Băn khoăn về Tam quy, ngũ giới
09/11/2011 17:53 (GMT+7)

Tạm diễn dịch như thế nhưng có những bạn trẻ mới biết đạo, mới tập đi chùa, thậm chí có người đã có pháp danh, làm lễ quy y rồi vẫn chưa hiểu, chưa hiểu nên băn khoăn…

Lý do tự thân

Vì sao người trẻ lại băn khoăn, nhất là với những bạn mới tập đi chùa, học đạo khi được hỏi “đã quy y, thọ giới chưa?” hoặc “tính khi nào quy y, thọ giới đây?”. Câu trả lời là bởi các bạn chưa hiểu hoặc hiểu chưa tới ý nghĩa của hai cụm “Tam quy” và “Ngũ giới”. Bạn Nguyễn Thị Trang đang là giảng viên của một trường đại học mới tập tành đi chùa chừng hơn một năm nay bày tỏ: “Có nhất thiết phải quy y mới trở thành Phật tử? Em sợ khi quy y và thọ giới xong rồi mình phạm thì…”.


Nhiều bạn trẻ đi chùa nhưng chưa hiểu về Tam quy, ngũ giới - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Còn bạn Trần Vĩnh Nghiêm (SV Trường ĐH Hồng Bàng) cho biết: “Em mới đi chùa, bập bẹ học kinh, niệm Phật nhưng chưa… dám quy y vì em chưa hiểu hết ý nghĩa của việc quy y Tam bảo”. Bạn Lê Thị Hương (thành viên một nhóm từ thiện ở Hà Nội) lại bộc bạch trên diễn đàn facebook rằng: “Tớ đi chùa Bằng sinh hoạt với các bạn trẻ đông, vui; nơi đây đã giúp tớ thay đổi nhiều thứ nhưng tớ không… được quy y, thọ giới. Lý do là khi điện thoại về nhà xin quy y Tam bảo thì cả nhà phát hoảng vì cứ nghĩ quy y là đi tu (xuất gia)”.

Nhiều lý do tương tự hoặc đại loại là những khúc mắc kiểu như thế đã tạm thời cản bước người trẻ khi tìm đến với những buổi lễ quy y, truyền ngũ giới nơi nhà chùa.

Đi tìm nguyên nhân

Một phần còn do một vài chùa hoặc một ít quý thầy tổ chức thực hiện pháp truyền Tam quy, Ngũ giới cho Phật tử theo kiểu “gom” đại danh sách, làm lễ là ban pháp danh một cách… ngẫu hứng. Bạn Thái Lan kể: “Bữa em được làm lễ quy là một bữa… hết sức bất ngờ. Hôm ấy là rằm tháng Bảy, em theo bạn đi chùa và khi đến đó thì được các thầy ở chùa hỏi nếu ai chưa quy y thì đăng ký quy y. Nghe thế nên em… đăng ký đại và cũng được chấp nhận”. 

Đó là chuyện thật như đùa ở các chùa và ở cách làm của một số thầy, sư cô hiện nay khi cứ “đến hẹn lại lên”, lại làm lễ quy y mà không cần biết người thọ pháp quy y có hiểu hết nghĩa lý của quy y, thọ giới hay chưa. Do vậy, có thể số lượng quy y, thọ giới thì đông nhưng người hiểu đạo, tu đạo, hành đạo thực chất lại chưa nhiều.

Đó là chưa nói tới việc, có những Phật tử mù mờ khi hỏi rằng: “Có phải quy y nhiều nơi thì sẽ được Phật gia hộ nhiều không?”. Cái sự mơ hồ của Phật tử như thế nếu không y cứ vào sự truyền pháp của quý thầy hoặc các chùa còn lỏng lẻo, trọng hình thức, chỉ chú ý tới số lượng chứ chưa nghĩ đến việc giúp cho họ hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của việc quy y, thọ giới thì còn biết trách ai bây giờ?

Đem đạo đến với trí thức trẻ

Làm sao để giúp người trẻ đi chùa, làm sao để trí thức trẻ biết đến đạo nhiều hơn để họ cân bằng cuộc sống, giải tỏa những “bệnh” thời đại như chán, stress, bạo lực…? Đó là điều trăn trở của nhiều vị thầy trẻ, tâm huyết với công tác hoằng pháp cho giới trẻ mà tôi có dịp ngồi lắng nghe. Những câu lạc bộ sinh hoạt Phật giáo hiện có ở các chùa, các quận, huyện tuy có thu hút giới trẻ và có được những vị thầy trẻ có trình độ Phật học lẫn thế học hướng dẫn, song nhìn chung vẫn chưa thu hút đông người trẻ. Mỗi câu lạc bộ khoảng trên dưới 50 người, chủ yếu là sinh viên nhưng thường xuyên thay đổi thành viên. Vì sao họ thiếu gắn bó như vậy?

Một vị thầy trẻ giấu tên tâm sự: “Đó là do các ban ngành thuộc Ban Trị sự, Ban Đại diện chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng chương trình cũng như mô hình mẫu cho công tác hoằng pháp dành cho trí thức trẻ. Các câu lạc bộ tuy năng động đó nhưng về cơ chế thì chưa được phép nên có làm cũng… manh mún, nhỏ lẻ. Nên chăng cần có một bộ phận chuyên trách về công tác hoằng pháp sinh viên, trí thức trẻ, bởi hơn ai hết, những trí thức trẻ sẽ là những Phật tử rường cột cho đạo pháp trong tương lai?”.

Những lá thư chia sẻ hoặc ý kiến gửi về tòa soạn Báo Giác Ngộ, nhiều vị cũng trăn trở về vấn đề đưa Phật pháp cho giới trẻ-sinh viên-học sinh, trí thức và đều có nhận định tương tự rằng: chúng ta còn thiếu những vị thầy, sư cô dấn thân, có thực lực để làm công tác này ngoài một số hoạt động nổi lên như các khóa tu ở vài chùa hoặc các khóa thiền tập, tìm hiểu Phật pháp, thực tập sống chậm của một vài câu lạc bộ Phật tử trẻ! 

Viết bài này và đặt ra những băn khoăn thực tế từ Phật tử trẻ để giáo hội và quý thầy trẻ tiếp nối sự nghiệp hoằng truyền giáo pháp có ý tưởng cho việc giải tỏa những khúc mắc cơ bản (như Tam quy, Ngũ giới) và nhiều “cánh cửa” to lớn khác khi bước vào ngôi nhà tâm linh Phật giáo!

Chúc Thiệu (GNO)

Các tin đã đăng: