Phật giáo tin cầu siêu có ảnh hưởng đến sự siêu độ của vong linh. Thế nhưng, tác dụng ấy có giới hạn nhất định.
Cầu siêu chỉ là một sức mạnh thứ yếu, không phải là sức mạnh chủ
yếu. Vì thời gian chủ yếu để tu thiện, làm thiện là thời gian khi người
đang còn sống. Sau khi người chết rồi, chính người sống tổ chức lễ cầu
siêu cho người chết và hồi hướng công đức tu thiện, làm thiện của mình
cho người chết.
Kinh Địa Tạng cho biết, lợi ích của lễ cầu siêu có bảy phần, thì sáu
phần thuộc về người còn sống (tức là người tổ chức lễ cầu siêu) còn chỉ
có một phần lợi ích thuộc về người đã chết.
Đồng thời, Phật giáo chính tín, đối với phương thức lễ cầu siêu, có
quan niệm hơi khác với tập tục dân gian. Nói siêu độ là nói độ thoát cõi
khổ, siêu thăng đến cõi vui, là dựa vào cảm ứng của nghiệp lực tu
thiện của bạn bè, gia thuộc người chết, chứ không phải do một mình tác
dụng tụng kinh của tăng ni. Đó là sự cảm ứng do phối hợp nghiệp thiện
của người tổ chức siêu độ và sự tu trì của người tụng kinh.
Do đó, Phật giáo chính tín cho rằng, chủ thể của công việc cầu siêu
không phải là tăng ni mà là gia thuộc của người chết. Gia thuộc người
chết, trong giờ phút lâm chung, nếu biết đem các đồ vật ưa thích của
người sắp chết, cúng dường Tam Bảo, bố thí kẻ nghèo, và làm cho người
sắp chết hiểu rõ, đó là làm công đức hộ cho anh ta, thì sẽ có tác dụng
rất lớn đối với vong linh người chết. Đó là do sự cảm ứng của một niệm
thiện nghiệp, do tâm người lúc lâm chung được an ủi, nhờ vậy mà nghiệp
thức của người chết hướng tới cõi lành. Đó không phải là mê tín, đó là
đạo lý tâm thiện hướng tới cõi thiện.
Nếu khi người thân đã chết mà con cháu, gia thuộc có lòng thành kính
thiết tha, tổ chức trai tăng, bố thí, làm điều thiện lớn, tỏ lòng hiếu
thảo khẩn thiết cũng có thể có cảm ứng, giúp cho vong linh được siêu
linh cõi thiện. Thế nhưng, tác dụng không bằng việc làm khi người đang
còn sống, chưa chết.
Khi người con có lòng hiếu chí thành, như Bồ Tát Địa Tạng, để cứu mẹ
mà phát lời nguyện đại bi, nguyện vì để cứu mẹ mà đời đời kiếp kiếp sẽ
cứu độ chúng sinh ra khỏi biển khổ. Dựa vào sức mạnh của lời nguyện vĩ
đại ấy, mà cảm thông được với người chết, giúp người chết giảm bớt hay
trừ bỏ được tội ác.
Đó không phải là mê tín, mà là sự cảm thông của lòng hiếu vĩ đại,
của tâm nguyện vĩ đại, khiến cho tâm lực và nguyện lực của người siêu
độ hòa nhập và cảm thông với nghiệp lực của người siêu độ, cả 2 thông
suốt cùng một khí, nhờ vậy, mà người chết được siêu độ.
Vì vậy đối với Phật giáo chính tín, con cái gia thuộc nếu muốn cứu
độ người chết, thì nên làm các việc như cúng dường Tam Bảo, bố thí kẻ
nghèo, chứ không nhất thiết phải mời Tăng Ni đến tụng kinh. Tăng Ni khi
được cúng dường, thì chỉ chú nguyện cho thí chủ mà thôi. Vì Tăng Ni
tụng kinh là công việc làm hàng ngày của họ trong các khóa lễ, tụng
kinh là một phương pháp tu hành, mục đích của tụng kinh không phải là để
siêu độ người chết. Thí chủ cúng dường chư Tăng là để cho chư Tăng có
thể tu hành và đạt mục đích của tu hành.
Phật giáo tuy có nói tụng kinh để siêu độ người chết, nhưng đó là hy
vọng mọi người đều tụng kinh. Chỉ trong trường hợp mình không biết
tụng kinh hay là tụng kinh quá ít, mới thỉnh Tăng Ni tụng kinh thay cho
mình.
Thực ra, chức năng của Tăng Ni là duy trì đạo Phật ở thế gian, lấy
Phật pháp để hóa độ chúng sinh, chứ không phải chuyên làm việc siêu độ
cho người chết. Công đức của tụng kinh là nhờ ở lòng tin Phật pháp và
tu hành Phật pháp, cho nên không phải chỉ có Tăng Ni mới tụng kinh, lại
càng không phải chỉ khi có người chết mới tụng kinh.
Hơn nữa, thời hạn siêu độ tốt nhất là trong vòng 49 ngày. Bởi vì,
Phật giáo tin rằng, chỉ trừ những trường hợp như người có phúc nghiệp
lớn, chết thì tái sinh ngay ở sáu cõi trời Dục giới, hay là những người
tu định có kết quả, khi chết thì tái sinh ở các cõi trời Thiền định,
hay là người có ác nghiệp nặng, chết thì đọa địa ngục lập tức; còn thì
đối với người bình thường mà nói, chết xong còn trải qua thời gian 49
ngày chờ đợi cho nghiệp duyên chín mùi mới quyết định tái sinh ở cõi
nào.
Nếu trong thời gian này mà con cái, thân nhân biết lấy công đức cúng
dường Tam Bảo, bố thí kẻ nghèo để hồi hướng cầu siêu độ thì người
chết, nhờ công đức thiện nghiệp ấy cảm ứng hỗ trợ mà được sinh lên cõi
thiện (Trời, Người) và được siêu độ. Nếu để qua 49 ngày mới tổ chức cầu
siêu thì chỉ có thể tăng thêm phúc đức cho người đó, chứ không thể ảnh
hưởng gì đến hướng tái sinh của họ nữa.
Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ, trong trường hợp người thân bị chết oan,
chết thê thảm, do oan trái chưa trả cho nên có thể sinh ở cõi quỷ, và
tiếp tục vòi vĩnh, đòi hỏi đối với người. Thông thường, người ta gọi đó
là quỷ ám. Trong trường hợp đặc biệt này, thì cần có tụng kinh siêu độ
(nghĩa là thuyết pháp cho quỷ nghe để cho quỷ rõ hướng đi). Nhờ Phật
lực giúp cho vong linh tái sinh ở cõi thiện.
Phật giáo thường gọi cõi quỷ là "ngã quỷ" (quỷ đói), cho nên thường
dùng mật pháp (như trì chú biến thực, thí thực) để giúp đỡ, tạo ra tác
dụng lớn, đặc biệt là đối với loại quỷ lành. Công việc Phật sự đặc biệt
này, các tôn giáo khác, kể cả Thần giáo đều không biết.
HT. Thích Thánh Nghiêm