vậy tại sao khi Thành Ðạo rồi Ngài lại không muốn
thuyết pháp, đợi đến khi Phạm vương thưa thỉnh, Ngài mới thuyết?
- Xin thưa: Như kinh đã nói đến,
không phải Phật nhất định không muốn thuyết pháp, song Ngài còn
ngần ngại giữa một bên là giáo lý giác ngộ quá cao siêu, một bên
căn tính chúng sanh quá thấp kém, sợ đem giáo pháp ấy nói cho
chúng sanh ấy có hại hơn có lợi. Trong lúc Phật đang quán xét phải
thuyết pháp cách nào mới đưa đến nhiều lợi ích, thì Phạm vương đến
thưa thỉnh. Như vậy việc thưa thỉnh này chỉ đáng xem là một việc làm
đúng lúc chớ không phải một quyết định tối hậu, mở đầu cuộc
thuyết pháp của Phật. Vả lại, thời bấy giờ dân Ấn Ðộ tin thờ Phạm
thiên vương là chúa tể. Nay thấy Phạm thiên vương thỉnh Phật
thuyết pháp như vậy thì họ sẽ tôn kính Phật mà lắng tai nghe,
trừ bỏ lòng tự tôn vào giáo pháp của Bà-la-môn xưa nay. (Muốn
hiểu rộng hơn xin xem Luận Ðại Trí Ðộ quyển 7).
2. A Nan không thỉnh Phật ở
đời lâu thêm vì tâm trí bị Ma vương ám. Nhưng sau đó Ngài nhận
lời Ma vương nhập Niết-bàn, như thế phải chăng Phật thiên vị Ma
vương?
- Xin thưa: Phàm ở đời việc gì
đến nó phải đến. Khi cơ duyên hóa độ đã mãn tất nhiên Phật vào
Niết-bàn, dù khi đó có hay không có Ma vương thưa thỉnh. Trái
lại, khi cơ duyên hóa độ chưa mãn, lúc Ngài ở bên sông Ni-liên-thuyền,
lúc Ngài vừa Thành Ðạo, dù Ma vương có đến thỉnh Phật vẫn không
vào Niết-bàn. Vậy việc Phật nói với Ma vương sau ba tháng sẽ vào
Niết-bàn chỉ là một dịp Phật thổ lộ ý định của mình mà thôi.
3. Phật là bậc tự tại tự chủ,
sao Ngài không duy trì xác thân ở đời mãi mãi để làm lợi ích cho
chúng sanh? Nếu Phật còn phải chịu sự sống chết như mọi người,
thì sao gọi Phật là tự tại tự chủ?
- Xin thưa: Chân lý muôn đời của
vũ trụ là hễ có sinh thì có diệt, có hiệp thì có ly, không một ai
có thể làm cho khác đi được. Nhưng chúng sanh vì vô minh thường
có tham vọng đi ngược lại chân lý nên phải đau khổ đời đời. Trái
lại chư Phật Bồ -tát giác ngộ, thể nhập chân lý nên thường được
tự tại như chân lý, một sự tự tại siêu tuyệt: Ở nơi sinh mà bất
sinh, ở nơi diệt mà bất diệt; bất sinh bất diệt tức giải thoát
tự tại ngoài vòng chi phối của bất cứ điều gì, dù là sinh là tử.
Cho nên cùng một hình thức sinh tử, ta thấy về xác thân mà ở nơi
chúng sanh thì là luân hồi đau khổ, ở nơi Phật thì lại tự tại
giải thoát.
Còn sự lợi sự hại theo Phật thì
chúng sanh lắm lúc không đồng nhau. Cùng một chuyện chúng sanh
thấy lợi, Phật thấy không lợi, chúng sanh thấy hại, Phật thấy
không hại. Do đó, dù Phật diệt độ mà Ngài vẫn thấy chúng sanh còn
được nhờ giáo pháp Phật để lại, để nổ lực tu hành mà không sanh
tâm ỷ lại vào sự tế độ của Phật. Mỗi người phải lo tự giác ngộ
chứ không ai giác ngộ thế cho ai được. Hễ ai giác ngộ được, người
đó hết đau khổ, dù Phật còn ở đời, mà chúng sanh không chịu tự lo
giác ngộ theo phương pháp Phật chỉ dạy cũng không ích gì.
Một câu chuyện tương tự dưới đây,
tuy đơn giản nhưng có thể làm một tiêu chuẩn cho ta suy nghiệm
đến đường lối cứu đời của Phật khác xa thường tình nghĩ tưởng:
Lúc Phật còn tại thế, có một người đàn bà không may phải làm dâu
trong một gia đình ác độc, bà ta bị hất hủi, bạc đãi đủ điều, nên
chỉ còn biết đặt hy vọng vào đứa con độc nhất của mình. Nhưng
cũng rủi luôn cho bà, đứa con ấy vừa lên ba thì mệnh yểu. Bà đau
khổ điên cuồng ôm thây con đến mấy vị bác sĩ, nhờ cứu chữa. Bác
sĩ, lương y nào cũng lắc đầu bó tay. Cuối cùng có người vẽ cho bà
tìm đến đức Thế Tôn, may ra Ngài có thể cứu được con bà. Một tia hy
vọng cuối cùng lại vụt sáng giữa lúc tâm thần đang bối rối đau khổ,
bà ôm xác con chạy gấp đến chỗ Phật, sau khi vái chào, bà liền
cầu xin Phật cho đứa con bà sống lại, Phật dạy: Ðược, Bà hãy đi
kiếm cho Ta một nắm hạt cải ở nhà nào từ xưa nay không có người
chết, đem về đây Ta sẽ cứu cho". Bà mừng rỡ lật đật chạy đi kiếm.
Khi bà đến nhà thứ nhất, được người đem cho nắm hạt cải. Bà liền
hỏi chủ nhà: "Nhà này xưa nay có ai chết không?" Chủ nhà trả
lời: "đã có mấy người chết". Bà ta nói đức Thế Tôn dặn kiếm thứ
hạt cải ở nhà nào xưa nay không có người chết, nên bà ta đem trả
lại nắm hạt cải. Bà ta cũng hỏi và cũng không nhận như nhà trước.
Cứ như thế bà ta đi từ nhà nọ đến nhà kia khắp vùng mà
vẫn không kiếm ra một nắm hạt cải đúng như lời Phật dặn. Bỗng
nhiên một giây phút tỉnh ngộ, lý vô thường bật sáng trong tâm bà,
phá tan bao điều sầu khổ, u ám, bà lặng lẽ đem con đi chôn rồi
trở lại tinh xá bạch Thế Tôn: "Việc Ngài dạy con đã làm xong".
Rồi bà đảnh lễ Phật xin quy y làm đệ tử.
Khi đọc chuyện này, không khéo
lại có người đặt lời phê phán: "Thế Phật có hơn gì mấy ông bác
sĩ, lương y? Phật còn không bằng các đạo sĩ, giáo chủ khác dùng
phép lạ cứu người chết rồi sống lại? Tình thương của Phật như thế
tỏ ra một tình thương quá lạt lẽo đến phũ phàng, một tình thương
không thực tế! "Nhưng không, nếu cứ ôn tồn suy nghĩ chắc người
ta sẽ không phê phán một cách quá nông nổi và sai lầm đối với
lòng từ bi quá thâm thúy và thiết thực như trên của Phật. Ðối với Phật,
Ngài đã thấy rõ, sở dĩ chúng sanh đau khổ chỉ vì không giác ngộ
được chân lý thực tại vô thường, lại muốn bám chặt vào những mảnh
vô thường và nhận chắc đó là ta và của ta, vì vậy tình thương
của Ngài là cốt làm thế nào phá trừ vô minh đưa chúng sanh đến
nơi giác ngộ tức hết đau khổ, nếu không như vậy, dù có làm cách
nào, cũng chỉ là cách cứu chữa tạm thời, đôi khi còn vì nó gây
thêm đậm nét đau khổ là khác. Ví dụ như ông thầy thuốc không chịu
tìm chữa từ bịnh căn, chỉ nghe con bịnh nói đau mắt, đau đầu
bừa, không tìm nguyên nhân thì không bao giờ hết bịnh, vì bịnh
căn là mầm mống chưa trừ. Như vậy đến đây, ta hiểu được rằng tại
sao Phật không dùng phép lạ cứu sống đứa con người đàn bà kia.
Chúng ta cũng biết rõ rằng dù Phật có cứu sống đứa nhỏ bằng phép
lạ đi nữa rồi một ngày kia nó cũng vẫn già, vẫn bịnh, vẫn chết và
người đàn bà mẹ nó, cũng vẫn đau khổ như từ bao giờ không hơn
không kém, nếu bà không một lần tỉnh ngộ như trong khi đi xin hạt
cải: chết sống không phải là khổ mà khổ vì không giác ngộ lẽ
chết sống.
4. Chúng sanh đau khổ nhưng
kém hèn không tự cứu lấy mình được mới chạy đến Phật cầu cứu.
Thay vì phải soi sáng, cứu độ cho họ, Phật lại dạy: "Các ngươi
hãy tự thắp đuốc lên mà đi". Như thế nghĩa là sao? Nếu chúng sanh
tự thắp đuốc lên mà đi được thì phỏng có lợi ích gì mà họ phải
chạy đến Phật?
- Xin thưa: Phật dạy mỗi người
phải tự giác ngộ lấy mình chớ không ai giác ngộ thế cho được, đó
là lời dạy chí lý hiển nhiên đúng thật không thể chối cãi được,
và câu "Các ngươi hãy tự thắp đuốc lên mà đi" đã nằm trong ý
nghĩa tự giác ngộ đó. Tuy nhiên, nếu suốt một đời giáo hóa của
Phật, thỉ chung Ngài chỉ dạy có một câu ấy bất cứ đối với ai và
bất cứ lúc nào, thì cũng đáng cho ta sự thắc mắc trên, bởi nếu
như vậy, chúng ta sẽ không hiểu gì là cái đuốc. Tại sao phải tự
thắp, làm thế nào để thắp và đi về đâu. Nhưng đằng này khác hẳn,
sau giáo pháp Phật đã dạy, giáo pháp đó không ích lợi gì cả nếu
chúng sanh không chịu khó học hỏi kinh nghiệm thực hành, nương
giáo pháp để tự tạo lấy sự giác ngộ chính trong lòng mình. Phật
vì thương chúng sanh cho nên Ngài lại phải nhắc nhở chúng sanh lo
thực hành với lời dạy trên.
Giáo pháp như ngón tay chỉ, chân
lý ví như mặt trăng, Phật truyền dạy giáo pháp khác nào như Phật
đã đưa tay chỉ mặt trăng (đây là Phật khai hóa cứu độ cho chúng
sanh), người muốn thấy mặt trăng, tất phải định thần mở mắt nhìn
theo hướng tay chỉ, không phải chờ ai nhìn thế mà cho thấy được.
Nếu Phật có nhìn thấy hay người khác có nhìn thấy, cũng chỉ là
Phật thấy, mấy người kia thấy, chớ không phải mình thấy. Giáo pháp lại
có thể ví như những điều kiện bên ngoài để tạo ra hạnh phúc chân
thật bên trong; khi một người có đủ các điều kiện ấy mà vẫn thấy
mình chưa đủ hạnh phúc thì họ phải lo tự tạo lấy hạnh
phúc cho họ, chớ không ai bên ngoài xen vào hay mang lại một hạnh
phúc chân thật trong lòng họ được.
Ðể hiểu rõ hơn, ta cần xác nhận
thời gian tính lời dạy trên trong quá trình thuyết giáo của Phật.
Theo như trong kinh này thì câu "Các ngươi hãy tự thắp đuốc lên
mà đi" đã được Phật dạy vào lúc sắp nhập Niết-bàn và lúc nhiều
giáo pháp đã được Phật nói ra. Như thế có theo Phật ta mới hiểu
rõ đường lối tu hành, mới thoát khỏi các ý nghĩ ỷ lại sai lầm
rằng ta có thể nhờ người khác đem lại giác ngộ và hạnh phúc chân thật
cho ta, và mới hiểu tại sao phải tự thắp đuốc lên mà đi và thắp
bằng cách nào để khỏi bị ở mãi trong chốn tối tăm đau khổ.
5. Ðạo Phật chủ trương lý
trí, chú trọng thực tiễn, tại sao trong kinh còn có những chỗ nói
đến các vị thần, như thiên thần, lâm thần, thọ thần v.v... Như
thế Phật giáo cũng tin có quỷ thần, mơ hồ? Phật giáo cũng là một
đa thần giáo?
- Xin thưa: Phật giáo không hề
lấy việc tin quỷ thần, cầu khấn, thầm làm phương châm giải khổ,
nhưng Phật giáo quan niệm giữa vũ trụ có vô lượng thế giới và vô
số chúng sanh xuất hiện dưới vô số hình thức sai khác, lớn có, bé
có, ở hư không có, ở dưới biển có, hữu hình có, vô hình có, tùy
theo căn thức và nghiệp cảm. Mỗi chúng sanh cũng chỉ là mỗi chúng
sanh, không chúng sanh nào có thể sáng tạo và cai quản chúng sanh nào,
ngoại trừ tánh cách tương quan hổ thành theo luật nhân duyên nhân
quả. Do đó, Phật không bao giờ khuyên dạy người ta cầu xin phúc
họa nơi quỷ thần, mà dạy người ta lo cầu xin họa phúc ngay nơi
mình. Khác với đa số người thế gian và đa thần giáo xem quỷ thần
như những vị sáng tạo và có quyền phép ban phước giáng họa và
người ta cần đến đó cầu xin hoặc sợ sệt kính lễ, trong khi Phật
giáo dù nói đến thần này thần kia chỉ có nghĩa tại chỗ kia chỗ nọ
mà thôi, có với không có nó không là việc bận rộn đến tinh thần
của những Phật tử chân chánh.
6. Người ta nói "Quốc gia
hưng vong thất phu hữu trách", một thường dân còn có bổn phận đối
với quốc gia xứ sở, huống những người cầm quyền trị vì, thế
nhưng trong kinh có đoạn kể chuyện vua tôi nước nọ đều xuất gia
cả. Xuất gia như thế có hại cho quốc gia không? Có thụ động, trốn
trách nhiệm không?
- Xin thưa: giá trị của sự xuất
gia ở chỗ khác đã có nói nhiều, ở đây xin tóm tắt rằng sự xuất
gia chân chính bao gồm một ý nghĩa từ bỏ dục vọng, tham lam, ngã
chấp, để khuôn mình trong lối sống đạo đức với chí hướng cầu chân
thiện mỹ và ban phát chân thiện mỹ. Xuất gia như thế đâu phải là
một hành vi thụ động, trốn đời, hại đời? Và đâu dễ có mấy người
xuất gia, khiến đến nỗi quốc gia phải suy yếu vì họ? Vả chăng
việc nước là việc chung, không người này còn người khác, một số
rất nhỏ người xuất gia có thấm vào đâu với đại đa số dân chúng.
Một điều mà thiết tưởng ai cũng thấy rõ, nước mạnh không nhất
thiết phải dân đông nhưng cốt phải muôn dân nhất trí, và muốn cho
muôn dân nhất trí là phải có đạo đức, hy sinh, công chính. Mọi
người dân trong khi cố công kiến thiết, họ cũng phải cố công xây
dựng ở họ, ở người khác một sức mạnh đạo đức, biết hy sinh, không
ích kỷ, không cố vị tham quyền mới duy trì được nền an lạc
chung. Như thế suy đến chuyện xuất gia của vua tôi nước nọ, thay vì
nói đó là yếm thế, trốn trách nhiệm, ta hãy nói đó là một cử chỉ
cao thượng hiếm có, đã nêu một gương sáng không tham cố quyền lợi,
không cố thủ địa vị là điều xưa nay thật khó tìm thấy ở trong bao
nhiêu người có địa vị trong tay. Tuy vậy, thật ra việc xuất gia
như trên rất hiếm có trong lịch sử và giả sử có ta cũng thấy rõ
đâu có làm hại cho quốc gia, xã hội bằng những con người bất nhân
vô đạo, cố vị tham quyền kết tụ lại trong quốc gia hay thế giới,
mà xưa nay đâu đâu cũng có. Cứ xem nhân loại ngày nay ta cũng đủ
thấy là hiện đang đau khổ vì dục vọng hay những lời dạy ly dục
và sự xuất gia như trên?
Tóm lại, trong khi xem kinh, nên
có con mắt trạch pháp để nhận định những lời nào Phật quyền
thuyết, những lời nào Phật thật thuyết, những lời nào là chính
yếu, những lời nào là phụ yếu, và suy nghiệm lối thuyết pháp tất
đàn của Phật mới mong học được những chỗ đáng học, nắm được chỗ
chính yếu của giáo lý để khỏi kẹt vào những thắc mắc không trọng hệ
nhưng lắm lúc làm trở ngại những giáo lý trọng hệ cần được chú
tâm suy tầm tu niệm nhiều hơn.