HỎI: Vui lòng giải thích giùm tôi câu: “Tùy duyên nhi bất biến, bất biến nhi tùy duyên”.
(ÔNG VĂN BẦU, ongbau@fan.net)
ĐÁP: Bạn Ông Văn Bầu thân mến!
Câu “Tùy duyên nhi bất biến, bất biến nhi tùy duyên” chính là tinh thần phương tiện luôn “khế lý, khế cơ, khế thời và khế xứ” của Phật giáo, nhất là hệ Phật giáo Phát triển.
Tùy duyên là tùy theo căn cơ của chúng sanh, tùy theo phong tục tập quán của từng địa phương, tùy theo hoàn cảnh thực tế mà uyển chuyển, linh động, tìm phương thức phù hợp để cho con người nơi ấy hiểu và tin theo Phật pháp. Tuy có uyển chuyển và linh động một số điểm cho phù hợp, tương thích với tình hình mới nhưng phần chính yếu, cốt tủy của Phật pháp thì luôn được giữ vững, không đổi thay, gọi là bất biến.
“Tùy duyên mà bất biến” nghĩa là các pháp phương tiện được khai mở ra, nhưng không đi quá xa và quá đà. Nếu tùy duyên thái quá mà không giữ được tinh túy của giáo pháp là vong bản, biến chất, bị đồng hóa.
Mặt khác, “Bất biến mà tùy duyên” nghĩa là luôn giữ gìn bản sắc, tinh hoa của Chánh pháp nhưng không cứng nhắc, giáo điều để rồi tự đánh mất sự linh hoạt, năng động và tiệp thế.
Chánh pháp cần phải được đem áp dụng rộng rãi trong cuộc đời, giúp con người và cuộc đời vơi bớt khổ đau, nên “Tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên” chính là hành trang, là phương tiện cần thiết để những người con Phật dấn thân nhập thế, lợi đạo và ích đời.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)