CỐT LÕI CỦA GIÁO HUẤN PHẬT GIÁO LÀ GÌ?
Buddhadasa
Hoang Phong chuyển ngữ
Tôi rất mong
quý vị sẽ nắm bắt được thế nào là "cốt lõi của giáo huấn Phật Giáo".
Trong buổi nói chuyện hôm nay, nếu tôi nêu lên câu hỏi: "Vậy cốt lõi của
giáo huấn Phật Giáo là gì?" thì nhất định tôi cũng sẽ nhận được vô số các
câu trả lời trái ngược nhau, không câu nào giống với câu nào cả. Mỗi người trả
lời tùy theo những gì mà họ được học hay được nghe, hoặc là do sự suy luận
riêng của mình. Chúng ta cứ thử nhìn vào những gì đang xảy ra trong thế giới
ngày nay xem sao. Trong thế giới của chúng ta còn có được mấy ai đủ sức để nhận
biết đâu là cốt lõi của giáo huấn Phật Giáo? Và trong số đó có mấy ai đã mang
ra ứng dụng hiệu quả được cái cốt lõi đó?
Nếu nêu lên
câu hỏi tâm điểm của Phật Giáo là gì thì một số người sẽ bảo rằng đấy là Bốn Sự
Thật Cao Quý (Tứ
Diệu Đế), một số người khác thì lại cho đấy là aniccamdukkhamanatta (tức là Ba Dấu Ấn hay Ba Nguyên Lý Căn Bản của Phật Giáo
là aniccam: vô thường, dukkha: khổ đau
hay bất toại nguyên, manatta: vô ngã. Tuy nhiên cũng xin ghi nhận thêm là nhiều
kinh sách còn đề nghị thêm một dấu ấn thứ tư là nibbanâ hay niết-bàn)
và một số người khác nữa thì lại đọc lên vanh vách các câu sau đây:
Sabba pipassa akaranamKusalassupasampadaSacitta pariyodapanam
Etam
Buddhanasasanam
(có nghĩa là : "không nên làm điều xấu, chỉ nên làm điều
tốt, tinh khiết tâm thức mình, đấy là cốt lõi giáo huấn của Đức Phật")
Tất cả các
câu trả lời trên đây đều đúng, thế nhưng chỉ đúng được một phần, chẳng qua bởi
vì mọi người chỉ trả lời một cách thuộc lòng mà quên mất đi là phải tự kiểm chứng
bằng kinh nghiệm của chính mình xem có đúng thật như thế hay không.
Để nêu lên cốt
lõi của giáo huấn Phật Giáo tôi chỉ xin nhắc lại với quý vị một câu phát biểu
vô cùng đơn giản của Đức Phật: "Không
được bám víu vào bất cứ gì cả". Trong kinh Majjhima Nikaya (Trung A Hàm)
có thuật lại rằng một hôm có một người bước đến đảnh lễ Đức Phật và thỉnh cầu
Ngài hãy tóm lược giáo huấn của Ngài bằng một câu thật ngắn gọn, và nếu được
thì câu ấy sẽ là gì. Đức Phật đáp lại rằng Ngài có thể làm được việc ấy và đã
nói lên câu trên đây: "Sabbe dhamma nalam
abhinivesaya" tức là "Không được bám víu vào
bất cứ gì cả" ("Sabbe dhamma" có nghĩa là bất cứ gì,
"nalam" không được phép, "abhinivesaya" bám víu vào).
Đức Phật còn nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của câu này bằng cách nói thêm rằng
nếu ai được nghe những lời cốt tủy ấy thì cũng có nghĩa là nghe được tất cả
giáo huấn, và nếu ai tiếp nhận được quả của việc tu tập ấy (không bám víu vào bất cứ gì) thì
cũng có nghĩa là tiếp nhận được tất cả các quả do giáo huấn của Ngài mang lại.
Nếu ai nắm vững
được sự thật trong những lời giáo huấn ấy một cách hoàn hảo - tuyệt đối không
được bám víu vào bất cứ gì cả - thì người ấy cũng sẽ không còn bị những con vi
khuẩn gây ra các thứ bệnh thèm muốn, ghét bỏ và vô minh thâm nhập, đấy là các
thứ bệnh đưa đến những hành động sai lầm, dù là trên thân xác, bằng ngôn từ hay
trong tâm thức. Chính vì thế, cứ mỗi khi
có một hình tướng, một âm thanh, một mùi, một vị, một sự va chạm hay một hiện
tượng tâm thần phát hiện, thì kháng thể "không được bám víu vào bất cứ gì
cả" sẽ giúp chận đứng ngay được sự lây nhiễm. Vi khuẩn không thể thâm nhập
được, hoặc cũng có thể cứ để cho chúng thâm nhập nhằm để dễ tiêu diệt chúng
hơn. Dù sao thì vi khuẩn cũng sẽ không thể nào sinh sôi nẩy nở và gây ra bệnh
được, bởi vì kháng thể trong người luôn tìm cách tiêu diệt chúng. Thật vậy
kháng thể đó có hiệu lực vô song và vĩnh viễn. Và đấy là cốt lõi của giáo huấn
Phật Giáo, của tất cả Dhamma. Không
được bám víu vào bất cứ gì cả!
Bất cứ ai đã
thực hiện được sự thật đó thì cũng có thể xem như đã tạo được cho mình kháng thể
giúp hóa giải mọi sự tác hại của căn bệnh tâm linh và khiến cho nó phải chấm dứt.
Người ấy sẽ không còn bị căn bệnh làm cho mình phải khổ sở với nó nữa. Thế
nhưng đối với trường hợp của một người bình dị không thấu triệt được cốt lõi của
giáo huấn của Đức Phật là gì thì hoàn toàn khác hẳn: người này không có một sức
đề kháng nào cả.
Đến đây có lẽ
quý vị cũng đã nắm vững được ý nghĩa của "căn bệnh tâm linh" là gì và
ai là vị lương y chữa khỏi được căn bệnh ấy. Thế nhưng chỉ khi nào ý thức được
là mình đang bệnh thì khi ấy mình mới thật sự nghĩ đến việc chữa chạy và sử dụng
liều thuốc thích nghi. Nếu chưa ý thức được là mình đang bệnh thì mình vẫn cứ sống
nhởn nhơ và đua đòi những gì mình thích. Đấy chẳng khác gì như một người bị lao
phổi hay bị ung thư mà cứ lo vui đùa không quan tâm đến việc chữa chạy cho đến
một lúc nào đó thì mọi sự đã muộn, người ấy sẽ không sao tránh khỏi cái chết do
căn bệnh của mình gây ra.
Không nên vướng
vào những chuyện ngu xuẩn đại loại như thế! Phải luôn tuân theo những lời chỉ dạy
của Đức Phật: "Không được chểnh mãng. Phải luôn chú tâm thật mạnh".
Biết chú tâm thật mạnh thì chúng ta mới nhận ra được là mình đang bị căn bệnh
tâm linh hành hạ và từ đó mình mới khám phá ra được đám "vi khuẩn"
gây bệnh cho mình. Nếu áp dụng được những điều chỉ bảo trên đây một cách đúng đắn
và kiên trì thì nhất định quý vị cũng sẽ tiếp nhận được ngay trong cuộc sống
này những điều tốt đẹp nhất mà con người có thể có được.
Trích từ:
Buddhadasa Bhikkhu
CỐT LÕI CỦA CỘI BỒ ĐỀ
Hoang Phong chuyển ngữ
Nhà xuất bản Phương Đông 2012