Khi tham gia pháp hội có rất nhiều người vừa xướng bài Phát nguyện văn, hoặc bài Kệ sám hối thì không nén được liền cảm động rơi lệ. Đây là trường hợp đang cộng tu, do đại chúng tu hành mà tạo ra bầu không khí, hoàn cảnh như thế; hoặc là nội dung văn phát nguyện quá hay, làm cho mọi người cảm động. Đây là cảm động mình được hạnh phúc, nên phát đại nguyện như thế, cũng là vì cảm nhận được tâm từ bi vĩ đại của Đức Phật, Bồ-tát mà cảm động. Tình cảm này chưa hề qua lí tính suy xét, có những người khóc đầm đìa nước mắt, nhưng trong tâm lại rất bình tĩnh, khi theo học Phật thời gian đã lâu; hoặc là sau đó trải qua suy xét bình tĩnh, tình huống này sẽ mất đi.
Không chỉ là Văn phát nguyện, hoặc Kệ sám hối có năng lực xúc động như thế, mà còn những người đang trong sinh hoạt cộng tu, chỉ cần nghe luật thơ Phạm bối liền cảm động. Hiện tượng này nhìn bề ngoài là chảy nước mắt, nhưng đó là cảm nhận ôn hòa, vui vẻ mà không phải là đau buồn. Người có phản ứng này, nói chung đều có thiện căn. Khi họ mới bắt đầu học Phật khoảng vài tháng, thậm chí vài năm thì có phản ứng này là hiện tượng tốt. Có lúc tự mình ở nhà tu hành cũng sẽ như thế; điều này rất bình thường, không cần để ý đến nó.
Khi chúng ta ở trước Đức Phật, Bồ-tát cảm thấy mình nhỏ bé và yếu đuối. Đây là hiện tượng rất tự nhiên, người có tâm hổ thẹn như thế thì mới có thể khích lệ mình nỗ lực không ngừng. Biết rõ mình nhỏ bé, không làm được việc thiện lớn như vậy, nhưng vẫn phải không ngừng phát nguyện rộng lớn; trải qua một thời gian vẫn không làm được cũng là bình thường, có thể phát nguyện liên tục thì có mục tiêu và phương hướng để mình nỗ lực, để rèn luyện mình không ngừng cố gắng.
Căn tánh phàm phu dễ sinh lười biếng. Chúng ta đều là phàm phu, nhưng nếu chúng ta có tâm học tập theo Đức Phật, Bồ-tát thì phải thường khuyến khích mình, lười biếng rồi phải tinh tấn lên. Có những người phát nguyện rất nhiều, nhưng đều làm không được; cuối cùng ngay cả phát nguyện cũng không hi vọng; đó chính là tự ruồng bỏ mình, thật đáng tiếc.
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng