HỎI:
Do
hoàn cảnh cuộc sống và gia duyên ràng buộc nên tôi không tu tập được
nhiều nhưng lúc lâm chung chỉ cần tỉnh giác niệm Phật thì có được vãng
sanh không? Người không tu pháp môn Niệm Phật thì có được vãng sanh về
cực Lạc không? Nếu không thì họ sanh về đâu? Tôi thường thấy đến kỳ
chung thất, các gia đình thường tổ chức lễ cầu siêu cho thân thân rất
trọng thể; xin hỏi có thể tổ chức lễ cúng đường, bố thí để cầu siêu
trong các tuần thất trước mà không đợi đến kỳ chung thất được không? Có
nên đợi đến chung thất không?
ĐÁP:
Lúc
sắp lâm chung mà tỉnh giác niệm danh hiệu Phật Di Đà, tất nhiên được
vãng sanh. Tuy nhiên, để có được thành quả này là điều không đơn giản,
công phu niệm Phật phải đạt đến nhất tạm bất loạn, phải huân tu niệm
Phật cả đời.
Cận
tử nghiệp sẽ phát huy sức mạnh cùng với sự đau đớn về thể xác và mê mờ
của tâm thức làm cho những người công phu cạn cợt không thể giữ được
chánh niệm. Do vậy, ngay từ bây giờ, nếu muốn vãng sanh thì phải nỗ lực
niệm danh hiệu Phật.
Thành
tựu vãng sanh được thiết lập trên nền tảng tín thâm, nguyện thiết và
hạnh chuyên. Tin tưởng tuyệt đối vào nguyện lực của Phật Di Đà, cảnh
giới Tịnh độ, sự vãng sanh. Lập chí nguyện vãng sanh một cách tha thiết,
thành khẩn và kiên cố. Nỗ lực hành trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà thật
tinh cần, chuyên nhất cho đến không gián đoạn. Phải thực hành đầy đủ,
trọn vẹn ba món tư lương Tín-Nguyện-Hạnh mới có khả năng thành tựu vãng
sanh.
Nếu
nhận thức đơn thuần rằng chỉ cần công phu bình thường, sơ sài nhưng khi
lâm chung thì “tinh tấn” một chút là được vãng sanh, điều này không thể
xảy ra. Ngay cả những người suốt đời tu tập vẫn cần sự hộ niệm và trợ
tiến bởi vì năng lực trợ niệm sẽ giúp cho họ duy trì chánh niệm vào danh
hiệu Phật vững vàng hơn trước bão tố của cận tử nghiệp.
Đối
với các hành giả phát tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà, cầu sanh Tịnh
độ, nếu tinh tấn tu học, công phu niệm Phật sâu dày thì chắc chắn được
vãng sanh. Tuỳ theo năng lực tu tập của mỗi người mà vãng sanh vào một
trong chín phẩm của Tây phương Cực Lạc, cảnh giới y báo Phật A Di Đà.
Riêng
đối với những hành giả chọn những pháp môn tu tập khác như tu Thiền
chẳng hạn, mục đích chính của những vị này là đoạn trừ phiền não và
thành tựu giải thoát. Lẽ tất nhiên nếu đã hoàn toàn giải thoát, thành
tựu Niết bàn thì không còn liên hệ đến tái sanh nữa ngoại trừ vị ấy phát
thệ nguyện tái sanh để hành Bồ tát đạo, cứu độ chúng sanh.
Trong
trường hợp chưa đạt được giải thoát, Niết bàn trong đời này thì họ sẽ
tái sanh vào một cảnh giới tương ứng với thiện nghiệp của họ. Và tất
yếu, với thiện nghiệp tu tập trong đời này họ sẽ tái sanh vào các cảnh
giới tốt đẹp, phước báo thù thắng nơi các cảnh giới ấy tạo thêm thắng
duyên cho họ tu tập đến giải thoát hoàn toàn.
Theo
quan điểm của Phật giáo Bắc truyền, con người sau khi chết, thân trung
ấm tồn tại tối đa là 49 ngày (bảy thất). Đến chung thất, tuần thất cuối
cùng, thân trung ấm sẽ tái sanh vào một cảnh giới nào đó tương ứng với
nghiệp lực. Vì vậy, tuần chung thất thường được tổ chức trọng thể nhằm
cầu siêu và hồi hướng phước báo cho hương linh có thêm tư lương để sanh
về cõi lành.
Tuy
nhiên, không nhất thiết phải đợi đến chung thất vì thân trung ấm sẽ tái
sanh vào bất cứ thời điểm nào trong bảy tuần nếu nhân duyên hội đủ. Do
đó, nếu gia đình có chủ ý làm các điều phước thiện như cúng dường và bố
thí để hồi hướng cho hương linh thì thực hiện càng sớm càng tốt.
Trong
khi chờ kết nghiệp để tái sanh, hương linh rất mong mỏi gia đình tu tạo
phược đức để hồi hương cho họ.Nếu được ân hưởng phước báo và nguyện lực
khi chưa tái sinh sẽ có tác động rất tích cực đến xu hướng cảnh giới
tái sanh. Còn nếu đã tái sanh rồi, hương linh vẫn được phước báo từ sự
trợ duyên của thân nhân nhưng không thể thay đổi cảnh giới đã thọ sanh.
Vì vậy, nếu điều kiện cho phép thì thân nhân nên nhanh chóng tổ chức cầu
siêu và hồi hướng phước báo cho hương linh mà không nhất thiết phải đợi
đến chung thất.
Theo Tổ tư vấn/giacngo.vn