Nhân quả: Biết sống chung sẽ hạnh phúc
Thích Pháp Bảo
09/03/2013 21:21 (GMT+7)

Con đường thực hiện Nhân quả trong đời, trong mỗi cá nhân, là phép lệ đầu tiên mà bất cứ ai, thành phần nào cũng có thể nắm rõ các nguyên lý ấy và sử dụng tích cực một cách khoa học. Nhằm có thể giải quyết và cải thiện được môi trường đan xen những tâm thức, giữa cái giàu và nghèo, bệnh tật, tôi tớ, hư đốn, danh vọng…


                                 

“Bản tính con người sinh ra vốn hiền lương, thánh thiện. Nhưng cũng do từ bão đời, do lòng "tham, sân, si"  nhấn chìm, che mờ các đức hạnh cao đẹp trong mỗi con người”.

Theo quan niệm của Đạo Phật  là chúng sanh nào, dù lớn hay nhỏ, dù quyền quý hay nghèo bần, đẹp hay xấu…"ai cũng có cái tâm, ham sống sợ chết" để đổi lại cuộc sống an toàn.

 Khi Đức Phật giác ngộ thì Ngài nhận ra luật nhân quả là nền tảng của thế giới tâm linh và vật chất.

Trong nhà Thiền có điển tích rằng: Ở một ngôi chùa nọ, chỉ có hai thầy trò sống với nhau, tình thầy trò rất gắn bó. Một hôm, vị sư phụ biết nghiệp mạng của người đệ tử sắp mãn (chết - PV), bèn gọi chú lại gần rồi bảo: “Thôi! Việc chấp tác ở trong chùa còn lại thì để đó cho thầy lo cho, bây chừ thầy cho phép con thu xếp hành lý để về quê thăm cha mẹ một chuyến”.

Chú vui mừng, hớn hở lắm vì nhiều năm sống xa cha mẹ nên chú không được hầu thăm cha mẹ của mình đang sống ở khác làng. Vừa đi, chú vừa tung tăng, đùa giỡn trên đường.

Cạnh đó có một con sông nhỏ. Bỗng nhiên, chú đứng yên lại, nhìn đàn kiến đang từ từ bò ngang qua rạch sông. Chú thấy có những con đủ sức mạnh thì có thể qua được rạch nước, vài con khác bị té ngã lăn xuống dòng nước vì còn yếu và không đủ thế để băng qua mương nước đó được.

Chú thấy xót xa trong lòng, có lẽ vì tình thương lẽ sống, chú đành nán lại chút thời gian có hạn, bèn tìm lấy nhành cây khô để bắt gác ngang, làm con đường cho chúng tạm vượt qua đến bên kia bờ. Thế là có nhiều con kiến may ra sống sót.

Chú vội vàng khăn gói lên đường đi tiếp để về nhà cho kịp. Vài hôm sau, chú trở lên chùa và gặp chào sư phụ. Thầy của chú mới bất ngờ, nhìn chú một cách ưu tư, không biết chú có nói dối thầy không, cho về nhà thăm bố mẹ mà không về, chắc là đi chơi gần đâu đây thôi.

Thầy chú vỗ lưng "con mới về đấy ư"? Sau đó, thầy mới nghe chú thuật lại câu chuyện bữa đầu tiên về nhà, thấy bầy kiến đáng thương đang từ từ lội qua nhánh sông, chú liền tháo hành lý xuống rồi ra tay cứu giúp.

Sau khi nhắm mắt nghe hết sự tình câu chuyện của chú vừa kể thì sư thầy mới nghiệm tính ra rằng: Thay vì một kiếp người của chú đã chấm dứt rồi, nhưng do lòng từ bi thương hại chúng sanh nên nhờ vậy mà phước duyên chú được bình thường trở lại hoặc vì cứu chúng sanh thoát khỏi tai nạn mà tuổi thọ của chú đã tăng lên.

Đây là một bài học về Nhân quả làm người và biết sống chung hạnh phúc. Những câu chuyện xưa cũng thường khuyến cáo và có khả năng ngăn ngừa tội phạm và sự đối xử tồi bại giữa con người với con người, giữa con người với con vật.

Gần đây, đất nước Ấn độ lại xảy ra một vụ hãm hiếp bi thảm và dẫn đến cái chết của cô gái Jyoti Singh Pandey, nữ sinh ngành y khoa xinh đẹp, chỉ vừa mới 23 tuổi.

Lòng tham lam, dục vọng của con người ở thời gian gần đây hầu như đang khiến cả thế giới quan ngại và các nhà lập pháp, ngành giáo dục, đức trị…đang cố gắng tìm ra những giải pháp đối trị. Đồng thời, khắc phục tình trạng đáng lên án, là một báo động lớn cho xã hội văn minh tiến bộ về vật chất cũng như văn hóa ngày nay.

Không riêng gì với tại làng Kolkata, New Delhi, trong năm vừa rồi tại Việt Nam xung quanh nhiều vụ án giết người tàn bạo, man rợ và gây chấn động lương tri. Ví như vụ Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện và còn bao nhiêu vụ phi nhân tính khác nữa...

Tất cả đã để lại các tàn dư cho xã hội ngày nay về những tư tưởng đồi bại và tiếp tục làm xáo trộn ảnh hưởng đến mặt tinh thần, tình cảm, lối sống của con người. Đáng tiếc vẫn chưa có đủ những bài học pháp luật, những bài giảng về lý thuyết công dân trong ghế nhà trường được áp dụng trong thực tiễn.

Hay hơn hết các ban ngành chức năng về ngành giáo dục, xã hội học và các bài thuyết pháp về đạo đức, nhân quả, nghiệp báo, tình người, văn thơ đời Lý- Trần cần được áp dụng cơ bản vào trường học, cơ quan công sở để tạo thành những tiêu chí trước tiên “dạy cách làm người”.

Hiện nay, hầu như các bài học đó đang bỏ trống hoặc dạy một cách sơ sài mà không có cách áp dụng các giá trị đó vào trong cuộc sống, ví dụ chỉ đưa vào chuyên mục đọc thêm hay tự nghiên cứu.

Con đường thực hiện Nhân quả trong đời, trong mỗi cá nhân, là phép lệ đầu tiên mà bất cứ ai, thành phần nào cũng có thể nắm rõ các nguyên lý ấy và sử dụng tích cực một cách khoa học. Nhằm có thể giải quyết và cải thiện được môi trường đan xen những tâm thức, giữa cái giàu và nghèo, bệnh tật, tôi tớ, hư đốn, danh vọng…

Đó là những cách nhìn để sống lành mạnh và tử tế với nhau hơn và làm cho nhân cách con người được tôn trọng và bảo vệ. Chẳng hạn, văn học Việt Nam chúng ta có rất nhiều câu chuyện dễ thực hành ngay trong tự thân.

Nó cảnh báo được tình trạng xâm phạm nhân phẩm, đối xử mất bình đẳng, nạn bạo hành gia đình, nạn nạo phá thai, buôn bán động vật hoang dã… làm con người tê liệt và đau khổ.

Cho nên các bài Pháp mà Đức Phật dạy sẽ phần nào cải thiện và đem tâm thức thánh thiện ban đầu của con người. Tác động những ý thức trở nên trong sáng, lành mạnh nhằm tạo ra những nếp sống có giáo dục từ thai giáo, gia đình giáo cho đến xã hội giáo.

Có như vậy, phần nào lòng tin của con người mới có chỗ đứng an toàn trong bản thân của mỗi chúng ta mà có thể tránh xa tình hình lạm dụng tình dục, nghiện ngập, chém giết, suy thoái đạo đức...

Qua các câu chuyện kể nhân gian như Tấm Cám, Ăn Khế Trả Vàng, Thạch Sanh Lý Thông… đâu đó vẫn còn những giá trị, ý niệm lòng tốt được ban tặng. Đồng thời, tâm địa xấu ác được xử trị và tính nhân quả, luân thường đạo lý của con người luôn tôn trọng và được xem như bài học đắt giá nhất.

Thích Pháp Bảo

Báo Kiến Thức

Các tin đã đăng: