Nam Mô Bổn Sư
Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính quí Ðạo Hữu,
Lời đầu thư, chúng tôi hoan hỷ kính chào
quí ÐH, kính cảm niệm quí ÐH đã dành thời giờ viết email và kính mong
quí ÐH thông cảm việc hồi âm không sớm này. Lý do: chúng tôi vừa làm
xong Phật sự gửi đi khắp nơi tất cả Tập san Phật Học Tịnh Quang (Từ Bi
& Trí Tuệ) số 12, phát hành nhân dịp Tết Nguyên Ðán Canh Dần 2010.
Tập san PHTQ được phát hành miễn phí hoàn toàn, mỗi năm 3 số, nếu quí ÐH
hoan hỷ nhận, xin cho biết địa chỉ bưu điện, văn phòng PHTQ sẽ gửi kính
biếu.
Bây giờ chúng tôi xin được bàn về Bát
nhã tâm kinh theo đề nghị của quí ÐH. ÐH Hoang Le có email <batnhabalamatda@yahoo.com> chắc là thâm cứu và
thâm hiểu bản kinh cốt tủy ngắn, gọn, súc tích và nhiệm mầu này. Nơi
đây, chúng tôi chỉ nêu lên những gì học được, biết được, trong tinh thần
học hỏi lẫn nhau là điều tốt quá, và là duyên lành trên bước đường tu
học và tìm hiểu chánh pháp.
Ðiều trước tiên chúng ta cần hiểu rõ là:
do nghiệp lực dẫn dắt, chúng sinh phải chịu sự sinh tử luân hồi, nhiều
đời kiếp trong lục đạo (lục đạo là 6 cõi: thiên, nhân, atula, địa ngục,
ngạ quỉ, súc sinh). Nghiệp lực là sức mạnh do nghiệp dẫn đi, tức là thói
quen tạo nên trong cuộc sống hằng ngày, rất khó dừng lại, rất khó cưỡng
lại, do nơi thân - con người tạo nghiệp, do nơi khẩu - con người tạo
nghiệp, và nhất là do nơi ý - con người tạo nghiệp; gọi chung là tam
nghiệp thân khẩu ý. Ðây là điều căn bản khác biệt giữa đạo Phật
với các tôn giáo hay tín ngưỡng khác.
Các tôn giáo hay tín ngưỡng khác thường
tôn thờ một vị thượng đế hay thần linh tưởng tượng nào đó, họ cho là
đấng toàn năng, có khả năng sáng tạo hay hủy diệt vũ trụ và muôn loài
(người, vật, cỏ cây); và là đấng toàn quyền, có khả năng ban phúc cho
người tuân phục thờ phượng và giáng họa cho những ai không công nhận vị
thượng đế không tưởng đó.
Các tôn giáo hay tín ngưỡng khác thường
cho rằng: con người chỉ có đời này thôi, cuối đời không còn gì cả (gọi
là chấp đoạn); con người cuối đời này hoặc lên nước thiên đàng gặp
thượng đế vĩnh viễn, hoặc đọa hỏa ngục đời đời, vì bất khâm tuân thượng
đế (gọi là chấp thường).
Trái lại, đạo Phật không chấp hai bên
(gọi là nhị biên) như thế. Cốt tủy của đạo Phật là chỉ cho con người
thấy rằng: mọi người đều có khả năng sáng suốt, chân chánh và
thanh tịnh, để giác ngộ trở thành một vị chánh đẳng chánh giác;
còn gọi là đắc đạo, thành đạo, hay thành Phật. Trong kinh Hoa Nghiêm,
có câu: Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh, chính là nghĩa đó vậy.
Cái khả năng sáng suốt, chân chánh và
thanh tịnh, để giác ngộ đó, tạm gọi là Chân tâm, hay Phật tánh. Cái khả
năng này người nào cũng có, không dành riêng cho bất cứ ai, không phân
biệt tôn giáo, tín ngưỡng, sắc tộc, màu da, xuất xứ, quốc gia, già trẻ
lớn bé, giàu sang hay nghèo hèn, học thức hay bình dân. Nghĩa là không
biệt gì cả, gọi là bất tùy phân biệt.
Làm sao nhận ra rằng mình có cái khả
năng đó, chính là các pháp môn tu tập. Mục đích chính của các pháp
môn là giúp con người, bất tùy phân biệt, trở lại với bản tâm bản tánh
thanh tịnh đó. Mặt trời luôn sáng tỏ, chỉ vì bị mây đen che khuất tạm
thời thôi. Cũng vậy, bản tâm bản tánh con người luôn sáng suốt, chân
chánh và thanh tịnh, chỉ vì bị tham lam, sân hận và si mê che khuất tạm
thời thôi. Các pháp môn giúp con người từ từ dẹp tan mây đen (tham, sân,
si), dần dần bản tâm bản tánh con người trở về nguyên trạng. Khi đó,
con người vẫn sống như bao nhiêu con người khác trên thế gian này, hình
tướng bề ngoài không khác, nhưng nội tâm trở về sáng suốt, chân chánh và
thanh tịnh (gọi là tam bảo). Khi thái tử Tất đạt đa
thành đạo, trở thành một vị Phật, tâm của ngài hoàn toàn thanh tịnh khác
hẳn trước đây, nhưng hình tướng bề ngoài vẫn chỉ là một vị tu hành, gọi
là sa môn Cồ đàm. Chỉ có những người chân thật, những vị giác ngộ mới
nhận ra được một vị Phật đang sống trên thế gian này như mọi người, hình
tướng không khác mọi người. Như vậy nghĩa là: một vị Phật không phải là
thần linh, thượng đế không tưởng.
Bát nhã tâm kinh tuy là bản kinh ngắn
gọn, nhưng bản kinh này chỉ rõ đầy đủ thế nào và làm sao nhận ra rằng
mình có cái khả năng đó. Muốn nhận ra cái khả năng vô hình tướng
đó, con người cần phải thấy rõ thân xác (hình tướng) của con người là
không thật - không tồn tại mãi mãi. Con người khi sinh ra đời là có hình
tướng, đẹp xấu khác nhau, tùy theo nghiệp báo mỗi người khác nhau. Con
người trải qua sinh lão bệnh tử, là hình tướng kia bị hủy diệt.
Thêm nữa, muốn nhận ra cái khả năng vô
hình tướng đó, con người cần phải thấy rõ tâm thức (vô hình tướng,
có khi gọi là tâm linh, tâm tư, tâm trạng, ..) của con người là không
thật - không tồn tại mãi mãi. Tâm thức của con người thay đổi liên miên,
nay thương mai ghét, nay thân mai thù, nay tốt mai xấu, nay hiền mai
dữ, nay bồ tát mai dạ xoa, nay bảo vệ chánh pháp mai phá hoại chánh
pháp, nay huynh đệ mai đối nghịch, nay tán dương mai cơ bài, nay ngồi
cùng bàn mai cưa cẳng ghế. Tâm thức lăng xăng lộn xộn như vậy gọi là
vọng tâm (kinh Lăng nghiêm).
Lắng hết mọi vọng tâm nhờ các pháp môn
tu tập, chân tâm sáng suốt thanh tịnh hiển bày, hiển lộ. Khi mọi cơn
sóng to gió lớn trên biển (ví như vọng tâm) lặng hết, mặt biển bao la
thanh tịnh hiện ra trước mắt (gọi là chân tâm hiển lộ). Khi mọi cặn cáu
trong ly nước đục lắng hết, nước trong hiện ra rõ ràng. Mặt biển sóng
gió cuồng nộ đen tối và mặt biển phẳng lặng thanh bình sáng sủa, tuy
khác trạng thái nhưng không phải là hai (pháp môn bất nhị). Nước trong
sạch dùng trong sinh hoạt có nguồn gốc từ nơi sông hồ không trong sạch,
sau khi thanh lọc trở thành nước trong sạch.
Cũng vậy, một con người dù có quá khứ
không tốt, không sạch (do vô minh, nên tạo nghiệp), nếu biết tu tâm
dưỡng tánh, quyết tránh các điều xấu ác, quyết làm các việc thiện lành,
quyết giữ tâm ý thanh tịnh, người đó chuyển hóa thành vị Phật. Cho nên,
đạo Phật chủ trương chuyển hóa tam nghiệp bất thiện thành tam nghiệp
thanh tịnh, chuyển hóa phàm nhân thành thánh nhân, chứ đạo Phật không
chủ trương tiêu diệt tất cả người xấu ác, như các tôn giáo hay tín
ngưỡng khác. Một vị Phật tùng địa dũng xuất, nghĩa là từ nơi tâm địa
chuyển hóa từ xấu thành tốt mà thành Phật. Câu nói: đồ tể buông dao cũng
thành Phật, chính là nghĩa như vậy.
Do đó, bông sen từ bùn nhơ ngoi lên, cố
vượt qua thế giới đen tối, vươn lên trong không gian tỏa hương thơm
ngát, là hình ảnh tượng trưng cho sự tu tập, cố gắng vượt bực để chuyển
hóa từ phàm phu thành một vị giác ngộ hoàn toàn, gọi là toàn giác.
Cái khả năng vô hình tướng đó
không phải là cái thân xác này, cho nên không có mắt tai mũi lưỡi (gọi
là: vô nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt). Cái thân xác có lục căn (nhãn, nhĩ, tĩ,
thiệt, thân, ý) và cảnh trần bên ngoài trên đời có lục trần (sắc, thanh,
hương, vị, xúc, pháp). Cho nên, khi lục căn (nơi con người) tiếp xúc
với lục trần (6 cảnh trong trần đời), con người sanh ra lục thức (gọi
chung là tâm thức, gồm có: nhãn thức, nhĩ thức, tĩ
thức, thiệt thức, thân thức, ý thức).
Ví dụ: mắt (nhãn căn) của con người nhìn
thấy lượng vàng (sắc trần), sanh tâm tham, muốn chiếm đoạt (gọi là nhãn
thức). Ví dụ: tai (nhĩ căn) của con người nghe thấy tiếng (thanh trần),
sanh tâm khen chê hay dở (gọi là nhĩ thức). Tương tự như thế, các căn
khác như: mũi, lưỡi, thân, ý, tiếp xúc với các trần cảnh như: hương, vị,
xúc, pháp, bèn sanh vọng tâm thương ghét, khen chê, thị phi, phải quấy.
Chính đây gọi là nghiệp lực, là động cơ, là nguyên
nhân chính của sự sinh tử luân hồi.
Thiền sư Bá Trượng Hoài Hải có dạy:
"Tâm cảnh không dính nhau là giải thoát". Nghĩa là: Chúng ta
vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn hiểu, vẫn biết tất cả các cảnh trên trần đời,
trong kinh điển gọi là: kiến văn giác tri, nếu tâm không dính mắc, thì
không phiền não. Không phiền não tức là giải thoát. Thật là hết sức đơn
giản! Lý lẽ tuy cao siêu vi diệu, nhưng hết sức thực tế. Bất cứ ai cũng
có thể làm được, không cần phải thờ lạy, cúng kiến, không phân biệt tôn
giáo, sắc tộc, ngôn ngữ, nghề nghiệp, xuất xứ, học thức, nam nữ, già
trẻ, bé lớn, giàu nghèo, sang hèn, tại gia hay xuất gia. Tâm không phan
duyên chạy theo cảnh trần là: giải thoát!
Tu theo Phật không cần phải cố chấp thờ
lạy Phật hình tướng một cách mê tín, tu mù, với vọng tâm mong cầu điều
nọ điều kia cho riêng mình, gia đình mình, đoàn thể mình, giáo hội mình,
dân tộc mình, tôn giáo mình, không cần chọn chùa to tượng lớn, không
cần theo giáo hội giáo phái nào, không cần phải là giáo phẩm cao thấp,
không cần phải xưng là chính thống hay tiếm danh, không cần phải xưng là
Phật tử hay không là Phật tử, không cần được khen thuần thành thường
hay đi chùa, không cần khoe gõ mõ, tụng kinh bao nhiêu bộ, không cần
hành tam bộ nhất bái, nhất tự nhất bái, không cần phải niệm Phật om trời
vang vang chính điện, không cần vỗ ngực tự xưng đã tu và làm việc Phật
sự năm bảy chục năm, không cần khoe khoang đã xây năm bảy chục cảnh
chùa, không cần khoe có năm bảy chục hay hằng trăm đệ tử, không cần tự
hào là danh môn chánh phái, đệ tử của vị này vị kia, không cần phải quì
lụy, van xin thế quyền, giáo quyền, tìm kiếm chức phẩm danh vị trong đạo
cũng như trong đời, không cần tất cả hình thức nghi lễ rườm rà của một
tôn giáo, kể cả Phật giáo !
Tu theo Phật là để giác ngộ cái
khả năng (vô hình tướng) thành một vị chánh
đẳng chánh giác và thoát ly khỏi sanh tử luân hồi. Người nào phát tâm tu
cũng được, bất tùy phân biệt !
Tóm lại, Bát nhã tâm kinh là bài kinh
tuy ngắn gọn, nhưng giải thích để hiểu rõ tường tận thật không thể ngắn
gọn, tùy theo mỗi người, mỗi hoàn cảnh và sở thích của cá nhân. Bài viết
này chỉ đơn giản, sơ lược đại ý mà thôi. Chúng tôi đề nghị quí ÐH tham
khảo thêm các bài viết khác để vấn đề được sáng tỏ hơn, thấu đáo hơn.
Chúng ta nên nhớ một điều khá quan trọng trong lịch sử của đức Phật
Thích ca mâu ni là: Thái tử Tất đạt đa ra đi tầm đạo giải thoát năm 29
tuổi và thành đạo năm 35 tuổi, trong khi các vị tu sĩ thời bấy giờ cao
tuổi hơn nhiều, tu lâu năm hơn nhiều, nhưng vẫn không giác ngộ và giải
thoát như Ngài.
Nam Mô Bổn Sư
Thích Ca Mâu Ni Phật
Ty-Khuu Thich-Chan-Tue
Chu-Nhiem
PHAT-HOC
TINH-QUANG
108 - 123 Railroad St.,
Brampton, ON, L6X-1G9.
CANADA
Tel.:
647-828-1016
Email: cutranlacdao@yahoo.com