Từ bao đời nay, ngôi
chùa, lũy tre và cây đa đầu làng là những nét đẹp truyền thống không thể
thiếu được của nền văn hóa Việt Nam. Thân thương quá những chiếc áo nâu
mộc mạc giữa đời thường, hòa nhập vào đời thường, sống đời tri túc,
giản dị, gần gũi với quần chúng mà tu hành thoát tục, hành hạnh thanh
cao giữa thế sự đầy nhiễu nhương ô nhiễm. : Cập nhật ngày:Fri/Jul/2013
Một ngày nọ, quá mệt
mỏi với cuộc sống đua chen cầu danh lợi, ta tình cờ dừng chân nơi chốn
thiền môn. Bước chân vào cổng chùa, ta chợt thấy lòng lắng trong theo
tiếng chuông ngân dài thanh thoát. Nhẹ bước lướt đi trong không gian yên
tĩnh, chỉ có tiếng xào xạc nhè nhẹ của lá và hoa, ta ngỡ ngàng ngắm
nhìn nụ cười hiền từ và khuôn mặt thanh thản một bóng áo nâu. Tự hỏi
thầm rằng con người dịu hiền thanh khiết đó là ai?
Đó là những con người xuất gia ly dục, rời bỏ gia đình thân
thương, chấp nhận đời sống chay trường đạm bạc, an vui với tiếng mõ câu
kinh, hành hạnh nhẫn nhục khiêm cung và đoạn trừ phiền não. Không chỉ tu
hành tự lợi cho riêng mình, họ còn vươn tới mục đích cao hơn và xa hơn:
hướng dẫn cho giới Phật tử tại gia sống hòa hợp theo chánh pháp. Không
chỉ cầu lợi ích cho tự thân, Tăng thân còn nỗ lực phấn đấu vì lợi ích
của tha nhân để tất cả cùng tiến bước trên con đường tu tập giải thoát.
Cũng như chúng ta, quý Thầy cũng từng có một gia đình ấm cúng: một
người cha là trụ cột gia đình; một người mẹ đầy tình thương yêu, sớm
hôm tận tụy chăm sóc đàn con; những người anh, người chị và người em
luôn cùng nhau chia ngọt xẻ bùi, chung sống đoàn kết bên nhau. Thế rồi,
nghe theo tiếng gọi của Phật pháp, Người đã trằn trọc suy tư, cuối cùng
đi đến quyết định là rời khỏi gia đình, dấn bước vào đạo mầu vi diệu tìm
cầu giải thoát cho tự thân, cho gia đình và cho vô lượng chúng sanh.
Ngoài những vị có được duyên may xuất gia từ lúc tuổi còn ấu thơ, đại đa
số Tăng thân nhập đạo khi đã trưởng thành. Phải biết rằng, cái gia đình
riêng tư ấy là nơi đầy ắp những kỷ niệm ngọt ngào và ấm áp của tình
cha, tình mẹ và tình anh em. Quyết định rời khỏi gia đình nhỏ bé ấy để
hội nhập vào Tăng đoàn rộng lớn thật không dễ dàng một chút nào. Khoảng
thời gian đầu mới vào chùa, quý Thầy luôn vương vấn một nỗi nhớ nhà da
diết. Những dòng nước mắt âm thầm rơi mãi trong tim. Cho nên, vượt qua
trở ngại đầu tiên này thể hiện sự kiên trì bền bỉ và quyết tâm sắt đá
tin tưởng vào đạo Phật.
Phải nói rằng, việc quý Thầy xuất gia trong độ tuổi thanh xuân
tràn đầy sinh lực và nhiệt huyết rất thuận lợi cho sự nghiệp tu học và
hoằng dương Phật pháp. Tuy nhiên, về mặt tình cảm, quý Thầy ắt hẳn phải
vượt qua những vướng mắc không nhỏ. Thầy T.S chùa Đ.T từng bộc bạch với
chúng Phật tử rằng khi quyết định xuất gia, Thầy đã chia tay với cô bạn
gái của mình: “Người yêu tôi rất dễ thương. Khoảng thời gian đó, tôi nhớ
người yêu quay quắt. Đi đâu, làm gì cũng nhớ. Chỉ muốn bỏ hết tất cả để
trở về với cô ấy”. Trong nỗi nhớ quay cuồng ấy, Thầy có một quyết định
rất khôn ngoan là hỏi xin ý kiến của Thầy trụ trì và nhận được một lời
chia sẻ kinh nghiệm quý báu là: “Cứ thử sống với nỗi nhớ ấy một tháng
xem nó có giết được mình không!!!”. Thầy đã thực hành theo lời dạy ấy và
kinh ngạc nhận ra rằng mình vẫn sống được. Rồi dần dà ngày một ngày
hai, nỗi nhớ cũng dần nguôi ngoai đi. Thầy mỉm cười khi kể lại câu
chuyện này. Đến nay, Thầy đã thọ giới tỳ kheo và sống rất an lạc, tu
hành tinh tấn.
Ai trong chúng ta chắc hẳn cũng có lần nhận ra rằng sao mà người
xuất gia lại sống thanh thản, trong sáng, giản dị và khiêm cung đến thế.
Quý Thầy luôn đoàn kết, chan hòa, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau đúng
theo tinh thần lục hòa tương thân tương ái. Quý Thầy quyết chí lánh xa
thế tục, rời bỏ ngũ dục, từng bước đoạn trừ tham-sân-si để thanh tịnh
thân tâm và đạt được giác ngộ giải thoát. Sự nhập đạo cạn sâu, nhanh
chậm của quý Thầy tùy thuộc vào nỗ lực tu học của tự thân, nhân duyên
phước đức và thâm niên tuổi đạo. Vì vậy, Phật tử chúng ta luôn trân
trọng tán dương từng bước tiến trong việc tu tâm dưỡng tánh của quý Thầy
đồng thời cũng nên cảm thông và khoan dung với những cử chỉ, hành động
và lời nói còn phảng phất “mùi trần” của một bóng áo nâu nào đó. Hãy nhớ
rằng chỉ mới cách đây một thời gian ngắn thôi, vị Tăng này là một con
người thế tục giống hệt như chúng ta. Trải qua rất nhiều cố gắng nỗ lực,
Người đã chiến thắng tự thân, quyết tâm rời khỏi gia đình và lánh xa
cám dỗ thế gian để khoác lên người chiếc áo hoại sắc màu nâu. Cái màu
nâu không tươi tắn rực rỡ mà lại chân chất giản đơn, không cầu kỳ xa hoa
mà lại khiêm tốn mặn mà. Ôi thân thương, cao quý và đáng trân trọng làm
sao chiếc áo màu nâu mộc mạc ấy!
Bước chân vào đạo, quý Thầy trải nghiệm ngay cuộc sống quy củ cùng
với hệ thống giới luật nghiêm ngặt của người xuất gia. Cuộc đời của
Người đã bước sang trang mới, khác hẳn đời sống thế tục buông lung,
phóng túng và hưởng thụ trước kia. Phải thức dậy từ lúc ba giờ rưỡi sáng
để tham gia tất cả thời khóa công phu tu tập của chùa. Người nỗ lực học
thuộc kinh điển, giới luật nhà Phật cùng những oai nghi cần thiết. Bước
chân Người cần phải nhẹ nhàng khoan thai, cử chỉ đĩnh đạc thanh nhã,
giọng nói từ tốn nhu hòa. Từng giây từng phúc, Người học và hành hạnh
nhẫn nhục, khiêm hạ và thiểu dục tri túc v.v… Không ngừng trì niệm hồng
danh Phật để thanh tịnh tam nghiệp, cùng lúc hành trì giới luật nghiêm
mật để tránh sa ngã vướng mắc vào ngũ dục thế gian. Cố gắng giữ chánh
niệm tỉnh thức trong từng ý niệm, hành động, lời ăn tiếng nói. Người lúc
nào cũng miệt mài nghiên cứu tụng niệm kinh điển, thực hành những lời
Phật dạy nhằm ứng dụng Phật giáo vào trong đời sống hằng ngày. Là Sứ giả
của Như Lai, Người nhìn đời bằng tình thương vô tận, sẵn sàng chia sẻ
hiến tặng những gì cao quý tốt đẹp nhất cho mọi người. Quý Thầy phải học
và hành bao nhiêu là hạnh cùng một lúc để tu dưỡng đạo đức và thanh
tịnh thân-khẩu-ý. Cùng lúc đó, Người cũng phải vượt qua biết bao là khó
khăn thử thách: nỗi nhớ nhà, nhớ người thân da diết, những cám dỗ của
ngũ dục, những xung đột, bất hòa nho nhỏ trong cuộc sống mới. Bằng nỗ
lực của tự thân và sự dìu dắt của Thầy và bạn, Người phải vươn lên và
chiến thắng chính mình để trở thành quyến thuộc của Phật. Các bạn thấy
không, con đường tu học và hành trì của người xuất gia lợi lạc là thế
nhưng cũng gian nan khó nhọc như thế đấy! Chính vì thế, Phật tử chúng
con rất hoan hỉ hộ trì chư Tăng tu tập. Chúng con kính mong quý Thầy hãy
an lòng tinh tấn tu hành, chuyên tâm niệm Phật, lánh xa nữ sắc, diệt
trừ ái dục, trưởng dưỡng đạo tâm và giữ vững hoài bão lí tưởng “thượng
cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Thiết tưởng đó không chỉ là sự mong
mỏi của chư Phật, chư Bồ tát, chư Tăng mà còn là cả tấm lòng chân thành
tha thiết của Phật tử chúng con!
Còn nữa, là một vị Tăng chân chính, Người vẫn sống trong dòng đời
và hòa nhập với dòng đời. Thời khóa làm việc trong ngày của Người rất đa
dạng, vất vả và chiếm nhiều thời gian. Nếu xuất gia ở một ngôi chùa lớn
như Hoằng Pháp, bên cạnh những hoạt động Phật sự (như giám luật, cầu
an, cầu siêu, phóng sanh, hộ niệm v.v…) cùng rất nhiều công việc hằng
ngày (như nấu ăn, giữ xe, xây dựng và sửa chữa nhỏ v.v…), quý Thầy còn
thường xuyên tổ chức những khóa tu niệm Phật định kỳ cho hàng ngàn Phật
tử tham dự; Ngoài ra, chư đại đức Tăng còn đi thuyết pháp và làm từ
thiện ở khắp các tỉnh thành trong và ngoài nước. Nếu xuất gia tại một tự
viện nhỏ ở miền quê hẻo lánh, quý Thầy phải vất vả tự lực cánh sinh:
gieo trồng các vụ mùa để có miếng cơm, manh áo hằng ngày nhằm duy trì
việc tu tập. Nói chung, chư Tăng rất siêng năng, chăm chỉ, năng động và
cầu tiến. Điều quan trọng nhất là: Người luôn là vị Thầy tinh thần đáng tin cậy cho giới Phật tử tại gia nương tựa học hỏi.
Nhờ hiểu sâu, hành đúng và có nhiều kinh nghiệm thực tập Phật pháp nên
quý Thầy luôn là kim chỉ nam soi đường từng bước dẫn dắt chúng con vượt
thoát sông mê tìm về bến giác. Tiếp chuyện với bao nhiêu là Phật tử (bao
gồm đủ mọi thành phần xã hội và tầng lớp tri thức), đa phần quý Thầy
vẫn giữ được tính khiêm hạ, nhẫn nhục và bao dung mỗi khi góp ý, chỉ dẫn
cho Phật tử chúng con sửa sai, làm đúng và sống hòa hợp với chánh pháp.
Người kiên nhẫn, tế nhị và nhu hòa uốn nắn từng oai nghi, từng tiếng
nói nụ cười và chỉ dẫn cách thức tu tập cho hàng Phật tử tại gia. Chư
Tăng xứng đáng là một bậc Thầy cao thượng và chân chính luôn nâng đỡ,
hướng dẫn và dắt dìu chúng sanh tiến bước trên lộ trình giác ngộ và giải
thoát.
Tóm lại, Tăng thân là một đoàn thể cao quý luôn sống trong chánh
niệm tỉnh thức. Tỉnh thức nhìn lại mình, tu dưỡng đạo đức, tự lợi lợi
tha, làm đẹp cho mình, làm đẹp cho người, làm đẹp cho cuộc đời, như
trong kinh Phật đã dạy:
Tăng là đoàn thể đẹp.
Cùng đi trên đường vui.
Tu tập hạnh giải thoát.
Làm an lạc cuộc đời.
Theo: chuahoangphap.com.vn