Phật Giáo từ khi Đức Thích Tôn vào vô dư Niết Bàn thì phong trào đến
các thánh tích của Đức Phật để lễ lạy chiêm bái rất thịnh hành trong
Phật Giáo đồ và dần dần trở thành một nghi thức quan trọng trong sinh
hoạt tôn giáo của Phật Giáo, chính vì vậy thánh tích Tứ Động Tâm của
Đức Phật trở thành nơi hướng về lễ bái cũng như hành hương của toàn thể
tín chúng Phật Giáo trên toàn thế giới.
Tất cả những ai nếu là tín chúng của Đạo
Phật thì cũng đều chung có một tâm niệm, trong đời của mình nếu đầy đủ
nhân duyên sẽ về đến thánh tích của Phật một lần để lễ lạy, chiêm
ngưỡng, để thỏa nguyện được tình cảm của một người con xa cha mẹ đã lâu
muốn có một lần hội ngộ, và đó là một trong những nguyên nhân chính để
nghi thức triều sơn lễ thánh trong suốt hơn 2000 năm hình thành phát
triển, cũng như có sức sống mãnh liệt trong Phật Giáo nói chung và Phật
Giáo Bắc Truyền nói riêng.
Phật Giáo đông truyền, các vị Tăng và
Phật tử của miền Đông Độ, đối với nguyện vọng về đất Phật chiêm lễ thánh
tích lại càng nồng nhiệt và tha thiết hơn, cũng chính vì nguyện vọng
này cho nên những vị thánh Tăng phát tâm đến miền thánh tích Tây Thiên
của Phật Giáo Bắc Truyền ra đời, Trung Quốc có ngài Nghĩa Tịnh và Ngài
Huyền Trang.v.v...
Việt Nam ta từ rất sớm cũng đã có rất nhiều vị thánh Tăng cũng đi về thiên trúc hành lễ thánh tích, theo sách Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện của Ngài nghĩa Tịnh đời nhà Đường
có chép: "... ở Giao Châu (Việt Nam) cũng có các vị Pháp sư qua Tây
Vực, như ngài Vận Kỳ Pháp sư, Ngài Mộc Xoa Đề Bà Pháp Sư, Ngài Khuy Xung
Pháp Sư, Ngài Huệ Diễm Pháp sư... là những vị sư người Giao Châu đi
đến Tây Vực cầu Pháp..." Và thời hiện đại Hòa Thượng Thích Minh Châu,
Hòa Thượng Thích Thiện Châu..v.v... là những bậc Danh Tăng của Việt Nam
đi cầu Pháp cũng như lễ bái thánh tích nổi tiếng của Phật Giáo Việt
Nam đương đại.
Sách Thông Tục Biên Thần Quỷ cho
rằng tục triều sơn lễ thánh có ở Đông độ vào thời kỳ nhà Tây Hán,
trong sách có đoạn chép: "Người ngày xưa rất ít khi đi ra khỏi nhà, nay
những người giàu có, muốn đến các nơi danh sơn thắng tích để kỳ
đảo...theo những nguyên nhân trên, ngày xưa đi đến một danh sơn thắng
tích xa sôi nào đó để dâng hương kỳ đảo, nay gọi là triều sơn vậy, theo
đây cho thấy tục triều sơn có vào thời Tây Hán."
Thời kỳ Tây Hán Phật Giáo bắt đầu truyền
vào Đông độ, dần dần thịnh hành và được giai cấp thống trị cũng như
quý tộc ở Đông độ tiếp nhận và phát triển. Đến thời nhà Đường Phật Giáo
Bắc Truyền đã đạt đến thời cực thạnh, thời kỳ này sự hưng thạnh của tư
tưởng cũng như triết lý sống Thiền tông, làm cho tư tưởng cũng như đời
sống hành đạo của Tăng sĩ Phật Giáo Bắc Truyền có sự thay đổi mạnh mẽ.
Phong trào đi Tây Vực để triều bái thánh
tích của Phật Giáo đồ cũng có sự thay đổi rõ rệt, thay vì phải đi đến
Tây Thiên họ bắt đầu triều bái lễ lại các danh sơn đạo tràng của các vị
đại Bồ tát ứng thân hiện tướng ở Đông độ. Trong sách Đại Phật Tự của Trịnh Chấn Phong
chép về không khí triều sơn lễ thánh ở Đông Độ như: "...quảy túi màu
vàng đi triều sơn, người ốm yếu, già cả, phụ nữ, đến những thiếu nữ yểu
điệu, những bác nông dân chất phát, ai nấy đều kiền thành mỗi bước mỗi
cúi đầu, thậm chí có người mỗi bước một lạy, cứ như thế lạy đến đỉnh
núi..."
Theo tư tưởng và quan niệm của Thiền
Tông, Tâm tức là Phật, cần gì phải đi cầu Phật ở bên ngoài, Linh Sơn có
đâu xa, chỉ trong tâm mà thôi, cho nên Thiền gia có câu "Phật tại Linh
Sơn mạc viễn cầu, Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu, nhơn nhơn hữu cá Linh
Sơn Tháp, hảo hướng Linh Sơn Tháp hảo tu.", tạm dịch '' Cần gì phải đến
cầu Phật ở Linh Sơn, Linh sơn ở trong tâm các vị, trong tất cả các vị
đều có tháp Linh sơn, nên hướng về tháp Linh Sơn để tu.
Những đạo tràng nổi tiếng nhất Đông độ,
được tín đồ hành hương lễ bái thạnh nhất là Tứ Đại danh sơn, Đạo tràng
của bốn Vị Bồ Tát là Ngũ Đài Sơn của Bồ Tát Văn Thù, Nga Mi Sơn của Bồ
Tát Phổ Hiền, Phổ Đà Sơn của Bồ Tát Quán Thế Âm, Cửu Hoa Sơn của Bồ Tát
Địa Tạng. Trong sách Hoa Nguyệt Hận hồi thứ 8 chép:
"...Tâm ấn phát nguyện triều sơn, đi thuyền từ Phổ Đà lên đến bờ, rồi
từng bước đi đến Nga Mi, năm trước đã lễ qua Ngũ Đài.."
Triều sơn lễ lạy cầu nguyện chư vị Bồ
Tát gia hộ, và học theo hạnh nguyện và đức lực tu hành của các Ngài là
tâm điểm của tất cả các hành giả thực hành pháp triều sơn lễ thánh,
trong đó lấy sự chí thành, kham nhẫn và nhất tâm cầu nguyện làm tông
chỉ. Trong Khổ Hạnh Tấn Hương có chép: Ngày xưa người
tín đồ khi triều sơn lễ bái tấn hương, trước tiên phải thực hành việc tự
mình chế ngự chính mình, không để cho những cảm giác của vật chất,
cũng như giác quan của mình, khiêu dậy những ham muốn tầm thường, kham
nhẫn chịu đựng trước mọi khó khăn thử thách của thời tiết cũng như hoàn
cảnh, thực hành pháp tự mình rèn luyện và mài dủa chính mình và nhất
tâm kiền thành cầu nguyện, để cầu được sự chứng minh và gia hộ của chư
vị Phật Thánh. Theo truyền thống triều sơn lễ thánh của Phật Giáo Bắc
Truyền có 2 nghi thức: 1. Lễ lạy tấn hương, 2. Xã thân lao xuống vực.
Lễ lạy tấn hương hay còn gọi là khấu đầu
triều thánh, những hành giả phát nguyện triều sơn lễ thánh, tức là từ
nơi trụ xứ của mình hướng về địa điểm của mình phát nguyện đãnh lễ, có
hai cách triều sơn lễ thánh, 1 là bước một bước lạy một lạy, 2 là bước
ba bước lạy một lạy, cứ như thế lạy chừng nào cho đến địa điểm muốn đến
mà thôi.
Tăng Già Phật Giáo Bắc Truyền ở Trung
Quốc, lịch đại chư hành giả tu pháp triều sơn lễ thánh nhiều vô số kể
đời nào cũng có, còn ở Tây Tạng thì hầu hết các môn đồ của Phật Giáo
không kể xuất gia hay tại gia, trong cuộc đời của họ có ít nhất là một
lần tam bộ nhất bái hoặc nhất bộ nhất bái, lạy từ trụ xứ của mình là
người xuất gia, còn người tại gia thì từ nhà của mình hoặc là quê hương
của mình thực hành triều sơn lễ thánh về cung Botala Phổ Đà Lạc Già nơi
họ cho là đạo tràng của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Người dân Tây Tạng đảnh lễ nhất bộ nhất bái quanh cung điện Botala. Ảnh: M.H
Thời cận hiện đại ngôi sao bắc đẩu của
thiền lâmTrung Hoa là Ngài Hư Vân Đại Hòa Thượng vì muốn báo đáp thâm ân
dưỡng dục của cha mẹ, theo lời Phật dạy trong Kinh Điển Đại Thừa, phát
nguyện triều sơn lễ thánh để đền đáp thâm ân, Ngài phát nguyện lễ "Tam
bộ nhất bái" ba bước lạy một lạy, từ Phổ Đà Sơn đạo tràng của Quán Thế
Âm Bồ Tát lạy đến Ngũ Đại Sơn đạo tràng của Văn Thù Bồ Tát, lạy đến ba
năm mới đến Ngũ Đài.
Pháp môn triều sơn lễ thánh trong hành
trì của Phật Giáo Bắc Truyền Việt Nam cũng có một vị trí hết sức quan
trọng, nhưng cách thức cũng như danh xưng thì có khác, ở nước ta triều
sơn lễ thánh gọi là đi trẫy hội, đi hội, Phật Giáo Việt Nam có cội nguồn
được truyền trực tiếp từ Tây Thiên, cho nên những tập tục Phật Giáo từ
Tây thiên do các Phạm Tăng đem đến vẫn còn được gìn giữ cho đên ngày
hôm nay, và điển hình rõ nét nhất là cách đi đến đền chùa danh sơn
thánh tích trẫy hội lễ bái của người Việt, nếu đem so sánh với các
không khí lễ hội tuần lễ thánh tích của các tôn giáo Ấn Độ thì ta thấy
trong đó có rất nhiều nét tương đồng về cách thức cũng như ý nghĩa.
Lễ bái trẫy hội vào dịp đầu xuân, cũng
như các ngày lễ kỷ niệm của các bậc tiên thánh, những thánh địa của Phật
Giáo Việt Nam như chùa Hương Đạo, tràng của Bồ Tát Quán Thế Âm, núi
Yên Tử Đạo tràng của Trúc Lâm Tam Tổ, chùa Thầy, Chùa Keo, Chùa
Dâu.v.v... tràn ngập không khí lễ hội, nhìn như một biển người, qua đó
cho ta thấy được giá trị của pháp môn và tín ngưỡng triều sơn lễ thánh
và vị trí của pháp môn trong sinh hoạt tín ngưỡng của Phật Giáo Bắc
Truyền Việt Nam.
Truyền thống triều sơn lễ thánh trong
Phật Giáo Bắc truyền tại Việt Nam cũng rất thịnh hành, và không khí nô
nức nhộn nhịp, kính thành cũng không thua kém gì ở Trung Quốc, cho đến
trong ca dao tục ngữ của người Việt có những câu liên quan đến triều sơn
lễ thánh như: "Nào ai quyết chí tu hành, chưa về Yên Tử chưa đành lòng
tu." hay câu: " Dù ai đi đâu về đâu, hễ trông thấy tháp Chùa Dâu thì
về. Dù ai buôn bán trăm bề, nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu" và câu: "
Gái chưa chồng trông hang Cắt Cớ, Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy".
Pháp môn lễ lạy Tấn hương hay còn gọi là
khấu đầu triều thánh, ở Việt Nam không được thịnh hành, và cũng rất ít
những tài liệu nhắc đến các vị Tăng Việt Nam hành trì Pháp môn này.
Trong hành trì của Phật Giáo Bắc Truyền ở Việt Nam cũng rất ít tài liệu
đề cập đến nghi thức khấu đầu Triều sơn, đại đa số người Việt Nam biết
đến danh từ "nhất bộ nhất bái" hoặc "tam bộ nhất bái" được truyền tụng
qua các tích tuồng như "Tiết Đinh Sang Cầu Phàn Lê Huê" hoặc qua các
tiểu thuyết giả sử của Trung Hoa như "Tiết Nhơn Quý Chinh Đông" hay
"Tiết Đinh Sang Chinh Tây"..v.v...
Phật Giáo Bắc Truyền Việt Nam thời hiện
đại mới bắt đầu có những hành giả thực hành Pháp khấu đầu triều sơn lễ
thánh, ví dụ như Ni chúng chùa Hương Sơn, thôn Vạn Hạnh thực hành lễ
nhất bộ nhất bái lên chùa núi Thị Vãi và gần đây nhất là sự phát nguyện
vô cùng thù thắng Đại Đức Thích Tâm Mẫn chùa Hoằng Pháp lễ nhất bộ nhất
từ chùa Hoằng Pháp T.p Hồ Chí Minh, triều sơn lễ thánh đến núi Yên Tử
Quảng Ninh đạo tràng của Trúc Lâm Tam Tổ, cái nôi của Thiền Phái Việt
Nam, đây là một nghi thức triều Tổ thù thắng nhất của Tăng sĩ Phật Giáo
Việt Nam, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Phật Giáo Nước Việt.
Đại Đức Thích Tâm Mẫn tam bộ nhất bái triều sơn lễ Tổ Trúc Lâm Yên Tử
Với một tâm niệm của người xuất gia
"Thượng Báo Tứ Trọng Ân, Hạ Tế Tam Đồ Khổ" hạnh nguyện của Đại Đức thể
hiện tấm lòng của người con phương nam luôn vọng về Tổ tông xứ Bắc, việc
làm của Đại Đức thể hiện ý chí kiên cường và tâm kham nhẫn của Dân Tộc
Việt nói chung, của người tu sĩ Phật Giáo nói riêng. Đại Đức là người
thể hiện trọn vẹn tín tâm đối với Phật Pháp Tăng không gì lay chuyển
nổi của tất cả những người con Phật, sự thể hiện này là sự chứng minh
thiết thực nhất cho dòng máu của Phật Giáo luôn luôn dâng trào trong
thân thể của Dân Tộc Việt Nam.
Cổ Đức dạy : "Do lễ bái hình tướng của
sông núi, để cầu đắc thực thể vô hình vô tướng của sông núi, đạt đến vô
ngại đại bi, lòng từ không còn chướng ngại nữa." hay năng nhẫn tất cả
những điều khó nhẫn như “Chúng sanh Nhẫn”, "Pháp Nhẫn", "Vô Sanh Pháp
Nhẫn", "Tịch Diệt Nhẫn" trong nhẫn pháp sanh định lực, nếu như trong
cảnh nghiệm được tâm, trong khổ đắc được an lạc giác ngộ thì đạt được
tông chỉ tu hành của pháp môn " khấu đầu triều sơn lễ thánh" vậy.
Lại nữa: "lễ lạy triều sơn, tiêu hết một
phần tập khí, thì giảm hết một phần phiền não, được một phần quang
minh, đồng thời cũng chứng được vi diệu bồ đề". Triều sơn lễ bái hàng
phục ngã mạn của chính mình, thân hành lễ bái, khẩu tụng niệm danh hiệu
của Phật, ý thành tâm sám hối, tam nghiệp thanh tịnh, vì công đức này
nghiệp chướng tiêu trừ, tăng trưởng phước huệ, trong thời gian lễ lạy
triều sơn, rèn luyện ý chí, thành tựu Bi, Trí, Hạnh, Nguyện, bồi dưỡng ý
chí chịu đựng kham nhẫn, đầy đủ năng lực tiến tu Bồ Tát lục ba la mật,
thành tựu đại bồ đề đây là công đức và lợi ích của pháp Triều Sơn lễ
Thánh vậy.
Người hành trì pháp triều sơn lễ thánh
nên dùng tâm nguyện cảm ân để triều sơn: Đối với ân đức của chư Phật, Bồ
Tát, Hiền Thánh Tăng, từ nội tâm phát tâm nhớ niệm thâm ân trọng đức,
có như vậy chúng ta mới thể hội hết công ơn to lớn vĩ đại của Tam Bảo,
và cũng từ sự biết ơn này, mà phát nguyện hơn nữa trong sự nghiệp hóa
độ chúng sanh, kế tục khai sáng hơn nữa sự nghiệp chấn hưng ngôi nhà
Phật pháp.
Người hành trì pháp môn triều sơn lễ
thánh phải có tâm niệm tàm quý vì: "Phật tại thế thời con trầm luân, nay
được nhơn thân thì Phật diệt độ, buồn biết thân mình nhiều nghiệp
chướng, ra đời không thấy được kim thân", từ tâm niệm tàm quý phát tâm
sám hối, tự thân mình từ vô thủy cho đến ngày nay phiền não nghiệp
chướng thâm trọng, không được chánh thời nghe Phật thuyết pháp, không
được sanh vào thời Phật còn tại thế, lặng hụp đắm chìm trong biển khổ
sanh tử, nay phát nguyện đi một bước lạy hồng danh Phật lạy một lạy để
sám hối nghiệp chướng của chính mình.
Người hành trì pháp môn triều sơn lễ
thánh phải có tâm niệm cung kính: Tâm niệm cung kính đối với một người
phát tâm học Phật không thể thiếu được, vì muốn được Phật Pháp thì tất
cả đều phải dùng tâm cung kính cầu thỉnh mới có thể có được, chúng ta
phát tâm triều sơn lễ thánh tức là tâm lễ kính chư Phật, thân cận thiện
tri thức, vì vậy nếu không có tâm cung kính thì khó có thể thành tựu
được.
Người hành trì pháp môn triều sơn lễ
thánh phải phát đại tín tâm vì: "Tín tâm là mẹ là nguồn gốc thành tựu
các công đức", tín tâm là tâm niệm căn bản, điều kiện quan trọng nhất
của người học Phật, chúng ta phải kiên định tín tâm của mình đối với
chân đế của Tam Bảo, phước đức trí tuệ của chư Phật, nếu như niềm tin
kiên định như vậy thì chúng ta mới có đủ nghị lực để vượt qua mọi khó
khăn thử thách vô cùng gian khổ trên hành trình triều sơn lễ thánh.
Người Tây Tạng đảnh lễ trước chùa Đại Chiêu - Tây Tạng. Ảnh: M.H
Người hành trì pháp môn triều sơn lễ
thánh phải phát Bồ đề tâm. Đây là tâm cốt lỏi để cầu đắc được đạo vô
thượng bồ đề, nếu không phát bồ đề tâm thì không thể thành Phật đạo, vì
có phát tâm bồ đề nên chúng ta cũng cần phát tâm trường viễn, truy cầu
Phật đạo vĩnh viễn không thối chuyển, trong hành trình triều sơn một
bước một lạy, khiến cho chúng ta có cảm nhận sâu sắc và thấm thía hơn
nữa công hạnh vĩ đại của Chư Phật, Bồ Tát và cũng từ tâm niệm này mà
phát khởi tâm vô thượng đạo.
Pháp môn triều sơn lễ thánh của Phật
Giáo Bắc Truyền là một phương pháp tu học vô cùng thậm thâm và vi diệu
nếu như ai không đủ những tâm niệm như trên muốn hành trì pháp môn này
thì thật không thể thành tựu được, nên tất cả những vị hành trì pháp môn
này đều là những vị đại sĩ của Phật Giáo khiến cho chúng ta phải kính
phục và đảnh lễ học hỏi. Nhất Tâm đảnh lễ quá khứ hiện tại vị lai chư
vị Đại sĩ triều sơn lễ thánh.
(Theo: Chùa Minh Thành)