Cho trẻ đi tu
08/07/2013 22:13 (GMT+7)

Mùa hè, rất nhiều đạo tràng tại các chùa mở ra cho thanh thiếu niên tham dự, gọi là “khóa tu mùa hè”. Trong niềm vui và phấn khởi, vẫn còn một vài ưu tư cần chia sẻ…


Khóa tu “Hương sen mùa hạ” chùa Hoa Khai, tỉnh Đắk Nông

Thực tế những năm gần đây, không chỉ có khóa tu mùa hè ở chùa Hoằng Pháp (TP.HCM) đông mấy ngàn em mà nhiều tỉnh, quận huyện suốt từ Nam tới Bắc đều có những khóa tu tương tự. Số lượng trung bình từ 200 đến 500 em, thời gian từ 3 đến 7 ngày. Rất hoan nghênh chư Tăng Ni và Phật tử đã nỗ lực tổ chức như thế, để nhân lên số lượng người trẻ thực hành tu tập, tính ra đông gấp nhiều chục lần nếu chỉ dồn về Hoằng Pháp. Những năm trước, tôi đã viết bài Đạo tràng phải mở khắp nơi, thì bây giờ thực tế đã chứng minh chúng ta hoàn toàn có khả năng làm được điều ấy. Vui lắm, và tin tưởng vào tâm nguyện Bồ-tát của chư Tăng Ni, Phật tử.

Tuy nhiên, quan sát một số khóa tu, chúng tôi xin góp vài ý mọn như sau.

Hầu như các em về chùa để “tu” đều có lịch sinh hoạt phổ biến là: sáng thức dậy tập thể dục, tụng kinh, điểm tâm, nghe giảng pháp, ăn trưa, ngủ nghỉ. Chiều lại nghe giảng, hoặc trò chơi, văn nghệ, học kỹ năng, ăn chiều, rồi tụng kinh, sinh hoạt, có khi còn được ăn tối, rồi ngủ. Trừ những sinh hoạt cá nhân như tắm rửa, giặt quần áo, còn lại tất cả các công việc nấu nướng, dọn dẹp, rửa chén, lau chùi… đã có Ban thiện nguyện lo hết. Tóm lại, trong suốt khóa tu các em không làm gì động móng tay, luôn được phục vụ chu đáo từ miếng ăn tới giấc ngủ.

Điều ấy cũng là đương nhiên, vì trên lý thuyết là các em phải được dành trọn vẹn thời gian để “tu”. Nhưng, nếu hiểu chữ “tu” là sửa đổi thân tâm, thì theo thiển ý của chúng tôi, thời gian đó phải có những thay đổi khác đi. Sửa tâm, là giúp các em bớt ích kỷ, ganh tỵ, giận hờn, biết thương yêu gia đình, thầy cô, bạn bè, đất nước, biết hòa đồng, chia sẻ, giúp đỡ, tận tuỵ. Sửa thân, là bớt làm biếng, vụng về, biết làm việc này việc kia đỡ đần người khác, biết nhanh nhẹn, năng động, đúng giờ, kỷ luật, biết xử lý sự việc để vượt qua khó khăn v.v… Như vậy, sau một tuần tu tập, cả thân và tâm phải tiến bộ thì khóa tu đó mới gọi là có kết quả.

Đằng này, chúng ta hình như chưa rèn luyện cho các em đúng mức. Lý thuyết là giúp các em biết chia sẻ, thương yêu người khác, nhưng ngược lại, ở nhà các em cũng được cha mẹ “hầu” từ A tới Z (vì đa số là con một, con cưng), vô chùa cũng được Ban thiện nguyện “hầu” từ Z tới A, thì chia sẻ chỗ nào? Chia sẻ hay thương yêu cũng phải chứng minh bằng việc làm cụ thể chứ không bằng cái miệng. Nói “con thương mẹ quá” mà chẳng bao giờ giúp mẹ rửa chén, lau nhà, pha cho mẹ ly nước, thậm chí nhiều em 17, 18 tuổi còn được cha mẹ mua đồ điểm tâm bưng tới tận bàn. Vậy chưa phải là “tu”.

Và học kỹ năng cũng không thể trên lý thuyết. Kỹ năng đó chỉ được thực tập trên những công việc cụ thể. Tại sao chúng ta không cho các em tập làm những công việc đơn giản, xử lý những công việc đơn giản. Lấy ví dụ một việc đơn giản nhất là rửa chén. Hãy học theo đạo tràng của Hòa thượng Nhất Hạnh, mỗi hành giả ăn xong phải tự đem chén của mình đi rửa. Nhà bếp sắp xếp 3 thau nước liền kề nhau. Một thau là xà bông, hai thau kia là nước sạch để tráng lại. Cứ cho mỗi em đem chén của mình đến rửa trong 3 thau ấy, còn nhân viên thiện nguyện chỉ cần rửa những chén dĩa trên mâm mà thôi. Hoặc chia thời gian cho các em xắt gọt củ quả, lặt rau, vì đó là bữa cơm của chính các em kia mà. Nếu buổi sáng bớt đi nửa tiếng đồng hồ “tu” để làm việc này thì cũng đâu có phí. Tu đâu chỉ là ngồi tụng kinh, nghe giảng, mà tu còn là rèn thân tâm, giữ chánh niệm trong mỗi hành động. Lặt rau biết lặt rau, gọt bí biết gọt bí, xem ra còn hiệu quả hơn.


Khóa tu “Hương sen mùa hạ” chùa Hoa Khai, tỉnh Đắk Nông

Có thầy nói: “Sợ tụi nhỏ vụng về làm không được”. Xin thưa, con trai của tôi ngay từ 9 tuổi tôi đã dạy cho rửa những cái chén, cái dĩa vừa sức, trừ tô dĩa to thì để lại mẹ rửa. Đó là cách tôi dạy con biết chia sẻ gánh nặng với mọi người, biết điều khiển đôi tay khéo léo một chút. Và cháu tôi khi lên thành phố ở trọ nhà tôi để luyện thi, tôi cũng biến một “cậu ấm” thành người năng nổ làm từ thiện, biết xắt gọt củ quả, biết lau nhà, rửa chén, khiêng xách giúp mọi người. Trong quá trình thực tập làm việc nhà, con trẻ sẽ tăng trưởng kỹ năng xử lý công việc, sau này đỡ lúng túng trong các việc khác.

Nói học kỹ năng nhưng học ở đâu nếu không phải xuất phát từ những việc gần nhất trong gia đình, sau mới bung ra môi trường lớn hơn, xa hơn. Cho nên dễ hiểu tại sao những đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo khó, phải bươn chải rất sớm, lớn lên lại ít lúng túng, và thường có khả năng thành công. Và nói tâm yêu thương, chia sẻ ở đâu nếu không bắt đầu ngay từ người thân trong gia đình, nhà trường, nơi gần gũi nhất? Chúng ta chỉ cần phân công vừa sức, hướng dẫn chu đáo thì các em làm được hết, đừng quá lo lắng. Hầu hết khóa tu đều chọn các em từ 12 tuổi trở lên, thì làm các việc đó rất dễ dàng.

Thứ hai, về thời gian tu tập. Có nhiều em đã không chịu nổi 7 ngày “xa mẹ”, mới 3 ngày thôi đã trốn về, hoặc khóc lóc, bỏ ăn, bỏ ngủ. Chúng ta đừng quên đó vẫn là những đứa “con nít”, hễ xa mẹ là nhớ kinh khủng. Trừ khi các em đã làm quen một vài lần, hoặc đã quen vào chùa sinh hoạt, thì không mấy ngỡ ngàng. Còn những em mới đi lần đầu, hoặc chưa quen cảnh chùa, thậm chí những em “cá biệt” bị cha mẹ cho vô khóa tu tưởng rằng “Phật sẽ dạy cho nó tốt hơn”, thì dễ bị “sốc” như thế. Nhất là những đối tượng ghiền game, ghiền điện thoại di động, ghiền internet, thì khi vô khóa tu bị “cai nghiện” sẽ khổ sở vô cùng. Thực tế, nhiều em sau 3 ngày đầu chịu đựng, còn lại 4 ngày sau quay sang quậy phá chọc ghẹo các bạn, khiến quý vị giáo thọ cũng vất vả.

Nên chăng tổ chức khóa tu 7 ngày thành 2 đợt, đợt đầu 3 ngày, đợt sau 4 ngày, liền kề nhau, và cũng chỉ đăng ký một lần. Nhưng em nào không chịu nổi thì cứ kết thúc đợt đầu là cấp chứng nhận, ra về. Em nào thấy vui, khỏe, thì tiếp tục tham gia đợt sau. Như vậy, không có em nào bị mang tiếng là “bỏ cuộc”. Đây là một liệu pháp tâm lý không kém quan trọng trong giáo dục đào tạo.

Cũng khoảng thời gian đó, nhưng với phương thức tổ chức trọn gói thì em sẽ bị gọi là “bỏ cuộc”, bị mọi người chê bai. Trong khi với phương thức tổ chức chia 2 đợt tu, thì em đó lại được gọi là “hoàn tất”. Một đằng sẽ sinh tâm lý mặc cảm, năm sau chưa chắc em dám tham gia lần nữa, thậm chí có em còn ác cảm với chùa. Còn một đằng sẽ sinh tâm lý vui vẻ, tự tin, vì ít ra mình đã “tốt nghiệp sơ cấp”. Từ nấc thang sơ cấp đầu tiên đó, năm sau em sẽ tự tin phấn đấu tham gia hết 2 đợt. Đối với tâm hồn non nớt của người trẻ, rất cần sự giáo dục tế nhị như thế.

Nhìn chung, những khóa tu mùa hè mang đến cho giới trẻ niềm vui lành mạnh, tăng trưởng thiện duyên. Thật sự là một điểm đến lý tưởng và tin cậy cho các em và phụ huynh trong thời buổi phức tạp này.

Diệu Kim (GNO)

Các tin đã đăng: