Pháp môn lạy Phật là một trong những pháp môn tu được nhiều người ưa
thích, bởi vì nó có những lợi ích thiết thực sau đây.
Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật
Giáo Việt Nam Net)
Trước hết là lợi ích về sức khỏe. Lạy Phật là một
động tác dưỡng sinh rất tuyệt vời, nó giúp ta vận động toàn bộ cơ thể,
nó giúp cho máu huyết được điều hoà, bệnh tật khó xâm nhập cơ thể, nhờ
lạy Phật thường xuyên, những bệnh đã có sẽ được tiêu trừ, những bệnh
chưa sanh thì khó có cơ hội phát sanh. Việc lạy Phật còn giúp ta tiêu
diệt bệnh hôn trầm, giúp cho tinh thần ta sảng khoái.
Sau mỗi thời lạy Phật, cơ thể ta như khỏe mạnh thêm ra. Ai lạy Phật đều
đặn, thường xuyên thì sẽ có một cơ thể rất rắn rỏi, dẻo dai, cân đối.
Nếu việc lạy Phật chỉ có những lợi ích này thôi thì cũng đáng cho ta
lạy Phật mỗi ngày rồi. Nhưng nếu chúng ta lạy Phật chỉ vì những lợi ích
trên thì thật là lãng phí, bởi vì ngoài những lợi ích nói trên việc lạy
Phật còn đem lại cho ta nhiều lợi ích to lớn khác. Đó là nhờ lạy Phật
nghiệp chướng của chúng ta sẽ được tiêu trừ, căn lành sẽ ngày càng tăng
trưởng. Việc lạy Phật có lợi ích to lớn như thế vì vậy chúng tôi thành
thật mong rằng tất cả mọi người trên thế gian này đều nên thực tập
pháp môn này mỗi ngày.
Phàm bất cứ việc gì, nếu muốn có kết quả tốt thì
chúng ta cần có phương pháp đúng đắn. Việc lễ Phật cũng không ngoài
thông lệ đó. Nếu chúng ta lạy Phật giống như một cái máy chỉ biết đứng
lên rồi lạy xuống hoặc là vừa lạy vừa suy nghĩ lung tung, tâm trí cứ
nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác thì e rằng việc lạy Phật chỉ uổng
công vô ích, và nếu có lợi thì chỉ chút ít không đáng kể.
Có nhiều người còn xem Phật giống như một vị thần
linh có thể ban phước, giáng họa, nên khi lạy Phật họ mong cầu đủ thứ,
nào là mong trúng số độc đắc, mong làm ăn phát tài, mong đỗ đạt cao,
mong được thăng chức…nếu lạy Phật mà chỉ mong cầu những việc như vậy thì
thật là uổng phí quá, chẳng khác nào người vào kho châu báu nhưng
không lấy châu báu mà lại lấy nhầm gạch đá đem về.
Để việc lạy Phật đem lại lợi ích lớn nhất thì chúng
ta cần phải tìm hiểu kỹ về cách thức lạy và cách quán tưởng khi lạy.
Nếu ta quán tưởng đúng cách thì lễ Phật là một Pháp giúp ta tiêu diệt
tội trong vô lượng kiếp và sanh ra vô số phước đức. Vậy ta phải lễ Phật
thế nào mới đúng.
Trước tiên, chúng ta phải nhớ nghĩ đến công đức vô
lượng vô biên của Phật. Phật đã trải qua vô số kiếp, tạo vô số việc
lành, không ngại bất kỳ gian lao khó nhọc nào để cứu giúp chúng sanh,
Ngài thương chúng sanh còn hơn người mẹ thương con đỏ, chúng sanh nào
cần thức ăn thì Phật cho thức ăn, cần áo mặc thì Phật cho áo mặc, thậm
chí chúng sanh nào cần những bộ phận trên thân thể Ngài như mắt, tai,
mũi… Phật cũng sẵn sàng cho không chút tiếc nuối và Ngài cũng không
ngần ngại khi đem chính thân thể còn sống của mình bố thí cho hổ đói;
Đặc biệt nhất là Ngài luôn luôn tìm cách cứu giúp chúng sanh ra khỏi
biển khổ sanh tử trầm luân, đã phát hiện ra con đường giải thoát và chỉ
dạy cho chúng ta con đường ấy. Công ơn của Phật thật là to lớn, chúng
ta không biết làm sao mà báo đáp được. Để báo đáp phần nào công ơn ấy,
trong khi quỳ lạy dưới chân Phật, chúng ta phải nguyện noi gương Phật
xa lìa tất cả việc ác, làm tất cả việc lành để cứu độ chúng sanh như
Phật đã và đang làm. Khi đang lạy xuống dưới chân Ngài, ta có thể niệm
thầm trong tâm: “Chúng con rất tôn kính Ngài, chúng con xin đảnh lễ
Ngài và nguyện luôn học tập và thực hành theo công hạnh (đức hạnh) tôn
quý, không ai sánh bằng của Ngài.” Cứ mỗi lạy, chúng ta đều niệm thầm
câu ấy hoặc chúng ta có thể niệm thầm câu khác tương tự như vậy, nhờ
thầm niệm như vậy, tâm trí của ta sẽ không suy nghĩ lung tung mà luôn
hướng về đức Phật.
Khi lạy vị Phật hay vị Bồ-tát nào thì chúng ta phải
nhớ nghĩ đến công hạnh mà vị Phật, Bồ-tát đó đại diện để mà học hỏi
theo. Chẳng hạn như khi lạy Phật Thích Ca, chúng ta phải nhớ đến hạnh
nổi bậc nhất của Ngài, đó là hạnh tinh tấn. Mỗi khi lạy Ngài chúng ta
đều nguyện sẽ luôn tinh tấn như Ngài, ra sức lánh tất cả việc ác, làm
tất cả việc lành, giữ tâm ý trong sạch. Khi lạy Đức Phật A-di-đà, chúng
ta nên nhớ đến hạnh thanh tịnh của Ngài và nguyện sẽ luôn giữ tâm ý
được luôn luôn thanh tịnh như Ngài; khi lạy Phật Di-lặc chúng ta nên
nhớ đến hạnh hoan hỷ của Ngài để học hỏi theo hạnh ấy, dù trong cuộc
sống có gặp bao nhiêu điều phiền toái, chúng ta cũng phải nhớ hoan hỷ
mà đón nhận, đừng có để buồn bực xâm chiếm tâm hồn. Tâm chúng ta có hoan
hỷ thì mọi việc mới mong thành tựu tốt đẹp. Chớ còn đụng đâu nhăn đó,
gặp việc gì hơi trái ý một chút là nổi cáu thì bản thân ta đã không
được an lạc còn nói chi đến chuyện làm an lạc cho người khác. Khi lạy
Bồ-tát Quan Âm, chúng ta phải nhớ đến hạnh từ bi luôn tìm cách ban vui,
cứu khổ cho tất cả chúng sanh của Ngài và tự nguyện sẽ học theo hạnh
ấy. Bắt đầu từ nay, chúng ta phải noi gương Ngài luôn luôn tìm cách để
làm cho chúng sanh được bớt khổ đau và được an vui, hạnh phúc. Khi lạy
Bồ-tát Địa-tạng, chúng ta phải nhớ đến hạnh nguyện cao cả của Ngài là
cứu độ hết thảy chúng sanh ra khỏi địa ngục rồi Ngài mới thành Phật.
Chúng ta cũng nên phát nguyện như Ngài, thề cứu độ hết thảy chúng sanh
ra khỏi bể khổ trầm luân rồi mới thành Phật. Những chúng sanh mà chúng
ta cần cứu trước tiên chính là những chúng sanh nằm ngay trong bản thân
chúng ta, đó là những tâm phiền não không ngừng sanh diệt trong từng
giây, từng phút, làm chúng ta đau khổ triền miên. Bên cạnh đó, chúng ta
phải tìm cách giúp những người có nhân duyên với ta thoát khỏi khổ
đau. Nếu ta làm như vậy mới là lạy Bồ-tát Địa Tạng một cách đúng ý
nghĩa. Khi lạy Bồ-tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, chúng ta cũng nên nhớ đến
trí huệ cao siêu, thù thắng của Ngài và nguyện sẽ luôn trau dồi, học
tập, tu luyện để có được trí huệ sắc bén như Ngài để làm phương tiện
cứu giúp chúng sanh một cách tốt đẹp nhất.
Tóm lại, tuy tất cả các vị Phật Bồ-tát đều có những
công hạnh gần như là giống nhau nhưng mỗi Vị đều có một công hạnh nổi
bậc, khi lạy Vị nào, chúng ta nên nhớ đến công hạnh nổi bậc của vị ấy
để mà học hỏi và thực hành theo. Có như vậy thì việc lạy Phật của ta mới
được lợi ích.
Ngoài ra, chúng ta cần phải thể hiện việc lạy Phật
trong cuộc sống hàng ngày bằng cách noi gương Phật nói những lời Phật
nói, làm những việc Phật làm, nghĩ những gì Phật nghĩ. Chúng ta phải
tìm hiểu xem Phật thường nói những điều gì để mà bắt chước nói theo. Như
chúng ta biết Phật luôn nói những lời đem lại lợi ích cho chúng sanh
như nói lời hiền dịu, lời đúng sự thật, Phật không bao giờ nói lời hung
dữ, lời đâm thọc, chia rẻ, lời dối trá dua nịnh…chúng ta cũng cần phải
học theo Phật để tránh nói những lời gây phiền não khổ đau cho người
và chỉ nói những lời đem lại hạnh phúc, an lạc cho người.
Chúng ta cũng phải xem Phật thường làm những gì để
bắt chước làm theo. Phật thường làm những việc đem lại lợi lạc cho
chúng sanh như phóng sanh, bố thí, trì trai, giữ giới, xây chùa, đúc
tượng, lạy Phật, tụng kinh, sám hối nghiệp chướng, ăn chay, niệm Phật,
tọa thiền, thuyết Pháp, và nhiều việc lành khác đồng thời Phật không
bao giờ làm những việc có hại cho chúng sanh như sát sanh, trộm cắp, tà
dâm… Chúng ta đã biết những gì Phật làm và những gì Phật không làm
rồi. Vậy từ nay về sau chúng ta phải noi gương Phật làm những việc lành
mà Phật đã và đang làm và lánh xa những việc ác mà Phật không bao giờ
làm.
Chúng ta cũng phải tìm hiểu xem Phật thường nghĩ
những điều gì để bắt chước nghĩ theo. Phật thường nghĩ đến chánh Pháp,
nghĩ về sự vô thường, khổ, không, vô ngã của các Pháp, nghĩ cách làm
lợi lạc cho chúng sanh, nghĩ cách giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau,
xem tất cả chúng sanh như cha mẹ của mình, thường quán tất cả các Pháp
là huyễn hóa không thật nên tuy làm tất cả việc lành mà không bao giờ
bị dính mắc…Phật không bao giờ để tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến,
phát sanh trong tâm, Phật không bao giờ nghĩ cách làm sao cho người
phải đau đớn, quằn quại…Cũng vậy, chúng ta cũng phải tránh nghĩ đến
những điều xấu xa dơ bẩn hại người và luôn nghĩ đến những việc lợi lạc
chúng sanh như Phật.
Tóm lại, để việc lạy Phật đạt kết quả tốt chúng ta
phải luôn nhớ đến những đức hạnh của Phật và luôn tìm cách để thực hành
theo càng nhiều càng tốt trong cuộc sống hàng ngày và mỗi khi lạy Phật
chúng ta nhớ niệm thầm trong tâm: “Chúng con xin tôn kính đảnh lễ Ngài
và nguyện luôn luôn học hỏi, thực hành theo những công hạnh tôn quý của
Ngài”. Chúng ta cũng có thể nguyện học theo công hạnh nổi bật nhất nơi
từng Vị Phật Bồ-tát. Ví dụ, khi chúng ta lạy Bồ-tát Quan âm, chúng ta
có thể niệm thầm trong tâm: “Chúng con xin tôn kính đảnh lễ Bồ-tát.
Chúng con nguyện học hỏi và thực hành theo hạnh nguyện Đại bi của
Ngài”. Khi lạy Phật Di-lặc, chúng ta có thể niệm thầm trong tâm: “Chúng
con xin tôn kính đảnh lễ Ngài. Chúng con nguyện học hỏi và thực hành
theo hạnh nguyện hỷ xả của Ngài”.
Nếu ai muốn cuộc đời của mình ngày một thăng hoa,
ngày càng thêm an lạc, hạnh phúc thì hãy thực hành thử phương pháp lạy
Phật mà chúng tôi vừa trình bày trên. Chúng tôi tin rằng sự an lạc hạnh
phúc sẽ đến với các bạn ngay trong khi và sau khi các bạn thực hành
cách lạy Phật trên. Ngoài phương pháp lạy Phật nói trên còn có rất
nhiều phương pháp lạy Phật khác nữa nhưng trong phạm vi bài này chúng
tôi chưa đề cập đến, nếu các bạn thích nghiên cứu tường tận thì hãy tìm
đọc trong kinh điển. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ trình bày
cách lạy Phật mà chúng tôi đã thực hành và thấy có kết quả rất tốt.
Mong rằng khi thực hành phương pháp này các bạn sẽ mau chóng đạt được
an lạc hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày.
Nguồn: Tập san Pháp
luân số 03