Người xuất gia nguyện “hủy hình giữ khí tiết”, cạo tóc và mặc y hoại sắc, giữ gìn phạm hạnh để thăng hoa tâm linh, thành tựu tuệ giác. Nét đẹp của người xuất gia toát lên từ uy nghi và phạm hạnh chứ không phải y áo với “màu sắc chói mắt”, hình tướng lộng lẫy bên ngoài.
Từ thời Thế Tôn còn tại thế cho đến nay, pháp y của hàng xuất gia căn bản vẫn là hoại sắc. Hoại sắc có nghĩa đơn giản là không còn chính sắc, làm cho chính sắc giảm bớt cấp độ đẹp đẽ và chói sáng của nó để khiến cho người mặc thanh bần, dung dị và bớt đắm trước hơn.
Ấy vậy mà xưa nay, từ Tôn giả Nan-đà cho đến không ít các tôn giả thời hiện đại vẫn chuộng cách “đắp y thật đẹp, màu sắc chói mắt, mang giày viền vàng” để trang nghiêm thân tướng. Chẳng hay điều ấy Phật không hài lòng, thậm chí còn nghiêm khắc quở trách nặng nề.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Tôn giả Nan-đà, đắp y thật đẹp, màu sắc chói mắt, mang giày viền vàng, lại vẽ hai mắt, tay ôm bình bát định vào thành Xá-vệ.
Khi ấy rất đông chúng Tỳ-kheo từ xa trông thấy Tôn giả Nan-đà, khoác y cực đẹp vào thành Xá-vệ khất thực, liền đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên. Phút chốc, ngồi lui lại mà bạch Thế Tôn:
- Vừa rồi Tỳ-kheo Nan-đà đắp y cực đẹp, màu sắc chói mắt, vào thành Xá-vệ khất thực.
Khi ấy Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:
- Thầy mau đến chỗ Tỳ-kheo Nan-đà, nói rằng Như Lai gọi Thầy.
- Xin vâng, Thế Tôn.
Tỳ-kheo ấy nhận lời Thế Tôn dạy, cúi lạy rồi đi, đến chỗ Tỳ-kheo Nan-đà, nói với Nan-đà:
- Thế Tôn gọi Thầy.
Nan-đà nghe Tỳ-kheo nói, liền đến chỗ Thế Tôn, đến xong cúi lạy và ngồi một bên. Thế Tôn bảo Nan-đà:
- Nay Thầy vì sao đắp y cực đẹp, lại mang giày viền vàng vào thành Xá-vệ khất thực?
Tôn giả Nan-đà làm thinh chẳng đáp.
Thế Tôn lại nói nữa:
- Thế nào Nan-đà? Thầy há chẳng do niềm tin kiên cố, xuất gia học đạo sao?
Nan-đà đáp:
- Đúng vậy, Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
- Này Thầy là con nhà vọng tộc, chẳng hành đúng luật, do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, vì sao lại mặc áo cực đẹp, tô sửa hình vóc, muốn vào thành Xá-vệ khất thực, cùng bọn bạch y kia đâu có khác gì?
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Ngày nào thấy Nan-đà,
Hay trì hạnh tịch tĩnh,
Tâm vui pháp Sa-môn,
Đầu-đà đến bờ kia.
Nan-đà, nay Thầy chớ tạo hạnh như vậy!
Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà và bốn bộ chúng nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Tàm quý,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.282)
Rõ ràng, người xuất gia mà y phục gấm lụa xênh xang thì Phật rầy: “Chẳng hành đúng luật, do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, vì sao lại mặc áo cực đẹp, tô sửa hình vóc, cùng bọn bạch y kia đâu có khác gì”. Lời Phật quở trách thật nặng mà cũng thật từ bi, và rất đáng để chúng ta suy ngẫm trong bối cảnh áo mão lên ngôi khá phổ biến hiện nay.
Vẫn biết tất cả đều là phương tiện, cần thiết cho một số lễ nghi nhưng không nên sa đà, không quá lạm dụng áo mão để đánh mất đi hình ảnh đặc trưng “đầu tròn, áo vuông” vốn dĩ thanh bần của người xuất gia thoát tục.
Lời khuyên “Thầy chớ tạo hạnh như vậy!” của Thế Tôn đã mấy ngàn năm qua nhưng xem ra vẫn còn đồng vọng quanh đây. “Tôn giả Nan-đà và bốn bộ chúng nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”. Còn chúng ta, đã từng nghe, hiểu và suy ngẫm lời Phật, vấn đề là liệu có đủ bi trí dũng để ứng dụng thực hành hay không?
Quảng Tánh