Phật giáo ứng dụng công nghệ truyền thông: So sánh trong & ngoài nước
Minh Thạnh
11/08/2013 23:00 (GMT+7)


Nói là so sánh, nhưng thực ra bài viết nêu một vấn đề hết sức khó hiểu, là trong hoàn cảnh hết sức thuận tiện để ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lãnh vực truyền thông và ở trong môi trường hoạt động truyền thông tương đối thoáng, nhưng Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài lại tỏ ra chậm chân trong việc ứng dụng khai thác các phương tiện truyền thông hiện đại so với Phật giáo Việt Nam trong nước.

Từ thời kỳ của băng audio cassette, Phật giáo trong nước đã dẫn đầu trong việc ứng dụng công nghệ truyền thông hiện đại

Băng audio cassette đã có từ cuối những năm 1960, nhưng mãi đến những năm 1970 mới phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Công nghệ này cho phép ghi lại dễ dàng âm thanh cách buổi diễn giảng. Do vậy, những cuộc thuyết pháp giảng kinh từ những năm 1970 đã bắt đầu được ghi âm lại. Có khi do Phật tử ghi âm để lưu giữ, nghe lại nhiều lần. Có khi do chính vị giảng sư ghi lại để nghe xem xét lại lời đã giảng cũng như phổ biến cho đệ tử.

Vấn đề là ở chỗ sử dụng rộng rãi công nghệ này. Nói khác hơn là việc nhân bản phổ biến các buổi thuyết trình ghi băng chứ không phải chỉ là việc có hay không có ghi băng các buổi thuyết pháp.

Nửa sau thập niên 70, thế kỷ XX, do hoàn cảnh lúc đó, nhiều Phật tử đã đi định cư ở nước ngoài. Tuy xa nước, xa quê, nhưng số đông Phật tử ở nước ngoài đều quy ngưỡng về các vị cao tăng trong nước. Băng cassette đã giúp cho các Phật tử nước ngoài vẫn có thể nghe được lời giang của các vị tôn túc trong nước. Khi đó, cassette 2 hộc băng còn hiếm và đắt tiền, việc thu băng phần lớn thuê những nhà thu băng với máy móc còn lại sau 1975 thực hiện. Theo chỗ chúng tôi được biết, băng thuyết pháp được in sang nhiều nhất là băng giảng của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Chất lượng âm thanh của băng ngày càng cải thiện.

Trong khi đó, nguồn băng thuyết pháp từ các vị cao tăng hành đạo ở nước ngoài, gửi về lưu hành trong nước lại hạn chế hơn. Việc đưa văn hóa phẩm từ nước ngoài về từ giữa những năm 1970 đến năm 1990 còn khó khăn, những khi đó, việc thu băng nhạc “hải ngoại” vẫn không hiếm, những hiếm các băng thuyết pháp của chư tăng từ ngước ngoài gửi về.

Từ những năm 1990, Phật tử trong nước có nghe được một số băng thuyết pháp của Thiền sư Nhất Hạnh, nhưng chất lượng kỹ thuật âm thanh bản mà các chùa lớn có được vẫn ở mức nghiệp dư, kém hẳn các băng nhạc “hải ngoại” và có phần kém hơn nhiều so với nhiều băng thuyết pháp trong nước, trong khi về kỹ thuật âm thanh thì ở nước ngoài chắc chắn phải hơn trong nước, mà khi ấy chỉ mới ở giai đoạn đầu mở cửa.

Đến thời kỳ băng video cassette, đĩa CD, VCD, DVD, Internet, Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài vẫn không vượt lên khai thác ưu thế công nghệ truyền thông ở các nước phát triển.

Công nghệ ghi hình trên băng video cassettte VHS phổ biến ở các nước phát triển trên thế giới sớm và nhanh hơn nhiều so với ở Việt Nam. Trong những năm 1980, 1990, ở Việt Nam, việc sử dụng camera video phải được chính quyền cấp phép, phải đóng thuế trước bạ, nên số camera video sử dụng rất hạn chế. Nhà chùa chỉ mời các cửa hàng dịch vụ quay video đến thu hình những buổi lễ lớn, còn việc thu hình các buổi thuyết pháp rất ít khi. Hơn nữa, camera video lúc đó rất đắt tiền. Một camera video bán chuyên nghiệp có giá 4 -5 lượng vàng. Một buổi ghi hình phải trả từ 1-2 chỉ vàng. Trong hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn ở Việt Nam lúc đó, chi phí lớn như vậy không phù hợp cho việc thu hình các buổi thuyết pháp.

Nhưng cũng rất ít chương trình video thuyết pháp của Phật giáo Việt Nam ngoài nước gởi về cho Phật tử trong nước. Và sau này, khi việc chuyển các văn hóa phẩm từ nước ngoài về nước dễ dàng, đĩa VCD phổ biến, thì cũng rất hiếm thấy các chương trình video thuyết pháp của Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài thực hiện trong giai đoạn này. Liệu có thể giải thích bằng việc chậm nhận thức lợi ích của các công nghệ truyền thông đối với hoạt động hoằng pháp của cộng đồng Phật giáo ở nước ngoài? Khoảng cách giữa cộng đồng Phật giáo trong nước và Phật giáo nước ngoài vẫn còn rất xa, dù audio cassette, video cassette có thể bước đầu rút ngắn khoảng cách này.

Bước sang những năm 2000, khi camera video đã trở nên phổ biến ở Việt Nam, dĩa VCD xuất hiện với chi phí cho mỗi chương trình thấp hơn rất nhiều so với băng Video VHS, thì Phật giáo Việt Nam trong nước đã có sự đột phá trong việc khai thác, sử dụng công nghệ nghe nhìn hiện đại. Các chùa tổ chức ghi hình các buổi thuyết pháp như ghi âm trước đây, in sang trên đĩa VCD với số lượng lớn, xuất bản hợp pháp. Do vậy đã tạo được những dòng chảy các chương trình VCD, CD thuyết pháp từ trong nước ra ngoài nước. Nhiều chùa ở Việt Nam đã trở thành các trung tâm sản xuất chương trình nghe nhìn lớn dưới dạng đĩa CD, VCD, MP3 như các chùa Hoằng Pháp (TPHCM), Phật Quang (Bà Rịa – Vũng Tàu), Giác Ngộ (TPHCM)… không chỉ là các chương trình video thuyết pháp của các bậc đại lão hòa thượng được phổ biến ra nước ngoài, mà đã có rất nhiều các chương trình video thuyết pháp của các vị thượng tọa, đại đức trẻ 30-40 tuổi. Các chương trình video thuyết pháp cũng được bước đầu làm phụ đề tiếng Anh để nhắm đến đối tượng là người việc sinh trưởng ở nước ngoài và cả những người nước ngoài. Nhiều chùa phát không các chương trình video thuyết pháp cho Phật tử và nhiều Phật tử ấn tống các đĩa VCD, MP3 thuyết pháp như ấn tống kinh sách, dĩa VCD, MP3 trở thành một phương tiện bố thí pháp rất hữu hiệu, vì nó rẻ tiền, ai cũng xem nghe được không cần biết chữ như đối với kinh sách. Nó đặc biệt thích hợp với người cao tuổi và nguồn mang đến sự an lạc cho những người Việt cao tuổi sống cô đơn thường thấy ở nước ngoài.

Với bước phát triển này khoảng cách giữa Phật giáo trong nước và Phật giáo nước ngoài đã được thu hẹp.

Chúng ta có thể lấy ví dụ chuyến về thăm quê hương của thiền sư Nhất Hạnh để thấy hiệu quả của các chương trình video. Vài chục phút sau các buổi thuyết pháp của thiền sư là đã có dĩa VCD phát hành, và âm thanh MP3 trên mạng. Phật tử ở nước ngoài cũng như ở mọi nơi trong nước có thể theo bước hành đạo của Thiền sư ở từng chặng đường dừng chân. Chánh điện các ngôi chùa Việt xuất hiện trên màn hình TV của Phật tử Việt Nam khắp thế giới.

Ở Phật giáo Việt Nam ngoài nước cũng có những hoạt động tương ứng. Việc Phật tử trong nước cùng thiền sư Nhất Hạnh hành thiền ở Làng Mai hay các tu viện ở Hoa Kỳ sau khi xem thời pháp qua dĩa VCD đã là điều bình thường. Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận rằng số chương trình VCD, MP3, CD được Phật giáo Việt Nam thực hiện ở nước ngoài không nhiều như trong nước.

Đến lãnh vực Internet thì cố gắng của Phật giáo Việt Nam trong nước và ngoài nước xem như đồng đều nhau. Nhiều Phật tử VN biết đến các chùa VN xây dựng trên đất Mỹ, đất Úc… nhờ vào các trang web. Trên mạng internet, ranh giới trong/ngoài nước hết sức mờ nhạt, nên đối với Phật giáo cũng thế. Các trang web lưu trữ tư liệu, thư viện Phật giáo Online của cả Phật giáo trong nước và ngoài nước thực hiện đều phụ vụ tốt cho việc hoằng pháp, tu học của đông đảo Phật tử, không còn phân biệt đâu là trong nước đâu là ngoài nước.

Internet đã thu hẹp thêm một bước nữa khoảng các trong nước và ngoài nước cả Phật giáo. Các Tăng Ni sinh, Phật tử ở Hoa Kỳ hay Úc châu chẳng hạn có thể theo dõi trực tiếp bài giảng của các vị sư trong nước qua đường Internet ngay khi đang giảng và có thể nêu câu hỏi. Các chương trình âm thanh lưu trữ trên mạng dạng MP3 cũng khiến cho Phật tử trong hay ngoài nước nghe các chương trình thuyết pháp trong nước và khắp nơi trên thế giới có được sự dễ dàng đến mức không thể tưởng tượng nổi. Mạng Internet đã tạo nên giá trị tăng hết sức quý giá cho hoạt động hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước.

Phát thanh và truyền hình

Trong khi phía Công giáo Việt Nam có đài phát thanh tiếng Việt đã nửa thế kỷ thì, Phật giáo Việt Nam vẫn còn xa lạ với loại hình truyền thông điện tử mà đến nay, không hề còn mang tính chất hiện đại này. Đây là một phương tiện quan trọng góp phần xóa bỏ khoảng cách Phật giáo trong và ngoài nước đã bị bỏ qua. Việc tổ chức một đài phát thanh Phật giáo phát sóng radio là điều không có gì khó khăn. Đây là điều mà Phật giáo Đài Loan, Phật giáo Hàn quốc, Phật giáo Thái Lan… đã thực hiện từ mấy chục năm qua. Khi Phật giáo trong nước chưa thực hiện được điều này thì trách nhiệm đó đương nhiên là của ngoài nước. Hiện đã có một số chương trình phát thanh Phật giáo trên mạng. Chúng ta đã có một bước khởi đầu chỉ cần đi thêm một đoạn đường nữa là chúng ta có thêm được một phương tiện hiệu quả phục vụ cho hoạt động hoằng pháp và tu học. Sóng phát thanh cũng không có biên giới và do đó tài sản vô giá chung của Phật giáo trong nước lẫn ngoài nước nếu có được.

Đối với truyền hình cũng tồn tại điều khó hiểu tương tự. Trước đây, chúng tôi đã nêu câu hỏi tại sao một đạo mới  thành lập như đạo Thanh Hải Vô Thượng Sư, một số tín đồ ít hơn nhiều so với Phật giáo vẫn còn bị chính quyền trong nước coi là tà đạo, nhưng đã có đài truyền hình tiếng Việt phát sóng qua vệ tinh và internet truyền đi khắp thế giới, trong khi Phật giáo Việt Nam lại chưa thể có.

Theo chúng tôi, Phật giáo nhất là Phật giáo ngoài nước, ở nơi có điều kiện tiếp xúc với các thiết bị hiện đại, nơi mà việc thiết lập và đưa vào hoạt động một đài truyền hình về mặt thủ tục hết sức đơn giản và nhanh chóng, cần phải đặt vấn đề trách nhiệm về việc này.

Một đài phát thanh hay một đài truyền hình là một ngôi “chùa ảo” trùm lên cả thế giới, không riêng gì ở trong nước hay một nước nào đó cúng dường cho hoạt động xây dựng kênh phát thanh và truyền hình Phật giáo là cúng dườngcho một ngôi “siêu chùa” cho toàn thể Tăng Ni Phật tử Việt Nam.

 Hiện nay, trong nước đã có kênh Truyền hình An Viên, là một kênh văn hóa có dải giờ Phật giáo. Như vậy, Phật giáo Việt Nam trong nước đã vượt hẳn Phật giáo Việt Nam ngoài nước trong việc ứng dụng công nghệ truyền hình.

MT (PTVN)

Các tin đã đăng: