Ý nghĩa lạy Phật
Thiện Quang
26/03/2010 01:18 (GMT+7)

Lạy là một hình thức tỏ bày sự tôn kính. Mỗi quốc độ và chủng tộc có một sự tôn kính riêng. Tại Ấn-độ ngày xưa, người ta tỏ bày lòng tôn kính tuyệt đối và chân thành của mình đến một người khác, thường quỳ xuống sát đất, đem đầu, mặt và tay của mình áp sát bàn chân của vị ấy. Đức Phật là người được tôn kính đặc biệt tại xã hội Ấn-độ thời bấy giờ.

SỰ TÔN KÍNH ĐỨC PHẬT ĐẦU TIÊN

Trong kinh ghi lại chuyện sau khi đức Phật thành đạo và quyết định đi thuyết pháp, Ngài nghĩ đến năm người bạn đồng tu ngày xưa, muốn đến hóa độ trước. Năm vị đồng tu này có một thành kiến gần như khinh bỉ khi đức Phật từ bỏ lối tu khổ hạnh trước đó.

Lúc đức Phật đến Lộc-uyển, nơi tu khổ hạnh ngày xưa, năm vị ấy nhận biết đó là đạo sĩ Cồ-đàm, và cùng dặn dò với nhau là không đứng dậy, không cúi đầu, không dọn chỗ mời ngồi...

Nhưng khi đức Phật đến tận nơi thì không ai bảo ai, cả năm vị cùng đứng dậy cúi đầu, chấp tay và nhường chỗ mời đức Phật ngồi.

Bấy giờ đức Phật cho họ biết là sau khi thay đổi phương pháp tu tập không bao lâu, nhất là nhờ sự tinh tấn có trí tuệ kiểm chứng và nhờ tâm quyết chí đạt đạo, nên ngài đã thành tựu trí tuệ viên mãn. Bấy giờ ngài là một vị Phật, khác với đạo sĩ Cồ-đàm ngày trước.

Đức Phật bắt đầu nói bài pháp đầu tiên, cả năm người nhờ có túc căn tu tập nhiều đời nên đã tỏ ngộ chân lý ngay sau khi bài pháp chấm dứt. Cả năm vị lạy đức Phật xin quy y và làm những vị đệ tử xuất gia đầu tiên của đức Phật. Đây là lần đầu tiên năm vị ấy tỏ hết lòng cung kính tuyệt đối của mình đến với đức Phật và đây cũng là lần đầu tiên đức Phật nhận trọn vẹn sự tôn kính đó.

MÔN ĐỆ LẠY PHẬT LÚC SINH TIỀN

Lúc đức Phật còn tại thế, mỗi lần đức Phật nói pháp cho chư tăng nghe là các vị ấy thường quỳ ngay ngắn, chấp tay lạy ba lạy rồi ngồi nghe pháp. Mỗi khi có việc gì thưa thỉnh trong sự tu tập hoặc việc truyền giáo, trước khi quỳ lạy, các vị ấy thường đi quanh đức Phật ba hoặc bảy vòng.

Sự kiện này không phải là thần quyền, quan liêu hay đế quốc tinh thần mà là một tục lệ cung kính các bậc đạo cao đức trọng của xã hội Ấn-độ ngày xưa.

Đức Phật mặc nhiên chấp nhận việc làm đó như chấp nhận một tục lệ mà thấy không có gì tổn hại cho đôi bên. Sâu hơn nữa, đức Phật muốn hoán cải tục lệ ấy thành một trong những bước đầu tu tập của các hàng đệ tử. Vả lại, khi các vị đệ tử làm như vậy là tùy tâm cung kính biểu lộ qua hành động cụ thể chứ không phải làm theo giáo điều quy định.

Đức Phật không quy định bất cứ một lễ nghi nào cho các hàng đệ tử mỗi khi đến gặp ngài, ngoài một lễ nghi duy nhất là ai đến trước ngồi trước, đến sau ngồi sau, và cùng nhau tắm mình trong giáo lý giác ngộ chứa toàn tình thương bao la của đức Phật.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp các hàng đệ tử tôn trọng và tự xếp đặt vị trí lẫn nhau, đức Phật vẫn chấp nhận. Chẳng hạn như hàng đệ tử xuất gia thì ai thọ giới trước, cao hạ lạp hơn thì ngồi trước; ai thọ giới sau, thấp hạ lạp hơn thì ngồi sau không phân biệt theo tuổi tác ngoài đời. Hàng cư sĩ cũng vậy. Một vị thuộc giai cấp hạ tiện Chiên-đà-la, nếu quy y Phật trước một vị vua vẫn ngồi trước vị vua đó, trừ khi họ tự nhường nhau.

Nghi thức cung kíng đức Phật của chư tăng thì hầu như giống nhau hoàn toàn. Phía cư sĩ thì không nhất định, cũng có những cư sĩ làm giống như chư tăng; có những vị chỉ quỳ chấp tay; có những vị chỉ cúi đầu; và cũng có những vị chỉ giơ tay hay lấy nón mỗi khi gặp đức Phật.

Dù dưới hình thức nghi lễ nào đi nữa thì nguồn suối tình thương của đức Phật chảy đến họ vẫn như nhau. Nếu có khác nhau là khác theo từng bản năng tiếp nhận tình thương ấy của từng hạng người mà thôi.

Kinh chép lại một câu chuyện như sau: Có một vị vua bày tỏ sự tôn kính và ngưỡng mộ đức Phật qua chư tăng đến độ các quan cận thần chịu không nỗi phải tỏ thái độ bất bình: "Bệ hạ là đấng chí tôn, bao nhiêu thần dân phải cúi đầu bái phục bệ hạ mới phải. Tại sao bệ hạ lại đem cái đầu của một đấng quân vương, quỳ mọp lạy sát chân những thầy Sa-môn một cách thái quá như vậy? Đầu của bệ hạ là nơi đáng tôn kính, chân của các vị Sa-môn là chỗ dơ dáy; đem nơi tôn kính đặt vào chỗ dơ dáy há không lấy làm nhục lắm sao?"

Những câu nói phát xuất từ lòng kiêu căng, ngã mạn của những người quen sống với danh vọng, nhất là không hiểu được tinh thần vong ngã giải thoát trong đạo Phật, đã không làm nhà vua thối chí, nản lòng hay tức giận, mà ngài còn tìm phương pháp để giáo hóa giác ngộ họ.

Để cảm hóa họ về với chính đạo, lần nọ nhà vua sai mỗi vị quan như vậy phải đi bán một món đồ ăn. Người thì được sai bán đầu gà, đầu vịt, đầu heo, đầu bò..., riêng vị quan đã nói những lời như trên, nhà vua sai bán một đầu người.

Chiều về ai cũng bán được với những giá cả khác nhau; duy có vị quan bán đầu người, không những không bán được, mà còn làm cho người ta sợ hãi.

Lúc đó nhà vua mới bắt đầu giảng cho họ nghe cái có vẻ "hữu lý" của cuộc đời, nhưng thật sự đưa đến vô lý; và những cái tựa hồ "vô lý" lại đưa đến hữu lý vô cùng trong kiếp sống. "Đầu người chỉ hữu lý lúc sống, nhưng thật vô lý khi đã chết. Vậy thì tại sao ta không tận dụng cái hữu lý lúc sống trong khi tu tập để gặt hái kết quả tốt khi nó trở thành vô lý?"

Nhà vua đã thức tỉnh những người chưa nếm được vị đạo qua những lời chỉ giáo trên.

MÔN ĐỆ TÔN KÍNH VÀ LẠY PHẬT SAU KHI TỊCH

Trở lên là những hình thức lễ nghi và lạy Phật lúc sinh tiền. Sau khi ngài tịch diệt, những hình thức lễ nghi và sự kính lễ ấy vẫn được duy trì trong các hàng đệ tử của Ngài. Duy trì hình thức này với mục đích là luôn luôn xem đức Phật như còn tại thế. Cử chỉ ấy không có gì là trái với đạo hay mê tín di đoan, nếu chúng ta lạy đúng cách.

Chư tăng mỗi khi tụng kinh phải mặc áo vàng trang nghiêm là vì hồi Phật tại thế các đệ tử xuất gia hay mặc áo đó. Lạy Phật ba lạy trước khi đọc lại lời Ngài là để nhớ lại ngày xưa mỗi lần nghe pháp chư tăng thường làm như vậy. Đọc lại lời Ngài vì mình không đủ phúc duyên nghe chính kim khẩu của Ngài nói nên bây giờ tự đọc lại để nghiềm ngẫm và tu tập theo. Hàng đệ tử tại gia lạy Phật cũng chỉ lạy trong ý nghĩa này.

TỪ TÔN KÍNH ĐẾN CẦU KHẨN

Tuy nhiên, vấn đền lạy Phật bây giờ không còn mang trọn tinh thần đó nữa, mà đã nghiêng hẳn về sự cầu khẩn ban phúc trừ họa. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận tinh thần "ban phúc, trừ họa" trong đạo Phật. Đức Phật ban phúc không phải đem phúc từ một nơi nào khác đến để vào nhà chúng ta, hay lấy họa từ nhà chúng ta đem bỏ một nơi nào khác.

Ban và trừ theo tinh thần của đạo Phật là đức Phật trao cho chúng ta một chìa khóa để tự chúng ta mở hay khóa cửa họa phúc trong chính chúng ta. Chìa khóa đó là "Không làm các điều ác, làm các điều lành, tự lắng tâm ý mình".

Giây phút nào mà chúng ta thành khẩn quỳ trước hình tượng đức Phật là giây phút ấy lắng đọng tâm tư sâu thẩm nhất, và ít nhất là trong giây phúc đó, chúng ta đã không làm các điều ác qua ba chỗ: thân, khẩu, ý.

Nói một cách khác là chúng ta đang mở kho tàng phước báu. Một số khác cho đó là việc làm mê tín nên đã ngỡ ngàng đến đổi không dám cúi đầu trước tượng Phật. Một số khác nữa là chỉ ngắm hình tượng đức Phật như những công trình điêu khắc cần được chú ý theo tinh thần thẩm mỹ.

Song song với những số người trên, có một số người lạy Phật "cầu danh". Lạy Phật cầu danh nghĩa là khi nào thấy có đông người, muốn chứng tỏ cho mọi người biết rằng mình là người tin Phật, là Phật tử thuần thành, trọn lòng tôn kính đức Phật nên lớn tiếng xướng danh hiệu Phật hoặc hít hà tha thiết siêng năng lễ lạy không ngừng, nhưng khi vắng người thì thân lười tâm biếng trể nải việc tu, không nghiên tầm lời Phật.

Hành động này không những lừa đảo người khác mà còn dối gạt với chính mình, và cho dù họ có đối diện trước tượng Phật bao lâu đi nữa, với tâm niệm đó, họ cũng đang mở cửa ác chứ không phải là kho thiện.

LÝ TÍNH LẠY PHẬT

Trong đạo Phật bao giờ sự lý cũng phải viên dung. Về sự thì chúng ta đối trước Phật đài với tất cả thân tâm thành kính, thật sự xem như Phật còn sinh tiền. Lạy ngài với ý thức học đòi những đức tính cao cả của một người vượt hẳn lên loài người. Lạy Ngài với tâm nguyện noi theo dấu chân Ngài để thực sự gặp Ngài và đối diện với Ngài trong thực tại cuộc sống. Muốn đạt được như vậy, chúng ta phải đi từ sự lạy Phật qua hình tượng của Ngài để đạt đến các phép lý lạy Phật sau đây:

Lắng đọng tâm tư: Lắng đọng tâm tư trong khi lạy Phật là phải dùng ba nghiệp thân, khẩu, ý cho được thanh tịnh. Không nảy ra ý nghĩ đức Phật được mình lạy hay mình bị lạy đức Phật.

Nên nghĩ là mình lạy và đức Phật được lạy cả hai đều cùng một bản thể thanh tịnh, chỉ có khác là Ngài đã hòa hài trong biển trí thanh tịnh đó, còn chúng ta đang bị nổi trôi trong biển trầm luân khổ ải.

Nghĩ như vậy không phải để đưa đến tư tưởng bi quan chán nản mà là để quyết chí hơn lên trên đường tu tập. Tâm thanh tịnh đến đâu là cảnh Phật và đức Phật hiện ra đến đó.

Lạy Phật khắp tất cả: Lạy Phật khắp tất cả nghĩa là mình đừng nghĩ rằng Phật thì có vô số mà ta chỉ lạy chỉ có một vị như vậy không đủ. Nên nghĩ rằng Phật tuy vô số, nhưng cùng một bản thể thanh tịnh. Lạy bản thể thanh tịnh tức là lạy tất cả chư Phật trong tất cả phương hướng.

Giữ vững niềm tin: Giữ vững niền tin là tin chắc chắn chúng ta sẽ đạt tới bản thể thanh tịnh đó bây giờ và tương lai. Nếu không có một niềm tin kiên quyết như vậy, trên đường tu của chúng ta đôi khi sẽ tự mỏi mệt, lười biếng. Từ sự mỏi mệt lười biếng này làm nhân sẽ dẫn đến kết quả là tự vượt ra ngoài biển cả thanh tịnh.

Tóm lại, chúng ta phải khởi đi từ sự để đạt đến lý tính. Trong lý tính thì không có trong, ngoài, đây, kia hay người lạy và người được lạy.

Trong kinh bảo, người lạy và Phật được lạy bản thể của cả hai bên đều vắng lặng như nhau (Năng lễ sở lễ tính không tịch). Lạy Phật trong tinh thần đó để tập thấy rằng chúng ta không quá bị ràng buộc trong những hình thức lễ nghi rườm rà.

PTVN

Các tin đã đăng: