Nói với người xuất gia
Thiền Sư Ajahn Chah
04/11/2014 10:50 (GMT+7)

    Ajahn Chah sinh năm 1918 trong một ngôi làng phía Bắc Thái Lan. Ngài xuất gia sa di từ lúc còn nhỏ và trở thành một vị tỳ khưu năm 20 tuổi. Ngài theo truyền thống hành đầu đà của các sơn tăng trong nhiều năm. Hằng ngày mang bát xin ăn, chuyên tâm hành thiền và đi khắp nơi để truyền bá giáo pháp.

    Ajahn Chah hành thiền dưới sự chỉ dẫn của nhiều thiền sư danh tiếng trong đó có ngài Ajahn Mun, một vị thiền sư nổi tiếng và được kính trọng vào thời bấy giờ. Ajahn Chah đã chịu nhiều ảnh hưởng của ngài Ajahn Mun. Ajahn Chah là một thiền sư tuyệt diệu, Ngài đã dạy đạo một cách trực tiếp, rõ ràng, và tận tụy chia sẻ sự chứng nghiệm giáo pháp của mình cho những người đến sau. Lời dạy của Ngài thật đơn giản: "Hãy để sự vật tự nhiên, đừng dính mắc. Hãy xả bỏ tất cả. Sự vật thế nào, hãy để y như vậy". Ajahn Chah viên tịch vào ngày 16 tháng Giêng, 1992 ở Wat Pah Pong, tỉnh Ubon Ratchathani.

(Tiểu sử Ngài Ajahn Chah lấy từ nguồn: www.trungtamhotong.org)

   Hôm nay Sư đặc biệt giảng cho chư tỳ kheo và các sadi, mong quý vị  hãy lắng lòng nghe.  Ngoài việc thực hành Pháp và gìn giữ giới luật, chúng ta không còn gì khác để bàn, để học và trao đổi ý kiến.

   Sư muốn mọi người hiểu rằng, giờ chúng ta đã là người phát nguyện xuất gia, nên ta cần phải hành xử sao cho phù hợp với tư cách của người tu sĩ hay sadi.  Chúng ta đã từ bỏ cuộc sống của người cư sĩ.  Đó là một cuộc sống đầy những biến động, và không có một mẫu mực nhất định nào trong hành xử.  Nhưng hiện giờ, chúng ta đang ở trong cuộc sống của người xuất gia;  theo như lời Đức Phật dạy, chúng ta phải chuyển đổi tâm trí cho khác với người tại gia.  Ngôn ngữ, sự đi lại, cách ăn uống, bước tới, bước lui –tất cả hành động thân khẩu ý của chúng ta, đều phải phù hợp với người được coi là xuất gia, nghĩa là những người trầm tĩnh, tự tại.  Trước kia, chúng ta là người tại gia, không hiểu ý nghĩa của việc xuất gia là sống trầm tĩnh và tự tại.  Tất cả mọi người đều đã để thân và tâm được hưởng lạc theo những đòi hỏi và uế nhiễm của ta. Khi mọi thứ tốt đẹp, thuận theo ý muốn, chúng khiến ta hạnh phúc.  Ngược lại, chúng khiến ta sầu não.  Điều đó là do chúng ta bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, bởi các pháp bên ngoài.  Đức Phật dạy rằng, khi chúng ta để các pháp bên ngoài tác động lên mình, là ta không biết cách chăm sóc bản thân.  Chúng ta chưa có nơi nương tựa, nên ta để thân tâm tán loạn theo những vui, buồn, khổ, oán thán và thất vọng.  Chúng ta không biết tự kiềm chế, không biết quán chiếu các pháp.

   Theo giáo lý của đức Phật, khi ta đã phát nguyện xuất gia, ta phải khiến thân thể này thành thân của người xuất gia. Thí dụ, trước hết, ta phải cạo tóc, cắt móng tay, móng chân. Đắp lên mình tấm y vàng –dấu hiệu của những người thanh cao, dấu hiệu của Phật, của các bậc A-la-hán.  Khi chúng ta được xuất gia là chúng ta đã nhận được một sự thừa hưởng, một gia tài mà vị Thầy Cao Thượng bậc nhất đã để lại cho chúng ta.  Đó là lý do tại sao ta có thể sinh tồn theo cách sống này.  Thí dụ, chốn trú ngụ của ta là do công đức của thí chủ xây dựng.  Ta cũng không phải lo cái ăn –và đó cũng là sự thừa hưởng, là gia tài của vị Bổn Sư để lại. Thuốc men, y áo cũng tùy thuộc vào gia tài của đức Phật để lại.

   Một khi quý vị đã xuất gia theo giáo lý của đức Phật, là quý vị đang bước vào, đang chuẩn bị thành một tu sĩ, nhưng nếu không thận trọng và nghiêm túc, quý vị chưa phải là người tu sĩ thực thụ.  Quý vị chỉ là một tu sĩ giả định –nói cách khác, vẻ bề ngoài của quý vị là tu sĩ: đầu cạo, y vàng, nhưng thật sự quý vị  mới chỉ là tu sĩ trên hình thức.

   Cũng giống như khi người ta đẽo, đục gỗ, đắp tượng xi-măng, hay đổ đồng làm tượng Phật, là làm theo hình thức giả định.  Đó không phải là Phật thực sự.  Đó chỉ là vàng, chì, đồng, gỗ, sơn mài hay đá.  Những thứ này là để làm thành hình tưọng Phật, nhưng chúng không phải là Phật.  Chúng chỉ là Phật biểu tượng, không phải thực sự là Đức Phật.

   Quý vị cũng thế: đã phát nguyện theo giáo lý của Phật, quý vị đã chính thức được xem là người xuất gia, nhưng quý vị chưa là tu sĩ thực thụ.  Điều này có nghĩa là tâm quý vị chưa hoàn toàn đầy đủ từ, bi, hỷ và xả.  Quý vị chưa hoàn toàn thanh tịnh, quý vị vẫn còn tham, sân và si- các chướng ngại này cản trở sự hình thành người tu sĩ thực thụ trong quý vị.

   Các thứ uế nhiễm này quý vị đã mang trong mình từ rất lâu: từ ngày mới chào đời, từ bao kiếp trước.  Quý vị đã được nuôi dưỡng bằng lòng tham, sân và si từ bấy cho đến nay.  Vì thế, khi những người như quý vị xuất gia thành tu sĩ, thì quý vị vẫn là những tu sĩ hình thức.  Quý vị vẫn còn sống với tham, sân và si trong tâm.  Người tu sĩ thực thụ phải buông bỏ các uế nhiễm này.  Họ đã xua tham, xua sân và xua si ra khỏi tâm mình.  Trong họ không còn chất độc, không còn gì nguy hại.  Nếu quý vị vẫn mang trong mình các chất độc, thì quý vị chưa phải là người tu sĩ thực thụ.  Quý vị phải xua đuổi những thứ này ra khỏi tâm để được thanh tịnh.

   Vì thế, quý vị phải bắt đầu cố gắng đoạn diệt tham, sân và si, là các uế nhiễm nổi trội trong từng cá nhân.  Chúng khiến ta trôi theo sinh tử luân hồi.  Lý do quý vị không tìm được sự bình an là vì tham, sân và si là những chướng ngại cản trở sự bình an, tĩnh lặng, phát khởi bên trong quý vị.  Và khi nào những điều này chưa xảy ra, quý vị chưa thực sự là người xuất gia.  Nói cách khác là tâm quý vị còn bị tham, sân và si chi phối.

   Lý do quý vị đã đến đây tu tập là để diệt trừ tham, sân và si ra khỏi tâm.  Một khi đã bứng được tham, sân, si ra khỏi tâm, quý vị sẽ được thanh tịnh. Lúc ấy, quý vị sẽ trở thành người tu sĩ thực thụ. Vì thế, hãy xây đắp người tu sĩ thực thụ trong tâm quý vị, bằng phương tiện của trái tim –chứ không phải bằng hình thức bên ngoài hay bằng bất cứ thứ gì khác.

   Khi tu tập để trở thành người tu sĩ bằng những phương tiện từ trái tim, quý vị không chỉ sử dụng tâm mình.  Có hai thứ: một là thân; hai là lời nói- phải lưu tâm đến cả hai.  Trước khi nói hoặc làm điều gì, hãy xem chúng có phải xuất phát từ trái tim hay không.  Các pháp đều do ý dẫn đầu.  Như vậy, tâm và hành động luôn liên hệ với nhau.

   Khi nói về tâm, vẻ đẹp của thiện tâm, sự sáng bóng của tâm cao thượng hay tĩnh lặng, thì cũng giống như ta đang nói đến những trụ cột bằng gỗ bóng láng.  Chúng ta dùng gỗ để làm cột hay làm mặt bằng –nhưng trước khi chà mịn, làm bóng, đánh vẹt-ni để gỗ thêm đẹp- đầu tiên người ta phải xẻ gỗ từ cây.  Họ phải cắt các ngọn thô, xẻ và cưa gỗ -nhiều thứ lắm.  Tâm ta cũng giống như cây.  Chúng ta phải bắt đầu bằng tâm thô ráp, rồi gọt bỏ các phần thô ráp, gọt bỏ gốc rể, cành lá, vỏ cây, bỏ hết tất cả những gì không láng mịn.  Quý vị phải cắt bỏ tất cả những phần đó cho đến khi miếng gỗ đã đẹp, và đều đặn.  Miếng gỗ được đẹp ra và đều đặn chính vì nó đã trải qua các giai đoạn thô ráp. 

   Đối với những ai đang tu tập thì cũng giống như thế.  Quý vị đến đây để làm cho tâm trí mình được thanh tịnh và bình an là chuyện tốt, nhưng điều này không phải dễ với những người vốn nhiều tham ái.  Chúng ta phải bắt đầu với những thứ ở bên ngoài –ở thân, ở lời nói- rồi từ đó tiến vào bên trong.  Có vậy ta mới dần trở nên sạch, nên bóng, nên đẹp.  Giống như một chiếc bàn hay cái giường đã được đóng xong.  Hiện giờ trông chúng đẹp lắm, nhưng chúng từng xấu xí, thô kệt.  Chúng từng là cây, là thân cây.  Rồi ta cắt cây –đốn thân, tỉa cành lá- vì đó là cách ta phải làm để cây có thể trở thành cái bàn hay cái giường, để nó có thể trở thành cái gì đó đẹp, tốt và thanh thoát.  Như con đường đạo đức mà Đức Phật đã đề ra.  Đây là con đường giới, định và tuệ, con đường đưa đến thanh tịnh, đưa đến việc trở thành một người xuất gia giải thoát. Con đường đoạn diệt tham, sân và si bằng giới, định và tuệ.  Không khác gì việc làm ra cái bàn, cái giường này.  Khi chúng ta so sánh các pháp ở bên ngoài và các pháp ở nội tâm như trên, chúng không khác gì nhau.

   Vì thế khi Sư huân tập các thói quen cho quý vị- khuyên quý vị nghe Pháp, tụng kinh, ngồi thiền- các hành động này sẽ bào dũa tâm quý vị.  Chúng gọt, chúng bào vì tâm quý vị dễ duôi, biếng nhác.  Tâm dễ duôi, biếng nhác đó không thích làm bất cứ thứ gì gây khó chịu cho nó, đối đầu với nó.  Nó không muốn những thứ đó; không muốn thực hành những thứ đó.  Đó là lý do tại sao quý vị phải nỗ lực chịu đựng.  Tất cả mọi người đều phải kiên trì và kham nhẫn để vượt qua và tiếp tục thực hành chúng.  Thí dụ về thân: nó đã quen phóng túng, hưởng lạc, làm đủ thứ chuyện, nhưng giờ quý vị kiềm chế nó, đó là điều khó.  Lời nói của quý vị thường không giữ gìn, nhưng giờ quý vị cẩn trọng với chúng, đó là điều khó.  Nhưng dầu có khó, ta cũng không để chúng cản trở ta.  Giống như cây gỗ kia, trước khi có thể biến nó thành cái bàn hay cái giường, chúng phải trải qua nhiều giai đoạn. .  Để có được cái bàn hay cái giường chúng ta phải giải quyết những phần thô ráp của cây. 

   Chúng ta cũng thế.  Khi Đức Phật giáo huấn để các đệ tử của Ngài đạt được tâm tỉnh thức, các vị ấy, trước khi thọ giới đều là những người bình thường –bình thường như chúng ta.  Họ cũng có các phần thân thể -chân tay, mũi, mắt- như chúng ta; tham, sân như chúng ta.  Họ không có bất cứ yếu tố, đặc điểm gì khác chúng ta.  Đức Phật cũng thế; các vị đệ tử của Ngài cũng thế.  Nhưng tất cả họ đã khiến những việc không thể thành có thể; những gì chưa tốt đẹp thành tốt đẹp; những gì chưa chuẩn mực thành chuẩn mực.  Đây là chân lý từ ngàn xưa cho đến hôm nay.  Sư đã ban giới cho đủ thành phần –nhà nông, doanh nhân- những người đã nếm trải đủ mọi cảnh dục lạc.  Đó là những người Sư đã ban giới, đã huân tập họ.  Và nơi đây luôn có khả năng rèn luyện họ tu tập.

   Vì thế, hãy nhớ rằng quý vị cũng giống như các vị thánh trong quá khứ.  Quý vị có cùng các uẩn.  Quý vị có thân, cũng như họ.  Quý vị có cảm xúc –buồn, vui- cũng như họ.  Quý vị có tưởng –nhận thức và đánh giá- giống như họ.  Quý vị có hành, có thức –tốt, xấu: tất cả mọi thứ, giống như họ.  Như thế mỗi vị ở đây đều có thân, tâm giống như các vị đệ tử của Phật trong thời quá khứ.  Quý vị không có gì khác cả.  Các vị thánh đệ tử của Phật khởi đầu cũng là những người bình thường.  Có kẻ sai lầm, có kẻ ngu si, có người tầm thường, có người thánh thiện –giống như quý vị.  Họ không khác gì quý vị. Như thế cũng như đức Phật ngày xưa tiếp nhận các vị ấy và giáo huấn để họ tu tập hầu đạt được đạo quả thánh, Sư ngày nay cũng tiếp nhận mọi người đến tu học –để phát triển giới, định, tuệ.

   Giới, định và tuệ là tên các pháp tu của chúng ta.  Khi quý vị thực hành giới, định, tuệ, quý vị thực hành ngay nơi bản thân.  Thực tập ngay nơi bản thân, đó là đối tưọng của chúng ta.  Chúng ta nhắm đến giới ngay tại đây, nhắm đến định ngay tại đây.  Tại sao?  Vì thân ở ngay tại đây với ta.  Giới là việc của toàn thân, tất cả mọi phần mà đức Phật dạy ta chú tâm đến.  Qua giới, quý vị học cách chăm sóc thân.  Ai mà không có thân? Chúng ta có tay; chúng ta có chân.  Chúng ta ai cũng có thân.  Đó là nơi chúng ta cần giữ giới.  Để giới phát triển, chúng ta phải quan tâm đến cái thân mà ta đang sở hữu.  Với lời nói cũng thế: Dầu quý vị có nói lời dối trá hay lời chia rẽ, lời thô tục, hay phù phiếm, dầu quý vị có dùng thân mình để giết hại chúng sanh, ăn cắp của người hay tà dâm –tất cả những hành động đó đều là những thứ nằm ngay nơi quý vị.  Quý vị có thân, có ngôn ngữ.  Những thứ này nằm ngay nơi quý vị.  Vì thế khi thực tập kiềm chế, quý vị hãy quan sát chúng.  Thí dụ, quán sát sự sát hại, trộm cắp, hay tà dâm.  Đức Phật dạy ta phải quán sát những hành vi thô thiển nơi thân.  Sát hại là sử dụng tay chân hay vũ khí để giết súc vật, dù lớn hay nhỏ.  Đây là cái thô –là loại việc quý vị vẫn thường làm trước khi bắt đầu nguyện giữ các giới.  Quý vị đã phạm giới.  Rồi có những lúc mà quý vị không kiềm chế được ngôn ngữ: nói dối, nói lời chia rẽ, thô tục, hay phù phiếm.  Nói dối là bóp méo sự thật.  Lời thô tục nhằm hạ nhục người khác một cách không thương tiếc: “Đồ heo! Đồ chó!”, Phiếm luận là nói vui về nhiều thứ chuyện chẳng nhằm mục đích gì, nói bất cứ thứ gì hiện lên trong đầu.  Những điều này tất cả chúng ta đều đã phạm trong quá khứ.  Chúng ta đã không thực tập kiềm chế.  Nhưng giờ, khi chúng ta giữ giới: chúng ta quán sát thân; chúng ta quán sát lời nói của mình.

   Ai làm công việc quán sát đó?  Quý vị đã đem ai ra làm việc quán sát đó?  Khi quý vị giết một con vật, ai biết?  Tay quý vị có biết không?  Hay ai vậy?  Khi quý vị ăn cắp gì đó, ai biết?  Tay quý vị có biết không?  Hay ai vậy?  Khi quý vị phạm tội tà dâm, ai là người biết đầu tiên?  Thân quý vị biết phải không?  Khi quý vị nói lời thô tục hay chuyện phiếm, ai là người biết đầu tiên?  Miệng quý vị phải không?  Hay ngôn ngữ biết?  Hãy suy nghĩ về điều đó.  Ai là người đã biết, hãy để người đó quán sát thân và lời nói của quý vị.  Ai là người đã biết, hãy để người đó canh giữ quý vị.  Hãy đem kẻ đã khiến người khác hành động –khiến họ làm tốt, khiến họ làm xấu- hãy đem kẻ đó ra làm người canh giữ chúng.  Hãy bắt kẻ cắp và cho hắn làm trưởng làng.  Hãy để kẻ đó chăm sóc kẻ khác.  Hãy để kẻ đó quán chiếu.

   Khi được dạy phải xem xét hành động của thân, ai là người sẽ xem xét?  Thân thì chẳng biết gì.  Thân bước đi, dẫm đạp, đến nơi này nơi kia. Tay ta cũng thế: chúng chẳng biết gì cả.  Chúng chỉ biết cầm nắm, sờ mó thứ này thứ kia –nhưng chỉ khi có ai bảo chúng làm thế.  Chúng cầm thứ này lên, rồi để xuống.  Rồi lại cầm lên, rồi vứt đi để lấy thứ khác.  Trong mọi trường hợp đều có người khác bảo chúng làm thế.  Chúng không biết gì cả.  Phải có ai đó bảo chúng, ra lệnh cho chúng.  Với miệng cũng thế: Dầu nó nói dối hay nói thật, nói lời chia rẽ hay thô tục, phải có ai đó bảo nó.

   Vì lý do đó, khi tu tập, chúng ta thiết lập chánh niệm –khả năng kiềm chế - ngay nơi kẻ biết, kẻ thức tỉnh.  Nếu ta ăn cắp, giết hại, tà dâm, nói dối, nói chia rẽ, thô tục hay chuyện phiếm –bất cứ thứ gì- chính là kẻ biết đã dẫn dắt để ta hành động hay nói năng như thế.  Hãy bám theo, dù kẻ ấy đến nơi nào.  Luôn tỉnh giác, chánh niệm theo liền với kẻ biết, để nó quán sát các pháp, để nó tỉnh thức.

   Đó là lý do tại sao giới luật của Phật nói đến các pháp thô: sát sanh là ác; đó là phạm giới.  Trộm cắp là sai. Tà dâm là sai.  Nói dối là sai.  Nói lời thô tục hay phù phiếm là sai.  Đây là những điều học ta phải nhớ.  Chúng là giới của Đức Phật, là luật của đức Phật.  Vì thế từ giờ quý vị phải cẩn thận về chúng.  Kẻ từng phạm chúng –kẻ thường ra lệnh cho ta giết thú vật, nói thô tục, chuyện phiếm, hành động không kiềm chế qua nhiều cách –ca hát, nhảy múa, hút gió, chơi nhạc cụ: kẻ từng bảo ta làm những việc này giờ trở thành người canh giữ hành động của chúng ta.  Chúng ta sử dụng chánh niệm –tỉnh giác- để nó thực tập kiềm chế, tự canh giữ cẩn thận.

   Nếu tâm có thể tự gìn giữ, thì thân cũng không khó quán sát. Vì thân nằm dưới sự điều khiển của tâm.  Lời nói cũng không khó kiềm chế, vì lời nói cũng nằm dưới sự điều khiển của tâm.  Như vậy, việc gìn giữ giới –gìn giữ thân và lời nói- không khó.  Trong mọi oai nghi chúng ta đều biết –đi, đứng, nằm hay ngồi- tất cả mọi hoạt động là của pháp.  Quý vị phải biết mình sắp làm gì trước khi làm, biết mình sắp nói gì trước khi nói.  Đừng nói hay hành động trước khi biết mình đang làm gì.  Phải biết trước, chỉ khi đó mới nói hay hành động.  Hãy chánh niệm -tự tại- trước khi quý vị nói hay hành động như thế nào.  Trước hết quý vị phải tự tại, tức là phải tỉnh giác trọn vẹn ở ngay đây và bây giờ. Thân ở đâu, tâm ở đó - Hãy thực tập điều này cho đến khi quý vị thuần thục.  Thực tập làm chủ.  Phải nhanh chóng trong việc trở về làm chủ mình trước khi hành động, làm chủ mình trước khi nói.  Hãy thiết lập chánh niệm như thế trong tâm quý vị.  Hãy để cái biết tự lo cho bản thân – vì chính cái biết là người hành động, là người làm chủ hành, nếu quý vị hành động mà không có sự hiểu biết rõ ràng thì sẽ thất bại.  Quý vị phải để chánh niệm – cái biết  tự chăm sóc bản thân.  Nếu không để chánh niệm tự chăm sóc, thì mọi thứ đều hỏng.

   Đức Phật đã dạy rằng việc giữ giới không khó, nếu quý vị biết giữ gìn bản thân.  Nếu bất cứ ác hại nào có thể phát khởi nơi thân hay lời nói, thì với sự có mặt của chánh niệm, quý vị sẽ nhận ra chúng ngay.  Quý vị sẽ cảm nhận được điều đúng, sai.  Đó là cách giúp quý vị giữ giới dễ dàng.  Thân và khẩu phụ thuộc vào quý vị.  Đó là bước đầu tiên.  Nếu quý vị có thể gìn giữ hành vi nơi thân và khẩu, thì chúng sẽ tốt đẹp,  thoải mái.  Cung cách của quý vị, việc đi đứng, lời nói của quý vị, tất cả đều tốt đẹp.  Nét đẹp này là cái đẹp đến từ việc có người uốn nắn, nặn khuôn chúng –người luôn theo dõi chúng và quán chiếu về chúng không ngừng nghỉ.  Giống như nhà ta, thất ta và môi trường chung quanh chúng ta.  Nếu có ai đó luôn chăm lo, quét dọn, thì chúng sạch đẹp.  Và vì luôn có người chăm lo nên chúng sẽ luôn sạch đẹp.

   Với các hành vi ở thân và khẩu cũng thế: nếu có người chăm lo, quán sát thì chúng cũng tốt đẹp.  Việc xấu ác, thô tục, nhiễm ô không thể phát khởi.  Sự tu tập của quý vị được tốt đẹp.  Fidi-kalya.a., majjhe-kalya.a., pariyosana-kalya.a.:  Tốt đẹp ở phần đầu, tốt đẹp ở phần giữa và tốt đẹp ở phần cuối.  Những lời này có nghĩa là gì?  Phần đầu là giới; giữa là định; và cuối là tuệ.  Các pháp này thật tốt đẹp.  Chúng bắt đầu bằng việc tốt đẹp ở giai đoạn đầu.  Nếu bắt đầu đã tốt đẹp, thì đoạn giữa cũng tốt đẹp.  Nếu quý vị có thể thực tập kiềm chế dễ dàng, lúc nào cũng cẩn thận, cũng gìn giữ tới mức độ mà tâm quý vị được thiết lập một cách vững vàng trong việc quán sát các pháp.  Thực tập kiềm chế, luôn chú tâm, luôn bám chắc vững chãi trong các hành động, vững chãi trong việc kiềm chế, được gọi bằng một cái tên khác.  Đó là “định”.

   Đặc tính của việc thực tập kiềm chế, là luôn thận trọng các hành động của thân, thận trọng lời nói, thận trọng tất cả các pháp phát khởi lên ở thân và khẩu:  Đó được gọi là “giới”.  Đặc tính của trạng thái vững chắc trong việc chú tâm, được gọi là “định”, sự bình ổn của tâm.  Chú tâm trọn vẹn với điều này này, chú tâm trọn vẹn đối với đối tưọng kia, luôn chú tâm.  Đây được gọi là định.  Cấp độ định này ở bên ngoài, nhưng nó cũng ở trong tâm.  Hãy chắc chắn là quý vị luôn ở trong trạng thái này.  Đây là điều tiên quyết.

   Khi quý vị kiên định trong các pháp này –khi quý vị có giới và định- thì quý vị cũng có phẩm chất của sự quan sát, quan sát tự sẽ thấy điều gì đúng, điều gì sai.  “Việc này đúng không?”  “Vậy có sai không?”  Những câu hỏi này sẽ phát khởi đối với mọi cái thấy trong tâm: khi tiếp xúc với cảnh, khi nghe âm thanh, khi ngửi, khi nếm, khi tưởng.  Cái biết sẽ hiện ra, có khi buồn, có khi vui, hay trung tính.  Nó sẽ biết rõ đâu là chánh kiến, tà kiến.  Quý vị sẽ thấy đủ thứ chuyện.  Nếu quý vị biết cẩn thận kiềm chế, quý vị sẽ thấy đủ thứ chuyện xảy ra, cũng như các phản ứng trong tâm, nơi cái biết.  Quý vị sẽ có thể quán tưởng về chúng.  Vì quý vị đã thực tập kiềm chế, và kiên định trong việc kiềm chế của mình, thì dù bất cứ điều gì xảy ra, phản ứng nơi thân, khẩu và ý sẽ hiển lộ.  Các pháp tốt hay xấu, đúng hay sai sẽ phát khởi.  Và khi quý vị chọn lựa các kiến tri chánh đáng, điều đó được gọi là “một lớp mỏng của trí tuệ”.  Tuệ này sẽ xuất hiện trong tâm quý vị.  Nó được coi là bao gồm cả ba: giới, định, tuệ.  Đó là cách chúng phát khởi trước tiên.

   Điều xảy ra kế tiếp sẽ là sự bám víu.  Đây là giai đoạn quý vị bám víu vào cái thiện.  Quý vị sợ tâm xao lãng hay sai lầm về nhiều phương diện, sợ rằng tâm định của quý vị sẽ bị hủy diệt.  Hiện tưọng này xảy ra vì quý vị rất trân trọng trạng thái định của mình.  Quý vị rất bảo thủ, rất tinh tấn, rất kiên định.  Bất cứ tư tưởng nào khởi lên, quý vị cũng sợ hãi,  lo lắng,  quan tâm.  Quý vị sẽ thấy người này, người nọ hành động sai trái, quý vị thấy tất cả mọi thứ.  Quý vị rất chấp thủ.  Đó là một cấp độ của giới, của định, của tuệ: một cấp độ ở bên ngoài.  Quý vị sẽ nhìn mọi thứ qua các giới luật của đức Phật.  Đây là giai đoạn khởi đầu.  Nó phải được thiết lập trong tâm quý vị.  Nó phải có mặt trong tâm quý vị.  Các phẩm chất này nổi bật lên trong tâm –đến độ đi tới đâu, quý vị cũng thấy mọi người hành động sai trái.  Quý vị sẽ thấy buồn, thấy vui, quý vị bắt đầu có tâm hoài nghi về đủ thứ chuyện.  Quý vị luôn chăm chăm để tìm cái sai của người.  Đó là việc làm quá mức, nhưng, vấn đề vẫn không phải là ở đó.  Lúc ấy, hãy cứ để nó quá mức như thế, chỉ quan sát thôi.  Nhưng trước tiên phải luôn thận trọng các hành động nơi thân, gìn giữ lời nói, gìn giữ tâm càng nhiều càng tốt.  Như thế sẽ không thể có gì sai trái.

   Đó là một cấp độ của giới.  Ở cấp độ này Giới, định, tuệ, đều có mặt. Tuy nhiên, đây chỉ là cấp độ của sự hướng thiện, một cấp độ mà do tinh tấn tu tập quý vị đã đạt được: bố thí ba-la-mật, trì giới ba-la-mật (dāna-pāramī, sīla-pāramī).  Giai đoạn kế tiếp – dāna-upapāramī, sīla-upapāramī (sự bám víu vào bố thí ba-la-mật, vào trì giới ba-la-mật) (1) -là cấp độ mà quý vị phải vượt lên.  Để lên một cấp độ tinh tế hơn.  Giống như quý vị chắc lọc cái tinh túy ra khỏi cái thô ráp mà thôi.  Quý vị không phải tìm đâu xa để vượt lên cấp độ kế tiếp.  Khi quý vị đã thiết lập được cái nền tảng này, thực hành nó trong tâm ở giai đoạn đầu, thì quý vị phát triển được ý thức lương tri, một cảm giác sợ ở nơi đông đúc hay ở chốn riêng tư.  Tâm quý vị luôn căng thẳng, sợ hãi.  Tâm luôn lo lắng với việc làm đúng hay sai.  Nó luôn quan tâm đến việc thực hành kiềm chế các hành động nơi thân và khẩu, luôn kiên định như thế, luôn bám vào đó thật chặt. Đó là giới, định, tuệ theo đúng như Đức Phật đã chế định.

   Khi quý vị tiếp tục quán sát các pháp như thế, tiếp tục thực hành không ngừng nghỉ, tiếp tục, tiếp tục, theo cách đó, các phẩm hạnh này sẽ nở đầy trong tâm quý vị.  Nhưng giai đoạn của giới, định, tuệ này chưa phải ở cấp độ của minh sát.  Các pháp vẫn còn khá thô, bản chất của giới, định, tuệ vốn rất tinh tế. Ở giai đoạn đầu này, do mới chắc lọc từ cái bình thường, từ những người bình thường, chưa từng làm những điều này trước đó, chưa từng kiềm chế hành vi của mình trước đó, chưa từng hành thiền, chưa từng tu tập trước đó.  Nên đối với họ, đạt được cấp độ này đã là cái thấy tinh tế.

   Giống như đối với người nghèo thì năm, mười đồng cũng có ý nghĩa.  Nhưng với những người có tiền triệu, thì năm, mười đồng không có ý nghĩa gì.  Nó là như thế.  Khả năng buông bỏ được các hành ác dưới dạng thô của quý vị chỉ có ý nghĩa đối với những người bình thường chưa bao giờ biết buông bỏ.  Vì thế quý vị có thể tự hào khi đạt đến cấp độ này.  Quý vị đã hoàn toàn khắc phục được giai đoạn này.  Quý vị sẽ tự mình nhận ra điều đó.  Tất cả những ai tu tập đều phải giữ điều đó trong tâm.

   Khi điều đó xảy ra, quý vị nói rằng mình đang đi trên con đường của giới, con đường của định, con đường của tuệ: giới, định, tuệ, cả ba đều có mặt.  Không thể tách rời chúng ra.  Khi quý vị trì giới tốt, tâm định của quý vị càng kiên cố thêm.  Khi tâm định tĩnh, tuệ càng sắc bén hơn.  Chúng trở thành đồng nghĩa với nhau. 

   Quý vị không ngừng tu tập, tiếp tục, tiếp tục như thế.  Không gián đoạn, đó là cách tu tập đúng.  Nên nếu quý vị thực tập theo cách đó, là quý vị đã bước vào giai đoạn đầu trên con đường tu tập.  Đây là cấp độ thô, mặc dù vẫn còn khó để duy trì, nhưng các giai đoạn tinh tế của giới, định, tuệ, tất cả đều từ đó mà ra.  Dường như tất cả đều được chắc lọc từ một nguồn.  Nói một cách đơn giản, nó giống như cây dừa.  Cây dừa hút nước thường qua thân, nhưng khi nước đến các trái dừa, nó trở nên sạch và ngọt.  Nước dừa đó là từ nước thường, từ thân cây, từ đất cát thô mà ra.  Nhưng khi nước đã được thấm vào cây, nó được chắc lọc lại.  Cũng là nước đó nhưng khi thấm vào cây dừa, nó trở nên sạch và ngọt hơn.  Cũng thế, giới, định, tuệ trên con đường đạo của quý vị còn thô, nhưng nếu tâm quán chiếu các pháp này cho đến khi chúng ngày càng trở nên tinh luyện, thì chất thô của chúng sẽ biến mất.  Càng ngày chúng càng trở nên tinh túy hơn,  những hành động của thân, khẩu được gìn giữ từ trong tâm, nó trở nên dễ dàng.  Các pháp trở nên gần gủi với quý vị hơn.

   Ở giai đoạn này, quý vị không còn phạm các lỗi nặng.  Chỉ là khi có bất cứ vấn đề gì khởi lên trong tâm, thì các câu hỏi phát khởi.  Thí dụ, “Hành động như vầy là đúng hay sai?”  Hay: “Nói những lời này có tốt không?” “Nói như thế này có sai không?”: đại loại như thế. Quý vị buông bỏ các pháp và ngày càng gần hơn, gần hơn với nội tâm –tiếp tục, tiếp tục gần hơn với nội tâm.  Định của quý vị cũng vững chãi hơn; trí tuệ của quý vị dường như sáng hơn, nhìn các pháp dễ dàng hơn.

   Kết quả là quý vị chỉ nhìn sự vật qua con mắt tâm và cái thấy của nó.  Quý vị không tách biệt giữa thân và khẩu.  Quý vị không tách biệt bất cứ thứ gì.  Khi chúng ta nói về những vấn đề của thân và tâm, thân và tâm tùy thuộc lẫn nhau.  Quý vị sẽ thấy cái gì điều khiển thân: chính là tâm.  Bất cứ thân làm gì cũng đều do tâm.  Trước khi tâm điều hành thân, do các duyên tiếp xúc với tâm và hành khiển tâm.  Vì thế khi quý vị tiếp tục quay vào quán chiếu nội tâm, thì dần dần sự tinh tế của quý vị sẽ được phát triển.  Cuối cùng thì không có gì ngoài tâm và cái thấy (preoccupations) của nó.  Nói cách khác, thân là một hiện tưọng vật lý, trở thành phi vật lý (non-physical). Do tâm không nắm giữ thân theo tính vật lý sở hữu của nó.  Nó biến tính vật lý này của thân thành phi vật lý; chính là do tâm (danh pháp) và thân ( sắc pháp) duyên khởi với nhau.  Cuối cùng thì các pháp đều là sản phẩm của tâm và ảo tưởng của nó –những ảo tưởng phát khởi cùng lúc nơi tâm của chúng ta.  Đây chính là nơi chúng ta cầ khám phá, đo lường bản chất tâm.  Tâm không có vấn đề gì.  Nó giống như một mảnh vải hay một lá cờ được cột ở đầu ngọn cờ, và chỉ ở đó: Không có gì xảy ra cả.  Hay như một chiếc lá được để tự nhiên: Nó nằm yên; không có gì xảy ra.  Khi chiếc lá phe phẩy đó là vì một cái gì đó: là gió.  Bản chất của chiếc lá tự nó là yên, không động đậy, không phiền hà gì tới ai.  Khi nó chuyển động là do có điều gì đó tiếp xúc với nó.  Khi gió chạm vào, chiếc lá phe phẫy.

   Bản chất của tâm cũng thế.  Không thương, không ghét, không trách móc ai.  Nó ở yên như thế -trong điều kiện thật thuần khiết, rõ ràng và trong sạch.  Nó ở yên, không vui, không buồn, không có bất cứ cảm thọ nào.  Đó là trạng thái chân thật của tâm.  Lý do chúng ta tu tập là để khám phá nội tâm, khám phá nội tâm cho đến khi chúng ta đạt được tâm ban sơ đó: tâm ban sơ được gọi là tâm thuần khiết.  Tâm thuần khiết là tâm không có bất cứ vấn đề gì.  Không có bất cứ ảo tưởng nào lai vãng.  Nói cách khác, tâm đó không chạy đuổi theo các ảo tưởng.  Nó không phê phán cái này hay cái kia, không tìm vui trong điều này hay điều nọ.  Nó không hạnh phúc vì pháp này, hay buồn khổ vì pháp nọ.  Do vậy, tâm luôn ở trạng thái tỉnh thức.  Nó luôn biết rõ điều gì đang xảy ra.

   Nếu tâm ở trong trạng thái này, thì khi các vọng tưởng ào đến –tốt hay xấu, bất kể vọng tưởng gì: khi chúng xuất hiện hay khuấy động, tâm nhận diện được chúng nhưng vẫn ở yên.  Tâm không có vấn đề gì.  Nó không lay động.  Tại sao?  Vì nó tự giác.  Nó tự biết mình. Nó thiết lập được sự giải thoát tự bên trong mình.  Nó ở trong trạng thái ban sơ của mình.  Làm thế nào mà tâm có thể tái tạo lại trạng thái ban sơ của mình?  Vì kẻ biết đã quán chiếu với sự tinh tế để thấy rằng tất cả các pháp đều là tạo tác của đối tượng và các thành tố (manifestation of properties and elements).  Không có ai làm gì cho ai.  Như khi vui hay buồn phát khởi: khi vui phát khởi, đó chỉ là vui.  Khi khổ phát khởi, đó chỉ là khổ.  Nó không có ai là chủ.  Tâm không biến mình thành người sở hữu của niềm vui, hay nỗi khổ.  Nó quán sát các trạng thái này và thấy rằng nó không cần phải bám vào thứ gì cả.  Chúng chỉ là những vấn đề khác nhau, những pháp khác nhau.  Lạc chỉ là lạc, chỉ có vậy.  Khổ chỉ là khổ, chỉ vậy.  Tâm chỉ là cái biết của các pháp.

   Trước đây, khi có cơ sở của tham, sân và si, tâm sẽ bám vào những thứ này ngay khi chúng xuất hiện.  Nó sẽ bám vào lạc; nó sẽ bám vào khổ.  Nó chạy ngay đến để vung dưỡng chúng.  “Chúng ta” bám lấy khổ và lạc không ngừng nghỉ.  Đó là dấu hiệu của một tâm không biết nó đang làm gì.  Nó si mê.  Nó không có tự do, giải thoát.  Nó chạy đuổi theo các ảo tưởng của mình.  Tâm mà chạy đuổi theo các ảo tưởng là tâm nghèo nàn.  Nếu đối tượng của nó tốt thì nó được tốt theo.  Khi đối tượng của nó xấu, thì nó xấu theo.  Nó quên bản thân, quên rằng bản chất nguyên sơ của nó là không tốt, không xấu.  Nếu tâm tốt theo với kiến chấp của nó, thì tâm đó si mê.  Khi pháp bất thiện phát khởi, nó cũng bất thiện; khi khổ khởi lên, nó cũng khổ theo; khi lạc đến, nó cũng lạc, tâm biến thành cả thế giới.  Chúng ảo tưởng về thế gian.  Chúng dính mắc với thế gian.  Chúng phát khởi theo lạc, khổ, tốt, xấu –đủ mọi thứ chuyện.  Và chúng cũng không chắc chắn về điều gì.  Nếu tâm không ở trạng thái nguyên sơ, thì không có gì chắc chắn.  Không có gì ngoài sinh, tử, sợ hãi, bất ổn, tiếc nuối và khổ đau –không có gì ngoài những khó khăn triền miên.  Tất cả mọi thứ đều không có cách gì chấm dứt, chúng ta thấy là chúng ta phải tiếp tục sống theo cách chúng ta từng sống trong quá khứ.

   Còn tâm, nó không có bất cứ vấn đề gì.  Khi nó có vấn đề, đó là vì chúng ta bám víu vào sự việc.  Như sự khen, chê của người đời: Nếu ai đó nói,  “Bạn là người xấu”, tại sao ta đau khổ?  Ta đau khổ vì ta nghĩ rằng họ chỉ trích ta.  Nên ta nắm lấy đó, đem vào trong tâm mình.  Hành động nắm lấy và đem vào trong tâm.  Hành động nắm lấy –biết và chấp lấy nó theo cách đó- là vì ta không sáng suốt, không biết đó là gì, nên ta chấp vào đó.  Khi quý vị làm như thế, đó được gọi là tự đâm sau lưng mình bằng cái chấp.  Khi quý vị tự làm tổn thương mình, đó là cách phát khởi của sinh.  Nếu quý vị chẳng để ý đến lời người ta nói hay chẳng chấp –khi quý vị coi những thứ đó chỉ là âm thanh, chỉ có vậy- thì sẽ chẳng có vấn đề gì.  Thí dụ một người Khmer nguyền rủa quý vị: quý vị nghe, nhưng coi đó chỉ là âm thanh, âm thanh Khmer, chỉ vậy.  Chúng chỉ là âm thanh.  Khi quý vị không hiểu nghĩa, không biết rằng người ta đang nguyền rủa mình, thì tâm không bám víu.  Vậy là quý vị được an ổn.  Hoặc một người Việt Nam hay người nào đó có ngôn ngữ khác với quý vị nguyền rủa quý vị, thì quý vị chỉ nghe âm thanh.  Quý vị bình thản vì quý vị không đem chúng vào tâm.

   Còn cái tâm này:  Nói về sự sinh diệt của tâm, những thứ này dễ hiểu thôi khi quý vị tiếp tục quán chiếu như thế không dừng, không dừng quay vào bên trong.  Tâm sẽ ngày càng tinh tế vì nó đã trải qua những giai đoạn thô của việc tu tập.  Định của quý vị cũng vững chãi hơn trong nội tâm, trụ vào bên trong hơn.  Nó càng quay vào bên trong, ta càng chắc rằng trạng thái tâm này sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất cứ thứ gì, bởi bất cứ kiến chấp nào.  ảo tưởng là ảo tưởng; tâm là tâm.  Khi tâm cảm thấy lạc hay khổ, tốt hay xấu, là vì nó để ảo tưởng phát sanh nên ảo giác làm ảnh hưởng mình.  Nếu không, tâm sẽ chẳng có vấn đề gì, tâm sẽ không lay động.  Trạng thái này được gọi là trạng thái tỉnh giác.  Tất cả các pháp mà tâm biết đều là tạo tác của các đặc tính và các yếu tố.  Chúng đến rồi đi, đến rồi đi.

   Mặc dầu quý vị biết điều này, quý vị vẫn chưa buông bỏ được.  Nhưng ở thời điểm này, không quan trọng là quý vị có thể buông bỏ được hay không.  Chỉ cần quý vị giữ được sự tỉnh giác này hay tư duy này như là giai đoạn đầu trong việc tu tập tâm.  Quý vị cứ quay vào nội tâm, nghiền nát, hủy diệt các uế nhiễm không ngừng nghỉ.

   Lúc đó quý vị sẽ thấy tâm dường như thuận theo tự nhiên.  Đức Bổn Sư trong các kinh gọi đó là “sự chuyển tâm” (gotarabhu-citta).  Đây là tâm vượt lên tâm chúng sanh –tâm của người bình thường- để hướng đến làm bậc thánh, từ người bình thường như chúng ta.  Người đã chuyển được tâm bước vào trạng thái tâm niết-bàn nhưng chưa thể đi đến tận cùng.  Hành giả đó thuận theo pháp để tiếp tục tu tập ở một cấp độ khác.  So sánh điều này với một người đang cố gắng để vượt qua bờ bên kia.  Một chân người ấy ở bờ bên này; chân kia thì cố với qua bờ bên kia.  Hành giả ấy nhận thức rằng có bờ bên này và bờ bên kia, nhưng vị ấy chưa thể bước sang.  Vì thế vị ấy tùy thuận pháp sau khi nhận thức được rằng các pháp này có mặt.  Sau đó vị ấy tiếp tục phát triển tư duy.  Vị ấy nhận thấy việc này là chân thật, rằng đây là cách sự vật hiện hữu, và rằng vị ấy cuối cùng phải đến được bờ bên kia.

   Nói đơn giản là ở thời điểm này, chúng ta nhìn thấy được phương cách tu tập của mình: rằng nếu chúng ta thực sự quán chiếu về những gì đang xảy ra, chúng ta sẽ thấy rằng tâm có con đường nó phải đi theo.  Ta biết rằng bước đầu tiên trên đường tu là niềm vui, nỗi buồn không phải là con đường chúng ta nên theo.  Chúng ta phải hiểu chắc về điều đó –và thực sự con đường đạo là như thế.  Nếu quý vị vui, đó không phải là con đường vì nó có thể làm phát khởi căng thẳng.  Nếu quý vị khổ, nó cũng có thể phát khởi căng thẳng.  Chúng ta suy nghĩ như thế, nhưng chúng ta chưa thể buông bỏ các pháp.

   Vậy chúng ta phải làm sao cho đúng?  Chúng ta phải bỏ qua mọi ảo tưởng về cái vui, cái khổ, để cố gắng đi theo trung đạo.  Khi quý vị có thể giữ điều đó trong tâm, là quý vị đã đi đúng đường.  Quý vị hiểu điều này, nhưng quý vị chưa thể làm được.  Chừng nào quý vị chưa thể làm được, là quý vị còn bị dính mắc vào lạc hay khổ.  Quý vị luôn biết mình bị dính mắc –và đó là khi quý vị có thể đi đúng đường.  Khi tâm chấp vào lạc như thế, chúng ta không tán đồng nó.  Khi tâm chấp vào khổ, ta không chê bai nó.  Giờ ta chỉ quán sát chúng.  Lạc, khổ chỉ thuần túy là cảm thọ.  Chúng ta biết chúng không phải là con đường đạo.  Chúng ta biết, tuy nhiên dầu ta biết, ta vẫn không thể buông bỏ chúng.  Không thể buông bỏ chúng, dầu ta biết.  Khi biết, ta không chấp vào lạc, ta không chấp vào khổ.  Ta không chấp vào trạng thái nào, và ta không nghi ngờ gì về điều đó, vì ta biết chúng giống nhau ở điểm không phải là con đường đạo.  Đây không phải con đường; đó cũng không phải là con đường –nên chúng ta chọn khoảng giữa làm đối tưọng không thay đổi.

   Nếu chúng ta có thể buông bỏ mọi ảo tưởng về lạc và khổ, trả lại đúng bản chất như nó là,  thì đó là con đường.  Tâm ta sẽ bước vào đó và biết điều đó, nhưng nó vẫn chưa thể đi trọn con đường.  Vì thế cần phải tùy thuận pháp để tiếp tục thực hành.

   Khi lạc phát khởi và ta bị dính vào đó, thì ta hãy đem lạc làm đề mục quán chiếu.  Khi khổ phát khởi và ta chấp vào đó thì ta lấy khổ làm đề mục để quán chiếu –cho đến khi thấy rõ nó thuần túy chỉ là những cảm thọ của thân và tâm, khi đó tâm buông bỏ lạc, buông bỏ khổ, buông bỏ vui, buông bỏ buốn.  Nó buông bỏ tất cả mọi thứ trên đời.  Tâm sẽ trở thành tất cả với thế giới (lokavidu-thế gian giải), lỗi lạc về thế gian.  Khi tâm buông bỏ, khi người giác ngộ buông bỏ, tâm trụ ngay tại đó.  Tại sao nó có thể trụ ngay đó?  Vì nó đã bước vào đó trước đây –nơi mà nó biết nhưng chưa thể với tới.  Vì thế khi tâm dính vào lạc và khổ, ta không lụy vì chúng, ta cứ cố gắng dẹp chúng qua một bên:  Đó là khi ta đạt đến cấp độ của một du già (yogavacara) –người đi trên con đường đạo nhưng chưa đến đích. Những phương cách này là các pháp mà quý vị có thể chú tâm vào trong từng giây phút của tâm.  Quý vị không cần phải quan tâm về bất cứ điều gì khác.  Khi chúng ta bị dính vào phía nào, ta phải tự biết chắc chắn là chúng sai, vì cả hai phía đều dính chấp vào thế gian.  Lạc dính chấp vào thế gian,  Khổ cũng dính chấp vào thế gian.  Khi quý vị dính chấp trong thế gian, thế gian có thể trở thành hiện hữu (being).  Tại sao?  Thế gian này có thể sinh và có mặt vì trí tuệ của ta chưa đầy đủ.  Thế gian không thể có được trạng thái sinh từ bất cứ thứ gì khác ngoài vô minh và tham ái.  Và vì trí tuệ của ta không đủ để soi chiếu, nên chúng ta bắt đầu phán đoán, thêu dệt các hư cấu . 

   Ngay đây là nơi sự tu tập trở nên thú vị.  Bất cứ chúng ta dính mắc vào thứ gì, ta quan sát nó ngay tại đó chứ không buông bỏ.  Nếu dính chấp vào lạc, ta quan sát lạc ngay.  Nếu khổ chi phối, ta quan sát khổ ngay.  Tâm luôn tỉnh giác.  Nếu khổ hiện khởi, ta tóm lấy nó ngay và quán chiếu về nó.

   Đây là nơi sợi chỉ bắt đầu được luồn vào lỗ kim.  Tâm không lay động trước các đối tượng này nữa- và nó không chống lại các hành. Dầu sai, ta nhận biết mình sai. Tâm không màng. Cái tâm rộng lớn này không màng.

   Cũng giống như khi đang đi và quý vị đạp nhầm gai.  Chúng ta đâu muốn đạp gai, ta đã rất cẩn thận, mà vẫn đạp nhầm gai.  Ta đâu có vui vì điều đó, phải không?  Ta không vui vì đạp gai, khi đã biết con đường. Chúng ta biết đây là thế gian, đây là khổ, đây là luân hồi.  Chúng ta biết -tuy nhiên chúng ta vẫn đạp nhầm gai.  Tâm trôi theo dục lạc -hạnh phúc hay khổ đau - tuy nhiên chúng ta không bằng lòng. Chúng ta cố gắng để xóa bỏ những thứ này, không ngừng xóa bỏ thế gian ra khỏi tâm tưởng. Tâm ở thời điểm này luôn xây đắp, thực hành, phát triển: đây là nỗ lực để tu tập. Tâm quán chiếu, tự nhủ về những gì đang xảy ra bên trong nó.

  Các loại pháp này: khi tâm bứng rễ khỏi thế gian, nó tiếp tục hướng vào bên trong, hướng vào bên trong. Ở thời điểm này tất cả các bậc giác ngộ, khi họ biết, chỉ biết mà không phản ứng. Tri thức của họ hòa đồng với các pháp, hoàn toàn sáng suốt, và không tham dự vào bất cứ điều gì. Họ không còn ảo tưởng về điều gì. Họ không tham dự vào gì.  Họ biết, nhưng họ không dính mắc.  Họ biết, nhưng để mọi thứ xuống. Họ biết và buông xả.  Vẫn còn có lạc ở đó, vẫn còn có khổ- hay bất cứ là gì, chúng vẫn còn ở đó, nhưng tâm không dính mắc nữa.

   Khi chúng ta thấy điều này, chúng ta biết.  Ồ!  Tâm là thế đấy; các đối tượng là thế đấy. Tâm tách biệt ra khỏi các đối tượng. Các đối tượng tách biệt khỏi tâm. Tâm là tâm. Đối tượng là đối tượng. Khi quý vị ý thức về cả hai điều này thì khi chúng tiếp cận, quý vị biết ngay lúc đó. Khi tâm tiếp xúc với đối tưọng, quý vị biết ngay lúc đó.

   Khi vị hành giả luôn cảm nhận được điều này trong quá trình tu tập - dầu đi, đứng, nằm, hay ngồi- đó được gọi là sự thực hành tu tập theo hình vòng tròn.  Đó là sự thực hành đúng.  Chúng ta không đánh mất sự có mặt của tâm. Chúng ta không chỉ quán sát các pháp thô. Chúng ta quay vào trong để quán sát các pháp tinh tế. Chúng ta đặt những vấn đề ở bên ngoài qua một bên và chỉ quán sát tâm và thân, hay chỉ tâm và các ảo tưởng của nó. Chúng ta quán sát chúng phát khởi, quán sát chúng diệt đi, quán sát chúng sinh và diệt, quán sát chúng diệt và sinh – diệt, sinh, sinh, diệt, diệt và rồi sinh, sinh và rồi diệt – cho đến cuối cùng ta chỉ quán sát diệt: khaya-vaya sự kết thúc, tan rã. Kết thúc và tan rã là trạng thái bình thường của chúng.

   Khi tâm giống như thế, nó không đuổi theo sự vật bất cứ nơi nào. Nó chỉ biết nó đang làm gì. Khi thấy, nó chỉ thấy, chỉ có vậy. Khi biết, nó chỉ biết, chỉ có vậy. Nó tự làm những điều này.  Đây là thứ không thể thêu dệt.

   Vì thế đừng đi rêu rao về sự tu tập của mình. Đừng nghi ngờ điều gì. Điều này cũng áp dụng cho việc giữ giới của quý vị, như tôi đã nói trước đây. Hãy quán chiếu để biết điều gì sai và điều gì đúng. Khi quý vị thấy điều gì sai, hãy từ bỏ nó.  Đừng nghi ngờ gì.  Với tâm định của quý vị cũng thế: Hãy khiến tâm im lặng, khiến nó bình an. Nếu có tư tưởng phát khởi, đừng lo lắng về chúng. Nếu tư tưởng vắng bặt thì cũng đừng lo lắng. Hãy làm quen với các hoạt động của tâm.  Nhiều người muốn tâm an tịnh nhưng họ không hiểu an tịnh là gì.  Họ không hiểu sự bình an của tâm.

   Có hai loại an tịnh:  sự an tịnh của định và sự an tịnh của xả. Sự an tịnh của định hời hợt, rất hời hợt.  Sự an tịnh của định phát khởi khi tâm trở nên vắng lặng vì không có bất cứ mối ưu tư nào – rồi sau đó nó dính mắc vào lạc.  Nhưng khi phải đối mặt với phiền não thì nó vỡ vụn.  Nó sợ phiền não, sợ lạc, sợ khổ, sợ sự chỉ trích, sợ sự khen, sợ nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt.  Loại định này sợ tất cả mọi thứ.  Khi đạt được nó, quý vị không muốn giao tiếp với thế giới bên ngoài. Người có loại định này chỉ ở trong hang động, bám víu vào lạc và không muốn ra ngoài. Vị ấy trốn vào bất cứ nơi nào yên tĩnh. Loại định đó thật phiền não.  Quý vị không thể đi ra ngoài và sống với người khác. Quý vị không thể nhìn cảnh, nghe âm thanh – quý vị không thể trải nghiệm điều gì.  Quý vị cứ muốn ở nơi yên tĩnh: quý vị không muốn ai nói gì.  Nơi quý vị có mặt phải thật yên tĩnh.

   Loại an tịnh này vô ích. Vì thế khi đạt được cấp độ an tịnh đó, quý vị phải bước ra ngoài. Đức Phật chẳng bao giờ dạy chúng ta tu tập như thế. Nếu quý vị đang tu theo cách đó, hãy dừng lại. Khi quý vị an tĩnh, hãy thoát ra ngoài để quán chiếu.  Hãy dùng tâm an tĩnh đó để quán chiếu. Ứng dụng nó vào các đối tượng.  Dùng nó để quán chiếu về cảnh, âm thanh, mùi vị, lưỡi, xúc chạm, và ý.  Hãy nhớ trước hết phải thoát ra ngoài, rồi dùng sự tĩnh lặng để quán chiếu. Ví dụ quý vị có thể quán chiếu về lông tóc trên đầu, trên thân, về móng, răng, da – đại loại như thế. Quán chiếu về vô thường, khổ và vô ngã.  Quán chiếu về tất cả vũ trụ.

   Một khi quý vị đã sử dụng tâm bình an để quán chiếu, thì khi đến lúc phải yên lặng, hãy ngồi thiền, và để tâm phát khởi sự bình an bên trong. Sau đó đem sự bình an đó ra ngoài lại để quán chiếu.  Hãy sử dụng nó để tự rèn bản thân, để thanh lọc tâm, để đối phó với các pháp.  Khi quý vị phát triển sự tỉnh thức, hãy đem nó ra ngoài để đối phó với các pháp.  Sử dụng nó để huân tập bản thân, để tu tập – vì nếu sự tỉnh giác của quý vị chỉ ở bên trong, thì quý vị không biết gì cả.  Nó chỉ  làm cho tâm an. Hãy tiếp tục mang nó ra ngoài để quán chiếu những gì ở bên ngoài và rồi để nó trở vào bên trong để an tịnh, giống như vậy lặp đi và lặp lại cho đến khi mức độ bình an lớn của tâm phát khởi.

   Về sự an tịnh của xả: Khi tâm an tịnh, sau đó ra ngoài, thì tâm xả không ngại gì cảnh, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm và ý.  Nó vô úy.  Khi tiếp xúc với các pháp, tâm biết chúng.  Ngay khi các pháp tiếp xúc, tâm loại chúng ra, đặt chúng xuống, để chúng đi.  Đó là sự an tịnh của xả.

   Khi tâm đạt đến cấp độ này, nó tinh tế hơn sự an tịnh của định. Nó rất dũng mãnh.  Khi có sức mạnh, nó không chạy trốn.  Khi có sức mạnh, nó không sợ hãi.  Trước kia chúng ta sợ hãi những điều này, nhưng giờ đã hiểu chúng, ta không còn sợ hãi nữa.  Ta biết sức mạnh của mình.  Khi thấy cảnh, ta quán chiếu cảnh.  Khi nghe âm thanh, ta quán chiếu âm thanh.  Đó là nhờ chúng ta biết quán chiếu.  Chúng ta có thể bám trụ vững.  Chúng ta không sợ hãi.  Bất cứ biểu hiện gì của pháp như cảnh, âm thanh hay mùi vị, giờ khi ta thấy chúng, ta buông bỏ chúng.  Bất cứ chúng là gì, ta có thể buông bỏ tất cả.  Khi cảm nhận lạc thọ, ta buông nó.  Khi cảm nhận khổ thọ, ta buông nó.  Bất cứ ta thấy các pháp này ở nơi đâu, ta buông bỏ chúng ngay tại đó.  Chúng ta không ngừng để chúng qua đi tại đó, vứt bỏ chúng ngay tại đó.  Chúng ta không chấp vào bất cứ điều gì như một kiến chấp.  Chúng ta để các pháp ở nơi chúng có mặt.  Chúng ta đã trở về nhà của mình.

   Khi thấy điều gì đó, ta vứt bỏ nó.  Bất cứ ta thấy gì, ta quan sát.  Khi đã quan sát, ta buông bỏ.  Thật ra tất cả các pháp này không có giá trị gì cả.  Chúng không làm gì được ta.  Đây là sức mạnh của tuệ (thiền quán vipassana).   Khi đạt đến cấp độ này, có thể đổi tên thành “tuệ giác”.  Chúng ta nhìn thấy các pháp rõ ràng đúng như thật.  Đúng vậy đó: Ta thấy các pháp rõ ràng đúng như thật.  Đây là một cấp độ cao hơn của an tĩnh: sự an tĩnh của tuệ giác.

   Sự an tĩnh mà ta đạt được qua thiền định rất khó. Vì nó khó đạt được, nên ta thực sự sợ hãi khi đánh mất nó.  Vì thế khi tâm tràn đầy an tĩnh, quý vị sẽ làm gì?  Quý vị mang nó ra ngoải để tu tập, để quán chiếu.  Chớ sợ hãi,  đừng để bị vướng mắc.  Khi hành thiền, thường thì quý vị không bám vào gì ngoài lạc thọ.  Tuy nhiên quý vị không được ngồi đó mà không làm gì kế tiếp.  Hãy ra khỏi đó.  Trên chiến trường, quý vị được huấn luyện phải chiến đấu.  Quý vị không được núp trong hang, tránh đạn.  Lúc lâm trận, khi súng nổ -Đoàn! Đoàn!- nếu quý vị đang ở trong hang, quý vị phải đi ra khỏi hang.  Lúc đó, quý vị không thể chiến đấu bằng cách núp trong hang.  Ở đây cũng thế.  Quý vị không thể để tâm ẩn náu trong đó.

   Đó là những gì quý vị phải trải qua trong những giai đoạn đầu với giới và định.  Quý vị phải tự rèn luyện bản thân theo đúng với kinh điển và phương cách đã được vạch ra.  Đó là con đường quý vị phải bước theo.  Dầu gì, những gì tôi nói với quý vị ở đây chỉ là những nét phác họa.  Khi thực hành, quý vị chớ nghi ngờ điều chi.  Chớ nghi những lời giáo huấn này.  Khi có lạc thọ, quán chiếu lạc.  Khi có khổ thọ, quán chiếu khổ.  Sau khi quý vị quan sát nó, cố gắng để nó xuống, hủy diệt nó, buông bỏ nó.  Khi quý vị nhận ra các ảo tưởng, cứ để chúng qua đi.  Dầu quý vị muốn tọa thiền, đi kinh hành, hay quán tưởng các pháp, điều đó không quan trọng.  Hãy cố gắng tỉnh giác ngay giây phút hiện tại, đúng như những gì đang xảy ra trong tâm quý vị.  Nếu quý vị suy nghĩ nhiều, thâu tóm chúng lại rồi cắt bỏ chúng bằng cách quán tưởng như sau: “Các pháp mà ta đang suy nghĩ, không là gì ngoài tư tưởng, chỉ có vậy.  Tất cả các pháp này đều vô thường, khổ và vô ngã.  Tất cả đều không chắc chắn”. Rồi buông bỏ chúng ngay tại đó.

 

Diệu Liên Lý Thu Linh

2014

   (Chuyển ngữ theo Becoming A Samaṇa,trong quyển Still, Flowing Water vừa được Sư Thanissaro, chuyển ngữ từ Thái qua Anh ngữ (2013).  Quyển sách có tám bài Pháp thoại, bài này và bài In The Shape of A Circle là hai bài không có trong các ấn bản khác của Still, Flowing Water).  Bài pháp thoại này dùng một số từ Pali và khái niệm mà người dịch thú thật là không thể tìm đâu ra tài liệu để chú giải, nên đã phải cầu cứu đến sự giúp đỡ của quý sư.  Cuối cùng Sư Thích Chơn Hữu, trụ trì chùa Định Quang tại Huế đã ra hỗ trợ cho sự khiếm khuyết này bằng cách gửi phần chú thích và nhuận sắc thêm cho bài dịch.  Tuy nhiên dầu cố gắng nhiều, bài dịch cũng còn nhiều thiếu sót, mong quý sư, quý đạo hữu chỉ bài thêm.

 

CHÚ THÍCH

(1) Pàrami do chữ "pàram" có nghĩa là "phía bên kia", hay sự sáng suốt, sự giác ngộ, và chữ "i" là "đi". Theo nghĩa trắng, Pàrami là cái gì có thể đưa ta qua bờ bên kia, "đáo bỉ ngạn". Phạn ngữPàramita cũng được dùng trong nghĩa

Ba La Mật có mười pháp. Mỗi pháp chia làm ba hạng là: Pàrami thuộc về tài sản, sự nghiệp, vợ, con. Upàpàrami, thuộc về một, hay nhiều bộ phận trong thân thể và Paramattha-parami, thuộc về mạng sống.

Thí dụ như Bố Thí Ba La Mật có ba hạng: Dàna Pàrami, là bố thí tài sản, sự nghiệp, hoặc vợ, con;Dàna upàpàrami là bố thí một bộ phận trong thân thể như tay, chân, mũi, tai v.v...; và Dàna paramattha-pàrami là hy sinh mạng sống mình cho kẻ khác, để cứu một chúng sanh.

Như Trì Giới Ba La Mật, cũng có ba hạng là: Sìla Pàrami, hy sinh tài sản sự nghiệp, hoặc vợ, con để giữ tròn giới luật; Sìla upàpàrami, hy sinh một bộ phận trong thân thể để giữ tròn giới luật; vàSìla paramattha-pàrami, hy sinh mạng sống để giữ giới luật trong sạch.

Cùng một thế ấy, mỗi Ba La Mật đều có 3 hạng. Cộng chung tất cả, có (10 x 3) = 30 Ba La Mật.

nguon:thuvienhoasen

Các tin đã đăng: