Làm thế nào để phân biệt được đúng bậc minh sư ?
01/12/2013 18:21 (GMT+7)

Hỏi: Mỗi khi tụng Kinh hay niệm danh hiệu Phật, tôi thường có cảm giác thân thể rất nóng, thậm chí tưởng chừng như toàn thân trương phình lên. Phải chăng hiện tượng này là do những thứ trùng nơi tự-tánh đang bừng sống dậy?

Ðáp: Những thứ trùng nơi tự-tánh mà bạn nói đấy hình thù như thế nào? Chúng màu đen, trắng, hay là vàng?

"Phàm hễ có tướng, đều là hư-vọng," vậy bạn chấp trước vào chúng để làm gì? Bởi vì lòng bạn khẩn trương nên mới có tình trạng như thế. Nếu bạn thư thái, không khẩn trương, không cố ý vẽ vời, ắt chẳng có thứ phiền não ấy!

Hỏi: Niệm Phật mà tâm cứ tán loạn, vậy phải làm sao để điều phục?

Ðáp: Niệm cho nhiều thì không còn tán loạn nữa! "Niệm trong một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tạp loạn..." Bạn không niệm thường xuyên thì tâm tán loạn là chuyện đương nhiên!

Hỏi: "Phát nguyện" và "khởi vọng-tưởng" khác nhau ra sao?

Ðáp: Vọng-tưởng tốt thì không ngại khởi nó. Song, nếu là vọng-tưởng xấu thì phải tiêu diệt nó đi! Lập những nguyện lợi người thì cho dù là vọng-tưởng cũng không sao, nhưng nếu là nguyện tự lợi thì không tốt!

Hỏi: Tại sao đạo Phật lại đề xướng ăn chay?

Ðáp: Người ăn chay thì dục niệm nhẹ. Kẻ ăn mặn thì dục niệm nặng nề. Có tôn giáo cho rằng động vật được sanh ra là để cho loài người ăn, cho nên ăn mặn là một việc hợp lý trời đất. Song le, Phật Giáo đề xướng tinh thần "mọi vật đều cùng một thể, đó gọi là Ðại Bi," và xem mọi loài chúng sanh đều có Phật-tánh, đều sẽ thành Phật; cho nên chủ trương giới sát, phóng sanh.

Hỏi: Vì sao đạo Phật không đề xướng hưởng thụ?

Ðáp: "Chịu khổ thì hết khổ,

Hưởng phước thì hết phước."

Tiền gởi trong ngân hàng nhưng bạn không tiêu xài thì vĩnh viễn vẫn còn là của bạn. Nếu tiêu xài, vui chơi, nhậu nhẹt, thì tiền để dành ở ngân hàng sẽ chóng hết lắm!

Hỏi: Có người nói Chú Lăng Nghiêm chỉ được tụng vào kỳ ăn chay, lại có kẻ nói chỉ được tụng trước bảy giờ sáng; như vậy thì thế nào mới đúng?

Ðáp: Lúc nào, giờ nào cũng có thể trì tụng Chú Lăng Nghiêm được cả! Không nên sanh tâm phân biệt về thời gian. Bởi, thí dụ ở Mã Lai là buổi sáng thì ở Mỹ lại đang là buổi tối; vậy làm sao có thể vạch nên giới hạn tuyệt đối được?

Kẻ học Phật cần phải phá trừ chấp-trước, quét sạch mọi pháp, xa lìa mọi tướng, không nên càng học lại càng mê muội!

Hỏi: Có người nói rằng phụ nữ có thai mà tụng Chú Lăng Nghiêm thì có thể bị sẩy thai, có thật vậy chăng?

Ðáp: Nói nhảm đấy!

Hỏi: Tôi muốn học thuộc lòng và am hiểu ba bộ kinh là Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Pháp Hoa. Vậy nên học bộ nào trước?

Ðáp: "Pháp đây bình đẳng, chẳng phân cao thấp." Học bộ nào trước cũng được cả. Bạn cứ nghĩ không biết phải học bộ nào trước thì đó chính là một thứ vọng tưởng rồi đấy!

Hỏi: Phật Pháp không rời Thế Gian Pháp. Làm sao áp dụng Phật Pháp vào đời sống hằng ngày một cách viên mãn nhất?

Ðáp: Ðừng tranh giành, đừng tham lam, đừng truy cầu, đừng ích kỷ, đừng tự lợi, đừng dối trá!

Hỏi: Phải chăng mỗi khi tụng Kinh xong thì nhất định phải hồi-hướng?

Ðáp: "Hồi-hướng" chính là một thứ chấp-trước, nhưng "không hồi-hướng" cũng là chấp-trước. Phàm hễ có chấp-trước thì không tương ưng với Phật Pháp được!

Hỏi: Phật-tánh xưa nay gốc thanh tịnh, vậy vô-minh từ đâu ra?

Ðáp: Vô-minh từ nơi ái tình mà ra. Vô minh chính là một tên khác của ngu si.

Hỏi: Làm thế nào để phân biệt được người nào đúng là bậc Minh-Sư chân chánh?

Ðáp: Muốn phân biệt được ai là bậc Minh-Sư chân chánh thì hãy xét xem họ có tâm tranh, tâm tham hay không; xem họ có phải là kẻ ích kỷ, ưa tự lợi hay không; xem họ có phải là người hay nói lời dối trá rồi lại chối quanh, gọi đó là "thiện xảo phương tiện" hay không. Nếu như thế mà họ lại còn tự xưng là Thiện-tri-thức, thì họ quả là những kẻ không hiểu đúng sai, phải trái rồi vậy!

 

Hỏi: Phải chăng chư Phật và chư Bồ-tát có thể gánh nghiệp giùm chúng sanh?

Ðáp: Nếu bạn có lỗi mà biết sửa đổi, thì chư Phật và chư Bồ-tát quả thật có năng lực gánh nghiệp giùm bạn, để bạn được vô tội. Song, nếu bạn có lỗi mà không sửa, cứ chuyên môn ỷ lại vào chư Phật và chư Bồ-tát, muốn nhờ các Ngài gánh vác nghiệp tội giùm, thì chẳng thể được đâu!

Hỏi: Kinh dạy:

"Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sanh, thể giải đại Ðạo, phát Vô Thượng Tâm.

"Tự quy y Pháp, đương nguyện chúng sanh, thâm nhập Kinh Tạng, trí huệ như hải.

"Tự quy y Tăng, đương nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại. Hòa nam Thánh chúng."

Là người xuất-gia thì phải "thống lý đại chúng," làm chuyện gì cũng phải phù hợp với đạo Phật mới đúng. Song, con người chẳng thể toàn thiện, toàn mỹ được. Dầu sao thì kẻ xuất-gia cũng vẫn là con người, nếu bản thân chưa giữ thanh quy giới luật cho được hoàn hảo, thì đến khi "thống lý đại chúng" chẳng phải là sẽ lãnh đạo chúng sanh một cách sai lệch sao?

Ðáp: Trên thế gian, có tốt thì có xấu. Có kẻ tu hành, thì cũng có kẻ chẳng tu hành. Có kẻ chân chánh hành trì Phật Pháp; song, cũng có kẻ thừa cơ dựa vào đạo Phật để kiếm áo mặc, lợi dụng Phật để có cơm ăn, lại còn dùng đạo Phật để làm chuyện bán buôn, kiếm chác lợi lộc. Ðó là tình trạng "ngọc châu bị trộn lẫn với mắt cá," rắn rồng, vàng thau lẫn lộn.

Do đó, phải coi thử các bạn có Trạch Pháp Nhãn5 hay không - có Trạch Pháp Nhãn thì bạn sẽ nhận biết được ai thật, ai giả; không có Trạch Pháp Nhãn thì bạn sẽ "nhận lầm kẻ giặc là con đẻ," lấy đau khổ làm khoái lạc, điên điên đảo đảo, không phân biệt được đâu là trắng, đen, chân, ngụy.

Hỏi: Trong nhà có tượng Phật mà chưa được khai quang (¶} ¥ú) thì có thể lễ lạy chăng?

Ðáp: Vấn đề không phải ở chỗ tượng Phật "đã được khai quang" hay "chưa được khai quang," mà là coi xem tâm bạn có hay chẳng có chấp-trước! Lòng bạn không có chấp-trước thì tượng Phật lúc nào cũng là khai quang rồi. Nếu lòng bạn mà chấp-trước thì tượng Phật dù đã được khai quang song cũng chẳng khác gì chưa được khai quang!

Hỏi: Kinh Phật dạy rằng: "Tự-tánh là Phật, người người đều có thể thành Phật." Xin hỏi, nếu "bản thân ta tức là Phật," thì tại sao chúng tôi phải thường xuyên lạy Phật?

Ðáp: Người ta nói "bản thân ta tức là Phật," không phải là nói về cái thân thể này mà là chỉ tự-tánh của nó. Nếu bạn muốn thành Phật, thì bạn nhất định phải tu hành, nhất định phải thấu rõ đạo lý này, và phải biết làm sao để thành Phật; chứ chẳng phải chỉ nói "bản thân ta tức là Phật," rồi thành Phật đặng!

Như bạn đi học, muốn đậu Tiến-sĩ chẳng hạn; bạn chẳng thể muốn suông mà đỗ đạt được! Bạn cần phải học từ Tiểu-học, lên Trung-học, vào Ðại-học, rồi sau đó mới có thể đạt bằng Tiến-sĩ. Cũng vậy, bạn chẳng thể vừa nói thành Phật là được thành Phật ngay tức khắc; chẳng thể tự phong mình làm Hoàng-đế là mình liền thành Hoàng-đế. Chẳng thể nào có chuyện như vậy được!

Tương tự như trường hợp ông Bồ-tát bằng đất mà vượt biển, tất sẽ bị nước làm cho tan rãớtự mình bảo vệ thân mình còn không xong thì làm sao có thể hóa độ người khác được?

Bạn nhất định phải tu hành cho có nền tảng vững vàng trước, đến lúc nào bạn "vào nước mà không bị chìm, vô lửa mà chẳng bị thiêu cháy," thì khi ấy bạn mới có thể giáo hóa chúng sanh mà không bị danh lợi làm cho mê hoặc, lay chuyển.

"Nước" tức là gì? Tức là tiền tài. "Lửa" tức là gì? Tức là danh vọngDanh và lợi tức là "nước" và "lửa." Hễ nghe tới danh vọng thì chẳng thể lìa xa, trông thấy lợi lộc thì ngủ không yên giấcớ những kẻ như vậy mà thành Phật thì thật là phi lý! Phật là bậc chẳng háo danh, cũng chẳng có vị Phật nào háo lợi cả.

Tôi nói như vậy hẳn có nhiều người không thích nghe, song, đó là những điều mà tôi muốn nói!

Hỏi: Hòa Thượng từng nói rằng: "Hiện tại chúng ta không minh ngộ tự-tánh được là vì chúng ta bị nhiễm ô bởi trần-ai, Ngũ Dục của cõi Ta-bà." Xin giải rộng nghĩa.

Ðáp: "Nhiễm-ô" tức là những tạp niệm trong tâm bạn. Bạn muốn giàu, đó là nhiễm ô; bạn muốn cầu danh, đó cũng là lòng nhiễm ô; bạn muốn truy đuổi người yêu, đó lại cũng là lòng nhiễm-ô; bạn muốn ăn ngon, đó cũng lànhiễm ô; đều là chẳng thanh tịnh.

Tự-tánh vốn dĩ thanh tịnh, chỉ vì bạn thêm thắt những thứ này nên tự-tánh bị ô nhiễm, và quang minh của tự-tánh do đó chẳng thể xuất hiện được. Mọi người ai cũng có Phật-tánh, ai cũng có thể thành Phậtớtất cả chúng sanh, không ai là chẳng thể thành Phật. Bất luận bạn thuộc vào loại chúng sanh nào, bạn cũng đều có cơ hội thành Phật; vấn đề là bạn có chịu tu hành hay không mà thôiớbạn tu thì bạn sẽ thành Phật, bạn không tu thì bạn chẳng thể nào thành Phật được!

Hỏi: Tôi xem kinh Phật có dạy rằng: "Muốn vãng sanh Tây phương thì cần phải phát nguyện." Vậy cần phải phát nguyện như thế nào?

Ðáp: Phát nguyện là vì e rằng ý chí không vững vàng, cho nên phát nguyện tức là giúp cho ý chí thêm kiên cố. Chí muốn làm Thánh Hiền thì mới làm đặng bậc Thánh Hiền; chí hướng về anh hùng hào kiệt thì mới trở nên anh hùng hào kiệt; chí là Phật, Bồ-tát thì mới thành Phật, thành Bồ-tát được. Chí tuy lập song vì sợ ý chí không kiên cố, do đó nên mới phát thêm lời nguyện.

Phát nguyện là biểu thị mình quyết tâm muốn làm như thế, không hối hận, cũng không thối chuyển. Bạn phải làm sao cho niệm không thối chuyển, lúc nào cũng y theo nguyện lực mà làm; và phải hạnh không thối chuyển, chuyện gì làm ra cũng y cứ theo nguyện lực cả. Sau đó, bạn đạt được quả-vị thì cũng là quả-vị bất thối - Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả A-La-Hán.

Cho nên, phát nguyện là để giúp cho ý chí thêm kiên định. Bạn đối trước chư Phật mà phát nguyện cũng được, hoặc là tự mình củng cố ý chí cho vững vàng cũng được. Cần nhất là đừng làm cho có lệ, đừng vì hình thức bề ngoài, mà phải chân thật tu hành.

Hỏi: Có Thầy nói có thể khiến cho người khác khai ngộ ngay tức khắc, một đời giải thoát. Pháp môn "tâm ấn" của vị Thầy ấy truyền có chân chánh chăng?

Ðáp: Rất nhiều người bị mê hoặc là vì họ có lòng tham. Người không có lòng tham thì chẳng bị y mê hoặc, gạt gẫm đặng!

Hỏi: Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát và niệm Phật A Di Ðà có gì khác biệt? Hiệu quả phải chăng bất đồng?

Ðáp: Bạn khởi tâm phân biệt như vậy thì hiệu quả tự nhiên không còn nữa.

Hỏi: Bộ Kinh nào thì thích đáng nhất để bắt đầu học Phật?

Ðáp: Bộ nào cũng thích đáng cả!

Hỏi: Kinh A Di Ðà dạy hễ ai trì niệm danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà thì sẽ được Ngài gánh giùm nghiệp chướng, đưa về Thế Giới Cực-Lạc. Song le, Phật Giáo nhấn mạnh người người phải tự lập, tự lực cánh sinh, thì mới thành Phật được. Hai lý luận như thế chẳng phải là mâu thuẫn sao?

Ðáp: Ðang lúc bạn niệm Phật tới chỗ "nhất tâm bất loạn," thì hỏi bạn rằng: "Ðó là bạn niệm hay Phật niệm?" Tôi tin rằng vẫn là do bạn chịu khó dụng công mà ra.

Niệm Phật không phải là vừa niệm vừa nghĩ lăng xăng, mà phải niệm làm sao để cho tâm mình khế-hợp với Phật, hợp thành một thể với Ðạo, thì mới có thể vãng sanh Tịnh Ðộ được. Chẳng thể nào không chút dụng công hành trì mà lại thành Phật đặng. Thành Phật hay không vẫn là do chính bản thân mình!

Một vị Sư Nam-Tông người Anh hỏi: "Phật Giáo Nam-Tông ít khi đề xướng việc tu trì Pháp Môn Niệm Phật. Xin hỏi Hòa Thượng, nên tu pháp môn nào để phát khởi tâm tín ngưỡng Phật Pháp?"

Ðáp: Tín ngưỡng giống như năm thứ mùi vị. Các pháp môn do Ðức Phật dạy cũng tương tự như năm vị chua, ngọt, đắng, cay, mặn. Bạn không thể nói rằng vị chua là ngon nhất, cũng chẳng thể cho vị ngọt là tối hảo, hay chấp rằng vị đắng là tuyệt nhất, và cũng không thể khăng khăng cho rằng vị cay là đệ nhất, hoặc vị mặn là hơn cả. Bởi vì phải tùy sở thích mỗi người, kẻ thích chua thì cho rằng chua là ngon nhất, kẻ thích ngọt thì nói ngọt là nhất, kẻ thích đắng thì đắng là số một, và kẻ thích cay thì thiếu ớt là không sao nuốt cơm cho nổi!

Bất luận tin theo pháp môn nào, nếu chúng ta áp dụng cho đúng đắn thì sẽ có cảm ứng; dùng mà không đúng thì không có sự tương ưng. Mỗi người đều có nhân duyên khác nhau; do đó, cần phải xét căn cơ, cá tánh của từng cá nhân.

Ðối với pháp môn nào cũng vậy, nếu bạn chọn một pháp môn rồi theo đó mà nhất tâm, chuyên chú tu hành, thì bạn sẽ có được sự cảm ứng - cũng chính là sự tương ưng. Ví dụ bạn tu Pháp Môn Niệm Phật, đây là pháp môn vừa ít tốn công, ít tốn của, lại không làm trở ngại các công việc khác; đi, đứng, nằm, ngồi gì bạn cũng có thể niệm Phật cả. Vì ai cũng có thể hành trì đặng, nên pháp môn này thích hợp với đa số chúng sanh. Song, nếu bạn không chuyên tâm nhất trí, thì vẫn không có được sự tương ưng, vì rằng:

Miệng niệm Di Ðà, tâm tán loạn,

Cổ họng khản khô, chỉ uổng công!

Do đó, bất kể tu pháp môn nào, bạn cần phải tin tưởng ở pháp môn đó, bởi vì:

"Tín" là nguồn Ðạo, mẹ công đức,

Trưởng dưỡng tất cả mọi căn lành.

Vì sao lòng tin của bạn không được kiên cố? Vì bạn không trồng gốc cho sâuớbởi quá cạn cợt nên không thâm nhập được giáo nghĩa đạo Phật. Vậy thì phải làm sao đây? Bạn phải lập công, lập đức  lập ngôn!

"Lập công" tức là nên giúp đỡ người khác.

"Lập đức" là âm thầm trợ giúp mọi người mà không để ai hay biết (cũng là sửa đổi tánh tình cho hoàn hảo).

"Lập ngôn" là dùng lời nói, như:

Miệng từ bi, lưỡi phương tiện,

Có tiền, không tiền đều làm đặng!

Bạn nên nói lời chân thật, không dối trá; điều gì nói ra cũng đều là sự thật. Nếu tập tánh như vậy thì về lâu về dài, khi bạn nói ra đạo lý gì, không ai có thể bắt bẻ, xô ngã đượcớbởi các đạo lý bạn nói ra thì "tùy duyên mà không đổi, không đổi mà tùy duyên." Ðây là điểm khác biệt giữa chân-lý và đạo lý hư ngụy.

Khi nhận thức được chân-lý là gì rồi, thì ngày ngày bạn hãy nghiên cứu, nghiền ngẫm chân-lý ấy, tự nhiên bạn sẽ có tín tâm!

Trích " Hoa Sen Trong ngày Xuân"

 HT. Tuyên Hóa

Nguồn: Người Phật Tử

Các tin đã đăng: