Mùng
3 Tết, gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (Đông Anh, Hà Nội) lại làm cơm cúng
tiễn các cụ về thế giới bên kia. Sau khi đốt vàng mã, bà Hoa cẩn thận
đổ chén rượu cúng vào đống tro để đồ các cụ mang theo không bị thất
lạc.
Bà Hoa quan niệm, lễ tết là ngày vui của con cháu thì ông bà dưới âm
cũng phải được hưởng. Hoá vàng là để con cháu gửi đồ dùng, tiền vàng
đã chuẩn bị trên bàn thờ gia tiên trong dịp Tết cho người cõi âm.
"Năm nay, không chỉ có con cháu trong
nhà, tôi còn mời thông gia, hàng xóm thân thiết tới dùng cơm lễ hoá
vàng, coi như là dịp gặp mặt nhau ngày đầu xuân", bà Hoa nói.
Gia đình chị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) thì
hay hóa vàng vào mùng 4 vì chị cho rằng mùng 3 thường là ngày xấu. Sau
khi tiễn các cụ lên trời, chị Hà cũng bắt đầu mở hàng tạp hóa.
"Hóa vàng tiễn các cụ xong là tôi có cảm
giác hết Tết, lại bắt đầu mở hàng kinh doanh như mọi ngày. Hy vọng lòng
thành của mình được các cụ chứng giám và phù hộ buôn may bán đắt cả
năm", chị Hà bày tỏ.
Người dân thường mang vàng hương ra trước
cửa nhà để đốt. Sau khi đốt, gia chủ thường đổ một chén rượu cúng vào
đống tro vàng mã để đồ cúng được chuyển đến đúng người nhận. Một số nhà
còn hơ cây mía trên ngọn lửa hóa vàng để người cõi âm có gậy chống.
Nhiều gia đình đốt hàng chồng vàng mã như
giấy vàng, giấy bạc, vàng thoi tiền cùng quần áo, giày dép, nhà cửa,
xe..., thậm chí có người còn gửi người hầu, tỳ thiếp... có giá trị hàng
trăm nghìn đồng cho người cõi âm.
Theo GS sử học Lê Văn Lan, mùng 3 vẫn là
ngày Tết thầy, nên để tổ tiên vẫn ở lại ăn Tết với con cháu. Mùng 4 và
mùng 5 mới là ngày tiễn các cụ về cõi vĩnh hằng.
GS Lan cho biết, tục hoá vàng dựa
trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn với đời sống
thường nhật, để thấy con người ở thế giới bên kia sống gần với dương
gian. Tục này nhằm cung cấp cho người đã khuất tiền, quần áo (giấy),
gậy đi đường (cây mía).
"Các cụ về trời chỉ cần ít quần áo, vật dụng đi đường cùng 5-10 nghìn đồng", ông Lan bày tỏ.
Theo một số chuyên gia văn hóa phương
Đông, việc chọn ngày làm lễ hóa vàng tùy thuộc vào mỗi gia đình, chủ
yếu từ mùng 3 đến khoảng mùng 10 Tết Nguyên đán. Điều quan trọng nhất
là phải có lễ tạ gia tiên, gia thần và chư vị thánh thần, phật. Theo
quan niệm dân gian, có lễ tạ thì tấm lòng của chủ nhà mới được người âm
chứng giám.
Sau khi lễ, các gia chủ sẽ hóa vàng. Phần
tiền, vàng của gia thần phải hóa trước, tiền vàng, đồ dùng của tổ tiên
hóa sau. Tục xưa, tại nơi đốt vàng mã, người ta thường đặt vài cây mía
dài. Dân gian cho rằng đây là đòn gánh để các linh hồn dùng làm gậy
chống, hay mang hàng hóa.
Theo Đoàn Loan - VNE
VĂN KHẤN LỄ TẠ NĂM MỚI ( TỨC CÚNG HÓA VÀNG NGÀY TẾT )
Nam mô A Di Đà Phật
Kính lạy:
- Hoàng thiên Hậu thổ chư vị Tôn thần
- Ngài Sở Vương đương niên hành khiển năm Nhâm Thìn, ngài Bản cảnh Thành Hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch Tôn thần.
- Các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.
Hôm nay là ngày mồng .... tháng giêng năm Nhâm Thìn, chúng con là:
…………………………………………… hiện cư ngụ tại số nhà ……, khu phố ….., phường
……………………, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, trà tửu lễ nghi, cung bày
trước án. Kính cẩn thưa trình: tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay
xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ Tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm
cảnh.
Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ
tốt lành, con cháu được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.
Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.
NAM MÔ CHỨNG MINH SƯ BỒ TÁT. ( 3 lần )