Bài pháp kỳ diệu
HT Thích Thanh Từ Giảng tại TV Thường Chiếu - 2001
09/02/2010 04:29 (GMT+7)


Hôm nay tất cả chư Tăng Ni qui tụ về đây làm lễ Khánh tuế, chúc mừng thêm một tuổi hạ nữa. Tôi rất hoan hỉ và có đôi lời nhắc nhở quí vị.
Điều đầu tiên tôi nhắc cho tất cả Tăng Ni nhớ, mới đây chúng ta đã qua hết một mùa an cư. Quí vị về Thiền viện mừng tuổi hạ cho tôi, tôi cũng mừng cho Tăng Ni thêm một tuổi hạ, tăng trưởng một phần công đức. Nếu chúng ta tu mỗi năm đều đặn không thiếu sót, không lơ là thì qua một tuổi hạ, chúng ta đều tăng tiến đức hạnh và đạo tâm.
Quí vị được duyên tốt sống chung trong một đạo tràng, có người hướng dẫn chỉ dạy đường hướng tu cụ thể. Đó là phước đức, là duyên lành lớn nhiều đời. Vì vậy Tăng Ni đã tu an ổn trong ba tháng, sắp đến ngày tự tứ, tôi mong tất cả quí vị đều được an vui, chẳng những trong mùa an cư này mà mãi về sau, tu cũng được an lạc, chớ không phải tu để phiền não.
Quí vị ráng tinh tấn để xứng đáng là người tìm cầu giải thoát sanh tử, cứu khổ cho chúng sanh. Không nên vì những vui buồn nhỏ nhặt, tự mình chuốc khổ rồi làm liên lụy tới người khác cũng khổ. Như vậy là trái với mục đích của người xuất gia nhắm đến.
Khi chúng ta tăng một tuổi đạo thì cũng tăng một tuổi đời, chúng ta càng cố gắng tu, không thể lơ là, vì ngày mai già yếu khó tu được. Nhờ tinh tấn tu, ta giải quyết được mọi đau khổ, mọi trói buộc. Nếu không tinh tấn, đau khổ sẽ chồng chất, trói buộc ngày càng nặng nề, càng sâu dày hơn.
Gần đây tôi có một cảm hứng về đề tài Một bài pháp kỳ diệu, nếu nói đầy đủ hơn là “Một bài pháp kỳ diệu đã trải qua hơn một ngàn năm mà âm thanh vẫn còn vang dội”. Đó là bài pháp tôi sẽ nói hôm nay. Nếu không thấy sâu sắc đầy đủ ý nghĩa bài pháp kỳ diệu này, thì trên đường tu chúng ta còn những điểm mơ màng không sáng tỏ. Vì thế quí vị đem hết tâm lực lắng nghe bài pháp kỳ diệu này.
Tổ Đạt-ma sau khi nhận ngài Huệ Khả làm học trò, một hôm ngài Huệ Khả bạch:
- Bạch Hòa thượng, tâm con không an nhờ Hòa thượng dạy con pháp an tâm.
Thưa xong, ngài Huệ Khả lắng nghe lời chỉ dạy của Tổ. Song Tổ Đạt-ma chỉ nói vỏn vẹn có mấy tiếng:
- Đem tâm ra ta an cho.
Sáu tiếng thôi “đem tâm ra ta an cho”, sáu tiếng đó có một sức mạnh phi thường, khiến ngài Huệ Khả phải quay lại tìm tâm bất an của mình, xem nó ra sao, ở đâu? Nhưng tìm đáo để không thấy nó ở đâu hết. Lúc đó ngài Huệ Khả thành thật thưa:
- Con tìm tâm không được.
Tổ Đạt-ma liền nói:
- Ta đã an tâm cho ngươi rồi.
Bảy tiếng “ta đã an tâm cho ngươi rồi”, ngay đó ngài Huệ Khả liền biết lối vào. Từ đó Ngài tu cho tới đạt đạo. Bài pháp cộng lại mười ba chữ mà ngài Huệ Khả biết được đường tu, mới thấy cái kỳ diệu của Tổ. Sự kỳ diệu ấy không phải dừng lại ở ngài Huệ Khả, nó cứ truyền liên tục mãi cho tới ngày nay. Tăng Ni chúng ta cũng sẽ nối gót tuyên thuyết lời kỳ diệu đó. Như vậy không phải hơn ngàn năm mà âm ba vẫn còn vang dội sao?

Trở lại, chúng ta xem bài pháp kỳ diệu như thế nào? Tất cả chúng ta ai cũng nghĩ cái suy nghĩ phải quấy, hơn thua, tốt xấu là tâm mình, nên khi ngồi lại tâm đó nhớ cái này, nghĩ cái kia, chuyện quá khứ, chuyện hiện tại, chuyện vị lai, nó cứ nhắc tới nhắc lui mãi không an. Vì vậy chúng ta cảm thấy phiền não. Phật dạy tu phải định phải an, tại sao nó cứ chạy hoài, kềm không nổi? Bây giờ làm sao an đây? Đó là bệnh chung của tất cả Tăng Ni và Phật tử. Ai ngồi lại tu cũng than thở tâm loạn động quá, kềm không được. Khi sáng xảy ra việc vui buồn, trưa nằm lại nghỉ muốn nhắm mắt ngủ, nhưng nó cứ lảng vảng trong đầu hoài, không cho mình ngủ. Tâm đó quấy rối giờ tu hành, quấy rối luôn cả giờ nghỉ ngơi của chúng ta nữa. Từ thuở nào mà khi mình lớn lên hiểu biết, nó đã có sẵn, cứ nối tiếp liên tục không dẹp được, không thắng nổi nó.

Nghe Phật dạy ngồi thiền để tâm an định, thế mà chúng ta không yên định được, như vậy làm sao tu? Đó là những băn khoăn thắc mắc chung của giới tu sĩ chúng ta.
Ngài Huệ Khả lúc đó cũng ôm thắc mắc như mình, nên gặp Tổ không gì tha thiết hơn là xin một pháp an tâm. Tổ có dạy pháp an tâm không? Ngài chỉ nói một câu rất tầm thường “đem tâm ra ta an cho”. Câu nói hết sức tầm thường, mà còn có vẻ đùa cợt nữa chứ. Tâm là cái gì mà bảo đem ra an cho? Nhưng không phải, nói “đem tâm ra ta an cho”, bắt buộc người tin lời của Tổ phải quay lại tìm cái tâm bất an đó ở đâu. Ngài Huệ Khả nhờ Tổ an tâm cho mà tâm ấy ở chỗ nào, hình dáng ra sao Ngài không biết thì làm sao an được? Huệ Khả vừa nghe câu nói của Tổ, Ngài không dám xem thường, quay lại tìm coi tâm bất an nó ở đâu, ra sao. Quay lại tìm tâm bất an xem nó ở đâu là trọng tâm để Ngài tu. Khi quay lại thì cái gì quay lại? Trí tuệ phản quan của mình soi lại tâm bất an. Lúc bình thường nó lăng xăng rối loạn, bây giờ xem nó ở đâu? Quan sát kỹ từ nơi nào, nhưng tìm không ra nó. Cho nên quay lại tìm tâm bất an là một hướng tu.

Lâu nay chúng ta cứ ngỡ tâm bất an là mình, nên không bao giờ quan sát, không bao giờ thấy rõ nó như thế nào? Bây giờ bị Tổ bảo “đem tâm ra ta an cho”, nên mới sực quan sát lại, tìm thật tướng của nó xem hình dáng ra sao, cư trú chỗ nào. Khi quay lại tìm nó mất hình mất bóng, không có hình dáng gì cả, ngài Huệ Khả thật thà thưa “con tìm tâm không được”. Ngang đó chúng ta thấy được đặc điểm để tu rồi. Tu bằng cách nào? Bằng cách quay lại, hồi quang phản chiếu cái tâm lăng xăng đó, coi nó ở đâu, ra sao. Đó là lối phản quan tự kỷ mà chư Tổ sau này thường dạy.
Khi chúng ta phản quan nhìn lại, mọi hình bóng vắng bặt, như vậy hình bóng đó hư hay thật? Nếu nó thật thì tìm phải thấy ở đâu, trú ngụ chỗ nào. Nhưng khi nhìn lại, nó mất tăm mất dạng, rõ ràng nó không thật. Đó là đặc điểm thứ hai để chúng ta ứng dụng tu. Với trí tuệ nhạy bén của ngài Huệ Khả, chỉ cần bảo đem tâm ra ta an cho, Ngài xoay lại tìm không thấy, Ngài thưa “con tìm tâm không được”, Tổ bảo “ta an tâm cho ngươi rồi”. Ngài Huệ Khả tìm tâm không được vì nó là bóng, là ảo ảnh không có thật. Cái không thật mà chúng ta nghĩ là thật, đó là sai lầm, là si mê. Bởi si mê nên lấy giả làm thật. Bây giờ nhìn lại biết nó là giả thì hết si mê. Như vậy chúng ta đã mở sáng trí tuệ rồi.

Do phản chiếu lại nội tâm, chúng ta biết tâm chấp nê phân biệt hơn thua phải quấy, từ nhỏ đến giờ là cái bóng hư dối. Biết rõ như vậy, chúng ta đã có một đường đi, một hướng tu cụ thể. Chỉ cần hai câu nói thôi đã tạo cho chúng ta một hướng đi cụ thể, chỉ thẳng cho chúng ta cái gốc của sự tu hành. Tu Phật là phải giác ngộ được những mê lầm thuở trước. Mê lầm là nhân tạo nghiệp sanh tử luân hồi. Bây giờ chúng ta giác ngộ thấy rõ nó thì không lầm nữa. Không lầm tức đã sáng lên không còn bị vô minh lôi kéo đi trong sanh tử.
Quí vị thấy chỉ có mười ba chữ, kết thành một bài pháp chỉ rõ đường lối tu hành. Điểm thứ nhất chỉ cho chúng ta thấy tu là phải phản quan lại mình. Điểm thứ hai biết tường tận thấu suốt tâm lăng xăng là bóng dáng hư ảo. Biết rõ như vậy là chúng ta đã sáng. Thế thì con đường tìm tới giác ngộ xa hay gần? Rất gần. Nhưng hiện tại chúng sanh trên thế gian này, có người nào dám nhìn thấy tâm nghĩ tưởng hơn thua, phải quấy, tốt xấu v.v… là bóng, là hư ảo không? Ai cũng chấp là tâm mình. Do chấp như thế nên nghĩ cái gì cho là hay, đem trình bày với huynh đệ, huynh đệ phản bác là sai, liền đỏ mặt. Rõ ràng bóng dáng không thật mà bám vào đó cho là thật, nên ai động tới mình phản bác, rồi theo đó gây không biết bao nhiêu phiền lụy.

Nếu ta suy nghĩ dù đúng, nhưng vẫn là suy nghĩ của mình chưa phải chân lý, do đó ai nói đúng, nói trật cũng được. Không giận người cho nó trật, không mừng người cho nó đúng. Bởi vì biết đâu ngày nay mình thấy đúng, nhưng năm mười năm sau mình sẽ thấy trật. Cho nên chúng ta phải sáng suốt biết rõ điều đó.
Cái gì là nhân tạo nghiệp luân hồi? Chính tâm nghĩ tưởng lăng xăng ấy. Nghĩ tới quyền lợi là tham, nghĩ tới hơn thua phải quấy là sân, nghĩ tới thụ hưởng sung sướng là si. Tất cả những thứ đó gốc từ tâm lăng xăng tạo nên. Nó là nhân sanh tử luân hồi. Nếu chúng ta biết nó hư giả, không thật thì dòng luân hồi từ từ chấm dứt. Chúng ta tu cầu giải thoát là cầu cái gì? Cầu ở đâu? Chính là phải biết mầm gốc tâm phân biệt lăng xăng. Từ tâm phân biệt lăng xăng dấy khởi miệng nói theo, thân làm theo thì thành nghiệp. Nếu tâm lăng xăng không dấy khởi thì miệng không nói, thân không làm, nghiệp sẽ không còn.
Chúng ta chỉ cần quay lại thấy rõ tâm sanh diệt là bóng dáng, là ảo tưởng không thật. Thấu suốt được lẽ đó thì chuẩn bị dừng được nghiệp luân hồi. Khi tâm tạo nghiệp dừng rồi thì Tâm chân thật hiện ra đầy đủ. Tâm chân thật không nghĩ suy, không phân biệt mà luôn luôn hiện tiền sáng suốt có sẵn nơi mình. Bình thường chúng ta chạy theo những suy tưởng lăng xăng nên Tâm chân thật bị che khuất. Một niệm nghĩ suy là một vầng mây đen che khuất tâm sáng suốt. Trăm ngàn lần nghĩ suy là trăm ngàn lần mây đen dấy lên, như vậy giết hết một ngày sáng suốt của chúng ta rồi. Bây giờ dừng tâm nghĩ suy thì mê mờ hết, trí tuệ chân thật hiện ra. Đó là Tánh giác, là Phật tánh của mình, khỏi đi tìm Phật ở đâu. Đơn giản vô cùng.
Chúng ta vì mê lầm cho nghĩ suy phải quấy hơn thua là tâm mình, bám chặt vào đó, đòi hỏi mọi người cũng chiều chuộng nó. Mình sai lầm rồi bắt người khác chạy theo cái sai lầm của mình. Thật vô lý! Bây giờ khi suy nghĩ, chúng ta biết nó giả dối, không có gì quan trọng, bỏ đi, tự nhiên nó tan biến. Tu như thế là tu bằng Trí tuệ Bát-nhã. Đặc biệt người tu thiền phải thường xuyên dùng Trí tuệ Bát-nhã quán chiếu.
Ngài Huệ Khả khi đã biết được đường vào, từ đó Ngài an ổn mà tu cho tới một hôm, Ngài trình với Tổ Đạt-ma:
- Bạch Hòa Thượng, hôm nay con sạch hết các duyên.
Tổ bảo:
- Coi chừng rơi vào không.
Ngài liền thưa:
- Con rõ ràng thường biết, làm sao Không được.
Ngay đó Tổ ấn chứng. Đơn giản làm sao!

Trước chỉ có mười ba lời thành một bài pháp. Sau đó cũng không nói nhiều, ngài Huệ Khả thưa “nay con sạch hết các duyên”, Tổ bảo “coi chừng rơi vào không”. Huệ Khả thưa “rõ ràng thường biết làm sao không được”. Ngay đó Tổ ấn chứng liền “ông như thế, ta như thế, chư Phật cũng như thế”. Đơn giản làm sao! Ông như thế tức là ông thấy được như vậy, ta cũng thấy như vậy, ta với ông giống rồi. Chư Phật cũng như vậy, nghĩa là chư Phật, ông và ta đều thấy đến chỗ tột cùng.

Nói “dứt hết các duyên” là sao? Là căn trần không còn dính nhau. Sáu căn không dính với sáu trần là dứt hết các duyên. Ngày nay chúng ta tu lại dính hết các duyên, ngược lại với chư Tổ. Như vậy ai thọ ký cho mình, ai ấn chứng cho mình? Chắc Ma vương thọ ký. Tổ nghe ngài Huệ Khả nói dứt hết các duyên, sợ như ngu, như ngơ không biết gì nên bảo “coi chừng rơi vào không”. Ngài Huệ Khả xác nhận “con rõ ràng thường biết, làm sao không được”. Chính cái rõ ràng thường biết chứng tỏ rằng, đến nơi đó là sống được với tánh Phật của mình, chớ không phải không ngơ.

Khi không còn dính với sáu trần là chúng ta sống được với tánh Phật, không phải ngang đó không biết gì. Khi tâm chúng ta không còn một tí nghĩ ngợi nào, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, chân vẫn biết đi và tất cả những gì chung quanh chúng ta đều biết. Biết mà không dính, không kẹt đó là không dính các duyên mà rõ ràng thường biết. Việc này hết sức dễ. Cái rõ ràng thường biết không phải là tham sân si, không phải phải quấy hơn thua v.v… nên nó không tạo nghiệp. Không tạo nghiệp thì làm gì có sanh tử luân hồi. Nên cái rõ ràng thường biết là gốc của sự giải thoát sanh tử, chớ đâu phải tới đó mất mình. Không mất mình mà không có bản ngã cố chấp, chỉ là rõ ràng thường biết.
Hai thầy trò Tổ Đạt-ma và ngài Huệ Khả thông cảm với nhau qua câu chuyện hết sức đơn giản. Ngày nay nhiều khi thầy trò nói chuyện cả nửa giờ, mà không có gì đáng kể. Cho nên bài pháp Tổ Đạt-ma chỉ cho Tổ Huệ Khả là bài pháp kỳ diệu phi thường, vừa đơn giản vừa sâu xa. Tổ chỉ tận cội nguồn sanh tử cho chúng ta dừng bỏ, đồng thời cũng chỉ tận cội nguồn giải thoát cho chúng ta nhận ra. Vì vậy Tổ Huệ Khả sau khi được ấn chứng rồi, đầy đủ tư cách của một vị Tổ giáo hóa sau này.
Từ đó Thiền tông truyền sang Việt Nam cho tới thế kỷ thứ 13 đời nhà Trần. Chúng ta nghe Tuệ Trung Thượng Sĩ chỉ chỗ yếu điểm của Thiền cho Thái tử Trần Khâm. Thái tử Trần Khâm hỏi: “Yếu điểm của Thiền là gì?” Ngài dạy: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.” “Phản quan” là soi sáng trở lại, “tự kỷ” là chính mình. “Phản quan tự kỷ bổn phận sự” là soi sáng lại chính mình, đó là bổn phận của người tu thiền, “bất tùng tha đắc” tức không phải từ bên ngoài mà được. Nguyên câu nói trên là cốt tủy từ Tổ Đạt-ma chỉ dạy. Chúng ta thấy hệ thống thiền từ Tổ Đạt-ma truyền sang Việt Nam, ai lãnh hội được Thiền đều thấy yếu chỉ đó, không có gì khác.
Ngày nay tôi dạy tất cả Tăng Ni Phật tử tu, ngồi thiền thấy niệm khởi liền buông, hoặc nói nó là vọng tưởng, không theo. Như vậy có đúng với yếu chỉ đó không? Làm sao thấy vọng tưởng? Phải phản quan, nếu không phản quan vọng tưởng sẽ dẫn mình chạy. Phản quan nhìn lại thấy từng niệm khởi, biết nó hư ảo, bỏ. Tu như vậy đúng là gốc của Tổ Đạt-ma đã chỉ cho Tổ Huệ Khả. Nếu chúng ta thực hành được như Tổ Huệ Khả, buông hết vọng tưởng, đến phút giây nó yên lặng hoàn toàn, quí vị sẽ nói: “Con dứt hết các duyên.” Nói dứt hết các duyên mà rõ ràng thường biết, không còn nghi ngờ gì nữa.

Sau này một người bệnh hủi gặp Tổ Huệ Khả thưa: “Con tội lỗi nhiều quá nên bệnh hoạn, nhờ Thầy dạy con pháp sám hối.” Tổ Huệ Khả dạy: “Đem tội ra ta sám cho.” Lâu nay chúng ta nói tội, nói nghiệp nhưng biết tội ra sao, nghiệp ra sao không? Không biết. Vị ấy quay lại tìm cũng không thấy tội ở đâu hết, nên nói: “Bạch Hòa thượng, con tìm tội không được.” Tổ bảo: “Ta đã sám hối cho ngươi rồi.” Ngay đó vị ấy ngộ đạo. Ngài chính là Tổ Tăng Xán thứ ba.
Đến đời thứ tư, ngài Đạo Tín lúc còn là chú Sa-di mới mười bốn tuổi gặp Tổ Tăng Xán, thưa rằng: “Bạch Hòa thượng, cúi xin dạy cho con pháp tu giải thoát.” Câu nói rất đạo vị. Tổ bảo: “Ai trói buộc ngươi?” Ngài Đạo Tín thưa: “Không ai trói buộc hết.” Tổ bảo: “Không ai trói buộc, cầu giải thoát làm gì?” Ngay đó Đạo Tín ngộ đạo thành Tổ thứ tư.
Tất cả chư Tổ từ trên xuống đều dạy phản quan lại tìm tâm, tìm tội, tìm nghiệp của mình, tìm lại không thấy chúng, tự nhiên mọi thứ đều tan hoang. Vì sao? Vì tâm hơn thua phải quấy tốt xấu là tâm tạo nghiệp. Tội từ đâu sanh? Từ tâm sanh, tội kết thành nghiệp. Muốn tìm tội chúng ta phải quay lại nhìn tâm. Nếu tâm không có thì tội theo đó cũng mất, tội mất thì nghiệp liền tiêu. Nghiệp không còn nữa chúng ta thế nào? Tự tại, giải thoát. Cho nên giải thoát không xa, chỉ vì chúng ta hướng ra ngoài tìm cầu thành ra cách xa.

Phật tử tu cầu Phật gia hộ được sống lâu, được gặp duyên tốt, cất chùa to, làm Phật sự lớn mà không chịu quay lại mình, thấy rõ mình. Không thấy rõ mình thì trên đường tu không sao có kết quả tốt. Vì vậy tôi nói bài pháp này là bài pháp tuyệt vời, trải qua bao nhiêu thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn tinh ba, cốt tủy của đức Phật dạy. Chúng ta tu nắm được chỗ tinh ba, thấy được cốt tủy rồi phải nỗ lực, quyết tâm tu sẽ có kết quả tốt.
Các Thiền sư có lối minh họa qua mười bức tranh chăn trâu rất khéo. Bước đầu là đi tìm trâu. Phản quan không phải đi tìm lại mình sao? Các ngài cụ thể hóa việc này bằng hình ảnh thằng chăn đi tìm con trâu. Qua bước thứ hai, lần lần thấy dấu. Ban đầu tìm lại coi tâm mình ra sao. Tìm lại nó tan biến nhưng một lát lại hiện lên, tan biến cái này cái khác hiện lên. Như vậy là chúng ta bắt đầu thấy được dấu chân của nó. Thấy được dấu chân rồi sao nữa? Qua bước thứ ba, đi tới chỗ giằng co điều phục con trâu, mới thấy ló cái đuôi, tức phần sau của con trâu, chớ chưa thấy trâu trọn vẹn.

Học mười bức tranh chăn trâu, nhiều người không biết con trâu tượng trưng cho chân lý hay hư vọng? Nó chỉ là giả tướng, nên đến khi kết thúc nó không còn. Từ tìm được nó, chúng ta sẽ đi tới chỗ cột dây lôi đầu nó. Bây giờ quí vị đang cột dây lôi đầu nó hay bị nó lôi mình chạy? Hình ảnh này hết sức cụ thể. Từ cột dây lôi đầu nó, qua tới nắm dây mũi dẫn đi thong thả. Từ dẫn đi thong thả tới ngồi trên lưng trâu thổi sáo vui chơi tự tại. Trâu vẫn còn nhưng thằng chăn làm chủ được nó. Đây là lúc vọng tưởng còn, nhưng chúng ta làm chủ được nó. Muốn thắng được vọng tưởng, điểm then chốt nhất là phải nhận chân mình có cái thật, mới làm chủ nổi cái giả. Không nhận mình có cái thật thì cái giả lôi chúng ta đi luôn, không làm chủ nổi. Khi điều phục vọng tưởng, tuy nó chưa hết nhưng chúng ta có thể ngồi trên lưng nó thổi sáo tự tại.
Từ đó quí vị đi lần tới con trâu mất, thằng chăn còn. Phản quan lại thì ban đầu niệm vọng tưởng vẫn còn, ta chưa thắng nó, lần lần mới điều phục được. Từ từ điều phục được nghĩa là cho có thì có, cho không thì không. Thật ra chúng ta tu, không phải bỏ hết vọng tưởng, khi cần nghĩ thì nghĩ, khi không cần thì thôi. Đó là nói hình ảnh tự tại ngồi trên lưng trâu chơi.

Khi cần là sao? Ví dụ bình thường quí vị không có chuyện gì, lúc đó mình không cần nghĩ. Nhưng lát nữa đi dạy cần phải soạn bài, lúc đó cho phép nghĩ. Dạy rồi không thèm nghĩ nữa. Tới giờ ngồi thiền thì ngồi thiền, không phải giờ suy nghĩ, ta đuổi vọng tưởng không cho nghĩ. Tới giờ ngủ là ngủ, không cho nghĩ, đuổi nó cái một. Như vậy vẫn còn vọng tưởng nhưng chúng ta đã tự tại. Đó là chỗ khéo của người tu.
Con trâu là tượng trưng cho vọng tưởng, thằng chăn là tượng trưng cho trí Bát-nhã. Có một số người bảo pháp tu “biết vọng không theo” là còn năng còn sở, chưa phải rốt ráo. Quí vị muốn điều phục con trâu lúc nó còn hoang đàng mà không có người chăn thì điều phục được không? Giai đoạn đầu phải có trâu có chăn điều phục mới được. Người nói tôi chỉ dạy biết vọng không theo, biết là năng, vọng là sở, còn năng sở đối đãi, tu không tới đâu. Đó là người chỉ thấy phương tiện cho là cứu kính.
Khi chúng ta chinh phục được trâu rồi, làm chủ nó cho tới lần lần nó biến mất. Trâu biến mất nhưng cái thấy tức thằng chăn vẫn còn. Thằng chăn ngó tới ngó lui mà không còn bóng dáng con trâu nữa thì nó cũng mất luôn. Chúng ta lặng hết vọng tưởng rồi, cần gì phản quan nữa? Tới lúc này hết trâu cũng hết chăn. Phải trải qua một quá trình dài lâu như vậy mới tới chỗ không còn năng không còn sở, chớ tự nhiên ban đầu trâu còn hung hăng, làm sao tới chỗ này được. Nhiều người tu không biết đầu đuôi gốc ngọn, không tự mình nỗ lực công phu, cứ lý luận suông thì dù có nói cứu kính hay đến đâu, vẫn không có chút gì dính dáng.
Khi qua khỏi năng sở, không còn trâu không còn chăn, đừng tưởng là hết. Chỗ này Tổ Đạt-ma nhắc ngài Huệ Khả “coi chừng rơi vào không”. Ngài Huệ Khả nói “rõ ràng thường biết, không sao được”. Đây là bức tranh số chín chim bay về tổ, lá rụng về cội, trở về gốc hằng giác hằng tri của mình, chớ không phải là không. Khi trở về được gốc này rồi tức là nhập Pháp thân, sống với thể bất sanh bất diệt. Tới đây rồi, không phải nhập Niết-bàn vĩnh viễn, mà còn phải bước sang mục thứ mười. Đó là hình ảnh ông già bụng bự tay cầm gậy, tay xách xâu cá chép đi vào xóm làng. Để làm gì? Nhập được Pháp thân rồi, chừng đó tùy duyên ứng hóa, cứu độ chúng sanh, chớ đâu phải tới đó nhập Niết-bàn vĩnh viễn. Bên Nguyên thủy nhập Niết-bàn là vô sanh, không còn trở lại nữa. Bên Thiền tông nhập được Pháp thân rồi, sau đó tùy duyên mà ứng thân hóa độ chúng sanh. Đã ứng hóa thì phải giống mọi người. Muốn hiện trong loài người thì hiện thân người. Muốn hiện trong đám cùng dân thì hiện thân người nghèo. Muốn hiện trong đám cờ bạc rượu chè thì hiện thân người cờ bạc rượu chè, vô đó giáo hóa chúng sanh. Như vậy mới gọi là diệu dụng của Bồ-tát.

Trên đường tu nắm vững yếu lý này rồi chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa, cứ vậy mà tu. Không phải mong tới chỗ không còn trâu, không còn chăn rồi an trú ở đó hoài. Chúng ta phải trở về nơi Pháp thân của chính mình. Nhập Pháp thân rồi sẽ có Ứng hóa thân, tùy duyên ứng hiện hóa độ chúng sanh.

Đức Phật Thích-ca hiện thân ra đời là một Ứng thân để hóa độ chúng sanh. Ngài là Bồ-tát nhất sanh bổ xứ, nên khi hiện thân Thái tử Tất-đạt-đa là một Ứng thân. Vì muốn độ thế gian đầy tham dục này, Ngài ra đời cũng phải ở trong tham dục như mọi người. Từ đó Ngài mới thoát ra, dạy lại cho chúng ta. Nói Ngài ra đời bước bảy bước trên bảy hoa sen, tôi nghĩ vì quá kính ngưỡng đức Phật, nên người sau tôn vinh Ngài qua những hình ảnh mang ý nghĩa biểu trưng thế thôi. Nếu Phật ra đời khác xa loài người thì làm sao chúng ta tu được. Hồi ra đời thế nào mình không biết, nhưng lớn lên thấy chân bùn đất không, đâu có đi trên hoa sen. Nên hiểu Phật ứng hóa vào đời thì phải giống như bao nhiêu người. Bởi vì ứng thân bao giờ cũng phải tùy theo nghiệp chúng sanh, ứng hiện như họ để đồng sự hóa. Bởi vậy Phật mới thị hiện có gia đình.

Ứng thân vào đâu thì phải hiện như chúng sanh ở đó, từ từ thức tỉnh thoát ra. Khi Phật dạo bốn cửa thành, thấy cảnh già bệnh chết Ngài thức tỉnh, muốn tìm cách thoát ra những cảnh ấy nên mới vượt thành xuất gia. Chúng ta cần phải thấy tường tận, hiểu rõ ràng mới không nghi lầm. Nếu hiểu không tường tận, biết một cách mơ màng, ai bày đâu tu đó thì uổng cả một đời mà không tới đâu.

Bài thuyết pháp kỳ diệu này đã giúp bao nhiêu người tu hành được giác ngộ, ra khỏi vòng sanh tử. Chúng ta bây giờ học nhiều quá, mười năm, hai chục năm mà vẫn còn lẩn quẩn trong vòng luân hồi. Thật đáng tội nghiệp! Thế nên Tăng Ni Phật tử phải can đảm, phải khẳng định chúng ta có cái chân thật sẵn, là hòn ngọc trong túi áo. Biết mình có hòn ngọc trong túi rồi thì tất cả bụi bặm bên ngoài phủi sạch hết, lấy hòn ngọc ra dùng. Không nên bận bịu với những thứ bụi bặm tầm thường đó nữa. Mọi nghĩ suy là bụi bặm che mất tánh sáng của mình, nên chúng ta cho nó lặng dừng hết đi. Chừng nào cần nghĩ thì cho nghĩ suy năm ba phút, hết cần thì không dùng tới nó nữa.

Trên đường tu không phải chỉ trong giờ ngồi thiền, mà đi đứng làm công kia việc nọ, chúng ta vẫn tu. Vừa dấy niệm vô ích liền buông, làm cái gì biết cái ấy. Đó là tu bằng cách không cho những thứ lăng xăng quấy nhiễu mình, chăm vào một việc đang làm để đánh tan những tạp niệm, đó cũng là tu. Nên nhà thiền nói đi cũng thiền, đứng cũng thiền, nói nín đều là thiền hết. Nếu ai tu trong bốn oai nghi, đi đứng nằm ngồi đều thấy rõ, buông hết những niệm lăng xăng, người đó có phiền não, có gây sự với ai không? - Không. Bao nhiêu đó đủ đánh giá ai thật tu, ai không thật tu rồi. Người quyết tu thì phải nhìn lại con trâu của mình còn hoang hay không, chớ không nhìn con trâu của xóm giềng. Mình lo chuyện của mình là khéo tu, nếu cứ can thiệp vào việc của người là chưa biết tu.

Hôm nay tôi hết lòng nói cho quí vị thấy tột chỗ quan trọng của người tu, nhất là tu thiền, để tất cả không còn nghi ngờ đường lối tu. Một khi đã nắm vững, biết rõ đường tu rồi thì việc giải thoát không còn xa nữa.

Các tin đã đăng: