Bài Tập
Thiền Hành Căn Bản
Giữa hai lần thiền tọa là khoảng thời gian
từ bốn mươi đến chín mươi phút để thiền hành. Thiền hành xen kẽ giữa
thiền tọa để quân bình năng lực và những yếu tố của sự định tâm, đồng
thời để tránh buồn ngủ. Bạn có thể thiền hành trong phòng hay ngoài sân.
Lúc thiền hành bạn nên đi chậm hơn lúc bình thường và đi một cách tự
nhiên.
Trong lúc thiền hành bạn phải chú tâm vào sự
chuyển động của chân. Bạn phải chú tâm khi bàn chân phải (mặt) bắt đầu
nhất lên khỏi mặt đất, ghi nhận: dở; Khi đưa chân tới ghi nhận: bước;
khi chân đặt xuống đất, ghi nhận: đạp. Chân trái cũng làm như thế...
Cũng như lúc
ngồi thiền; khi đi, mọi phóng tâm hay cảm giác phải được ghi nhận.
Chẳng hạn chợt nhìn một vật gì đó trong khi bạn đang đi hãy ghi nhận tức
thì: "nhìn, nhìn, nhìn", rồi trở về với những chuyển động của chân. Mặc
dầu trong khi đi những vật bạn nhìn thấy không liên quan gì đến thiền
hành nhưng nếu bạn vô tình để tâm đến nó thì phải ghi nhận ngay: "nhìn,
nhìn, nhìn".
Khi đi đến
mức cuối của đoạn đường kinh hành dĩ nhiên bạn phải trở bước để đi ngược
trở lại; lúc còn vài bước đến bước cuối cùng đoạn đường, bạn phải ghi
nhận: "muốn quay, muốn quay, muốn quay". Ý định muốn quay có thể khó ghi
nhận lúc ban đầu nhưng khi thiền của bạn tiến triển, bạn sẽ thấy dễ
dàng.
Sau khi ghi
nhận ý định bạn phải ghi nhận tất cả chi tiết của tư tưởng và tác động
liên quan đến việc quay.... ở bước cuối của con đường, bạn bắt đầu quay
mình, phải ghi nhận: "quay, quay, quay", khi chân chuyển động phải kịp
thời ghi nhận dở... bước... đạp, v.v... Trong lúc quay thường vì sự cám
dỗ của bên ngoài nên bạn có ý định muốn nhìn xem chung quanh có cái gì
lạ không, phải ghi nhận ngay: "dự-định, dự-định, dự-định" hay "muốn,
muốn, muốn", rồi lại chú tâm đến bước chân.
Thông thường
đối với những thiền sinh mới, chú tâm đến ba giai đoạn dở, bước và đạp
rất có hiệu quả. Tuy nhiên, tùy theo khả năng của từng người, thiền sư
có thể khuyên họ nên chú ý ít hay nhiều giai đoạn hơn. Nhiều lúc thấy sự
đi chậm bất tiện, nhất là lúc đi ra ngoài khu vực hành thiền bạn có thể
đi nhanh hơn và ghi nhận: trái, phải mỗi khi chân trái hay chân phải
đặt xuống đất. Ghi nhận nhiều hay ít giai đoạn không quan trọng, điều
cốt yếu là bạn có chú tâm tỉnh thức trong từng bước đi hay không?
Thiền Mức Cao Hơn
Sau một thời
gian hành thiền, định lực của bạn phát triển và bạn đã dễ dàng theo dõi
sự phồng xẹp của bụng, lúc bấy giờ bạn sẽ nhận thấy có một thời gian,
hay khoảng hở giữa hai giai đoạn phồng xẹp. Nếu bạn đang ngồi thiền bạn
hãy ghi nhận: "phồng, xẹp, ngồi". Khi ghi nhận ngồi, bạn hãy chú tâm vào
phần trên của thân. Khi bạn đang nằm thiền hãy ghi nhận: "phồng
xẹp, nằm".
Nếu bạn thấy
có khoảng thời gian hở giữa phồng, xẹp, và xẹp, phồng, bạn hãy ghi
nhận: "phồng, ngồi, xẹp, ngồi". Nếu bạn đang nằm hãy ghi nhận: "phồng,
nằm, xẹp, nằm". Nếu thực hành một lát mà thấy sự ghi nhận ba hay bốn
giai đoạn như trên không dễ dàng đối với bạn, hãy trở về với hai giai
đoạn phồng, xẹp.
Trong khi
chú tâm theo dõi chuyển động của cơ thể, bạn không cần phải chú ý đến
đối tượng thấy và nghe. Khi bạn có khả năng chú tâm vào chuyển động
phồng xẹp thì bạn cũng có khả năng chú tâm vào đối tượng nghe và thấy.
Tuy nhiên, khi chú ý nhìn một vật gì đó thì bạn phải đồng thời ghi nhận
ba lần: "thấy, thấy, thấy" sau đó trở về với sự chuyển động của bụng.
Giả sử có
một người nào đó đi vào trong tầm nhìn của bạn, bạn để ý thấy thì phải
ghi nhận: thấy hai hay ba lần, rồi trở về với sự phồng xẹp. Bạn có nghe
tiếng nói không? Bạn có lắng nghe không? Nếu bạn nghe hay lắng nghe thì
phải ghi nhận: "nghe, nghe, nghe" hay "lắng-nghe, lắng-nghe, lắng-nghe";
sau đó trở về với sự phồng xẹp. Giả sử bạn nghe những tiếng động lớn
như tiếng chó sủa, nói chuyện to, tiếng hát bạn phải tức khắc ghi nhận
hai hay ba lần: nghe, rồi trở về với bài tập phồng, xẹp.
Nếu bạn quên
không ghi nhận khi đang phóng tâm vào sự nghe, điều này có thể khiến
bạn suy tưởng hay chạy theo chúng mà quên chú ý vào sự phồng xẹp. Lúc
bấy giờ sự phồng xẹp sẽ trở nên yếu đi hay không phân biệt được rõ ràng.
Gặp những trường hợp bạn bị lôi cuốn bởi những phiền não chập chồng như
thế, bạn hãy ghi nhận hai hay ba lần: "suy-tưởng, suy-tưởng, suy-tưởng"
rồi trở về với sự phồng xẹp. Nếu quên ghi nhận những chuyển động của cơ
thể, tay chân, v.v.. thì phải ghi nhận: "quên, quên, quên" rồi trở về
với sự chuyển động của bụng.
Bạn có thể
cảm thấy lúc bấy giờ hơi thở sẽ chậm lại hay chuyển động phồng xẹp không
rõ ràng. Nếu điều đó xảy ra và lúc ấy bạn đang ngồi thì hãy chú tâm ghi
nhận: ngồi, đụng. Nếu lúc bấy giờ đang nằm hãy ghi nhận nằm, đụng. Khi
ghi nhận đụng, không phải bạn chỉ chú tâm vào một điểm của cơ thể đang
tiếp xúc, mà phải chú tâm vào nhiều điểm kế tiếp nhau. Có nhiều chỗ
đụng; ít nhất sáu hay bảy chỗ bạn phải chú tâm đến. Một trong những điểm
đó là: đùi, đầu gối, hai tay chạm nhau, hai chân đụng nhau, hai ngón
cái đụng nhau, chớp mắt, lưỡi đụng miệng, môi chạm nhau.
Bài Tập Thứ Bốn
Cho đến bây
giờ bạn đã hành thiền được nhiều giờ rồi. Bạn có thể bắt đầu cảm thấy
làm biếng khi nghĩ rằng mình chưa tiến bộ được bao nhiêu. Đừng bỏ dở,
hãy tiếp tục ghi nhận: "làm biếng, làm biếng, làm biếng".
Trước khi
thiền của bạn đủ sức mạnh để phát triển khả năng chú ý, định tâm và tuệ
giác, bạn có thể nghi ngờ không biết cách thức hành thiền như thế này có
đúng, có hữu ích không. Gặp trường hợp này hãy ghi nhận: "nghi-ngờ,
nghi-ngờ, nghi-ngờ". Bạn có ao ước hay mong muốn đạt được thành quả tốt
trong thiền không? Nếu bạn có tư tưởng như thế thì hãy ghi nhận: "ao
ước, ao ước, ao ước" hay "mong muốn, mong muốn, mong muốn".
Bạn có suy
nghĩ xét lại cách thức thực tập để bạn đạt được mức độ này không? Nếu
có, bạn hãy ghi nhận: "xét lại, xét lại, xét lại". Có trường hợp nào bạn
xem xét đối tượng thiền và phân vân không biết đó là tâm hay vật chất
không? Nếu có, bạn hãy ghi nhận: "xem xét, xem xét, xem xét". Có khi nào
bạn tiếc nuối vì mình không đạt được sự tiến bộ nào không? Nếu có, bạn
hãy chú tâm ghi nhận cảm giác: "tiếc nuối, tiếc nuối, tiếc nuối".
Ngược lại,
bạn có cảm thấy sung sướng khi mức độ thiền của bạn tiến triển hay
không? Nếu có, bạn hãy ghi nhận: "sung sướng, sung sướng, sung sướng".
Đấy là cách thức bạn ghi nhận mỗi một trạng thái của tâm hồn, nếu không
có những tư tưởng hay quan niệm được ghi nhận thì bạn hãy trở về với sự
phồng xẹp.
Trong một
khóa hành thiền tích cực thì thời gian hành thiền bắt đầu từ lúc thức
dậy cho đến khi đi ngủ. Bạn cần nhớ là phải luôn luôn thực hành hoặc bài
tập căn bản, hoặc là thực hành sự chú tâm liên tiếp suốt ngày cho đến
đêm, nếu bạn chưa buồn ngủ. Chẳng có nghỉ ngơi phút nào. Khi thiền của
bạn đạt được mức tiến bộ cao thì bạn sẽ không còn cảm thấy buồn ngủ mặc
dù bạn phải hành thiền rất nhiều giờ; lúc bấy giờ bạn có thể tiếp tục
thiền cả ngày lẫn đêm.
Tóm lại
trong thời gian hành thiền, bạn phải để tâm ghi nhận tất cả những trạng
thái của tâm, dù đó là trạng thái tốt hay xấu; bạn cũng phải chú tâm đến
những sự chuyển động của cơ thể, dù đó là những chuyển động lớn hay
nhỏ; bạn phải chú tâm đến mỗi một cảm giác, dầu cảm giác ấy dễ chịu hay
khó chịu.
Trong suốt
thời gian hành thiền nếu không có những gì đặc biệt xảy ra khiến bạn
phải ghi nhận, thì hãy chú tâm vào sự phồng xẹp của bụng. Nếu bạn đi làm
một việc gì đó, chẳng hạn, đi uống nước, bạn phải chú ý đến những tác
động cần thiết của sự đi, bạn phải chú tâm tỉnh thức ghi nhận từng bước
đi một, chẳng hạn: đi, đi, hay trái, phải. Lúc đến nơi bạn hãy niệm:
đứng, cầm, nắm, uống v.v...
Nhưng khi
bạn thực tập thiền hành bạn phải chú ý đến ba giai đoạn của bước đi: dở,
bước, đạp. Thiền sinh phải nỗ lực tập luyện suốt ngày đêm mới có thể
sớm khai triển tâm định đến tuệ giác thứ tư (tuệ biết được sự sinh diệt)
và từ đó đạt đến những tuệ giác cao hơn.
(Còn tiếp)
Dịch giả: Tỳ
khưu Khánh Hỷ (Trần Minh Tài), Hiệu đính: Tỳ khưu Kim Triệu