Thật ra câu hỏi nhắc chúng ta
một điều Đức Phật đã dạy mà hình như vô tình chúng ta quên mất, đó là một trong
tám cái khổ nạn: oán tắng hội khổ, tức là đối với những người mình không
ưa thích hay ghét cay ghét đắng, muốn tránh cho khuất mắt mà không thể tránh
được; mình muốn lờ đi nhưng nó cứ xuất hiện trước mặt, đến nỗi có những trường
hợp phải sống chung với nhau ngắn hạn hay dài hạn. Trong cuộc đời ai cũng có
người ưa thích, nhưng cũng có người thù ghét vì lẽ này hay lẽ khác, vì nhân
duyên này hay nhân duyên khác. Tuy nhiên ở giữa hai cái ưa và ghét đó cũng tạo
nên một cảnh mà phải gặp là cảnh khổ do những nghịch cảnh oán ghét. Một khi đã
thù oán nhau như vậy thì thế giới bao la sẽ trở thành một góc trời nhỏ hẹp. Gặp
một người oán ghét, ta muốn tránh, nhưng tránh mãi đến nỗi không muốn gặp mà
cũng không sao tránh được. Ðó là cảnh không ưa nhau, thù ghét nhau mà vẫn phải
gặp mặt nhau. Cảnh này nếu nằm trong gia đình, trong thân tộc, trong bản thân
của mỗi người thì lại càng khổ hơn nữa.
Oán ghét nhau là khổ đã đành mà
yêu nhau cũng khổ. Đó là ái biệt ly khổ, cái khổ thứ hai trong bát khổ. Cho
nên có câu: “Nghiệp bất trọng bất sanh Ta Bà. Ái bất đoạn bất sanh Tịnh Ðộ.”
Vậy, muốn thoát khỏi Ta bà khổ này thì không những không ghét nhau mà còn phải
không yêu nhau nữa, phải dứt ái, vì ái ràng buộc kiếp này kiếp khác, luân hồi
triền miên làm thân bằng quyến thuộc của nhau. Do đó muốn không gặp nhau ở kiếp
sau thì chỉ có cách tu để ra khỏi luân hồi.
Tôi có một người bạn quen, vì
cuộc tình duyên tay ba nhiều khổ đau, nên phải rời xa quê hương qua Hoa Kỳ năm
1972 học hành và lập cuộc đời mới với người mới. Tưởng rằng êm ấm, mọi yêu
thương và oán thù với người cũ sẽ phai nhòa theo thời gian và không gian, nhưng
oái ăm thay cuộc chiến Việt Nam kết thúc, người yêu cũ theo đoàn người di tản
qua Hoa Kỳ và tình cờ lại phải gặp nhau trên phố Bolsa. Khổ ơi là khổ, nàng đã
chạy nửa vòng trái đất để trốn nỗi khổ đau, tránh gặp người tình phụ, thế mà
vẫn phải gặp lại. Đây mới chỉ là một phần tám cái khổ của con người. Cái khổ
của con người có muôn mặt thuộc về tâm sinh lý, là một sự thật hiển nhiên không
thể bàn cãi được. Đức Phật nói về khổ vì Ngài thấy rõ chân tướng của nó và chỉ
bày phương pháp để diệt khổ. Chúng ta cần phải suy nghiệm để thấy rõ nỗi khổ và
phải nỗ lực thực hành các phương pháp của đức Phật chỉ dạy. Thực hành các
phương pháp của Ngài là để chuyển nghiệp. Chuyển nghiệp xấu thành tốt, vô minh
ra giác ngộ, trầm luân ra giải thoát. Chính Nghiệp luôn luôn theo ta như bóng
theo hình, nếu ta tạo nghiệp lành thì có bạn lành cùng đi theo, nếu ta tạo
nghiệp ác thì có kẻ oan gia ác báo đi theo trong kiếp này hay trong kiếp tới. Vì
thế, theo lời Phật dạy "Con thiên nga chỉ bay được giữa hư không, người có
thần thông chỉ bay được khỏi mặt đất; chỉ có bậc đại trí, đại hạnh dứt sạch
nghiệp luân hồi mới bay được khỏi thế gian này" (Pháp Cú 175). Bay khỏi
thế gian này tức là giải thoát tự tại, không còn bị mọi ràng buộc thế gian.
Chúc người bạn mới quen cùng
tất cả mọi người tinh tấn tu hành sớm giải thoát khỏi Ta bà khổ này.
[1] Tám khổ nạn là: (1) khổ về
sanh, (2) khổ về gìa, (3) khổ vỉ bệnh hoạn, (4) khổ vì phải chết, (5) khổ vì
đang yêu nhau phải xa lìa nhau, (6) khổ vì mong cầu không được toại nguyện, (7)
khổ vì thù ghét nhau nhưng vẫn phải sống chung đụng với nhau, và (8) khổ vì năm
uẩn sắc thọ tưởng hành thức có sự bất bình thường.
Ngu