Một
thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, tinh xá ông Anathapindika. Có
thanh niên Subha Todeyyaputta đi đến Thế Tôn, sau khi chào và hỏi thăm,
liền ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn : Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì giữa loài người với nhau chúng tôi thấy có người xấu xí, có người đẹp đẽ. Vậy, này Thanh niên, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói: Ở
đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, phẫn nộ, nhiều
phật ý, bị nói đến một chút thời bất bình, sân hận, chống đối và tỏ lộ
bất mãn. Do nghiệp ấy, sau khi mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú.
Neu được tái sanh trong loài người, người ấy phải chịu xấu xí. Nhưng
ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không phẫn
nộ, không nhiều phật ý, dầu cho bị nói đến nhiều cũng không bất bình,
không sân hận, chống đối và tỏ lộ bất mãn. Do nghiệp ấy, sau khi mạng
chung được sanh vào thiện thú, thiên giới. Nếu tái sanh trong loài
người, người ấy được đẹp đẽ. (ĐTKVN, Trung Bộ III, kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.473) LỜI BÀN: Mỗi
con người khi được sinh ra trên cõi đời đã mang một thân phận. Ai cũng
mong muốn mình đẹp đẽ, khả ái đồng thời chẳng ai muốn mình xấu xí, khiếm
khuyết và khó nhìn. Tuy nhiên, chính dung mạo của mỗi cá nhân trong
hiện tại đã phản ánh một cách trung thực, rõ ràng nhất nghiệp nhân của
chính họ. Tác
nhân cơ bản và quan trọng nhất ảnh hưởng đến dung mạo xấu xí, khiếm
khuyết là nghiệp được tạo ra do sự nóng nảy, sân hận, thiếu kiềm chế,
bức xúc, chống đối và bất mãn. Không cần đợi đến kiếp sau, chỉ ngay
trong hiện tại, những tâm lý và hành vi kể trên đã tàn phá, hủy hoại và
làm thay đổi đáng kể diện mạo của người nóng giận. Ngược
lại, người có tâm hoan hỷ, hòa ái, bình tĩnh, khoan dung và tràn đầy
tình thương thì nét đẹp trên dung mạo vốn có của họ càng được nhân lên
nhờ năng lượng của hoan hỷ và hòa ái, rất dễ gần gũi và thân thiện. Bởi
tâm không bị lửa nóng giận thiêu đốt, mặt mũi không bị phẫn nộ làm biến
dạng mà rạng rỡ, tươi vui làm họ đẹp thêm lên. Đây cũng chính là nghiệp
nhân cho nhan sắc đáng yêu của người ấy trong hiện tại và mai sau. Vì
thế, người con Phật cần giữ vững chánh niệm để đạt được tự chủ, bình
tĩnh trong mọi tình huống của cuộc sống. Mặt khác, nuôi dưỡng và tăng
trưởng lòng từ để thương yêu, tha thứ, bao dung và nhất là dùng từ tâm
chuyển hóa nóng nảy, giận hờn là nghệ thuật sống an vui theo lời Phật
dạy. Chính những điều ấy là chất liệu để hình thành thành nên vẻ khả ái,
đáng yêu nơi tự thân của mỗi cá nhân.
|