Sự quang lâm hiện diện của Đức Pháp chủ tại buổi lễ đã
mang đến cho Tứ chúng tinh thần phấn khởi, hoan hỉ đặc biệt. Được biết,
trong tuần qua, với Đức Ngài, Phật sự thật đa đoan: Quang lâm Hải Phòng
chứng minh và Huấn thị tại Hội thảo Hướng dẫn Phật tử toàn Miền Bắc,
Quang lâm Tổ Đình Hòe Nhai chứng minh Húy kỵ lần thứ 17 Đức Đệ nhất Pháp
chủ Thích Đức Nhuận.
Và ngay hôm nay, cho dù đã ở tuổi 95, thời tiết rét buốt, đường
xá xa xôi, Đức Ngài đã gắng gượng vượt qua sự mỏi mệt, đến với Tăng Ni
Phật tử trong Lễ khai mạc.
Đại chúng hàng ngàn vị đã nghiêm thân, chấp tay thành kính lắng
nghe Đạo từ và càng phấn khởi hơn khi thấy Đức Ngài thân tâm an lạc,
mạnh khỏe, minh mẫn, tùy cơ ứng đối logic, từ bi thương xót, tuyên
thuyết mạch lạc, thanh ngôn sang sảng, khúc triết.
PTVN xin trân trọng giới thiệu nội dung Đạo từ:
“Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính bạch chư tôn Thiền đức!
Kính thưa Liệt vị cùng toàn thể Tăng Ni, Thiện Tín trong đạo tràng!
Hôm nay chúng tôi rất hân hạnh được tham dự khai giảng khóa bồi dưỡng
Hoằng Pháp cho Tăng Ni, Thiện Tín, hoằng pháp viên ở miền Bắc nói
chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Mở đầu, chúng tôi xin thành thực cảm ơn Đạo tràng và Ban tổ chức đã
nhiệt tình đón tiếp, cũng xin nguyện cầu Phật, Tổ gia hộ, chứng minh
công đức chư vị đã tổ chức Phật sự này.
Đến đây, chúng tôi nhận thấy có trách nhiệm phải đóng góp cùng Ban tổ chức hoàn thành tốt chương trình khóa học đã đề ra.
Chúng tôi xin tham gia mấy điểm về việc bồi dưỡng quý vị Tăng Ni nghệ thuật trụ trì và kỹ năng thuyết giảng.
Nói đến trau giồi kỹ năng thuyết giảng là nói đến chuyện phải “học
ăn, học nói” như thế nào để người ta nghe được; nói là nói điều gì cho
đúng với Phật pháp chứ không phải sa đà vào các chuyện thế tục.
Phật pháp vào đời là để ban vui cứu khổ cho nhân sinh, lấy loài người là đối tượng chủ yếu để giảng dạy.
Đức Phật tuyên thuyết về sự tu hành, nhấn mạnh sa đọa hay tiến hóa
cũng ở là con người, được quyết định bởi chính mình. Bản thân Đức Phật
giáng sinh, tu hành, thành đạo, thuyết pháp và tịch diệt đều ở cõi
người, tuân theo lý vô thường của thế gian.
Đức Phật từ cõi chân tịnh mà thị hiện ở thế gian, cho thấy thế gian
này có đủ điều kiện để loài người tu hành mà tiến hóa lên như Phật đã
làm chứng.
Là Tăng Ni, ai nấy đều phải tự tín mà xác định mục đích cứu cánh của
việc tu hành theo Phật là phấn đấu lên bốn cõi Thánh: Thanh văn, Duyên
giác, Bồ tát và Phật, chứ đến cõi Trời tuy sung sướng đầy đủ cũng chỉ
thuộc về các cõi phàm, vì ở đó khi hết phúc rồi thì cũng bị sa đọa.
Là Tăng Ni, chúng ta tu học, tu hành theo Đức bản sư của chúng ta,
noi theo tấm gương của Thầy, nương vào Tăng chúng, nỗ lực tự thân tiến
hóa, hoàn thiện mình. Trước hết là trau giồi 3 nghiệp thân, khẩu, ý cho
chuyên, cho thanh tịnh.
Phương pháp của Đức Phật để lại cho chúng ta rất giản dị, rất rõ
ràng, ai cũng có thể làm được. Chỉ có điều chúng ta có làm, làm triệt để
hay không mà thôi.
Ở miền Bắc, nhất là ở đồng bằng đã có nhiều chùa. Lớn nhỏ, mỗi làng
thường có ít nhất một ngọn chùa. Mỗi ngọn thường có 1 vị sư. Nhiều vị có
đủ phẩm chất, xứng ở ngôi trụ trì, nhưng cũng còn nhiều vị phải được
bồi dưỡng thêm.
Sư là khuôn mẫu, mô phạm của loài người, chí ít là trong một cộng
đồng người, nếu không có đạo hạnh, không có trí tuệ thì lấy gì mà dạy
người? Lấy gì làm gương tốt để mọi người noi theo?
Nhà chùa phải phấn đấu theo hướng, không chỉ là nơi thờ Phật, Tổ,
sinh hoạt tín ngưỡng mà căn bản còn phải là trường học để giáo hóa thập
phương đồng bào bỏ ác theo thiện, thấm nhuần giáo lý nhân quả. Từ đó
thúc đẩy sự tiến hóa của xã hội và nhân sinh. Trụ trì là người trực
tiếp, trực diện làm điều đó.
Là Tăng Ni, vị nào cũng đã từng được biết về ý nghĩa của trụ trì,
“trụ Pháp vương gia, trì Như lai tạng” và đều từng biết ý nghĩa của xuất
gia “xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia”… Nói thì
dễ, nhưng để làm, làm đến nơi đến chốn thì không phải là dễ.
Nếu nói rất hay mà không làm, làm ngược lại, làm dở thì vô dụng,
không thể giúp đỡ đồng đạo, đồng bào tu học mà tiến hóa được, đó là
nguyên do để cuộc đời tu hành của chúng ta không hoàn thành trách
nhiệm, có tội với Đạo, với Đời.
Là đệ tử Phật, theo Phật, chúng ta phải học và hành theo Phật, Ăn
cơm, mặc áo của thập phương thiện tín, chúng ta phải cống hiến trả lại
cho đời. Đó là lẽ tự nhiên, là luật nhân quả, chúng ta phải thường tự
vấn, tự tỉnh về điều đó.
Trong thực tế, tùy theo mức độ phát nguyện, đệ tử Phật phải giữ gìn,
thực hành giới luật: tam quy ngũ giới, bát quan trai, thập thiện, v,v.
Lấy những điều đơn giản nhưng rất căn cốt ấy mà nhìn nhận vào 3 nghiệp
thân khẩu ý: việc làm, lời nói, ý nghĩ của mỗi người (có sát sinh, có
trộm cắp, có tà dâm, có nói dối, có nói thêu dệt, nói đôi đường, nói ác
độc, có tham lam, giận dữ, si mê không?) thì thấy Phật giáo, công việc
và trách nhiệm của Tăng Ni, của trụ trì, của Thiện tín đối với bản thân,
với đệ tử, với đời sống xã hội là rất nặng nề, song rất có ý nghĩa đối
với sự tiến hóa của loài người.
Ngày càng có nhiều điều chân lý, giới cấm của Phật giáo được xã hội,
được nhân loại tiếp nhận và thực hành. Đơn cử như việc Liên hiệp quốc
ban hành sách đỏ cấm sát hại các loài động vật quý hiếm, bảo tồn môi
trường, thực hành giới sát của Đạo Phật vì sự sống có ý nghĩa của nhân
sinh.
Căn bản và đầu tiên của nghệ thuật trụ trì là phải gương mẫu. Gương
mẫu trong lời nói, việc làm, nhất là việc làm: ban vui cứu khổ, tha thứ,
bao dung, chịu thương chịu khó, cần cù, giản dị, tiết kiệm, trường trai
giữ giới, thanh tịnh là những điều không bao giờ cũ. Có vậy thì khi
mang chân lý nhà Phật ra thuyết giảng người ta mới nghe, mới theo.
Khi thuyết giảng thì nên tùy căn cơ, trình độ của thiện tín mà phương
tiện. Nhà Phật có vô lượng pháp môn đối trị với vô lượng bệnh tật phiền
não của chúng sinh. Rốt cuộc lại chỉ còn có hai là Sắc pháp và Tâm
pháp. Tới nay, chúng sinh căn bản nghiệp nặng, phúc bạc, muốn theo Phật
hòng tiến hóa khỏi sa đọa thì cần tin cho thật sâu, tu hành thiết thực
theo pháp môn niệm Phật. Được đâu chắc đó.
Phải luôn tự tỉnh rằng, chân lý mà Phật nói ra cũng chỉ là ảnh tượng,
là ngón tay chỉ mặt trăng. Nghe món ăn là ngon thì phải tự được ăn mới
biết, còn không thì chỉ là hàm hồ tư biện mà thôi.
Huống hồ thời đại Phật thuyết giáo đã xa xưa, ngôn từ trở ngại, tam
sao thất bản, đến nay cái gọi là chân lý đó chỉ còn là cái bã nhả ra của
biết bao người, bao thế hệ nhai đi nhai lại. Cho nên, nếu không tu hành
tinh tấn, chân thật thì rồi đạo Phật và đội ngũ Tăng Ni chỉ còn là hình
thức sa đọa.
Điều cuối cùng mà chúng tôi bất đắc dĩ phải nói, cũng chỉ là nhắc
lại, với đại chúng và với Ban tổ chức khóa học, Đạo Phật là đạo chân
thực, thành thực, lão thực. Hoằng Pháp cũng chỉ là “nguyện giải Như lai
chân thực nghĩa” với mọi người, với chúng sinh mà thôi.
Với việc thế gian, sao cho lý với sự, nội dung với hình thức hài hòa.
Với việc Đạo cũng vậy, chạy theo sự tướng, hình thức thì khó tránh khỏi
sai lạc, đánh mất bản tâm.
Hôm nay, tại hội trường mênh mông này mà thiết lập đạo tràng, âm
thanh ảnh tướng nó cứ oang oang, người tới người lui, phải chăng chỉ là
một cuộc phô trương biểu diễn, tâm ý mọi người trong cảnh ấy khó thu,
khó nhiếp thì việc hoằng pháp khó hiệu quả được.
Chúng tôi đề nghị, khóa bồi dưỡng, nhất là chuyên cho Tăng Ni, nên
chọn một không gian hợp lý, êm ấm, giản dị, tránh tốn kém để lập đạo
tràng mà hoằng pháp độ sinh. Đạo tràng Phật sự thiết tưởng nên thanh
tịnh, hòa hợp thì mới hợp Pháp, mới đắc Pháp được.
Trước khi dừng lời, chúng tôi xin thành thực chúc chư Tôn đức, chư vị
đại biểu khách quý, Tăng Ni, Thiện Tín mạnh khỏe, tinh cần tu học, an
lạc, thành tựu. Chúc khóa học thành tựu hiệu quả.
Những lời nói trên đây của tôi có điều gì thiếu xót, thành thực mong quý vị lượng thứ. Nam mô A Di Đà Phật!”
Phật tử chắp tay thành kính lắng nghe đạo từ của Đức Pháp chủ