Làm thế nào để tự cứu mình?
03/06/2014 22:23 (GMT+7)

Chính ta mới là vị cứu rỗi của ta, để làm gì nếu có vị cứu rỗi khác? Chỉ khi bản thân khéo biết tu tập, mới giải quyết được vấn đề tìm vị cứu rỗi bên ngoài. -- (Kinh Pháp Cú, Câu 166)

Lúc Đức Phật sắp nhập Niết Bàn, các đệ tử từ bốn phương xa gần, tấp nập về với Ngài. Trong khi các bạn đồng môn luôn luôn túc trực bên cạnh Ngài và rất đau buồn vì sắp mất vị Bổn Sư, một thầy tỳ kheo tên Attadatta lại rút về tịnh thất và chuyên cần hành thiền.

Những vị tỳ kheo kia nghĩ rằng sư Attadatta không quan tâm gì đến việc chăm sóc Đức Phật, nên bất bình và báo cáo sự việc lên Ngài. Sư Attadatta mới thưa như sau: "Bạch Đức Thế Tôn, vì Ngài sắp nhập diệt, nên con nghĩ rằng cách tốt nhất để tỏ lòng tôn kính Ngài là đạt được đạo quả A La Hán lúc Ngài con hiện tiền".

Đức Phật ngợi khen thái độ và phẩm hạnh của vị tỳ kheo này và dạy ta không nên từ bỏ lợi ích tinh thần của chính mình vì mải lo cho lợi ích của người khác.

Câu chuyện này đã nêu lên được một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong của Đạo Phật. Ta phải luôn luôn giác tỉnh để tự giải thoát khỏi Luân Hồi, và sự cứu thoát này phải do chính cá nhân mình. Ta không thể trông cậy vào bất cứ một sức mạnh hay tác động nào từ bên ngoài để giúp ta đạt được Niết Bàn.

Người không học Phật thường hay chỉ trích quan niệm này, và cho Đạo Phật là một tôn giáo ích kỷ, chỉ thuyết về sự quan tâm giải thoát khỏi khổ đau và phiền não của riêng mình. Điều này không đúng chút nào cả. Đức Phật tuyên bố rành mạch là người Phật Tử không ngừng làm việc vì phúc lợi tinh thần và vật chất cho tất cả chúng sinh, đồng thời chuyên cần theo đuổi mục đích đạt Niết Bàn của mình. Đức Phật luôn luôn đề cao sự phục vụ vị tha.

Lại nữa, người không hiểu Đạo Phật có thể hỏi: "Có thể là đúng đối với một số người may mắn, có đầy đủ súc mạnh tinh thần, tìm Niết Bàn bằng chính nỗ lực của mình. Nhưng với những người mà tinh thần và thân thể hay cả vật chất bị khiếm khuyết thì sao? Làm sao họ có thể tự tin được? Họ có cần sự giúp đỡ của một oai lực bên ngoài như Thượng Đế hay chư thiên phù hộ cho họ không?"

Câu trả lời là người Phật Tử không tin là sự giải thoát cuối cùng nhất thiết phải đạt được ngay trong kiếp này. Tiến trình có thể mất một thời gian dài, trải qua nhiều kiếp sống. Ta phải tự trau dồi với tất cả khả năng tốt đẹp, và từ từ phát triển sức mạnh của tự tin. Cho nên, cả đến những người bị tật nguyền về tâm linh, tinh thần và vật chất cũng phải cố gắng dù là rất ít để bắt đầu vào tiến trình giải thoát này.

Một khi bánh xe đã được khơi động, cá nhân dần dần tự mình trau dồi để phát triển sức mạnh của lòng tự tin. Một quả sồi nhỏ bé một ngày nào đó sẽ trở thành một cây sồi to lớn nhưng đâu phải chỉ qua một đêm. Kiên nhẫn là chất liệu thiết yếu trong tiến hành khó khăn này.

Thí dụ, do kinh nghiệm chúng ta biết nhiều bậc cha mẹ đem hết khả năng mình làm mọi việc để nuôi nấng con cái theo hy vọng và hoài bão của mình. Nhưng khi những đứa con đó lớn lên, chúng phát triển theo đường lối riêng của chúng, không nhất thiết phải theo con đuờng mà cha mẹ chúng muốn. Theo Phật Giáo, trong khi người khác có thể tạo ảnh hưởng đến đến đời sống một cá nhân nào đó, nhưng cuối cùng cá nhân vẫn tạo Nghiệp riêng của mình và chịu trách nhiệm những hành động của chính mình. Trong lý giải cuối cùng, không con người hay chư thiên nào có thể điều khiển, hay kiểm soát sự đạt giải thoát tối hậu của một cá nhân. Đó là ý nghĩa của sự tự nương tựa.

Điều này không có nghĩa là Phật Giáo dạy con người ích kỷ. Theo Đạo Phật, khi một người với nỗ lực của chính mình tìm cách đạt Niết Bàn, người đó đã quyết định không giết, ăn cắp, nói dối, tham lam, hay không kiểm soát được giác quan do ma túy độc dược. Khi người đó tự kiểm soát lấy mình được, tự động người đó đã góp phần vào hạnh phúc của người khác. Cho nên cái gọi là "ích kỷ" đó không phải là điều thiện cho phúc lợi của người khác sao?

Ở một mức độ thế tục hơn nữa, người ta đã hỏi làm thế nào các dạng thức thấp kém của sự sống có thể tự vượt thoát ra được khỏi chu kỳ vô nghĩa của sự hiện hữu. Chắc chắn trong trạng thái không nơi nương tựa ấy, phải cần đến một sức mạnh từ thiện bên ngoài để kéo chúng sinh bất hạnh kia ra khỏi cát lún. Để trả lời câu hỏi này, ta cần phải nhắc đến kiến thức về thuyết tiến hóa. Thuyết này nói rõ ràng sự sống bắt đầu từ những dạng thức rất thô sơ - không hơn một tế bào nổi trong nước. Cả trên triệu triệu năm qua, những dạng thức sống căn bản này tiến triển và trở thành phức tạp hơn, thông minh hơn. Do mức độ thông minh hơn, các dạng thức sống đó có khả năng tổ chức, có tư tưởng độc lập, có hình thành khái niệm vân vân ...

Khi người Phật Tử nói về khả năng tự cứu, họ muốn nhắc đến dạng thức sống ở mức độ cao của sự phát triển tinh thần. Trong những giai đoạn đầu của sự tiến hóa, sức mạnh của nghiệp và tinh thần hãy còn ở trong trạng thái bất động, nhưng qua không biết bao nhiêu lần tái sanh, một chúng sinh sẽ tự mình phát triển đến mức có tư tưởng độc lập, có khả năng biết đối xử theo lý trí hơn là theo bản năng. Ở giai đoạn này chúng sinh ấy nhận thức được sự vô nghĩa của việc phải lăn trôi bao tái sanh vô tận gắn liền với bao đau đớn và phiền não. Chúng sinh đó có khả năng quyết định chấm dứt tái sanh và tìm hạnh phúc thực sự bằng cách đạt giác ngộ và Niết Bàn. Với mức độ cao của trí thông minh, đương nhiên một cá nhân có đủ khả năng để tự cải tiến và tự phát triển.

Tất cả chúng ta đều biết rằng con người sanh ra ở rất nhiều mức độ khác nhau về trí thông minh và năng lực lý luận. Một số sanh ra như thần đồng, trong khi một số khác ở cuối đầu bên kia, trí thông minh lại rất thấp kém. Tuy nhiên mọi chúng sinh đều có khả năng phân biệt giữa những sự lựa chọn hay tùy thích, nhất là về vấn đề sống còn. Nếu chúng ta mở rộng sự kiện sống còn ra thế giới loài vật, chúng ta có thể phân biệt con vật nào thấp hay cao cấp hơn với cùng một bản năng này (ở nhiều mức độ khác nhau) để chọn lựa hầu được sinh tồn.

Vì lý do đó, cả đến một dạng thức sống thấp kém cũng có tiềm năng để tạo Nghiệp tốt, tuy nhiên bị giới hạn ở tầm xa. Do tinh tấn phát huy và sự tăng trưởng lần lần nghiệp tốt, một chúng sanh tự mình có thể nâng cao mức sống và hiểu biết.

Nhìn vấn đề ở một góc độ khác, chúng ta có thể dựa vào một trong những tích chuyện đầu tiên cho thấy Đức Phật-Sẽ-Thành (Bồ Tát) hạ quyết tâm tiên khởi như thế nào để phấn đấu đạt Giác Ngộ. Trong rất nhiều kiếp trước khi sanh ra là Tất Đạt Đa, Ngài sanh ra là một con người bình thường.

Một hôm khi Bồ Tát cùng với mẹ đi trên một chiếc thuyền, một cơn bão lớn nổi lên, lật úp con thuyền, và quăng tất cả những người trên thuyền xuống biển dữ.

Không nghĩ gì về sự an toàn cho chính mình, Đức Phật tương lai cõng mẹ trên lưng và cố gắng bơi vào bờ. Nhưng trước mặt Ngài, mặt nước mênh mông, Ngài không biết phải đi hướng nào. Trong khi Ngài đang trong tình thế lưỡng nan không biết phải quay về huớng nào thì sự can đảm của Ngài đã thấu đến một chư thiên. Vị này không thể thị hiện để giúp đỡ Ngài, nhưng cũng có thể làm cho Đức Phật tương lai biết hướng nào phải đi. Chàng thanh niên (Bồ Tát) theo lời chư thiên này cùng mẹ đã thoát hiểm. Nơi ấy và lúc ấy Ngài đã quyết tâm nhất quyết không nghỉ ngơi cho đến cuối cùng khi nào đạt được Giác Ngộ.

Câu chuyện trên đây nêu rõ một sự kiện là các Phật Tử có thể tìm và được sự giúp đỡ của chư thiên trong đời sống hàng ngày. Một vị chư thiên là một chúng sinh do đức hạnh đã tạo được công đức cao cả (như vua của các vị trời) được sanh ra có thần thông để giúp đỡ chúng sanh khác. Nhưng năng lực này chỉ giới hạn về vật chất và thể chất. Trong cuộc sống hàng ngày ta có thể tìm sự giúp đỡ của chư thiên (khi bị bất hạnh, khi cần được yên tâm, khi bị đau yếu hay sợ hãi vân vân...)

Sự kiện con người tìm sự giúp đỡ của chư thiên có nghĩa là ta vẫn còn ràng buộc với thế giới vật chất. Phải chấp nhận sự kiện là khi được sanh ra ta đã lệ thuộc vào các ham muốn nhu cầu về vật chất. Và không có gì sai quấy trong việc thỏa mãn những nhu cầu ấy trong một phạm vi giới hạn. Khi Đức Phật chủ trương Trung Đạo, Ngài dạy không nên tự say đắm vào xa hoa và cũng chẳng nên tự chối bỏ hoàn toàn những nhu cầu căn bản cho đời sống.

Tuy nhiên ta không nên dừng tại đấy. Trong khi ta chấp nhận những điều kiện của kiếp nhân sinh, ta cũng phải hết sức cố gắng, tu tập theo Bát Chánh Đạo, tiến đến mức độ phát triển để có thể chứng nghiệm được rằng luyến ái vào thế giới vật chất này chỉ tạo đau đớn và phiền não.

Nhờ mở mang sự hiểu biết qua bao lần sanh không kể siết, nên càng ngày ta càng giảm thiểu tham đắm về những lạc thú của giác quan. Ở giai đoạn này ta thực sự tin cậy vào chính mình. Tại giai đoạn này các chư thiên không còn thể giúp ta được nữa, vì ta không còn tìm cầu để thỏa mãn nhu cầu vật chất của ta.

Người Phật Tử khi đã hiểu biết bản chất phù du của thế giới sẽ tu tập để buông bỏ những lợi ích vật chất. Đương nhân không còn bám níu vào lợi ích trần tục, cho nên họ chia sẻ những lợi ích cho những người bất hạnh hơn mình - người đó tu tập hạnh bố thí cúng dường. Bằng đường lối như vậy, họ lại đóng góp vào phúc lợi của người khác.

Khi Đức Phật đạt Giác Ngộ do kết quả những nỗ lực của chính Ngài, Ngài không ích kỷ giữ kiến thức này cho riêng mình. Hơn thế Ngài đã phổ biến tiến trình của Ngài trong 45 năm không những cho con người mà còn cho cả cho chư thiên. Điều này là một thí dụ quan trọng nhất trong Phật Giáo về lòng vị tha và sự quan tâm cho hạnh phúc của tất cả chúng sanh.

Ta thường nói Đức Phật giúp đỡ người trong cơn khổ nạn không phải bằng thần thông phép lạ như làm người chết sống lại vân vân..., nhưng bằng những hành động trí tuệ và từ bi của Ngài.

Trong một dịp, một phụ nữ có tên là Kisa Gotami tìm đến Đức Phật yêu cầu Ngài cứu sống đứa con của bà mới chết. Biết không thể lý luận với bà ta vì bà đang tuyệt vọng và phiền muộn, Đức Phật bảo bà ta hãy đi kiếm một nắm hạt cải của một người chưa từng có người thân nào chết cả. Người đàn bà quẫn trí này chạy hết nhà này đến nhà khác, và ai ai cũng muốn cho bà hạt cải nhưng chẳng ai có dám nói là mình không có người thân nào đó đã bị chết. Thế rồi Kisa Gotami mới tự hiểu được cái chết là chuyện sẩy ra tự nhiên cho tất cả chúng sinh đã sanh ra làm người.

Hiểu thấu, bà ta quay trở lại với Đức Phật và cảm ơn Ngài đã dạy cho bà biết sự thật của cái chết.

Điểm đáng nêu ở đây là Đức Phật quan tâm nhiều đến sự hiểu biết của người đàn bà về bản chất của cuộc đời hơn là làm cho bà ta vơi đi nỗi buồn đau tạm thời bằng cách cứu sống lại đứa con cho bà - đứa trẻ lớn lên, già và rồi cũng chết. Với sự nhận định thông suốt, Kisa Gotami không những có thể hiểu biết hiện tượng của cái chết mà còn biết được nguyên nhân của phiền não do luyến ái. Bà ta có thể hiểu luyến ái gây phiền não, và khi luyến ái bị tiêu diệt thì phiền não cũng chấm dứt.

Cho nên trong Phật Giáo, một người có thể tìm sự hỗ trợ của những tác nhân bên ngoài (như chư thiên) trong việc mưu tìm hạnh phúc tạm bợ, nhưng vào những giai đoạn phát triển sau đó, khi tâm bám níu vào các điều kiện thế gian chấm dứt, sẽ khởi đầu con đường từ bỏ thế tục và giác ngộ mà đương nhân phải tự độ. Khi một người tìm giải thoát để phá vỡ vòng sanh tử hầu đạt sự nhận thức và giác ngộ, người đó chỉ làm được bằng nỗ lực của chính mình, bằng sự tập trung sức mạnh ý chí của chính mình.

Phật Giáo cho con người phẩm giá vĩ đại. Phật Giáo là một tôn giáo duy nhất cho rằng con người có sức mạnh để giúp đỡ và giải thoát chính mình. Trong những giai đoạn kế phát triển tiếp theo, con người không phải chịu quyền lực của bất cứ một sức mạnh hay một tác nhân bên ngoài nào mà họ phải làm vừa lòng bằng hình thức thờ phượng hay dâng cúng tế vật.

Thích Tâm Quang (dịch) (Theo K. Sri Dhammananda)
Nguồn: phoquang.org

Các tin đã đăng: