- Nhận thức đạo Phật “tách rời với cuộc sống và không áp dụng được” là chưa đúng với thực chất của đạo Phật.
HỎI: Tôi mới
tìm hiểu đạo Phật, thấy đạo Phật rất hay nhưng hình như nó tách rời với cuộc sống
và không áp dụng được. Đơn cử nếu mọi người đều đi tu hết rồi thì lấy ai bảo vệ
quốc gia, ai chăm sóc gia đình. Làm sao tu được trong khi vẫn lấy vợ, lấy chồng.
Gặp điều ác mà từ bi thì chỉ nhận thiệt thòi cho bản thân và cho người khác mà
thôi. Rất mong quý Báo giải đáp!
(TRUNG ĐỨC, mrktinh@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Trung Đức thân mến!
Bạn đã tìm hiểu được một vài khía cạnh về
đạo Phật và thấy nó “rất hay” là điều đáng mừng. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề
khác của đạo Phật mà bạn có thể chưa cảm nhận được hết nên cần trao đổi thêm.
Đây là một thái độ đúng đắn, khoa học của những người tìm hiểu về đạo Phật. Đạo
Phật không chủ trương nhắm mắt tin càn mà xác quyết “đến để thấy”. Do đó, người
nào phát khởi niềm tin Tam bảo sau khi đã tìm hiểu rõ ràng sẽ bền vững và bất động.
Bạn đưa ra giả thuyết “Nếu mọi người đều
đi tu hết rồi thì lấy ai bảo vệ quốc gia, ai chăm sóc gia đình?”. Thiết nghĩ,
giả thuyết này vĩnh viễn là giả thuyết, do đó không cần trả lời. Bởi trong thực
tế chỉ một số ít người có duyên lành mới đi tu được. Từ bỏ chút ít, chịu thiệt
thòi tí ti mà người đời đã không làm được nói chi chuyện xả bỏ hết thảy, kể cả
vợ con, gia đình, chay lạt đạm bạc cả đời. Vì thế, chỉ sợ không ai đi tu thêm nữa
mà thôi chứ không hề sợ đi tu hết rồi không còn ai sống đời thế tục.
Việc tu học trong đời sống gia đình vốn
rất cần thiết và quan trọng. “Lấy vợ, lấy chồng” rồi họ rất cần được hướng dẫn
tu tập để xây dựng hạnh phúc gia đình. Đây là pháp tu của hàng Phật tử tại gia.
Tu có nghĩa là sửa, sửa cái xấu thành tốt, sửa cái sai thành đúng giúp cho mỗi
thành viên trong gia đình ngày càng hoàn thiện hơn. Cho nên, những gia đình nào
mà hai vợ chồng đều biết tu, nghĩa là biết quy y Tam bảo và giữ năm giới (không
giết hại, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối, không nghiện ngập say
sưa) thì gia đình ấy trong ấm ngoài êm, an vui và hạnh phúc.
Vấn
đề “Gặp điều ác mà từ bi thì chỉ nhận thiệt thòi cho bản thân và cho người khác
mà thôi” thực chất là bạn đã hiểu chưa đúng về từ bi đồng thời đây cũng là cái
nhìn phiến diện trong bối cảnh xã hội loạn lạc, mất niềm tin. Thực ra, từ là
ban vui, bi là cứu khổ. Nên gặp điều ác thì người Phật tử sẵn sàng “ban vui, cứu
khổ” bằng tinh thần “bi-trí-dũng” để đem lại lợi ích và bình đẳng cho mình và
người chứ không phải bó gối ngồi yên cam chịu thua thiệt. Không nên hiểu “từ
bi” như là một sự nhu nhược, yếu kém, ai muốn làm gì mình và người thì cứ mặc sức
mà làm. Nên biết, từ bi của Phật giáo luôn đi liền với trí tuệ và uy dũng để lợi
mình và lợi người.
Nói chung, nhận thức đạo Phật “tách rời với cuộc sống và không
áp dụng được” là chưa đúng với thực chất của đạo Phật. Bạn nên dành thời gian
tìm hiểu sâu hơn nữa để hiểu đúng về đạo Phật, nếu hữu duyên thì đạo Phật sẽ
soi sáng cho bạn cùng với những người thân.
Chúc bạn
tinh tấn!
TỔ
TƯ VẤN GNO
(tuvangiacngo@yahoo.com)