I. MỞ ĐỀ
Nói đến tu hành là nói đến tội phước, nếu không rõ tội
phước tức là không rõ sự tu hành. Nếu người tu mà cứ lao mình trong tội lỗi, ấy
là người tạo tội chớ không phải là người tu hành. Mọi sự an vui và đau khổ gốc
từ tội phước mà sanh ra. Vì thế muốn thấu hiểu sự tu hành chúng ta phải thấu
hiểu tội phước. Tội phước là những hành động thiết thực trong cuộc sống này,
không phải là chuyện siêu huyền mờ ảo đâu đâu. Thế nên người tu hành phải thấu
đáo phải phân rành vấn đề tội phước.
II. THẾ NÀO LÀ TỘI?
Tội là hành động làm cho mình và người đau khổ trong hiện
tại và vị lai. Người làm tội cũng gọi là người dữ, người xấu. Tội, có tội ngoài
đời và tội trong đạo. Tội ngoài đời là những kẻ phạm luật pháp nhà nước, bị tù
đày đau khổ. Tội trong đạo có hai loại: tội do hứa nguyện gìn giữ mà không giữ,
tội làm đau khổ chúng sanh. Tội do hứa nguyện gìn giữ mà không giữ, như trước
nhận giữ năm giới hoặc mười giới là điều cao cả quí báu, ở trước Tam Bảo nguyện
trọn đời gìn giữ, mà sau này không giữ được một hoặc nhiều điều, gọi là tội
phạm giới. Tại sao phạm giới gọi là tội? Bởi vì trước mình đã nhận định những
giới luật đó là hay là đúng, nếu giữ được sẽ lợi ích cho mình và chúng sanh,
nên nguyện gìn giữ. Sau này mình không gìn giữ, thế là đã phá hoại sự lợi ích
của mình và của chúng sanh nên phạm tội. Thí dụ như giới ăn trộm chẳng hạn. Bất
cứ một hành động nào làm khổ cho người hiện tại hoặc mai kia đều là tội. Bởi vì
mình đã gây ra nhân đau khổ thì quả đau khổ mình phải lãnh lấy. Do làm khổ mình
khổ người nên gọi là tội. Tội có tội nhẹ và tội nặng.
a) Tội nhẹ
Những điều làm đau khổ cho người cho chúng sanh do thân
miệng chúng ta gây ra mà không cộng tác với ý là tội nhẹ. Bởi vì việc làm ấy là
vô tâm, hoặc không có ý thức. Việc làm vô tâm, khi nạn nhân cảm thông được, họ
sẽ bớt thù hận, nếu họ đại lượng có thể tha thứ luôn. Thí dụ chúng ta đi đường,
có đứa bé cầm hòn đất ném chơi, lại trúng vào chúng ta. Nếu chúng ta biết nó
không có ý ném mình, tuy đau điếng mà chúng ta không giận nó. Thế nên mọi hành
động bằng thân bằng miệng làm đau khổ cho người mà không có ý thức là tội nhẹ,
xin lỗi hoặc sám hối sẽ hết. Việc làm đau khổ chúng sanh chút ít cũng là tội
nhẹ.
b) Tội nặng
Những điều làm đau khổ cho người cho chúng sanh do thân
miệng cộng tác với ý chúng ta gây ra là tội nặng.
Bởi vì việc làm ấy là có cố tâm, có hữu ý, khiến người oán
giận không thể tha thứ. Thí dụ như có người cố tình đánh chúng ta, dù cái đánh
ấy bị cản trở không chạm đến thân chúng ta song biết kẻ ấy cố tình đánh mình,
chúng ta cũng giận họ đời đời. Vì thế hành động cố tâm, hữu ý là hành động quan
trọng nên tạo thành tội nặng.
Thế nên tội phát xuất từ ba nghiệp chúng ta. Nơi thân:
giết người, trộm cướp, tà dâm. Nơi miệng: nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt,
nói hung ác. Nơi ý: tham, sân và tà kiến. Sự hợp tác chặt chẽ của ba nghiệp này
là tội nặng.
III. THẾ NÀO LÀ
PHƯỚC?
Phước là những hành động đem lại sự an vui cho mình, cho
người ở hiện tại và mai kia. Người làm phước cũng gọi là người lành, người tốt.
Bởi vì những hành động đem lại sự an vui cho người, người sẽ quí mến. Chính sự
quí mến ấy nên gặp nhau vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ nhau. Chúng ta giúp đỡ hoặc
an ủi khiến người được an vui, người thù đáp lại chúng ta bằng cử chỉ biết ơn
vui vẻ quí mến, đó là làm phước gặp phước. Vì thế người biết làm phước hiện tại
được an vui, mai sau vẫn an vui. Làm phước có hai thứ: phước hữu lậu và phước
vô lậu.
A) Phước hữu lậu
Làm cho mình cho người an vui tương đối trong vòng sanh tử
là phước hữu lậu. Do ba nghiệp chúng ta hoạt động đem lại sự an vui cho người,
chính hành vi ấy là sanh diệt giới hạn, còn trong vòng sanh tử hiện tại cũng
như mai sau. Chúng ta phải nỗ lực tạo điều kiện cho mình và mọi người thường
được an vui. Muốn thực hiện được việc đó, ngay nơi ba nghiệp chúng ta phải ứng
dụng các điều này:
1. Về thân
a) Cứu mạng: Chúng ta phải sẵn sàng cứu giúp bảo vệ sanh mạng người.
Nếu người gặp tai nạn sắp mất mạng, theo khả năng mình, chúng ta tận tâm cứu
giúp. Giải cứu cho người thoát chết, hoặc ngừa đón những sự việc có thể làm
nguy hiểm đến sanh mạng người, đó là việc làm phước của thân. Bởi vì sanh mạng
đối với con người là tối thượng, cho nên ai giải cứu khỏi chết, là an vui và
biết ơn vô kể.
b) Bố thí: Kế đến, sẵn sàng cứu giúp người khi gặp cảnh cơ hàn nguy
khốn. Nỗi khổ đói rét cũng đe dọa đến sanh mạng, người đang lâm vào cảnh khổ
này, nếu được cứu giúp, họ cũng vui mừng vô hạn. Chúng ta muốn được an vui thì
phải sẵn sàng mang sự an vui bủa khắp mọi người, đó là nền tảng phước đức. Hạnh
phúc không phải đến riêng với chúng ta, mà do sự thù đáp từ hạnh phúc của mọi
người mang lại. Chúng ta đừng dại khờ cứ bo bo giữ lấy tài sản vô thường làm
của riêng mình, cần phải ban bố cho những người đang thiết tha cần nó. Những
cái vô thường mà cứ giữ, có ngày sẽ khổ đau khi nó không còn ở trong tầm tay
mình nữa. Mượn của cải vô thường làm phương tiện an vui cho người, nguồn an vui
ấy sẽ trở về với chúng ta một cách bền vững lâu dài.
c) Trinh bạch: Cần phải giữ hạnh trung thành trinh bạch. Người biết đạo
lý đã không dám xâm phạm đến danh giá và hạnh phúc của gia đình người, còn phải
trung thành trinh bạch với gia đình mình. Tinh thần trung trinh ấy giúp cho
người trong gia đình tín cẩn lẫn nhau. Do sự tín cẩn nhau nên trong gia đình
được sự an ổn vui tươi. Trong gia đình đã thế, chúng ta cần nhắc nhở chỉ dạy
cho mọi người chung quanh đều tập hạnh trung trinh này. Được thế, sự an vui
không những chỉ ở trong phạm vi gia đình, mà tràn lẫn đến xã hội.
2. Về miệng
Tu phước ở miệng phải tập bốn điều này:
a) Nói chân thật: Nói chân thật để đem lại niềm tin tưởng an ổn cho
người. Bất cứ ở trường hợp nào, chúng ta cũng cố gắng nói lên những lẽ thật.
Luôn luôn tôn trọng và yêu chuộng lẽ thật, cho nên phát ngôn lúc nào cũng hợp
với sự thật. Chân thật là nguồn gốc tin yêu nhau, do đó mọi sự mến thương được
bền bỉ.
b) Nói đúng lý: Nói đúng lý để giúp mọi người nhận được lẽ chánh. Trong
cuộc sống phức tạp này khiến mọi người khó tìm được con đường chánh. Cho nên
chúng ta cố gắng nói ra lời đúng lý, hầu làm sáng tỏ mọi chỗ ngờ vực của người.
Sống đúng, nói đúng, thật là sự hi hữu trong cuộc đời hỗn độn hiện nay. Chúng
ta mãi tôn trọng câu “mặc người phi pháp, chúng ta vẫn giữ đúng pháp”.
c) Nói hòa thuận: Nói hòa thuận để đem lại tình đoàn kết cho mọi
người. Tất cả việc làm phân ly chia rẽ đều là tạo nên thống khổ cho con người.
Chúng ta đã không làm thế, mà luôn luôn dùng lời hòa thuận để hàn gắn lại những
mối tình đã rạn nứt. Ngôn ngữ chúng ta phát ra đều đem lại tình thương gắn bó
cho mọi người. Thấy đâu có sự rạn nứt, có mầm tan rã, chúng ta đều nỗ lực dùng
lời hòa thuận là chất keo hàn gắn lại. Tận dụng ngôn ngữ mình để đem lại tình
đoàn kết an vui cho nhân loại.
d) Nói nhã nhặn: Nói nhã nhặn để đem lại sự ôn hòa vui vẻ cho
người. Mọi sự căm phẫn, bực tức đều làm cho người đau khổ. Chúng ta tập nói nhã
nhặn là làm dịu mọi sự bực dọc của người. Lời nói nhã nhặn khiến người dễ mến
và vui vẻ. Trọn đời chúng ta đem lại sự an vui cho chúng sanh, không có lý do
nào lại dùng lời thô ác. Chúng ta phải thực hiện lời nhã nhặn mãi mãi với mọi
người.
3. Về ý
Chúng ta phải tập từ bi, nhẫn nhục và chánh kiến. Mang lại
tình thương cho chúng sanh là tiêu diệt mầm tham lam độc ác. Nỗi khổ của chúng
sanh ngập trời đều do lòng tham ác của con người tạo nên. Chúng ta tận lực gây
dựng tình thương để giảm thiểu đau khổ cho chúng sanh. Tập lòng nhẫn nhục để
chịu đựng mọi cảnh ngang trái mà không sanh sân hận. Có nhẫn nhục được, chúng
ta mới giữ được tình thương lâu dài với chúng sanh. Chánh kiến là nhận định
đúng đắn, đưa chúng ta đi đúng hướng, sáng suốt vui tươi. Do chánh kiến mới có
nói đúng, làm đúng. Ba nghiệp tạo phước, chánh kiến là đội binh tiên phong. Tóm
lại, ba nghiệp làm mười điều trên là tu phước hữu lậu. Phước này khiến chúng ta
qua lại trên con đường an vui tươi đẹp. Mặc dù còn tương đối sanh tử, song đến
đâu cũng là hài lòng mãn ý.
B) Phước vô lậu
Phước vô lậu là sự an vui tuyệt đối không giới hạn. Do
thoát ly sanh tử nên an vui miên viễn. Bởi sự an vui nào mà còn sanh tử
đều tạm bợ đối đãi. Chỉ có tiêu diệt hết mầm sanh tử, an trụ vô sanh, mới là an
vui viên mãn. Tu phước vô lậu là chúng ta nhắm hướng vô sanh làm mục đích, hàng
ngày buông xả cái chủ động sanh diệt và dùng trí thấy rõ các tướng giả dối sanh
diệt, không lầm, không kẹt nó. Cứ thế tiến mãi, cho đến bao giờ viên mãn mới
thôi. Mình làm như vậy, chỉ dạy người làm như vậy là tu phước vô lậu.
IV. CẦN TRÁNH TỘI
LÀM PHƯỚC
a) Tránh tội
Đã biết tội là nhân khổ đau bất như ý, chúng ta cố gắng
tránh đừng gây nên tội. Cuộc đời đã khổ đau lắm rồi, chúng ta không thể làm cho
nó tươi đẹp, ít ra cũng đừng tô thêm cho đậm nét khổ đau. Tránh gây khổ đau cho
người tức là tránh tạo khổ cho mình. Có ai ngu dại đến nỗi lấy dây tự trói, lấy
roi tự đánh, để rồi kêu khóc thở than. Mầm khổ đau không gieo thì cây khổ đau
làm sao đâm chồi nảy lộc. Biết thế, chúng ta dè dặt tối đa trong việc gieo nhân
đau khổ. Dù một tội nhỏ, tránh được, chúng ta cũng cố gắng tránh. Như trong
Luật nói: “Giọt nước tuy nhỏ, rơi mãi cũng đầy chậu lớn.” Người biết sợ tội là
người sẽ khỏi tội. Chỉ có kẻ liều mạng xem thường tội lỗi, càng lún sâu trong
tội lỗi. Đã có tội lỗi là có khổ đau, như có hình thì có bóng, có tiếng thì có
vang. Người học đạo phải sáng suốt thấy rõ lý lẽ ấy, để không lầm, làm khổ mình
khổ người.
b) Làm phước
Hạnh phúc an vui là điều ai cũng ước mơ, mong mỏi. Người
học đạo không ước mơ mong mỏi suông, phải thực tế gầy dựng hạnh phúc cho người
tức là gầy dựng hạnh phúc cho mình. Hạnh phúc không thể ngẫu nhiên đến với
chúng ta, mà do công phu bồi đắp. Một hành động, một lời nói, một ý nhiệm mầu
đem an vui lại cho người, chính là gây dựng hạnh phúc cho ta. Trong cuộc đời
tương phản, kẻ buông xả hết lại là người được nhiều nhất. Ngược lại, người cố
giữ gìn lại là người mất mát nhất. Tạo hạnh phúc cho mình, không phải bo bo gìn
giữ những cái gì của mình mà phải xả bỏ cái của mình, tạo cho người an vui.
Chúng ta làm cho trăm ngàn người an vui, quả thực đã tạo trăm ngàn điều an vui
cho chúng ta. Vì thế làm phước không bao giờ thấy đủ, chúng ta làm mãi đến suốt
đời, mà vẫn thấy chưa xong. Có một lần đức Phật đang ngồi trong một tịnh xá, ở
phòng khác ngài A-na-luật đang xỏ kim vá y, vì mắt không tỏ, Ngài xỏ hoài mà
chẳng được. Ngài buột miệng than: “Có ai mắt sáng làm phước xỏ kim hộ tôi.” Đức
Phật nghe, Ngài đi đến chỗ A-na-luật bảo: “A-na-luật! Đưa kim ta xỏ hộ”. Thế
Tôn đầy đủ vô lượng phước đức, mà còn mót từ cái phước xỏ kim. Thử hỏi chúng ta
là người gì mà không cố gắng làm phước? Phước càng to thì an vui càng lắm, có
thiệt thòi gì đâu mà không chịu làm!
V. KẾT LUẬN
Tội phước là điều thực tế trên cõi nhân gian. Cổ động
khuyến khích người tránh tội là hành động giảm thiểu khổ đau cho nhân loại. Tán
thán ca ngợi làm phước là mang lại hạnh phúc an vui cho chúng sanh. Lý đáng mọi
người chúng ta đều tận lực làm điều này. Vô lý những kẻ đã không làm, lại công
kích người khác làm. Còn ai không xót xa khi thấy con người sát phạt con người.
Người có lương tâm, đầy lòng trắc ẩn không thể ngó lơ trước huynh đệ tương tàn.
Cho nên tránh tội làm phước là điều mỗi con người chúng ta phải ứng dụng. Biết
tội phước là cội nguồn của đạo đức. Song chúng ta đừng bị phỉnh gạt bằng những
tội phước rỗng. Tội là cấy mầm đau khổ nơi con người, phước là gieo hạt hạnh
phúc cho chúng sanh. Thực tế như vậy, không phải việc huyễn hoặc viễn vông.