Lấy Xả Làm Được
09/04/2014 22:43 (GMT+7)

Trên mảnh đất ruộng, nếu không gieo trồng hạt lúa giống, làm sao có được sự thu hoạch? Đối với bạn bè thân thích, nếu bạn không cùng họ quan hệ qua lại giao cảm; bình thường không lấy lễ vật tặng biếu nhau tỏ lòng tình thân giao kết, thì làm sao thu hoạch được nhân duyên vật nghĩa hồi tặng hỗ tương?

Đại Sư Tinh Vân (Master Hsing Yun)

Buông xả, xem ra dường như là bỏ ra cho người khác; nhưng trên thực tế là thu về cho mình đó thôi. Tặng người một lời nói tốt đẹp, thiện cảm, tức thời sẽ thu nhận được người hồi tặng mình lời tán dương tràn đầy thiện cảm tốt đẹp. Tặng người một nụ cười, mình sẽ nhận được ánh mắt reo vui hồi đáp! Mối quan hệ "xả" và "được", tương đồng với mối quan hệ giữa "nhân" và"quả". Đó là hai mối quan hệ hỗ tương mật thiết đồng đẳng trong đời sống triết học.

Người có năng lực thực hiện buông xả, nhất định nội tâm của người đó vốn đã có tài sản giàu có cao quý. Nếu như nội tâm của người đó không hàm chứa lòng biết ơn, và nhân cách kết duyên làm sao người đó dám buông xả cho người khác; và làm sao có thể khiến cho người đó có được vốn thu nhận?

Nội tâm có tràn đầy hoan hỷ thì mới có thể đem niềm hoan hỷ hiến tặng cho người. Nội tâm có ẩn chứa vô hạn từ bi, thì mới có thể đem tâm từ bi làm bóng cây che mát cho người. Tự mình trong túi có tiền mới dám đem tiền ra bố thí cho người khác. Tự mình có đạo tâm mới có thể đem đạo để dẫn dắt người cùng đi trên đường quang minh lợi lạc. Nếu trong tâm chúng ta chỉ có tham sân si, thì đương nhiên khi cho người khác cũng sẽ là tham sân si.

Thế nên, chúng ta khuyên người không nên đem phiền não, sầu muộn truyền nhiễm cho người khác; bởi vì buông xả cái gì, tức thời sẽ thu được cái đó. Đó là quy luật tất nhiên.

Nhân gian Trung Quốc có câu chuyện kể rằng: Có một gia đình nọ, người cha vui thích làm việc thiện bố thí, thường hay đem vật bố thí cho người khác. Thật lạ thay! Càng làm việc bố thí, gia sản của ông ta càng giàu có sung túc. Song thật đáng tiếc, con của ông ta tánh tình tham lam, keo kiệt, bủn xỉn. Sau khi người cha qua đời, người con ấy lên kế vị nắm quyền quản lý tài sản; lập trăm phương ngàn kế đục khoét tài sản của người khác.

Cuối cùng, thiên tai nhân họa đến, gia đình người con đó không những không có được một chút may mắn nào mà ngay cả một vật nhỏ cũng không còn. Qua câu chuyện này cho chúng ta thấy rõ tánh cách, phẩm chất của hai con người: một cho ra và một gom vào; kết quả giá trị của sự được mất, thành hoại sai biệt như thế nào là do chính mình tự tạo tác, mà tự thọ nhận. Thế nên "lấy buông xả làm thu hoạch" là việc chúng ta cần nên tin tưởng và thực hành là vậy.

"Buông xả" trong Phật giáo có nghĩa là bố thí! Bố thí giống như gieo giống Ni câu đà thọ (Ni câu đà thọ tiếng Pali dịch là Nigrodha, tên gọi theo khoa học là Ficus indica. Đây là giống cây có xuất xứ từ Ấn Độ. Giống cây này to lớn, tàng rộng, nhiều cành; bốn mùa đều sản sanh hoa quả) {tham khảo Phật Quang Đại tự điển, quyển thứ 2, trang 1885}.

Vì vậy trong Phật giáo thường lấy loại giống cây này để dụ cho sự thu hoạch hưng thạnh. Trồng một, thu hoạch mười; trồng mười thu hoạch một trăm, kết quả có thể là hàng ngàn hàng vạn. Vì vậy trong đời sống nhân gian mong muốn trường thọ, vinh hoa phú quý, quyến thuộc hài hòa, danh dự cao sang, thông minh tài trí; trước nên tự hỏi mình: Thời tiết xuân có gieo hạt giống tốt? Bằng không thời tiết thu làm sao có sự thu hoạch tốt đẹp; làm sao có được công thành danh toại!

"Buông xả" cần nên lấy từ bi và trí tuệ làm năng lượng để đúc kết nên thiện pháp lợi ích hiến tặng cho người. Trong kinh "Tứ Thập Nhị Chương" đức Phật dạy rằng Ngửa mặt lên trời phun nước miếng, thì nước miếng không đụng đến trời mà sẽ bay ngược lại làm dơ thân mình; ngược gió quét bụi, bụi không những không đến bờ đất kia, mà ngược lại làm dơ thân mình.

Thí xả là đem lễ vật biếu tặng người. Nếu chúng ta đem lễ vật biếu tặng cho người không thích đáng, khiến đối phương không dám tiếp nhận, thì vật kia sẽ tự mình thu hồi lại. Từ đó mà suy việc mà mình không muốn, vật mà mình không ưa thích thì chớ đem biếu tặng cho người.

Ngày tiết đông, mọi người đều yêu thích mặt trời, bởi vì mặt trời đem nắng ấm sưởi khắp thế gian. Chúng ta yêu thích cây đại thọ, bởi vì cây đại thọ cho chúng ta bóng mát. Cha mẹ thương yêu con cái, là vì con cái cho mình sự hiếu dưỡng. Chúng ta yêu mến bạn bè, vì bạn bè đem lại cho chúng ta sự hỗ tương giúp đỡ. Nếu mặt trời, đại thọ, con cái, bạn bè…không đem lại sự lợi ích cho mình, thử hỏi làm sao chúng ta yêu thích họ?

Nếu ái tình là mối dây trói buộc, thì hãy buông xả ái tình, rất tự nhiên thân tâm sẽ tự tại. Nếu ngã mạn là phiền não chướng ngại đạo nghiệp, thì chúng ta không quản ngại buông xả nó, phải chăng chúng ta đã nhận được sự mát mẻ thanh thản? Nếu vọng tưởng là hư vọng, chúng ta buông xả vọng tưởng, thì chẳng phải là chúng ta đã tự thu được cuộc sống chân thực rồi sao? Nếu sự quái ngại là thống khổ, bạn xả bỏ nó đi, chẳng phải là bạn đã thu được khinh an rồi sao? Do vậy chúng ta có năng lực thực hiện buông xả bao nhiêu, tất nhiên sẽ thành tựu kết quả thu được bấy nhiêu. Đó là đạo lý tất yếu.

Khi đi đường, nếu không buông bước đi phía sau, thì vô phương đặt được bước đi phía trước. Khi viết văn, không xả bỏ đi những câu văn rườm rà, dài dòng, thì cũng vô pháp đúc kết ra được những đoạn văn tinh giản, súc tích. Cây cối hoa cỏ trong sân đình, những cành khô lá úa, nếu không cắt tỉa đi, thì cây cỏ kia làm sao có không gian đâm chồi nảy nụ. Kiến trúc đô thị nếu không buông bỏ đi những kiến trúc thô thiển trái qui định thì không thể nào kiến thiết ra được hình thể một đô thị hiện đại, trật tự, ngăn nắp, mỹ quan.

Hàng tăng lữ, với danh nghĩa xuất gia, nếu không cắt ái buông xả người thân thích, làm sao xuất gia học đạo, làm sao có thể tự tại vân du bốn biển hoằng pháp lợi sanh? Các bậc cổ thánh tiên hiền "trước ưu tư với nỗi ưu tư của thiên hạ, sau an vui với niềm an vui của thiên hạ".Nếu không thể xả mình vì người, thử hỏi làm sao có thể lưu danh sử thiên cổ.

Chư Phật "việc khó làm, làm được; việc khó nhẫn, nhẫn được" là vì ngài hiểu được tầm giá trị của sự buông xả mà đúc kết nên sức mạnh vô úy thí, "cắt thịt mình mớm cho chim ưng, xả thân mình cứu cọp đói" thành tựu Phật đạo. Ngài Tuyết Sơn Đồng Tử, chỉ do một câu kệ: "Chư hành vô thường, thị sanh diệt pháp, sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc" mà dám bỏ thân vì đạo, và cuối cùng ông đã đạt được như nguyện đắc thánh quả đạo.

Chúng ta nếu không buông xả đi những thói hư tật xấu, thì đời sống làm sao có thể tiến bộ, cho dù có tiềm năng tốt cũng vô phương sanh trưởng. Học Phật chính là học tập "xả mê nhập ngộ, xả tiểu hoạch đại, xả vọng quy chơn, xả hư hành thật." Thế nên lời mà bậc cổ đức tuyên huấn:“phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật” là vậy, phóng hạ, nghĩa là buông xả, không buông xả, làm sao thành Phật được?

Tóm lại, "lấy xả làm được" diệu dụng vô cùng, chúng ta cần nên học tập tánh cách buông xả. Tiền tài vật chất, tri thức, kỹ năng, chúng ta biết buông xả đem hiến tặng cho người làm lợi ích thì cái giá trị tài sản đó mới thật sự là kết quả thu được của chính mình vững chắc. Cũng vậy, khi chúng ta biết buông xả tất cả những phiền não vô minh bi thương, vọng tưởng v.v…thì rất tự nhiên sẽ đạt được cuộc sống mới với cảnh giới trong sáng, tươi mát, hạnh phúc, tràn đầy niềm tin yêu hy vọng.

Trích trong “Nấc Thang Cuộc Đời”

Đại Sư Tinh Vân (Master Hsing Yun)

Việt dịch: Thích Nữ Huệ Phúc

theo:phapgioi.com

Các tin đã đăng: