Khi
người thân bạn trong cơn hấp hối, nên cho người bệnh ngắm nhìn hình ảnh
các vị Phật và Bồ-tát khiến họ có thể nhận ra các Ngài, cố gắng phát
triển đức tin mạnh mẽ nơi các Ngài, và chết trong một tâm trạng tốt
lành.
Nếu điều này không thể làm được thì điều tối quan trọng là những người
chăm sóc và thân quyến đừng làm người sắp chết bối rối. Vào lúc ấy, một
cảm xúc rất mãnh liệt như sự ham muốn hay oán giận có thể đưa người
hấp hối tới một trạng thái đau khổ ghê gớm và hoàn toàn có khả năng đi
vào một sự tái sinh ở cõi thấp. Khi cái chết đến gần, những dấu hiệu
nào đó điềm chỉ tương lai có thể xuất hiện.
Những người có tâm thức tốt lành sẽ thấy là mình đang đi từ chốn tối
tăm ra ánh sáng hay đi vào nơi quang đãng. Họ sẽ cảm thấy sung sướng,
nhìn thấy những điều đẹp đẽ, và sẽ không cảm thấy bất kỳ nỗi đau khổ
sâu sắc nào khi họ chết. Nếu lúc hấp hối người ta có những cảm xúc hết
sức mãnh liệt về sự ham muốn hay oán ghét thì họ sẽ thấy mọi thứ là ảo
giác và sẽ cảm thấy đau buồn ghê gớm.
Một số người thấy như thể họ đang đi vào bóng tối, những người khác
cảm thấy mình đang bị thiêu đốt. Tôi từng gặp vài người đang bệnh rất
nặng, họ kể lại rằng khi đau nặng, họ thấy mình đang bị thiêu đốt. Đây
là một biểu thị cho số phận trong tương lai của họ. Do những dấu hiệu
như thế, người hấp hối sẽ cảm thấy hết sức bối rối, và sẽ kêu la, rên
rỉ, thấy như thể toàn thân đang bị lôi kéo xuống.
Họ sẽ đau khổ sâu sắc lúc hấp hối. Một cách rốt ráo, những sự kiện
này phát xuất từ sự bám chấp vào bản ngã. Người hấp hối biết rằng kẻ mà
mọi người rất yêu mến đó sắp chết. Khi những người đã miệt mài phần
lớn đời mình trong ác hạnh ấy chết, ta được biết là tiến trình tan hoại
hơi ấm của thân thể bắt đầu từ phần thân trên đi xuống trái tim. Đối
với những hành giả thiện hạnh thì tiến trình tan biến hơi nóng bắt đầu
từ phía dưới, từ bàn chân, và cuối cùng lên tới trái tim. Trong bất kỳ
trường hợp nào, tâm thức cũng thực sự khởi hành từ trái tim.
Ngài Shantideva nói rằng ngay cả các súc vật cũng hoạt động để cảm
nghiệm niềm vui thích và tránh né đau khổ trong đời này. Chúng ta phải
hướng sự chú tâm của ta về tương lai; nếu không, ta sẽ không khác gì
những thú vật. Sự tỉnh thức về cái chết chính là nền tảng của toàn thể
con đường. Trừ phi bạn phát triển sự tỉnh thức này, còn không thì tất
cả những thực hành khác sẽ bị chướng ngại. Pháp là người hướng đạo dẫn
dắt ta đi qua những địa hạt không được biết tới; Pháp là thực phẩm nuôi
dưỡng ta trong cuộc hành trình; Pháp là vị thuyền trưởng sẽ đưa chúng
ta tới bến bờ Niết-bàn. Vì thế, hãy đem tất cả năng lực của thân, ngữ và
tâm bạn vào việc thực hành Pháp.
Nói về sự thiền định về cái chết và lẽ vô thường thì rất dễ, nhưng
thực hành thật sự thì quả là hết sức khó khăn. Và khi chúng ta thực
hành, đôi lúc ta không nhận thấy có sự thay đổi nhiều, đặc biệt nếu ta
chỉ so sánh hôm qua và hôm nay.
Đó là một mối nguy hiểm dễ làm ta mất hy vọng và trở nên thiếu can
đảm. Trong những tình huống như thế, rất lợi lạc khi ta không so sánh
từng ngày hay hàng tuần, mà đúng hơn, cố gắng so sánh tâm trạng hiện
thời của ta với tâm trạng của 5 năm hay 10 năm trước; như vậy ta sẽ
thấy rằng đã có một vài thay đổi.
Chúng ta có thể nhận ra một số chuyển biến trong quan điểm, trong
nhận thức, trong thân tâm, trong sự hưởng ứng của chúng ta đối với các
thực hành này. Chính nó là một suối nguồn nâng đỡ, động viên to lớn; nó
thực sự ban cho ta niềm hy vọng, vì nó chỉ cho ta thấy nếu ta nỗ lực
thì sẽ có khả năng để tiến bộ hơn nữa. Trở nên ngã lòng và quyết định
trì hoãn thực hành của chúng ta tới một thời điểm thuận lợi hơn thì
thực sự rất nguy hiểm..
Trích bài viết của Đạt Lai Lạt Ma về cái chết theo quan điểm Phật giáo.