Hạnh lắng nghe
30/12/2010 04:22 (GMT+7)


Đức Bồ tát Quán Thế Âm là vị Bồ tát luôn lắng nghe: nghe đến cùng tận âm ba vô thanh của tự tánh, siêu việt lên tất cả (phản văn văn tự tánh) và nghe hết thảy niềm đau của chúng sanh để cứu độ (tầm thanh cứu khổ). Học theo hạnh Ngài là nguyện luôn lắng nghe. “Kính lạy Đức Bồ tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Ngài, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ…”.

Trong tâm thức của mọi người, Bồ tát Quán Thế Âm là người mẹ hiền, thương chúng sanh như con đỏ. Đa phần chúng ta niệm danh hiệu để cầu cứu Ngài gia hộ trong những khi nguy cấp mà ít ai chịu thực tập theo hạnh nguyện của Ngài trong đời sống thường nhật là biết lắng nghe, nghe chính mình và mọi người để hiểu, để thương và chứng đạt hạnh phúc.

"Đôi khi ta lắng nghe ta” (Trịnh Công Sơn) cần nhưng chưa đủ, không chỉ đôi khi mà phải luôn lắng nghe ta. Bởi thỉnh thoảng mới "lắng nghe ta” mà họ Trịnh đã phát hiện ra "đêm thấy ta là thác đổ”. Không chỉ đêm thác mới đổ mà thác tâm đã đổ ầm ào từ vô lượng kiếp đến tận bây giờ. Lắng nghe ta có hai cấp độ cạn và sâu. Nghe cạn là nghe tất cả những tuôn trào và âm ỉ của nội tâm. Tâm ta là một dòng sông dài, khi êm ả hiền hòa, lúc thác ghềnh gào thét. Nghe ta để hiểu chính ta. Trong sân khấu cuộc đời, con người luôn phải mang những chiếc mặt nạ, mải mê với nhiều vai diễn thuần thục đến độ quên cả chính mình. Nghe ta để tìm lại chính mình. Ngay đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy ngoài những biểu hiện trong đời sống hàng ngày, trong ta còn nhiều góc khuất với những mảng màu sáng tối thiện ác đan xen, đôi khi kỳ quái đến huyền hoặc. Ai đã từng nghe được tiếng lòng với tất cả các cung bậc của nó mới chợt giật mình. Thì ra, ta phức tạp hơn ta thường nghĩ về ta rất nhiều. Tuy nghe cạn nhưng nghe được như vậy là một bước tiến rất xa trên lộ trình tâm, một sự nhận diện về thân tâm đầy đủ và trung thực để bước lên cấp độ cao hơn.

Lắng nghe ta ở cấp độ sâu là nghe tự tánh. Nương nơi tánh nghe trở về tự tánh là yếu chỉ của Lăng Nghiêm đồng thời là con đường thể nghiệm hạnh lắng nghe siêu việt của Đức Bồ tát Quán Thế Âm. Tự tánh là thể của tâm, vốn không sanh không diệt, và ngay đây chủ thể và đối tượng nghe đều không tồn tại. Nghe được tự tánh tức nghe đến tận cùng sâu thẳm của vô thanh, nghe ra cái tịch nhiên im lặng sấm sét. Ngay đây, phiền não rơi rụng, tuệ giác hiện tiền, thực tại hiển bày “vượt ngoài thế gian và xuất thế gian, sáng suốt cùng khắp mười phương, trên thì hợp với bản giác diệu tâm mười phương chư Phật đồng một từ lực với Như Lai, dưới hợp với tất cả chúng sanh đồng với chúng sanh một lòng bi ngưỡng” (Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Viên thông về nhĩ căn).

Không chỉ lắng nghe chính mình mà còn biết lắng nghe mọi người. Bồ tát Quán Thế Âm luôn lắng nghe tất cả những nỗi lòng của mọi loài, nhất là những niềm đau, nỗi khổ của chúng sanh để tìm cách cứu độ (Kinh Pháp Hoa, Phổ môn). Vì thế, Ngài được xưng tán là vị Bồ tát tầm thanh cứu khổ và chúng ta, trong những lúc nguy khốn thường niệm hồng danh "Nam mô Đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ tát".

Học theo hạnh Ngài, chúng ta thực tập lắng nghe người khác. Chỉ cần lắng nghe thôi thì chúng ta đã “cứu khổ” cho người rất nhiều. Ai trong chúng ta mà không có những niềm đau! Rồi niềm đau ấy ngày một tích tụ và lớn dần lên khi không tìm ra người hiểu mình để sẻ chia, đồng cảm. Đến khi niềm đau vượt ngưỡng chịu đựng cho phép sẽ bùng vỡ thành tai họa. Vì vậy, được một người lắng nghe tâm sự, thấu hiểu nỗi lòng của mình là một niềm hạnh phúc. Mọi người cần được lắng nghe để thấu hiểu và yêu thương nên tu tập hạnh lắng nghe là việc cần làm của mỗi người con Phật.

Lắng nghe mình và người khác để hiểu và thương nhằm xây dựng hạnh phúc chính là từ bi, ban vui cứu khổ, là học theo hạnh nguyện của Đức Bồ tát Quán Thế Âm. Cuộc sống với các đặc điểm của xã hội hiện đại đã biến con người thành những ốc đảo. Dù có thể kết nối, liên lạc với mọi người ở khắp nơi trên thế giới, song con người ngày càng cô đơn hơn bởi sự bế tắc, không hiểu được nhau giữa những người thân trong gia đình và thế hệ khác nhau trong xã hội. Những “hội chứng” nổi loạn, phá phách của tuổi trẻ hay buồn bã, bi quan của tuổi già cùng tất cả những biểu hiện suy đồi, thực dụng, tiêu cực v.v… của đời sống hiện đại phải chăng là phản ứng quẫy đạp khi không thiết lập được cảm thông? Theo Phật giáo, thực tập hạnh lắng nghe có thể hóa giải và trị liệu những “hội chứng” này, giúp con người xích lại gần nhau, hiểu và thương nhau hơn và đó cũng chính là quà tặng “cam lộ” của Đức Bồ tát Quán Thế Âm đến với mọi người.

 

Phước Viên

Các tin đã đăng: