Tuổi ấu thơ và tráng niên của sư trôi qua bình thản
trong bóng mát của tàng cây sân chùa. Sư đã tự làm cái cốc tre lợp mái rơm trên
một nhánh ba của cây đại thọ để ngồi thiền. Dân trong làng rất thích sư và
thường mang thức ăn đến cúng dường và nghe sư giảng pháp
Bạch Cư Dị, nhà thơ lừng danh thời ấy nghe danh đồn sư đắc
đạo liền đến tham vấn. Khi gặp, ông hỏi: “Thầy có thể cho tôi biết thế nào là
đại ý của Phật pháp chăng?” Thiền Sư đáp liền: “Chư
ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo.” Nghĩa là:
“Không làm các điều ác. Hãy làm các hạnh lành. Giữ tâm ý thanh tịnh. Là lời dạy
chư Phật”. [Kinh Pháp Cú 183]
Bạch Cư Dị nghe xong cười nói với sư rằng: “Bài kệ thầy dạy
con nít lên tám cũng nói được”. Thiền Sư mỉm cười nói: “Thưa đại quan, con nít
lên tám cũng nói được, nhưng ông lão tám mươi chưa chắc làm xong.” Nghe đâu sau
đó Bạch Cư Dị thọ giáo với Thiền sư và đã ngộ đạo.
Qua câu chuyện trên chúng ta có thể nói
giáo lý Đạo Phật được tóm gọn bằng bốn câu kệ và qua bốn câu kệ này chúng ta
thấy chủ yếu của đạo Phật là chuyển hoá nghiệp ác thành nghiệp thiện và thanh
lọc tâm cho thanh tịnh. Với việc chuyển hoá nghiệp ác thành nghiệp thiện, như
chúng ta vẫn thường được ông bà cha mẹ dạy “ăn hiền ở lành” thì đạo nào cũng
dạy cả. Đây là điểm cơ bản giống nhau của tất cả các đạo giáo vì mục đích chung
là làm sao cho mọi người trong xã hội sống chung trong hoà hợp, an lành, và
ngăn ngừa các mâu thuẫn giữa người với người. Tuy nhiên sự khác biệt của đạo
Phật với các đạo giáo khác nằm ở câu kệ thứ ba: “tự thanh lọc tâm ý thanh
tịnh”.
Chỉ riêng hai điều “bỏ ác làm lành” nói thì rất dễ,
ai cũng nói được kể cả đứa con nít tám tuổi như câu chuyện trên, nhưng khi thực
hành mới thấy là khó. Làm sao biết rõ việc nào lành việc nào ác. Có những điều
mà ở thời buổi này, tôn giáo này, xã hội này cho là điều lành; ở thời buổi
khác, tôn giáo khác và xã hội khác cho là điều ác. Ví dụ như một phụ nữ ở
Pakistan chẳng may bị cưỡng hiếp, đối với các nước Tây Phương kẻ cưỡng hiếp
người phụ nữ là có tội nặng nhưng tại nước này lại ngược lại hay tại nước Hoa
Kỳ, người đàn bà ngoại tình bị đưa ra toà xin án lệnh ly dị vẫn không bị buộc
tội, trái lại, ở xứ Saudi Arabia, Iran và Iraq, người đàn bà ngoại tình sẽ bị
tội tử hình hoặc hiện nay trên thế giới vẫn còn một số quốc gia xem vấn đề đa
thê là hợp lý, trong khi đó tại Hoa Kỳ hay các quốc gia Tây phương, người đàn
ông lấy hai vợ là không hợp pháp và có tội. Cho nên người học đạo tu đạo cần
phải phân biệt rõ ràng thiện ác để không làm các điều ác và làm các điều lành. Chỉ
có làm các việc lành mới đem lại hạnh phúc cho mình và cho chúng sinh. Chỉ có
làm các việc lành mới tôn trọng và bảo vệ sự sống cho mình và cho chúng sinh.
Đối với Phật Giáo, Đức Phật đã định nghĩa rõ ràng
về những điều gì là điều lành và những điều gì là điều không lành (bất thiện),
trong bản kinh ngắn Ngài dạy cho các hoàng tử Kalama:
“Hành động gì có hại cho mình, có hại cho người, có
hại cho cả hai, bị người trí chỉ trích, nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem lại
tâm khổ sở, tâm ưu phiền, hành động như vậy là hành động bất thiện, và chúng ta
phải loại bỏ hành động ấy. Hành động gì không có hại cho mình, không có hại cho
người, không có hại cho cả hai, được người trí tán thán, nếu chấp nhận và thực
hiện sẽ đem lại tâm an lạc, tâm hoan hỷ. Hành động như vậy là hành động thiện
và chúng ta phải thực hành”.
Như thế, đối với đạo Phật, có thể nói, tiêu chuẩn
để xác định Thiện hay Ác căn cứ vào hai yếu tố hạnh phúc và khổ đau. Hành động
đem lại hạnh phúc cho chúng sinh là Thiện và hành động gây khổ đau cho chúng
sinh là Ác. Nếu chỉ đem lại hạnh phúc cho cá nhân mình mà gây khổ đau cho chúng
sinh khác cũng là Ác. Đã là người tu theo Phật thì phải tránh gây khổ đau cho
chúng sinh. Tôn trọng và bảo vệ sự sống của mọi loài hữu tình chúng sinh là
Thiện Pháp. Ngược lại, không tôn trọng và không bảo vệ sự sống các loài hữu
tình chúng sinh là Ác Pháp.
Tu để chuyển hoá nghiệp ác thành nghiệp thiện là đi
vào con đường đạo đức, đem lại niềm an vui hạnh phúc cho cá nhân, ổn định cho
gia đình và hoà bình cho xã hội. Người hành thiện sẽ hưởng phước báu nhân
thiên, khi hết phước báu sẽ tái sanh trở lại lục đạo luân hồi tuỳ theo nghiệp
duyên mình đã tạo. Đây là một trong năm thừa của Phật Giáo để người Phật tử tu
tập tiến dần lên cao mà chưa phải là mục đích chính yếu của Đức Phật muốn dạy. Con
đường tu tập của Phật tử không chỉ giới hạn vào việc làm lành tránh ác mà còn
phải vượt lên cả thiện lẫn ác, tức không nhiễm cả hai. Thiện nghiệp hay Ác
nghiệp đều do gốc từ vô minh sinh ra mà do vì vô minh nên con người mãi mãi bị
trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi. Bởi ác là do lòng ích kỷ và thiện cũng là
một hình thức khác của “ngã chấp”, tức là trong tâm nghĩ có mình.
Cho nên trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy chúng ta
phải vượt lên phạm trù đối đãi thiện ác như:
“Người sống ở đời này
Không nhiễm cả thiện ác
Không sầu, sạch không bụi
Ta gọi [1] Bà La Môn.” [412]
Ai vượt qua thiện ác
Chuyên sống đời Phạm Hạnh
Sống thẩm sát ở đời
Mới xứng danh Tỳ Kheo”. [267]
Mục đích chính của đạo Phật là giải thoát khỏi vòng
sinh tử luân hồi và con đường giải thoát này bằng trí tuệ chứ không phải bằng
đạo đức luân lý. Đọc bốn câu kệ trong kinh Pháp Cú nơi đầu bài viết chúng ta
thấy điều đó. Chư ác mạc tác. Chúng thiện
phụng hành”. Chớ làm các điều ác là dừng ba nghiệp ác. Làm các việc lành là tu
ba nghiệp lành. Còn câu kệ thứ ba: “Tự tịnh kỳ ý” tức là tự thanh lọc tâm ý cho
được thanh tịnh.
Tự thanh lọc tâm ý thanh tịnh là giai đoạn vô cùng
quan trọng của người tu, bởi vì đạo Phật là đạo Tâm vì thế nên mới có câu kệ. .”Tự
tịnh kỳ ý”
Qua các câu kệ trong kinh Pháp Cú trên chúng ta thấy rằng
tiến trình giải thoát của đạo Phật được thể hiện qua nhiều giai đoạn.
Việc chủ trương lấy thiện diệt
ác, chỉ là bước đầu trong quá trình tu tập để đi đến giải thoát giác ngộ. Người
viết đồng ý việc ca ngợi tu “thiện” để xây dựng một gia đình vui tươi an lạc và
một quốc gia sống trong trật tự hoà bình là một điều tốt. Nhưng nếu cho rằng
Phật giáo chỉ có thế thì Đức Phật không thị hiện nơi cõi đời làm gì vì các việc
đó đã có các đạo giáo khác dạy rồi. Nhà học giả Phật giáo Alexandra David Neel
viết trong quyển sách Les Enseignements Secrets des Bouddhistes Tibetains (tr.
96-98) cũng cho rằng: “con đường tu Phật của phần đông xưa nay là con đường tu
thiện nghiệp, chỉ lo cầu phúc và cầu sinh cõi trời để được sống sung sướng. Đó
là con đường giồi mài sợi dây xích bằng vàng”. Họ đâu biết rằng một sợi dây
xích bằng sắt hay bằng vàng vẫn là sợi dây xích, nó vẫn trói buộc con người
trong vòng sinh tử luân hồi và đau khổ. Cả hai đều mê lầm như nhau, đều bị màn
Vô minh và ái, thủ, hữu... che lấp, bị tham, sân, si dày vò cấu xé tâm hồn. Cho
nên tu “thiện nghiệp”, tu “cầu phúc”... là chúng ta đang gieo nhân lành và
chúng ta sẽ gặt quả tốt, được hưởng phước báu nhân thiên chứ chưa đưa chúng ta
giải thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Vì thế, chúng ta không thể chỉ ngừng
nơi nhân thừa, thiên thừa mà cần phải thoát khỏi sự trói buộc của cả
Thiện nghiệp và Ác nghiệp mới đi đến giải thoát hoàn toàn.
Nhân mùa Vu Lan chúng ta là Phật tử tại gia
cần nỗ lực hơn nữa trong việc hành thiện diệt ác, tuỳ theo khả năng của mỗi
chúng ta, như bố thí những người nghèo khó, chia sẻ những bát cơm cho những
người đói khổ, thăm viếng an ủi những người già cô đơn trong các viện dưỡng lão
và phóng sinh các sinh vật trong lồng chậu, cùng là cúng dường trai tăng nhân
mùa lể tự tứ để các tăng ni có phương tiện tu hành, để Phật Pháp trường tồn. Đó
là chúng ta làm việc trong bổn phận của một cư sỉ tại gia, mang lại niềm an lạc
cho chính chúng ta và cho chúng sinh khắp pháp giới.
Tịnh Thủy
[1] Đức Phật dùng cả một phẩm để đề cập đến danh từ Bà La
Môn trong Kinh Pháp Cú vì thời đó các vị Bà La Môn là đối tượng mạnh mẽ chống
đối Đức Phật, nên Ngài đã định nghĩa lại các Bà La Môn như là những Phật tử tại
gia hay xuất gia đệ tử của Phật.