Phật Thích Ca và Phật A Di Đà
Tâm Minh St
17/07/2013 08:41 (GMT+7)


1. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni:

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc giáo chủ cõi Ta Bà. Người từng sống trên trái đất này và đã sáng lập ra Phật Giáo. Theo thuật ngữ Phật giáo, trái đât chúng ta đang sinh sống gọi là cõi Ta Bà. Đức Phật Thích Ca giáo hóa chúng sanh trong cõi giới này, nên người đời tôn xưng Đức Phật Thích Ca là bậc giáo chủ cõi Ta Bà.

 

Ngài giáng sinh ở xứ trung Ấn Ðộ, bây giờ là nước Népal, một nước ở ven sườn dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, là một dãy núi cao nhất thế giới. Phật Thích Ca là Thái tử con Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Da. Vua Tịnh Phạn thuộc dòng Thích Ca, là một dòng họ lớn đã mấy mươi đời nối nghiệp trị vì đất nước này. Bà Hoàng Hậu Ma Da cũng là một người thuộc dòng vua chúa đã lâu đời. Cả hai vợ chồng vua Tịnh Phạn đều là người đã nhiều kiếp tu hành, có đức hạnh lớn, xứng đáng làm cha mẹ của một Đức Phật, của muôn dân. Như vậy Ðức Thích Ca là một vị Phật lịch sử chứ không phải là một vị Phật huyền thoại. 

Đức Phật khi còn là Thái Tử, mỗi năm mỗi lớn diện mạo càng thêm khôi ngôi, tài năng càng phát lộ gấp bội. Ngài có một sức khỏe hơn người, một trí thông minh xuất chúng. Từ nghề văn cho đến nghiệp võ, Thái Tử học với giáo sư nào thì trong ít hôm sau, vị giáo sư ấy phải xin cáo thối, vì không còn đủ sức để dạy nữa. Mặc dù tài sức hơn người, thông minh xuất chúng lại ở trong địa vị cao sang quyền quý tột bậc, Thái Tử không bao giờ tỏ vẻ ngạo mạn, khinh người. Ngài có một thái độ rất hòa nhã ôn hòa, bình đẳng. Lòng thương người, thương vật của Ngài không ai sánh kịp, khi có dịp giúp đỡ, thì dù khó khăn bao nhiêu Ngài cũng không từ nan. Bởi thế, Ngài được trên Vua cha yêu quý, dưới thần dân kính trọng, nể vì.

Càng thương yêu, quý trọng con, Tịnh Phạn Vương lại càng lo sợ con mình sẽ không ở lại với mình, mà sẽ xuất gia tìm Ðạo để thành một vị Thánh, như lời tiên đoán của đạo sĩ A Tư Ðà. Nhất là khi nhận thấy càng lớn, Thái Tử lại càng có vẻ suy nghĩ xa xăm, và nét mặt Thái Tử lại không được vui tươi như thời thơ ấu, Vua Tịnh Phạn lại càng lo sợ rằng lời tiên tri xưa sẽ thực hiện. Bởi thế, Vua cùng triều thần ngấm ngầm sắp đặt mọi kế hoạch để ràng buộc Thái Tử ở lại ngôi báo. Ngài truyền xây dựng ba tòa lâu đài nguy nga tráng lệ để Thái Tử thay đổi nơi ăn chốn ở cho hợp thời tiết quanh năm, và chọn từng trăm cung phi mỹ nữ có tài đàn ca hay, múa giỏi để giải khuây cho Thái Tử. Nhưng chừng ấy cũng chưa đủ Ngài còn làm lễ thành hôn cho Thái Tử với một Công chúa con vua Thiện Giác là Da Du Ða La, một Công chúa tuyệt đẹp và đức hạnh vô cùng. Thế là Thái Tử bị bắt buộc phải lập gia thất và có một người con tên là La Hầu La.

Mặc dù sống một cuộc đời quá đầy đủ: nào chức tước danh vọng, nào lâu đài cung điện, nào đàn ca múa hát, nào vợ đẹp con ngoan, Thái Tử vẫn thấy lòng mình nặng trĩu bao nỗi băn khoăn, thắc mắc. Ngài cho cảnh đời Ngài đang sống đây không phải là hạnh phúc chân thật, mà là giả dối, mê muội, chỉ làm cho kiếp sống thêm nặng nề đau khổ. Ngài thấy cần phải tìm một lối thoát, một cuộc sống chân thật, có ý nghĩa và cao đẹp hơn.

Một hôm, Thái Tử xin phép vua cha đi dạo chơi bốn cửa thành để được tiếp xúc với thần dân.

– Đến cửa Ðông, Ngài gặp một ông già tóc bạc, răng rụng, mắt lờ, tai điếc, lưng còng, nương gậy lần từng bước ngập ngừng như sắp ngã.

– Ðến cửa Nam, Thái Tử thấy một người đau nằm trên cỏ, đang khóc than rên siết, đau đớn vô cùng.

– Ðến cửa Tây, Ngài trông thấy một cái thây chết nằm giữa đường, ruồi lằng bu bám, và sình lên, trông rất ghê tởm.

Ba cảnh khổ già, đau, chết, cộng thêm vào cái ấn tượng tương tàn trong cuộc sống mà Thái Tử đã nhận thấy khi đi xem l cày ruộng, làm cho Ngài đau buồn, thương xót chúng sanh vô cùng.

– Đến cửa Bắc, gặp một vị tu sĩ tướng mạo nghiêm trang, điềm tỉnh thản nhiên như người vô sự đi ngang qua đường. Thái tử thấy trong lòng nẩy sinh một cảm mến đối với vị tu sĩ. Ngài vội vã đến chào mừng và hỏi về ích lợi của sự tu hành. Vị Sa môn đáp rằng: "Tôi tu hành là quyết bỏ dứt mọi sự ràng buộc của cõi đời, cầu cho mình khỏi khổ và thành chánh giác để phổ độ chúng sanh đều được giải thoát như mình". Lời giải đáp trúng với hoài bão mà Thái Tử đang ấp ủ bấy lâu, nên Ngài khôn siết vui mừng. Ngài liền trở về cung xin vua cha cho mình xuất gia. Vua Tịnh Phạn không nhận lời. Thái Tử yêu cầu vua cha 4 điều nếu vua giải quyết được thì Ngài hoãn việc đi tu, để trở lại lo chăm dân, trị nước. Bốn điều này là:

+ Làm sao cho con trẻ mãi không già            
+ Làm sao cho con mạnh mãi không đau       
+ Làm sao cho con sống hoài không chết      
+ Làm sao cho mọi người hết khổ.

Bốn điều này làm cho vua cha bối rối, không giải quyết được điều nào cả.Tịnh Phạn Vương, khi biết được ý định xuất gia của Thái Tử, lại càng lo sợ, lại tìm hết cách để ngăn cản, ràng buộc Ngài trong "cung vui". Nhưng một khi Thái Tử đã quyết thì không có sức mạnh gì ngăn trở được Ngài.

Một đêm khuya thừa dịp quân lính canh gác và cung phi mỹ nữ say ngủ sau một tiệc linh đình, Thái Tử lén trổi dậy, nhìn vợ con lần cuối, rồi đánh thức Xa Nặc – người hậu cận dậy, thắng yên cương, rồi hai thầy trò trốn ra khỏi thành. Lúc bấy giờ nhằm đêm mồng tám tháng h ai, và Ngài được 19 tuổi.

Trải qua sáu năm khổ hạnh rừng già, Thái tử đã ngồi nhập định 49 ngày đêm dưới gốc cây Bồ Ðề. Trong 49 ngày ấy Ngài đã chiến đấu với bọn giặc phiền não ở nội tâm như tham, sân, si, nghi, mạn...và chiến đấu với giặc Thiên Ma do Ma Vương Ba Tuần chỉ huy.

Sau khi thắng cả giặc ở nội tâm cả ngoại cảnh, tâm trí được khai thông, Ngài hốt nhiên đại ngộ. Từ đây Ngài được Ðạo vô thượng, thành bậc "Chánh Ðẳng Chánh Giác", hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngày thành đạo của Ngài tính theo âm lịch là ngày mồng 8 tháng 12, vào lúc sao mai mọc. Lúc ấy Ngài được 30 tuổi và kể từ đây Đức Phật Thích Ca du hành khắp mọi miền trên đất nước Ấn Độ thuyết pháp độ sanh. Đến năm 80 tuổi Đức Phật nhập diệt tại Câu-thi-na xứ Ấn Độ vào năm 486 hay 483 trước Công nguyên).

Mặc dù cuộc đời Đức Phật có nhiều huyền thoại bao phủ nhưng các nhà khảo cổ học và nhân chủng học - vốn hay có nhiều hoài nghi và thành kiến - cũng đều nhất trí công nhận Đức Phật là một nhân vật lịch sử và người đã khai sáng Phật giáo.

2. Đức Phật A Di Đà:

Đức Phật A Di Đà là giáo chủ cõi Cực lạc Tây phương. Trong cuộc đời hoằng Đạo của Đức Phật Thích Ca, rải rác trong các Kinh điển, Ngài đã giới thiệu cho tín đồ của mình về Đức Phật A Di Đà và cõi nước Đức Phật A Di Đà đang giáo hóa chúng sanh.

 

Trong Kinh Bi Hoa ghi, thuở xưa, có vua Vô Tránh Niệm và đại thần Bảo Hải, đồng đối trước Như Lai Bảo Tạng, phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Vua Vô Tránh Niệm phát nguyện: “Khi thành Phật, tôi nguyện ở nơi thế giới An Lạc, thanh tịnh, luôn nhiếp thọ chúng sinh trong mười phương thế giới”. Còn đại thần Bảo Hải nguyện: “Khi thành Phật, tôi nguyện ở vào thế giới năm trược (Tức trái đất chúng ta đang sinh sống. Vì cõi này đầy dẫy những điều xấu ác nên gọi là cõi năm trược: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược) để độ chúng sinh thoát khổ não”. Vua Vô Tránh Niệm ngày đó giờ là Phật A Di Đà, đại thần Bảo Hải chính là Phật Thích Ca. Hai vị tuy đồng đại nguyện nhiếp độ chúng sinh, nhưng một vị chỉ ra cõi khổ để chúng sinh nhàm chán, một vị bày mở cõi vui để khuyến dụ chúng sinh tu tập qui hướng về cõi của Ngài.

Trong kinh Vô Lượng Thọ, thuở Phật Thế Tự Tại Vương còn trụ thế, có vị quốc vương nghe Phật nói pháp, lòng thường vui vẻ, phát tâm Bồ-đề và khước từ ngôi vua, xuất gia thành Tỳ Kheo có Pháp danh là Pháp Tạng. Ngài thông kinh điển, tài đức vượt hơn người. Phật Thế Tự Tại Vương, theo bản nguyện của Ngài, dạy cho cách trang nghiêm diệu độ. Về sau, Ngài thành Phật với Thánh hiệu A Di Đà, hiện Ngài là giáo chủ cõi Cực lạc Tây phương. Đức Phật A Di Đà có phát 48 đại nguyện nhằm giúp chúng sinh tu hành giải thoát. 

Trong Kinh A Di Đà, Phật Thích Ca giới thiệu về cõi Tây phương Cực Lạc nơi Đức Phật A Di Đà làm giáo chủ hóa độ chúng sanh tu hành như sau: Này Trưởng lão Xá Lợi Phất (đệ tử xuất chúng của Phật Thích Ca): “Từ đây (từ trái đât chúng a đang sinh sống) tới phương Tây, trải qua mười vạn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc. Trong cõi đó, có đức Phật hiệu A Di Đà, hiện đang nói pháp.” Vì chúng sanh trong cõi nước đó không có những sự khổ, chỉ thọ hưởng các điều vui, nên cõi đó tên là Cực Lạc. cõi nước Cực Lạc đó có bảy lớp dậu rào, bảy lớp mành lưới, bảy lớp hàng cây, đều bằng bốn chất báu, bao vòng khắp nơi, vì thế nên cõi nước đó tên là Cực Lạc. Cõi nước Cực Lạc đó có ao bảy chất báu, trong ao tràn đầy tám nước công đức, đáy ao thuần bằng cát vàng trải làm mặt đất. Những lối đi bốn bên bờ ao là vàng, bạc, lưu ly, pha lê hợp thành. Trên đó, có lầu các, cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, trân châu, mã não. Trong ao, có hoa sen lớn như bánh xe: hoa sắc xanh ánh sáng xanh, hoa sắc vàng ánh sáng vàng, hoa sắc đỏ ánh sáng đỏ, hoa sắc trắng ánh sáng trắng, hương thơm vi diệu tinh khiết. Cõi nước Phật đó thường trổi nhạc trời, mặt đất bằng vàng, ngày đêm sáu thời có mưa hoa Mạn Đà La. Chúng sanh trong cõi đó, thường mỗi sáng sớm, lấy vạt áo đựng những hoa kỳ diệu đó, cúng dường mười vạn ức Phật ở các phương khác. Đến giờ ăn, liền trở về nước của mình, ăn cơm, rồi kinh hành. Cõi nước đó thường có nhiều giống chim kỳ diệu, đủ các màu sắc: chim Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Võ, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già, Cộng Mạng. Các loài chim đó ngày đêm sáu thời hót ca thanh âm hòa nhã. Trong thanh âm đó diễn nói các pháp: Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, các pháp như thế. Chúng sanh trong cõi đó nghe thanh âm ấy, tất cả đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Cõi nước Phật đó có gió nhẹ thổi các hàng cây báu và các mành lưới báu, phát ra thanh âm huyền diệu, như trăm nghìn thứ nhạc cùng lúc hòa chung. Nghe thanh âm đó, mọi người đều tự nhiên khởi tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng…

Đức Phật Thích Ca dạy tiếp: Xá Lợi Phất, nếu có chúng sanh nào nghe nói đến Phật A Di Đà, rồi thành tâm niệm Thánh hiệu của Phật A Di Đà: “Nam Mô A Di Đà Phật”. Niệm một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, tâm chuyên nhất chẳng loạn. Người đó, lúc lâm chung tâm không điên đảo, liền được được Phật A Di Đà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt đưa vong linh tái sanh về cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Đà. 

Đức Phật Thích Ca sau khi chứng Thánh quả, Ngài có khả năng vận dụng trí tuệ, thần thông thấy biết sự vận hành của tất cả sự vật, hiện tượng, nhân sinh trong vũ trụ một cách chuẩn xác. Nhờ khả năng đặc biệt này nên Ngài thấy rõ quá trình tu hành của Đức Phật A Di Đà qua nhiều kiếp. Thấy rõ môi trường sống và đời sống sinh hoạt của chúng sanh ở Tây Phương Cực Lạc do Đức Phật làm giáo chủ. Như vậy, Phật A Di Đà là vị Phật được Đức Phật Thích Ca giới thiệu cho chúng ta. Theo lời dạy của Phật Thích Ca, nếu người nào muốn sau khi chết được tái sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc thì trong quá trình sống, làm việc luôn hướng về điều thiện, làm điều thiện, siêng năng niệm Thánh hiệu: Nam Mô A Di Đà Phật, thì khi chết chúng ta sẽ đước tái sanh về cõi Tây Phương Cưc Lạc này. Sau khi tái sanh đến cõi này, chúng ta tiếp tục cùng mọi người tu hành theo sự hướng dẫn của Phật A Di Đà cho đến khi chứng đắc Thánh quả giải thoát. 


Theo: Thích Nữ Đức Trí – 0905020701 – 2012.

Các tin đã đăng: