Lâu nay chúng ta nghi ngờ tại sao ngoài Bắc, từ thế kỷ
XIII về trước gọi Phật bằng “Bụt”, còn
ngày nay gọi Ngài bằng Phật. Như vậy ai gọi đúng? Tôi sẽ giải thích về điều
này. Ngày xưa, vùng đất Luy Lâu là vùng đất thương mại rất phồn thịnh, thương
thuyền người Ấn sang đây buôn bán mang theo các nhà sư truyền đạo. Sư Ấn Độ
sang Việt Nam
vẫn nói tiếng Ấn. Các Ngài gọi Phật là “Buddha”, Trung Hoa dịch là “Giác giả”.
Giác là giác ngộ, giả là người. Chữ “Buddha” là “Người Giác ngộ”. Tổ tiên mình
gọi chữ “Bud” là “Bụt”. Như vậy gọi “Bụt” rất gần với phiên âm tiếng Phạn,
nhưng tại sao ngày nay chúng ta gọi “Phật”?
Bởi vì vào đời Minh, Trung Hoa có
in tạng kinh bằng chữ Hán, người Việt Nam ta thỉnh về để đọc. Chữ
“Buddha” dịch âm chữ Hán là “Phật Đà”. Chữ “Bud” đọc là “Phật”, chữ “dha” đọc
là “Đà”. Nên “Phật Đà” là người Việt đọc theo âm chữ Hán. Thế nên từ đời Minh,
tức khoảng thế kỷ XVII - XVIII về sau mới có danh từ “Phật”, còn thời gian
trước chỉ có danh từ “Bụt”. Hiểu như vậy chúng ta mới biết cách gọi Phật của
người xưa và người nay khác nhau như thế nào. Tuy khác trên danh xưng nhưng vẫn
cùng một ý nghĩa, Phật là chỉ cho bậc Giác ngộ.
Đức Phật là bậc Giác ngộ nên đạo do Ngài truyền cũng là
đạo giác ngộ. Vì vậy nói đạo Phật là đạo giác ngộ. Chúng ta xưng mình là Phật
tử tức con của bậc Giác ngộ, hoặc ta cũng là người giác ngộ chút chút. Giác ngộ
chút chút chứ không phải không chút giác ngộ. Đến với đạo Phật là phải có giác
ngộ, chứ không thể mù quáng được. Thế nhưng có Phật tử đến với đạo Phật nhiều
năm, vẫn nói chưa giác ngộ gì cả. Thực ra có, nhưng quí vị không biết đó thôi.
Đạo Phật là đạo giác ngộ, nên người tu theo đạo Phật phải
có giác ngộ. Giác ngộ từ gần tới xa, từ thấp lên cao. Giác ngộ gần như thế nào,
giác ngộ xa như thế nào? Tôi xin hỏi quý vị học Phật mấy năm nay có biết lý Vô
thường, lý Nhân quả, lý Nhân duyên không? Nếu biết tức quý vị đã giác ngộ khá
rồi. Đối với cuộc sống vô thường mà tưởng thường là người mê, cuộc sống vô
thường ta biết vô thường tức là giác.
Người mê cứ nghĩ gặp ác là bị trời phạt, được vui là trời
thưởng. Phật tử không như thế, biết gặp ác là do nhân xấu mình đã tạo từ đời
trước, gặp lành là do nhân lành đã tạo từ trước, nên ngày nay cảm quả thiện ác
đến với mình, chứ không phải do trời ban. Biết đúng lẽ thật như vậy là giác rồi
còn gì. Vậy mà quý vị cứ nói mình không giác, đó là do chưa nắm vững đường
hướng Phật dạy.
Phật tử hiểu các pháp hiện có mặt đây do nhân duyên tụ họp
thành, không có gì gọi là bỗng nhiên mà được. Tất cả đều do nhân duyên tụ họp
mới thành. Do nhân duyên tụ họp thành thì các pháp là thật hay giả? Các pháp là
giả. Tôi dẫn một vài điều cho quý vị thấy có tu Phật là có giác, chỉ tại không
chăm chú, không để ý tới, nên quý vị tưởng mình vẫn mê như thuở nào.
Phật bảo chúng sanh bất giác nghĩa là không giác ngộ gì
hết, Bồ-tát phần giác nghĩa là giác ngộ từng phần, còn Phật là mãn giác nghĩa
là giác ngộ tròn đầy. Chúng ta nghiệm xem mình thuộc hạng nào? Nếu giác chút
chút tức đã được một phần nhỏ, nếu chưa thành Bồ-tát chính thức thì cũng là
Bồ-tát con, phải không?
Bồ-tát là tiếng gọi tắt của âm chữ Phạn “Bồ-đề-tát-đỏa”
(Bodhisattva), Hán dịch là giác. Bồ-tát là giác từng phần, Phật là giác viên
mãn, tròn đầy, không thiếu. Chúng ta giác chút chút thì cũng là con cháu của
Bồ-tát rồi. Phải hiểu tu là giác chứ không có quyền mê. Mê thì chưa biết tu.
Quý vị là Phật tử, tức biết tu nên cũng có giác chút chút rồi. Chúng ta đang
tiến trên con đường giác ngộ, chứ không phải đứng ở vị trí của người mê hoàn
toàn. Dám xưng mình là Phật tử, tức con cháu của Phật nghĩa là chúng ta giác
ngộ được chút chút, chứ không mê như thuở xưa.
Nhưng nói cho thật rõ, chúng ta giác ngộ được điều gì?
Phật dạy sở dĩ chúng sanh không giác ngộ nên trầm luân trong sanh tử. Mê lầm
thì trầm luân sanh tử, chỉ có giác ngộ mới giải thoát sanh tử. Chúng ta mê lầm
cái gì, giác ngộ cái gì? Đó là điều tối yếu mà toàn thể Phật tử phải biết.
Người phàm phu luôn luôn thấy thân này là thật, còn người
Phật tử biết tu thấy thân này là giả. Nhưng e rằng chỉ thấy giả khi tụng kinh,
nghe pháp, còn gặp chuyện thì thật ngay. Đó là do chưa thấm nhuần chân lý trong
mạch sống của mỗi người, chỉ thấy giả trên mặt suy luận thôi, chứ chưa nhập
tâm.
Khi nhìn thấy thân này thật, tự nhiên chúng ta quý trọng
nó. Từ quý trọng nên tìm đủ mọi cách cho nó được thụ hưởng sung túc. Tất cả
những gì ngon, những gì đẹp, những gì sung sướng trên thế gian đều muốn chu cấp
cho nó. Thụ hưởng như vậy là chúng ta đuổi theo dục lạc của thế gian. Ta thử
đặt câu hỏi, nếu người thụ hưởng đầy đủ sung mãn mọi dục lạc trên thế gian,
người đó có chết không ? Thụ hưởng cho nhiều rồi cũng phải chết. Thế thì họ
giành giật tất cả mọi thứ trên đời, để cuối cùng chỉ còn một thây thối thôi, có
ý nghĩa gì đâu? Thân giả dối mà người ta ngỡ là thật, nên mới giành nhau từng
miếng ăn, từng cái mặc. Càng giành thì càng khổ, nên khổ gốc từ mê lầm mà ra,
rõ ràng như vậy.
Nếu biết thân này giả tạm, không thật, chúng ta sẽ tùy
duyên mà sống, tùy duyên mà tu hành, nên bớt giành giật. Bớt giành giật thì bớt
tranh đấu, bớt khổ đau. Nhờ thấy đúng về thân, chúng ta giảm bao nhiêu đau khổ.
Biết thân hư giả, khi hết duyên sắp ra đi Phật tử có sợ không? Nó giả tạm thì
hư hoại là lẽ thường, có gì phải sợ. Người chấp thân thật, thụ hưởng cho nhiều,
khi sắp chết thì hoảng sợ, đắm luyến thân vô cùng Trong khi tranh giành để được
thụ hưởng đã là khổ, lúc sắp bỏ thân cũng khổ nữa. Hai ba chặng khổ.
Người biết thân này giả thì cuộc sống rất đơn giản, không
tranh hơn về phần mình, nhờ vậy bớt khổ. Khi chết biết đã hết duyên, nó phải
đi, ta cười thôi, có gì đâu mà sợ. Hiểu như vậy, thấy như vậy thì đứng trước
cái chết chúng ta an ổn, tự tại. Như vậy, giác được một chút là đã bớt khổ bao
nhiêu rồi.
Người làm việc lành, giúp đỡ mọi người, cuối cùng cũng
chết, người không làm gì hết, cứ lo hưởng thụ rồi cũng chết. Cả hai đều đi đến
chỗ chết, nhưng một người chết bao nhiêu người quý, còn một kẻ chết bao nhiêu
người ghét. Nên người biết tu ngay nơi thân này sử dụng làm lợi ích cho đời,
cho đạo. Người không biết tu cứ cưng dưỡng, không dám nhọc thân, nhưng rốt cuộc
rồi cũng chết, không hơn được chút nào. Đó là một lẽ thật.
Người rõ biết thân hư dối tạm bợ, đủ duyên thì còn, thiếu
duyên nó tan hoại. Thấy như vậy là thấy được lẽ thật. Thấy được lẽ thật là giác
rồi. Đó là giác về thân. Còn giác thứ hai là giác về tâm. Quý Phật tử nghĩ cái
này phải, cái kia quấy; ai làm theo điều mình nghĩ thì thương, còn làm ngược
lại thì ghét. Ai nói gì mình cho là phải thì quý trọng, nói gì mình cho là quấy
thì khinh thường. Nhưng thật ra, cái phải quấy ở đời có là chân lý chưa? Chưa
là chân lý. Bởi vì cái phải ở đây không là cái phải ở kia, cái phải của người
này không là cái phải của người khác. Người ta thấy cái đó chưa phải mà mình
cho là phải, họ cãi lại mình liền giận, liền ghét. Đau khổ từ đó phát sinh.
Những suy nghĩ, phân biệt hơn thua phải quấy… thuộc về
tâm, nhưng là tâm vọng tưởng, hư dối, không phải tâm chân thật. Vì nếu thật nó
phải còn nguyên, chứ không đổi thay luôn như vậy. Chúng ta phải biết để dẹp bỏ,
đừng chấp vào những thứ đó, mới thấy được tâm thật của mình. Tâm buồn thương,
giận ghét… là dòng sinh diệt không dừng. Đã sinh diệt không dừng mà theo nó là
ta chấp nhận đi trong dòng sinh diệt.
Tuy nhiên, bên cạnh tâm hư dối đó có tâm chân thật. Chúng
ta phải làm sao phăng cho ra, tìm cho được tâm chân thật ấy. Đó là gốc của sự
tu. Như chúng ta ngồi thiền để làm gì? Để bỏ tâm hư dối, cho nó lặng xuống. Tâm
hư dối lặng thì tâm chân thật hiện. Đó là giác ngộ được thân này giả dối, tâm
suy nghĩ hư dối, thì tâm chân thật hiện bày. Chừng nào tìm và sống được với tâm
chân thật trọn vẹn mới gọi là gần giác ngộ viên mãn. Như vậy, chúng ta đang đi
trên đường giác ngộ chứ đâu phải thường.
Ở đời, người ta mê chấp thân, mê chấp tâm nên phải luân
hồi sanh tử. Vì vậy kinh Viên giác, Bồ-tát Văn Thù hỏi Phật: “Cái gì là
nhân sanh tử luân hồi?”. Đức Phật dạy: “Người chấp thân tứ đại giả hợp là thân
thật, chấp tâm hư giả sinh diệt là tâm thật, đó là nhân luân hồi sanh tử”. Bây
giờ chúng ta biết rõ điều này tức đã có giác rồi. Chúng ta tu là thức tỉnh, nên
cố gắng để thoát khỏi mê lầm đó. Đây là lý do vì sao chúng ta chuyên tu thiền.
Tu thiền để làm gì? Để dừng, lặng tâm lăng xăng. Tâm lăng xăng lặng xuống thì
tâm chân thật hiện đủ. Đó là giác. Giác bằng cách thực hiện ngay nơi mình, chứ
không phải tìm kiếm ở đâu khác.
Những buồn đau, giận hờn… xảy đến ta cứ chứa chấp sâu
trong kho tàng thức, bây giờ muốn loại trừ phải từ từ. Năm này một ít, năm kia
một ít nó mới sạch, chứ không phải một lần sạch liền. Vì vậy ngồi thiền là cốt
loại những bóng dáng của quá khứ còn lưu lại trong tâm, khiến nó tan mất đi.
Chúng hết rồi thì cái chân thật hiện tiền, hằng tri hằng giác của mình hiện
bày. Tri giác ấy là tánh Phật. Chư Phật ra đời mục đích để chỉ dạy cho chúng ta
bấy nhiêu đó thôi.
Nhận ra tánh Phật hằng tri hằng giác, không suy nghĩ,
không thương ghét, không hơn thua là dứt tạo nghiệp thiện ác. Không tạo nghiệp
thiện ác thì đâu có luân hồi sanh tử. Đó là nhân giải thoát. Như vậy tu là giác
ngộ, biết mình có cái thật phải nhận lại, cái giả bỏ đi. Bỏ được những thứ hư
dối, sống hoàn toàn với tâm chân thật là giác ngộ. Giác ngộ là giải thoát sanh
tử.
Chúng ta cứ đúng theo đạo lý Phật dạy mà tu. Tu lâu ngày
mọi thứ khổ đau mê lầm sẽ giảm. Khi nào hết mê lầm tức là chúng ta được giác
ngộ viên mãn. Như vậy mới xứng đáng là Phật tử tức con của Phật. Tu là để giải
thoát sanh tử, chứ không phải cứ đi mãi trong mê lầm. Vì vậy Phật tử gặp Phật
pháp, được quý thầy nhắc nhở tu hành là có phước lớn, chứ không phải thường.
Nếu không sẽ chìm mãi trong biển khổ sanh tử, đeo đuổi theo những thứ tạm bợ
của thế gian, chịu nhiều đau khổ không biết đến bao giờ mới hết!
Vì thế người biết tu thương tất cả mọi người,
không thù ghét ai hết, bởi họ cũng mê lầm giống mình, đuổi theo bóng dáng hư ảo
rồi gây khổ cho nhau. Nên giác ngộ rồi tự nhiên phát lòng từ bi. Lúc chưa giác
ngộ mà khởi lòng từ bi, e đó chưa phải thật là từ bi. Đó là điều chúng ta phải
lưu ý, để không bị lầm lẫn trong lúc dụng công tu. Mong tất cả hiểu được mục
đích tu hành của mình để đạt được kết quả như sở nguyện.
HT.Thích Thanh Từ