Cốt tủy không sát sanh của người cư sĩ là không giết người.
06/02/2010 01:02 (GMT+7)


HỎI: Tôi là một Phật tử tại gia. Tốt nghiệp đại học nông nghiệp và hiện công tác tại trạm bảo vệ thực vật huyện (chuyên phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng), tôi cảm thấy rất mâu thuẫn và bất an bởi công việc mình đang làm phạm vào giới sát (vì hàng ngày hướng dẫn nông dân diệt trừ sâu bọ).

Tôi có ý định xin chuyển sang công việc khác nhưng điều kiện không cho phép. Một số việc tôi rất thắc mắc và không biết làm như thế nào cho đúng, ví dụ để có một bát cơm thơm ngon thì  người nông dân phải xịt thuốc giết hại rất nhiều sâu rầy. Người Phật tử tại gia (nhất là nông dân) phải sống làm sao để vừa thực hiện theo lời Phật dạy không sát sanh vừa lao động sản xuất? Chúng tôi ở vùng nông thôn, các côn trùng như  kiến, gián, muỗi... rất nhiều, rất khó để không làm tổn thương đến chúng. Đương nhiên là một Phật tử thì cố gắng hạn chế sát thương chúng sanh tối đa nhưng nếu lỡ làm chết những sinh vật nhỏ này rồi thì có chịu quả báo không? Tôi đọc sách Đức Phật và Phật pháp, trong đó có nói nghiệp báo của mỗi người chủ yếu do “tác ý” tạo nên, như vậy người nông dân phun thuốc giết chết sâu bọ… những việc này có “tác ý” không và có chịu tội không? (nguyen... ngoc@yahoo.com.vn)

ĐÁP:Bạn nguyen… ngoc thân mến!

Thường thì sau khi quy y Tam bảo, người Phật tử được khuyến khích phát nguyện thọ trì năm giới. Trong đó, không sát sanh là giới cấm đầu tiên và vị thầy truyền giới thường giải thích một cách tổng quát về không sát sanh là không được giết hại tất cả chúng sanh, từ người đến vật, từ lớn đến nhỏ, kể cả những loài nhỏ nhít như sâu kiến cho đến vi trùng. Cách giải thích như vậy thường đem đến không ít băn khoăn và lúng túng cho hàng Phật tử trong quá trình hành trì giới cấm này trong cuộc sống hàng ngày, vì đó là điều không thể. 

Thực ra, nghiên cứu giới luật của hàng Phật tử tại gia, đơn cử như kinh Ưu bà tắc ngũ giới tướng (Minh Lễ dịch, Thành hội PG TP.HCM ấn hành, 1994) chúng tôi thấy rằng Phật dạy người đệ tử tại gia giữ giới không sát sinh là không được giết người và tránh không được giết những con vật lớn như trâu, bò, ngựa… Con người là đối tượng chính yếu của giới không sát sanh và những con vật lớn là đối tượng thứ yếu. Trong kinh Ưu bà tắc ngũ giới tướng, Đức Phật triển khai chi tiết về giới không sát sanh nhưng không đề cập đến côn trùng như sâu, rầy, kiến, vi trùng… Như vậy, hàng Phật tử giữ giới không sát sanh với trọng tâm chủ yếu là không giết người.

Đây chính là cơ sở quan trọng để hàng Phật tử tại gia thực hành giới không sát sanh. Và điều này chúng ta cũng tìm thấy trong kinh Đức Phật hóa độ quy y cho những người dân ở các xóm chài làm nghề đánh cá hay các phường thợ săn, chuyên săn bắt chim thú. Những người này đều giữ giới không sát sanh với con người là đối tượng chính yếu, còn đối với loài vật được khuyến khích giảm thiểu, hạn chế sát hại chứ không cấm hẳn. Hiểu và ứng dụng về giới không sát sanh một cách linh động như vậy thì hàng Phật tử với nhiều hoàn cảnh mưu sinh khác nhau mới có thể giữ giới được.

Riêng giới không sát sanh của người xuất gia thì Đức Phật có đề cập tới các sinh vật nhỏ nhít như côn trùng, vi trùng nhưng nếu có phạm đến chúng thì chỉ là tội nhẹ chứ không phải trọng tội. Ngày xưa khi Phật còn tại thế, có một Tỳ kheo đi đường qua vùng sa mạc, trời nóng khát nước cháy cổ, gặp vũng nước có nhiều vi trùng nên không dám uống. Tỳ kheo ấy đến bạch với Đức Phật: Bạch Thế Tôn, con rất khát nước, con dùng thiên nhãn thấy vũng nước bên đường có vô số vi trùng nên không uống được. Phật bảo: Sao ông không dùng nhục nhãn (mắt thường) mà nhìn? Câu chuyện cho thấy cứu người vẫn là trên hết đồng thời thể hiện rõ nét tinh thần phương tiện. Bởi lẽ dù cố gắng đến mấy người xuất gia cũng không thể tránh việc vô tình giẫm đạp côn trùng và uống nước trong đó có vi trùng hay uống thuốc diệt trùng khuẩn để trị bệnh, tạm gìn giữ chiếc bè thân thể để chèo chống qua đến bờ kia.

Đối với hàng Phật tử tại gia, mỗi nghề mỗi nghiệp, không ai có thể tránh khỏi việc tạo nghiệp, chỉ khác nhau là tạo nghiệp nặng hay nhẹ, nhiều hay ít khác nhau mà thôi. Buôn bán thì phải kiếm lời, để chống ngoại xâm bảo vệ đất nước thì phải đánh giặc, làm ruộng rẫy tất yếu phải tổn hại đến sâu, rầy, giun, kiến v.v… nói chung tất cả đều tạo nghiệp. Nhưng nếu bây giờ mọi người đều sợ tạo nghiệp mà không buôn bán, không đánh giặc, không lao động sản xuất… thì tội còn nặng hơn. Phải hiểu rằng Đức Phật chế giới không sát sanh là không giết nguời để ngăn chặn tâm ác. Tất nhiên giết người thì phạm tội sát, đọa A tỳ địa ngục, còn lỡ làm tổn hại những loài khác (dù không cố ý) thì tội nhẹ hơn. Nhận thức như vậy thì các Phật tử quy y giữ giới không sát sanh tránh được sự lúng túng trong việc mưu sinh.

Như vậy, việc người nông dân chủ động sử dụng thuốc trừ sâu để bảo vệ mùa màng chắc chắn là có tạo nghiệp nhưng không phạm vào giới sát sanh (trọng tội giết người) mà chỉ phạm tội nhẹ. Vì sự sống cho gia đình và xã hội có bát cơm ăn (phước báo lớn) người nông dân tất phải tạo nghiệp (chịu tội nhỏ) đối với loài côn trùng sâu bọ là chuyện bình thường. Không thể cầu toàn trong thế giới tương đối này, do đó người Phật tử phải nhận rõ về những điều chính yếu và thứ yếu của giới không sát sanh để thực hành và tùy duyên làm lợi ích cho chúng sanh.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

Các tin đã đăng: