"Nên dần loại bỏ cầu xin mỗi khi đến với cửa chùa"
16/07/2012 00:18 (GMT+7)

 

Trao đổi với Kienthuc.net.vn, Đại đức Thích Thiện Nghĩa, (chùa Phổ Quang, quận Tân Bình) cho rằng phương pháp này chỉ là pháp môn giúp Phật giáo gần gũi với tín đồ, cũng cố niềm tin, tâm đạo cho người học Phật. 
 
Nhà Phật áp dụng pháp môn tụng niệm nhằm tạo sự gần gủi với tín đồ và giúp họ củng cố niềm tin với đạo (ảnh minh họa)
 
Đem giáo lý vào trong tụng niệm
Thưa Đại đức, nhiều người dân hiện nay chỉ biết đến Phật giáo thông qua việc cúng đơm, ma chay… Thầy có ý kiến gì về điều này?
 
Cúng kính, ma chay cũng chỉ là một trong vô số phương tiện được các chùa hiện nay sử dụng rộng rãi để đưa giáo lý Phật đà đến với người dân. 
 
Điều này giúp người hành đạo gần gũi với tín đồ, giúp họ củng cố niềm tin với Đạo Phật. Không chỉ thế những lúc con người đau khổ nhất khi phải xa rời mãi mãi người thương yêu của mình. 
 
Những lúc đau khổ đó nhận được sự quan tâm của Chư Tôn Đức Tăng/Ni thông qua các nghi thức tụng kinh siêu độ, hướng dẫn tận tình trong lễ tang sẽ là động lực lớn lao, giúp người có thân nhân mất cảm nhận sự ấm áp của tình đạo hữu. 
 
Bên cạnh đó, từ những nội dụng trong các bài kinh cúng hay câu thán trong phần nghi thức tụng niệm, Chư Tôn Đức nói lên giáo lý của đạo Phật, về thuyết Vô Thường, Nhân Quả... Vì thế việc cúng kính của nhà Phật, cũng là một cách hay để tùy duyên truyền pháp.
 
Hiện nay nhiều chùa lấy việc đi cúng làm phương tiên hoằng pháp làm chính, Đại đức nghĩ sao?
 
Là một tu sĩ, thầy nhìn nhận việc cúng kính chỉ là phương tiện hóa độ, tuy nhiên phương tiện đó không phải là cứu kính tuyệt đối. Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Hóa Thành dụ Đức Phật dùng phương tiện hóa ra Hóa Thành để dụ các tỳ kheo dần đi đến Bảo Sở. 
 
Hóa Thành chỉ là phương tiện tìm đến Bảo Sở chứ Hóa Thành không là Bảo Sở. Ví dụ: mình muốn qua sông thì phải nhờ thuyền, bè làm phương tiện nhưng khi đã đến bờ rồi thì phải bỏ đi thuyền bè, ai lại vác thuyền bè theo đi cùng. 
 
Cầu xin cũng cần đúng pháp
Ngoài việc cúng đơm, đa số Phật tử hay khách hành hương thường tìm đến cửa chùa chỉ nhằm mục đích cầu xin. Đại đức thấy điều này đúng hay sai?
 
Việc cầu xin nếu nói đúng thì trái luật nhân quả, nếu bảo sai thì chả lẽ lâu nay quý Thầy lại làm sai.
 
Như trên đã nói tất cả pháp đều là phương tiện nhưng quan trọng là mục đích của điều này. Vì dụ một người phật tử tìm đến cúng chùa 5 hay 10 nghìn đồng mà đối trước tượng Phật cầu xin trúng số, hết bệnh hay cho con học giỏi… thì hoàn toàn sai lầm. 
 
Vì ngay từ khi còn tại thế, đức Phật đã từng nói Ngài chỉ là người đã tìm ra con đường giải thoát và hướng dẫn lại, chứ không phải là đấng sáng tạo, thần linh biết ban phước hay xử tội một ai. 
 
Người Phật tử khi đến chùa cầu xin điều gì lên chư Phật cũng nên đúng pháp
 
Chính vì thế những ai có mục đích cầu xin nhằm giúp nâng cao về mặt tinh thần để phấn đấu trong cuộc sống, công việc và học tập thì giáo lý nhà Phật có thể chấp nhận. 
 
Theo Đại đức việc cầu xin của những người đến chùa có đạt được hay không và thầy có lời khuyên gì?
 
Cầu xin như đã nói ở trên, nếu sai pháp thì làm sao đạt được, những cầu xin như thế sẽ sai với luật nhân quả, nghiêp báo. 
 
Chẳng hạn như cầu trùng số, mà chả hề mua vé số; cầu thi đỗ mà không chịu học hành; cầu hết bệnh mà không chịu uống thuốc… thì đạt hay không? Nhưng vẫn việc cầu xin ấy mà chúng ta thực hành thì như thế nào: học sinh cầu thi đỗ nhưng vẫn cố gắng ngày đêm học bài thì chắc rằng thi sẽ đỗ…. (cười)
 
Vì thế, việc cầu xin với Phật tử hiện nay cần phải xác nhận rõ mục đích ra sao, nếu việc này vì củng cố lòng bất an, củng cố sức mạnh cho mình thì tạm chấp nhận. Nhưng đi sâu về giáo lý nhà Phật thì người Phật tử cũng nên dần loại bỏ hình thức cầu xin mỗi khi đến với cửa chùa.
 
Xin cảm ơn Đại đức!
 
Hoài Lương (thực hiện) kienthuc.net.vn

Các tin đã đăng: