Hiến xác cho khoa học
09/08/2010 21:07 (GMT+7)

Xem hình

HỎI: Tôi có ước nguyện sau khi chết sẽ hiến xác cho khoa học. Tôi nghĩ rằng làm được như thế thì mình dẫu chết rồi vẫn còn có ích cho đời. Tuy nhiên, có người nói rằng nếu hiến xác (hay hiến một số bộ phận của cơ thể) thì kiếp sau khi đầu thai làm người, thân thể sẽ bị khiếm khuyết các bộ phận đã cho. Mong quý Báo chia sẻ về vấn đề này cho tôi được an tâm. (BO, nuocmatnguoica…@yahoo.com) 

ĐÁP: Bạn Bo thân mến!

Hiến xác cho khoa học là một tâm nguyện cao cả, đáng được mọi người tôn vinh trân trọng. Khi chúng ta chết đi, thần thức theo nghiệp tái sanh còn thân thể trở về cát bụi. Nếu chút cát bụi của tấm thân tứ đại này có thể làm được gì lợi ích cho đời thì chúng ta nên làm.

Quan niệm cho rằng sau khi chết, hiến tặng các bộ phận cơ thể thì khi tái sanh thân thể sẽ khiếm khuyết các phần đã cho, hoàn toàn thiếu cơ sở. Bởi lẽ, nghiệp thức tái sanh tốt hoặc xấu của một cá nhân mới là nhân tố quan trọng quyết định tất cả về cảnh giới, sanh loại, giới tính, hình dạng, tính tình… của cá nhân ấy ở kiếp sau.

Sự chấp ngã (yêu thích thân xác) của con người quá nặng nề nên rất khó giải thoát. Có không ít vong linh vì quyến luyến thân xác nên không đi đầu thai hoặc có biểu hiện đau khổ khi thi thể không trọn vẹn. Trong các quốc gia Phật giáo, phong tục hỏa táng rất thịnh hành. Người Phật tử quan niệm rằng thi thể người chết chỉ là vật chất đơn thuần, nếu không hiến tặng cho khoa học thì đem thiêu đốt thành tro bụi. Hỏa táng nhằm giúp cho quá trình phân tán tứ đại nhanh chóng đồng thời cũng khiến cho hương linh xóa bỏ chấp thủ xác thân để nhanh chóng được tái sanh.

Kinh Tăng Chi Bộ (tập 2, chương 5, phẩm Vua Munda, phần Cho các vật khả ý), Đức Phật dạy: "Ai cho vật khả ý thì nhận được điều khả ý". Thân thể là một trong những thứ mà chúng ta yêu thích nhất, quý hơn hết thảy các thứ quý giá ở đời. Vì thế, nếu hiến tặng thân thể thì phước báo về nhan sắc cũng như các phương diện khác ở kiếp sau sẽ trở nên thù thắng vô lượng.

Chúc các bạn tinh tấn!

Hồi hướng công đức

HỎI:Tôi muốn tu tập tại nhà có hiệu quả thì nên tụng kinh gì, thời gian tụng niệm, cách thức thế nào? Muốn hồi hướng công đức cho cha mẹ thì phải làm sao?  (PHÁP TÂM, minh…@kiemtoandongnhi.com

ĐÁP: Bạn Pháp Tâm thân mến!

Sau khi lập bàn thờ trang nghiêm, thỉnh tượng Phật (hoặc Bồ tát) an vị xong, thì bạn có thể tiến hành tụng niệm tại nhà. Thời gian tụng niệm tốt nhất là buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy, mỗi thời trung bình khoảng trên dưới 45 phút là vừa. Có thể tụng kinh theo như kinh Nhật tụng; hoặc buổi tối tụng kinh Di Đà, buổi sáng tụng kinh Phổ Môn; hoặc chọn riêng một kinh nào đó (như Pháp Hoa chẳng hạn) trì tụng cho đến lúc nào xong thì chuyển sang tụng một bộ kinh khác. Về cách thức tụng niệm, bạn nên thỉnh một quyển kinh Nhật tụng bằng tiếng Việt, trong đó có sự hướng dẫn cụ thể. Hiện có rất nhiều loại kinh tụng tiếng Việt được phát hành rộng rãi. Không nên tụng các kinh Nhật tụng loại âm Hán-Việt, vì không hiểu nghĩa nên khó nhớ và không biết cách thực hành.

Sau khi tụng niệm xong, đến phần phục nguyện thì đem phước đức tụng niệm đó hồi hướng cho cha mẹ. Mặt khác, bạn hãy làm bất cứ việc lành nào có thể, như: lễ bái, tụng niệm, bố thí, cúng dường, phóng sanh v.v… sau đó hồi hướng phước đức ấy cho cha mẹ.

Chúc các bạn tinh tấn!

HỎI:Tôi rất thích pháp môn niệm Phật và thường niệm thầm danh hiệu Phật A Di Đà mỗi ngày. Có điều tâm của tôi hay nghĩ ngợi lung tung nên không thể niệm Phật lâu được. Mặt khác, tôi nhận thấy tính tình của mình khá thất thường hay nóng nảy, chân tay vụng về… và rất khổ tâm về những điều ấy. Mong quý Báo chỉ cho tôi phương cách để chuyển hóa những vọng tưởng, nóng nảy, hấp tấp nhằm tập trung hơn trong cuộc sống và niệm Phật được nhất tâm hơn. (CẨM DUNG, dungdung2412…@yahoo.com.vn)

ĐÁP:Bạn Cẩm Dung thân mến! 

Bạn không nên quá lo lắng về tâm vọng tưởng của mình. Ai cũng suy nghĩ mông lung, tư tưởng phân tán chứ không phải riêng bạn mới có hiện tượng thiếu tập trung này. Tự thân bạn đã nhận ra tính tình hay thay đổi thất thường và khá nóng nảy của chính mình, đây là một điều kiện cần thiết trong tiến trình nhận diện và chuyển hóa.

Hiện bạn đang bị thói quen lật đật, hấp tấp, phóng dật chi phối nặng nề nên trước tiên, bạn tự nhắc mình nên "chậm" lại trong tất cả các phương diện đời sống: Đi chậm, nói chậm, ăn chậm, làm chậm… một tí để cho chắc chắn. Bạn yên tâm vì "chậm" là sự vững chãi, đứng đắn của một tâm thức trưởng thành chứ không hề vì nó mà bị thua thiệt. Cần thực tập sự chú tâm (chánh niệm) trong tất cả mọi lời nói, cử chỉ và hành vi của mình. Vì hầu hết các hành động của bạn đều không có sự chú tâm (vừa làm vừa nghe nhạc say sưa, hay tay chân làm việc một đằng mà đầu óc suy nghĩ một nẻo…), mất chánh niệm nên bạn không thể tập trung để làm việc có hiệu quả như ý.

Nếu bạn không sống "chậm" lại hay nói cách khác là không thiết lập chánh niệm trong cuộc sống thì khó có thể điều phục được tính khí thất thường, nóng nảy của mình. Sự khổ tâm về những giới hạn của bản thân là cần thiết, nhưng kiên trì thực tập chánh niệm để chuyển hóa thân tâm mới là điều thật sự cần thiết hơn. Những tâm tính thất thường nóng nảy của bạn hoàn toàn có thể chuyển hóa được nếu bạn biết chú tâm, có chánh niệm trong tất cả các biểu hiện nói năng và hành động.

Bạn thích tu tập niệm danh hiệu Phật, theo chúng tôi, đây là duyên lành để chuyển hóa thân tâm của bạn hiệu quả nhất. Giai đoạn đầu, bạn cần tìm nơi thanh vắng ngồi yên để thực tập niệm Phật, nếu ở nhà thì lúc sáng sớm là tốt nhất. Bạn cần niệm Phật với tất cả lòng thành kính và sự chú tâm. Mỗi khi có vọng niệm khởi lên, bạn cần nhận diện vọng tưởng một cách rõ ràng (mà không suy tư theo nó) rồi tiếp tục niệm danh hiệu Phật. Kiên tâm trì niệm như vậy, lâu ngày vọng tưởng thưa dần, chánh niệm tăng trưởng, khả năng kiểm soát và làm chủ thân tâm ngày càng cao.

Không thể ngày một ngày hai mà có thể chuyển hóa được toàn bộ tập khí vốn ăn sâu trong tâm thức từ nhiều đời. Do đó, sự chuyên cần và tinh tấn là hai yếu tố cực kỳ quan trọng để đưa đến thành công. Không ai có thể chuyển hóa đời mình ngoại trừ nỗ lực của chính mình, nên bạn phải cố gắng niệm Phật thật nhiều thì mới có thể chuyển hóa được vọng tưởng, phóng dật để trở thành người vững chãi, đứng đắn và thảnh thơi hơn.

Chúc các bạn tinh tấn!

HỎI:  Vừa qua, gia đình tôi có xảy ra chuyện, chỉ trong 60 ngày mà có hai người (bà và chú) chết. Sau đó gia đình vì quá lo lắng nên đi xem bói và nghe phán là bị chết trùng, phải chết thêm mấy người nữa. Trong lễ tuần thất thứ 3 của chú thì chú hộ lên, nhập vào một người nói do kiếp trước chú đã chém đầu một bà, nay con của bà bị chém ấy lên bắt chú và mẹ của chú đi và sẽ còn bắt thêm một số người nữa. Chú còn nói mẹ của chú (bà tôi) ở dưới đó bị xiềng xích đánh đập. Sự việc trên khiến gia đình tôi rất hoang mang và lo lắng, xin quý Báo hoan hỷ chỉ bảo và phân tích cho tôi một số thắc mắc sau: 

ĐÁP: Bạn duong_joong thân mến!

Trong vòng hai tháng mà gia đình bạn có đến hai người mất (một già, một trẻ) là điều thật đau buồn và gây lo lắng, hoang mang cho cả nhà. Tuy vậy, thay vì tin tưởng tuyệt đối vào Tam bảo để tu tập, cầu nguyện và tạo phước nhằm hồi hướng cho hương linh thì gia đình bạn lại đi xem bói để chuốc thêm những lo lắng không cần thiết. Các vấn đề bạn hỏi, chúng tôi lần lượt trao đổi với bạn như sau:

1. Hiện tượng chết trùng, theo nhà Phật, có hay không? Nguyên nhân và cách khắc phục.

2. Sự việc chú tôi (người chết) về nhập vào một người và nói như vậy có nên tin không?

3. Một số thầy (ở chùa) nói phải chẩn tế và dùng bùa (của đạo Phật) để hóa giải chết trùng. Điều này có đúng không?

4. Đạo Phật ngoài cầu siêu cho người chết, có cách nào khác thiết thực hơn để con cháu trong gia đình đều có thể làm được trong đời sống hàng ngày nhằm hồi hướng phước đức cho hương linh? (duong_joong…@yahoo.com)

  

1- Vấn đề chết trùng, đây là quan niệm về lịch số của Trung Hoa xưa do chết hay an táng nhằm ngày trùng, được lưu truyền và tin tưởng sâu sắc trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Phật giáo không có quan niệm về chết trùng, ngày trùng v.v… Sự sống chết của mỗi người là do nghiệp lực của chính người ấy quyết định và chi phối. Sự chết cùng với ngày giờ chôn cất của một người, dù cho là thân quyến có cộng nghiệp, vẫn không thể ảnh hưởng đến đời sống hay quyết định sự chết của người thân được.

 

2- Việc một người hộ lên, nhập vào người khác tuy có, nhưng khó có thể xác định "vong" đó đích thực là người thân của mình. Sự lạm xưng vẫn thường xảy ra trong nhiều trường hợp như vậy. Quan trọng hơn, những gì "vong" trình bày (theo như bạn mô tả) hoàn toàn mang sắc thái "oan oan tương báo" của tín ngưỡng dân gian. Mô thức báo oán theo kiểu "do kiếp trước chú đã chém đầu một bà, nay con của bà bị chém ấy lên bắt chú và mẹ của chú đi và sẽ còn bắt thêm một số người nữa" không hề có trong quan điểm Nghiệp và Nhân quả của Phật giáo. Do vậy, nếu người Phật tử tín sâu Tam bảo, có chánh kiến rõ ràng thì không thể tin vào những lời vu vơ, thiếu căn cứ kia được. Bởi lẽ, nghiệp của ai thì người ấy trả và dòng nghiệp lực luôn vận động nên hình thức trả nghiệp cũng theo đó mà uyển chuyển, thay đổi không ngừng.

 

3- Như đã nói, Phật giáo không có quan niệm về ngày trùng và chết trùng nên chắc chắn không có "bùa" nào để giải trùng cả. Mặt khác, Phật giáo không hề sử dụng bùa ngải để trấn yểm hay trừ khử, xua đuổi ma quỷ. Và nếu có vị xuất gia nào sử dụng thì đó là sự vay mượn của các đạo giáo khác làm phương tiện. Tuy nhiên, đó là con dao hai lưỡi, không ít người mang hệ lụy vì quá lạm dụng vào phương tiện này. Chẩn tế, là hình thức bố thí rộng khắp cho các chúng sanh (nhất là loài ngạ quỷ đói khát) được no đủ. Theo quan điểm Phật giáo, pháp thức chẩn tế là phương tiện nhằm cầu siêu và hồi hướng phước báo bố thí cho hương linh. Nương phước báo này, hương linh có thể được tỉnh thức và sanh vào các cõi lành.

 

4- Ngoài lễ cầu siêu, đạo Phật còn triển khai rất nhiều pháp thức khác nữa để gia quyến thực hành nhằm trợ duyên cho hương linh. Nhất là trong thời gian sau khi chết, từ 1 đến 49 ngày, hương linh rất mong mỏi người thân làm phước để hồi hướng phước báo cho mình. Những việc làm phước thiện mà thân nhân có thể thực hiện bao gồm: Phát tâm quy y, vâng giữ 5 giới, thực tập ăn chay, đi chùa tụng kinh niệm Phật hàng đêm, tham dự các khóa tu, sống hiền thiện, sẻ chia, bố thí, cúng dường… và đem tất cả những công đức lành này hồi hướng cho hương linh.

Chúc bạn tinh tấn!

 

TỔ TƯ VẤN

(Theo GNO)

Các tin đã đăng: