1. NIỆM PHẬT NÊN GIỮ Ý CĂN
Ðã đem tâm này niệm Phật, phàm tất cả việc
tạp thiện, tạp ác đều không nên nhớ,
tức hàng ngày chỉ nên làm mọi việc với ý
niệm vạn bất đắc dĩ, xong rồi thì
xả, đừng để day dích, sẽ chướng
ngại tâm niệm của chúng ta. Vả lại, sở
dĩ tâm niệm của chúng ta cứ còn dây dưa mãi
với những tạp thiện, tạp ác là vì ý
địa chưa thuần; nếu ta niệm Phật đến
lúc tâm địa sáng tỏ, thời ý địa tự
nhiên chuyên ròng nơi quán sát, không duyên tạp sự. Phải
biết, niệm Phật có thể chuyển Phàm thành Thánh,
là phương tiện giải thoát thứ nhứt của
thế gian và xuất thế gian vậy.
2. NIỆM PHẬT NÊN GÌN KHẨU NGHIỆP
Ðã dùng
miệng này niệm Phật, phàm tất cả những
việc SÁT, ÐẠO, DÂM, VỌNG không nên buông lời nói càng,
nói quấy. Một khi nói lỡ, nên tự nghĩ rằng:
người niệm Phật không nên nói như thế,
rồi cố gắng niệm lớn ít tiếng danh
hiệu Phật để trấn áp tâm mình và gột
tẩy ngay những lời bất thiện ấy.
3.- NIỆM PHẬT PHẢI CHỈNH THÂN NGHIỆP
Ðã đem thân này niệm Phật, thời trong mọi lúc
cũng như trong mọi cử chỉ: đi,
đứng, ngồi, nằm, thân cần phải đoan
chánh thì tâm mới được thanh tịnh. Người
niệm Phật nên tự nghiệm điều này, thật
không bao giờ dối.
4.- NIỆM PHẬT LẦN CHUỖI
Niệm Phật một tiếng, tay lần một hột. Chỉ
nên niệm bốn chữ, đừng lộn sáu chữ, vì
bốn chữ rất dễ thành khối . Trong bốn
chữ A Di Ðà Phật, hoặc lần chuổi tại
chữ A, hoặc lần tại chữ Ðà, hoạch
định cho có phép tắc, không được lầm
lẫn, đây là pháp mượn chuổi để
nhiếp tâm vậy.
5.- NIỆM LỚN TIẾNG
Nếu lúc thần trí hôn trầm , hay khi vọng tưởng
đua khởi, hãy nên trấn tỉnh tinh thần, to
tiếng niệm Phật, niệm cho được vài ba
trăm tiếng tự nhiên đổi thành cảnh giới
an tịnh. Bởi vì nhĩ căn thính lắm, nên ngoại
duyên dễ vào, tiếng làm cho tâm động, tạp tướng
nổi dậy, nên phải to tướng niệm Phật
để giữ gìn nhĩ căn, hầu mở tỏ tâm
linh. Bấy giờ tâm chỉ nghe tiếng của chính mình,
mỗi tiếng liên tục, đầy đủ, tất
cả những gì phải quấy, nên, hư tự nhiên
phóng xả.
6.- NIỆM NHỎ
Nếu lúc tinh thần tán thất, hoặc khi nhiều việc
nhọc nhằn hay phải nhiều điều bức
bách, thì không cần phải niệm to, chỉ nên thấu
liễm thần minh nhỏ tiếng niệm kỹ. Ðến
khi hơi thở điều hòa, tinh thần hứng
khởi, an định tâm hồn mới nên niệm to
tiếng.
7.- NIỆM THẦM
Nếu tâm khí không được điều hòa, hoặc
người hay chỗ có ngại, niệm to, niệm
nhỏ đều thấy không tiện, thì chỉ nên
động môi, dùng pháp niệm thầm (Kim Cang trì), không
bắt buộc nhiều ít, nhưng cấn nhứt: mỗi
chữ, mỗi câu phải từ tự tâm lưu xuất.
8.- MẶC NIỆM
Lại hoặc niệm to, niệm nhỏ đều không hợp,
tay lần chuổi lại hiềm phiền phức,
niệm thầm vẫn thấy còn có dấu vết, thì
xưa có phương tiện chí xảo là không cần
động mồm, không phát ra tiếng, chỉ bắt tâm
niệm duyên chuyên một cảnh, âm thầm dùng lưỡi
gõ vào răng trước (răng cửa) hay tâm
tưởng cũng được, tùy ý, chỉ phải
làm sao cho tiếng thật rõ ràng, nhưng tiếng không
phải phát ra từ cửa miệng mà phải phát ra
từ tự tánh. Tánh nghe lại phải dung thông nội
tâm, nội tâm lại phải in nơi đầu
lưỡi, đầu lưỡi kéo lấy niệm
căn, tự tánh nghe nghe tự tánh, ba thứ dung hội,
niệm niệm viên thông, lâu sau sẽ được thành
tựu pháp quán: Duy tâm thức.
9.- ÐIỀU HÒA HƠI THỞ
Hoặc lúc khí tịnh, tâm bình , thì trước nên tưởng thân
mình đang ở trong vòng hào quang tròn, thầm quán trên
đầu chót mũi, tưởng hơi thở ra vào,
mỗi một hơi thở thầm niệm một câu A Di
Ðà Phật. Phương tiện điều hòa hơi thở,
không hưởn không gấp, tâm niệm và hơi thở
nương nhau, theo nhau ra, vào; đi, đứng, ngồi
nằm đều nên làm như thế, đừng
để gián đoạn. Thường phải tự
“mật trì,” nhiếp tâm đã lâu, cả hơi thở
lẫn câu niệm, cả hai đều không còn phân
biệt, tức thâm tâm này cũng đồng với hư
không. Trì đến thuần thục, tâm nhãn khai thông, tam
muội thoạt nhiên hiện tiền, chính là “Duy tâm
tịnh độ” đó.
10.- TÙY PHẬN
Hoặc lúc hôn trầm nhiều, thời nên kinh hành niệm Phật,
hay khi tạp loạn nhiều thì nên ngồi ngay thẳng,
yên lặng mà niệm. Giả sử đi hay ngồi
đều không hợp, thời hoặc quỳ, hoặc
đứng, cho đến tạm nằm, cũng
đều cho phương tiện rộng rãi, có thể
niệm Phật được cả. Cốt yếu:
bốn chữ hồng danh đừng để một
niệm lãng quên, đó là yếu thuật hàng phục tâm ma
vậy.
11.- CHỖ NÀO CŨNG NIỆM PHẬT ÐƯỢC
Không luận chỗ sạch hay chăng, hoặc chỗ vắng
vẻ hay chỗ chộn rộn, chỗ vừa dạ
hoặc nơi thất ý, chỉ “Hồi quang phản
chiếu” và suy nghĩ: những cảnh thế này ta đã
gặp hơn trăm ngàn muôn ức lần, từ nhiều
kiếp đến giờ; chỉ có việc “niệm
Phật vãng sanh” là ta chưa có thể thực hành trọn
vẹn được, nên vẫn còn bị trong vòng lẩn
quẩn luân hồi. Giờ đây ta cũng chẳng
quản niệm được cùng chăng, chỉ thề
giữ chặt “tâm niệm Phật’ này, dầu chết
cũng không để dứt “niệm đầu” . Tại
sao? Bởi niệm đầu mà để một phút gián
đoạn , thời tất cả thiện, ác, vô ký bao
nhiêu tạp niệm lại sanh. Vì lẽ đó, nên dù lúc
đi đại, tiểu tiện hay sản phụ lúc lâm
bồn, chỉ chăm chú việc niệm Phật, càng
khổ càng niệm, càng đau càng niệm nhiều hơn,
như con thơ gọi mẹ, không sợ mẹ hiềm
giận, nếu sợ mẹ giận mà không gọi
nữa, ắt đứa trẻ sẽ bị sa chân vào
hầm phẩn nhơ nhớp, vì những sự dại
dột do nó gây nên. Như thế chỉ có chết mất
đi mà không làm sao được gặp mẹ.
12. NIỆM PHẬT CÓ ÐỊNH THỜI HAY KHÔNG
Trong pháp thứ mười một, không có định thời,
nếu vậy sẽ ít người làm được. Bài
này phương tiện nói có định thời là:
sớm, tối hai thời, hoạch định
thường khóa, từ nay đến suốt đời,
không thêm, không bớt, ngoài ra trong suốt hai mươi
bốn tiếng đồng hồ, có thể niệm
được một câu, thì nên niệm một câu, có thể
niệm được nhiều câu, thì nên niệm nhiều
câu, bất luận niệm lớn hay nhỏ. Cổ
nhơn có bảo: Ít nói một câu tạp Nhiều niệm một
câu Phật Ðẹp đẽ biết bao nhiêu!
13.- CÓ ÐỐI TRƯỚC TƯỢNG HAY KHÔNG TRONG KHI
NIỆM PHẬT?
Lúc đối trước tượng Phật, phải cho
tượng này là thật Phật, không cần câu chấp
một phương hướng nào, chẳng luận
một thân nào trong ba thân của Phật , chỉ tự
nghĩ: Ta chỉ nhứt tâm, tâm chỉ nhứt Phật,
mắt nhìn tượng Phật, tâm niệm danh Phật,
thật hết sức thành kính, mà hết sức thành kính
tất được linh cảm. Lúc không có tượng
Phật, nên ngồi ngay ngắn xoay mặt về
phương Tây, lúc khởi tâm động niệm, nên
niệm tưởng hào quang của đức Phật A Di
Ðà trụ trên đỉnh đầu ta, mỗi niệm,
mỗi câu, tự chẳng để rơi vào khoảng
không, hắc nghiệp cũng có thể tiêu diệt.
14.-NIỆM PHẬT TRONG LÚC BẬN RỘN
Nếu niệm được một câu, thì nên niệm một
câu, có thể niệm 10 câu, thì nên niệm 10 câu; chỉ làm
sao trong 100 điều bận rộn có được trong
khoảnh khắc một chút rảnh rang liền buông
bỏ thân tâm sáng suốt tụng trì.
Ngài
Bạch Lạc Thiên có bài thi rằng:
Ði niệm A Di Ðà
Ngồi niệm A Di Ðà
Ví dù bận rộn như tên
A Di Ðà Phật niệm lên thường
thường.
Người xưa dụng tâm như thế,
thật không thể chê được!
15.- LÚC NHÀN RỖI NÊN NIỆM PHẬT
Trong đời có nhiều kẻ quá ư khốn khổ,
muốn chút rảnh cũng không sao có được, nên
không thể tu hành. Nay ta được rảnh rang, lại
nghe biết được pháp niệm Phật này, cần
phải gắng gổ, tương tục thúc liễm thân
tâm, chuyên trì Phật niệm; như thế mới không
uổng phí tấc bóng quang âm. Nếu để tâm niệm
buông trôi, không làm được việc gì, luống tiêu bao
ngày tháng, cô phụ bốn ân, một mai vô thường
thoạt đến, sẽ lấy gì để chống
cự đây?
16.- NGƯỜI SANG GIÀU PHẢI NÊN NIỆM PHẬT
Phước đức của đời này đều từ việc
tu hành kiếp trước. Những gì tôn quí vinh huê, quá
nữa là các bực cao tăng chuyển thế. Nhưng tuy
có vinh huê mà không được trường cửu,
nếu lại tạo điều nghiệp chướng
ắt khó thoát khỏi biển trầm luân. Vậy nên các
ngài phải tự suy nghĩ: những gì ta có thể mang
theo được khi nhắm mắt? Ấy là công
đức niệm Phật. Cũng như thuyền đi
nhờ nước. Thế nên, hoặc lập thất
niệm Phật, hoặc mời chư tăng hướng
dẫn mình niệm Phật, in khắc kinh sách Tịnh
độ, hoặc đặt tượng Phật A Di Ðà
để chiêm ngưỡng mà niệm, việc làm tuy ít,
nhưng phải dụng công cho nhiều, lại phải chí
quyết vãng sanh, đó là con đường tu hành của
tất cả mọi người, chẳng luận giàu,
nghèo, sang, hèn. Làm vị sứ giả của ngôi Pháp
vương còn gì tôn quý hơn!
17.- KẺ NGHÈO HÈN CŨNG NÊN NIỆM PHẬT
Than ôi! Có kẻ đã đem thân làm nô lệ, bị người
khác sai sử, vất vả, khổ sở, mà không cầu
mong thoát khỏi, thì về sau càng khổ hơn.
Nên biết bốn chữ Hồng danh chẳng luận sang,
hèn, giàu, nghèo, trẻ, già, trai, gái, chỉ cần mỗi ngày
vào lúc sáng sớm chí tâm xây mặt về phương Tây, niệm
10 câu danh hiệu Phật, không xen, không dứt, để
cầu sanh Cực Lạc, thì hiện đời sẽ
được hưởng nhiều lợi ích, khi thác
tự được vãng sanh. Ðức Phật A Di Ðà
thiệt là chiếc thuyền cứu mạng cho mọi
người trong biển khổ vậy.
18.- TỊNH TẾ NIỆM PHẬT
Ðã là người có trí huệ thì đừng để bị mê hoặc,
cần phải hết sức tịnh tế niệm
Phật để cho trí huệ được thêm kiên
cố.
Phải biết, người trí niệm Phật thì thiên hạ
sẽ có rất nhiều người niệm
Phật.Người trí niệm Phật thời những
kẻ tu hành theo ngoại đạo sẽ dễ trở
về chánh đạo. Tại sao? Vì tiếng tăm của
người trí có thể mở lòng dạ họ, vì có tác
dụng trí của người trí cứu rổi họ.
19.- LÃO THẬT NIỆM PHẬT
Ðã không cầu danh lợi, cũng không khoe tài năng, chắc
thật tu hành thật là rất khó có người làm
được. Tổ sư dạy: Về phương
diện tham thiền, bởi tìm một người si
độn cũng không có. Nay người niệm Phật
chính lo mình không được si độn mà thôi. Hai
chữ Lão Thật là một đại lộ thẳng
tắp đưa người sang Tây phương vậy.
Tại sao? Vì hai chữ Lão Thật là ngoài bốn chữ A
Di Ðà Phật không thêm một mảy may vọng tưởng
nào.
20.- ÐƯỢC ÐIỀU VUI MỪNG, NHỚ NIỆM PHẬT
Hoặc nhơn nơi người mà vui, hoặc nhơn nơi
việc mà mừng, mối manh tuy nhỏ nhít, nhưng
đều là những cảnh vui vẻ của kiếp
người. Song phải biết cái vui đó nó hư
huyễn không thật, không thể còn lâu, vậy nên
nương nơi giây phút tươi vui đó, xoay tâm
niệm Phật, thời ắt được nhờ ánh
hào quang của Phật, trong thuận cảnh ấy bỏ
dứt đi ít nhiều ác niệm, những điều
tốt đẹp liên miên, như ý tu hành, mãi đến lúc
mạnh chung sẽ được vãng sanh Cực Lạc,
há chẳng vui mừng lắm sao!
21.- HỨA NGUYỆN NIỆM PHẬT
Trì danh niệm Phật nguyên để cầu vãng sanh nhưng oai
phong của chư Phật không thể nghĩ bàn hễ
niệm danh hiệu của các Ngài thì sở nguyện
đều tùy tâm. Vì lẽ đó, trong kinh dạy: niệm
Phật có 10 điều lợi ích (xin xem phần sau).
Những việc cầu cúng quỉ thần, tạp tu
sự sám, khấn hứa nhiều ác nguyện, tin xằng
những việc bói toán xâm quẻ, không bằng dùng
phương pháp niệm Phật để cầu
nguyện.
Có kẻ hỏi: Vả như niệm Phật mà không ứng
nghiệm thì sao?
Ðáp: Ông chưa niệm Phật mà đã lo không ứng nghiệm,
chính cái nhơn không ứng nghiệm đó đem
đến cái kết quả không ứng nghiệm vậy.
Nhơn thế nào thì quả thế nấy, há không đáng
sợ lắm sao?
22.- NIỆM PHẬT ÐỂ CẦU CỞI MỞ
Phàm tất cả nghịch cảnh quanh ta, đều do trái
duyên nên có hiện (ta phải cố cam nhận chịu)
không nên lại khởi ác niệm, để phải
dẫn khởi oan trái đến mãi về sau không dứt.
Ta phải nên tùy thuận nhận lãnh, có thể tránh
được thời tránh, dứt được
thời dứt, chỉ tùy nhân duyên mà đừng quên
niệm Phật. Phật có vô lượng trí huệ,
phước đức quang minh, Ngài sẽ gia hộ cho ta:
dù gặp nghịch duyên, trái cảnh, cũng chuyển thành
thuận cảnh, thuận duyên ngay.
23.- HỔ THẸN TỰ GẮNG NIỆM PHẬT
Phàm đời này hay kiếp trước, ác quả đã thành
tựu, thì khổ báo ắt đến, mà một phần
khổ ở đời này tức là một phần ác trong
kiếp trước, không thể đổ thừa cho
vận mạng bất tề, mà chỉ nên tự hổ phận
mình chẳng sớm lo tu. Mỗi một khi tưởng
Phật, tưởng như lông trong thân đều dựng
đứng, năm vóc như rã rời, buồn
thương, cảm mến, đau xót, không muốn
sống. Như vậy thời mỗi câu, mỗi chữ
từ trong gan, tủy mà ra mới là chơn cảnh
niệm Phật.
Ngày nay kẻ tăng, người tục niệm Phật,
hoặc miệng niệm mà tâm tán, hoặc chỉ nhiếp
tâm lúc niệm, dứt niệm thì tâm mê. Lại có
người đang lúc niệm Phật xen nói chuyện
tạp. Thế thì dù niệm suốt đời cũng
không linh cảm. Mọi người thấy vậy, cho
rằng: niệm Phật vãng sanh là những lời láo khoét.
Lỗi ấy há do Phật sao?
24.- KHẨN THIẾT NIỆM PHẬT
Phàm người ở trong tất cả hoàn cảnh khổ
đáng thương, mà ta không thương, tất trái
với nhơn tính, nhưng ở trong tất hoàn cảnh
đáng thương, ta chỉ thương suông thì làm sao
hợp được với tánh Phật? Ðã thương
thì phải tìm phương thoát khổ, phải tìm cách cho
mọi người rốt ráo thoát khổ. Phải biết
rằng: Phật sở dĩ được tôn xưng là
Ðấng Ðại Bi, vì Ngài hay cứu khổ cho chúng sinh. Ta do
lòng từ bi niệm Phật là cốt cầu lòng từ bi
của Phật ban cho, cứu vớt khổ não cho chúng ta,
thì cái niệm đó phải khẩn thiết đến
bực nào?