Phật Giáo trong thời hiện đại bình đẳng, tự do ngôn luận, và thông tin
được cập nhật nhanh chóng, cho nên việc thu thập tư liệu và những thông
tin, dữ liệu về rất nhiều lĩnh vực như xã hội, chính trị, văn hóa, nghệ
thuật, triết học, tôn giáo.v.v… không còn là vấn đề nữa. Tất cả đều rất
rõ ràng và không gì là bí mật với chúng ta và người khác. Tăng sĩ thời
hiện đại khi chúng ta nghiên cứu tìm hiểu vấn đề hay là một phát hiện mà
chúng ta cho là mới về các lĩnh vực Kinh, Luật, Luận trong Phật Giáo
chúng ta cần phải cẩn ngôn thận trọng vì Cổ Tôn Đức dạy: “Y Kinh giảng
nghĩa Tam Thế Phật oan, ly Kinh nhất tự tức đồng ma thuyết.”.
Giới Luật của Phật Giáo với tính chất
thánh thiện thanh tịnh giải thoát của mình, cho đến ngay cả Đức Thế Tôn
khi vào Vô Dư Niết Bàn điều mà người dặn dò cho đệ tử vẫn là “Lấy
Giới Làm Thầy” vì vậy Giới Luật mà Phật chế ra đều có
công năng, ý nghĩa nhất định trong vấn đề tu hành đạt đến giải thoát và
giác ngộ, cho nên Giới Luật của Phật Giáo Nam Truyền hay Bắc Truyền đều
có chung nguồn gốc từ Đức Phật chế ra. Trong [Tứ Phần Giới Bổn
Sớ] của Ngài Đạo Tuyên Luật Sư chép: “cho nên Luận rằng: Nói về
Tam Tạng, Luật Tạng là tối thắng, là mật vậy, duy chỉ có một mình Đức
Phật được chế cho chư Tăng, những người ngoài chúng Tăng thì không cho
đọc tụng và không cần phải học.” luận cứ này của Ngài Đạo Tuyên theo
Ngài Nguyên Chiếu thời Bắc Tống trong [Hành Tông Ký]
cho rằng xuất từ bộ luận [Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa]
trong bộ luận này có đoạn nói rằng: “ Hỏi rằng: Khế Kinh A Tỳ Đàm không
từ lúc Phật ban sơ. Chỉ độc có Luật Tụng là từ thời Phật. Đáp rằng: Lấy
đó làm tối thắng, là mật, vì do Phật độc chế ”
Giới Luật là thọ mệnh của Phật Pháp, là
mạng mạch của Tăng già cho nên Giới Luật của Phật Giáo thuộc Hiển Giáo
chứ không thuộc Mật truyền vì vậy Giới Luật có tính phổ thông hơn là bí
mật. Nói Giới Luật là phổ thông nhưng không mang tính chất đại trà vì có
sự qui định thứ lớp rõ ràng, Luật nào được công khai luận bàn và Giới
nào chỉ nên giảng bày với những đương sự có liên quan, nếu những ai
không có liên quan đến những Giới luật mà mình không thọ trì nhất là Tỳ
Kheo Giới. Chư lịch đại Bắc Truyền Luật Tông Tổ Sư hầu như không khuyến
khích những người chưa thọ giới Tỳ Kheo đọc tụng Đại Giới mà đôi khi còn
ngăn cấm vì điều đó có nguyên nhân.
Trong [Đại luật] dạy:
“Phàm là người chưa thọ Đại Giới, không được trộm nghe Tỳ Kheo tụng
giới, nếu không thì là “Tặc Trụ”, thành là chướng duyên của Giới Tỳ
Kheo, chung thân không được xuất gia thọ Giới Tỳ Kheo.” chính nguyên
nhân này mà lịch đại Bắc Truyền luật Tông Tổ Sư vì thương sót đàn hậu
tấn, không nở để họ phải mang tội “Tặc Trụ” thành chướng duyên trong
việc xuất gia học Phật , không được thọ Giới Tỳ Kheo để dự vào hàng Tăng
Già, mất đi duyên lành làm Chúng Trung Tôn thọ sự cung kính của Chư
Thiên và Loài Người và mục đích cứu cánh cuối cùng là Giải thoát thành
Phật.
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm trong [Người
Thế Tục có được xem Tăng Luật không] chép: “Luật Tỳ Kheo vì Tỳ
Kheo mà chế, người không thọ giới thì không việc gì phải nghiên cứu và
cũng không cần phải nghiên cứu. Nhân vì là phàm phu thì vẫn là phàm phu,
xem Luật Tỳ Kheo rồi, khó mà không lấy những điều đã dạy trong luật ra
mà làm thước đo để đong lường sự sinh hoạt thường ngày của hiện tiền
Tăng đoàn, từ đó khó khỏi sanh tâm coi thường Tỳ Kheo, nếu quả thật như
vậy, thì tội danh “Tặc Trụ” cũng dễ thành vậy.”.
Ví dụ khi một em nhỏ thắc mắc về việc
của người lớn, thường thì cha mẹ của bé trả lời: việc của người lớn con
hỏi làm gì. Nhưng khi bé đã lớn và cần hiểu biết những việc cần biết để
sống cho tốt và thành người, thì không lý do gì mà bố mẹ lại không giải
thích. Giới luật của Phật giáo cũng như vậy phải có thứ lớp và cấp bậc
để khi người học Phật từng bước đi vào Pháp Giới. Trong [Sa Di
Luật Nghi Yếu Lược] Tổ Vân Thê dạy: “Cho nên thầy Sa Di phủi
tóc trước thọ mười giới, sau mới lên đàn thọ Cụ (thọ giới Cụ Túc). Kẻ
ngây mờ vậy chẳng biết, đứa dại khinh mà chẳng học, bèn toan vượt bực,
mống ý cao xa cũng khá thương vậy.”.
Đức Phật thương chúng sanh như mẹ hiền
thương con dại, cho nên khi chế Giới Đức Phật đã tùy theo căn cơ của
chúng sanh mà chế. Đệ tử tại gia có Tam Qui Ngũ Giới, Bát Quan Trai
Giới, Bồ Tát Tại Gia Giới. Nếu như là đệ tử
xuất gia thì Tăng cũng như Ni đều phải thọ Sa Di Giới, sau phải học giới
và hành trì giới phẩm của chính mình, Trong [Sa Di Luật Nghi
Yếu Lược] Tổ Vân Thê dạy: “vì giữ mười giới nên có vài lời lược
giải, khiến cho kẻ mới học biết chổ nơi mà đến…sau đó là từng bậc bước
lên Giới Tỳ Kheo, xa hơn nữa là căn bản của Bồ Tát Giới”. Khi túc duyên
và công hạnh đầy đủ thì mới được thọ Giới Tỳ Kheo và Bồ Tát Giới đối với
Tăng, còn đối với Chư Ni vì căn cơ khác với Tăng cho nên Đức Phật chế
thêm Giới Thức Xoa Ma Na Ni, Giới Bát Kỉnh Pháp và Giới Tỳ Kheo Ni và Bồ
Tát Giới. Thiết nghĩ một hành giả khi phát nguyện xuất gia thọ trì Giới
Pháp nếu chiếu theo Giới Pháp mà mình đã phát tâm thọ trì và chuyên tâm
tinh tấn trong việc giữ Giới thì không có thời gian cũng như vọng niệm
để tìm hiểu việc khác huống hồ là nghe trộm Giới, vì chính hành động này
đã nói lên việc trì Giới không thanh tịnh, trì giới không thanh tịnh
thì việc tu hành giải thoát đã không thành, cho nên không ai dại lại
chịu thêm tội “Tặc Trụ” cho nên ngoài những bậc thượng căn túc trí, cơ
duyên hơn người trước học luật sau xuất gia thành “Tòng Lâm Thạch Trụ”
ra hầu hết những kẻ không hiểu hay cố tình không hiểu mà cố trộm nghe
xem những điều không phải mình cần biết thì tội “Tặc Trụ” không khó để
được định danh.
Trong [Tỳ Kheo Giới Bổn] khi làm phép Yết Ma hỏi rằng: “người chưa thọ Giới ra chưa? Đáp: đã
ra…” việc đại Tăng thuyết giới Bố tát khi yết ma yêu cầu những người
chưa thọ giới Cụ Túc kể cả Sa Di cũng như cư sĩ ra khỏi giới trường để
đại Tăng tụng Tỳ Kheo Giới nói lên tính chất “Biệt Giải Thoát” của Giới
Luật. chúng ta thường cho rằng tính chất của “Biệt Giải Thoát” thường
chỉ qui cho từng Giới riêng biệt nếu từng giới riêng biệt cụ túc tính
“Biệt Giải Thoát” thì cả một bộ đại luật thì tính chất này phải rộng lớn
hơn và bao hàm hơn, có sự ảnh hưởng sâu sắc hơn và nếu như ngược lại
thì sự phương hại đến giới thể cũng phải nặng hơn. Nên việc ngăn ngừa
người chưa thọ giới Cụ Túc không được trộm nghe giới có khác gì khi ta
chỉ biết lái xe đạp mà bỗng dưng lên lái xe ô tô chở khách, sự nguy hiểm
không những đến với ta mà còn vạ lây cho bao nhiêu người khác.
Cũng có ý kiến cho rằng mục đích Phật
chế ra Giới Luật nhằm ngăn điều ác, phát triển thiện hạnh, dẫn dắt chúng
sanh đến bờ giải thoát. Thế nên bất cứ ai muốn tìm hiểu bất cứ loại
giới luật nào với mục đích hướng thượng, cầu giải thoát, thì không những
không ngăn cấm, mà còn phải khuyến khích và cổ vũ nữa là khác. Điều này
hoàn toàn đúng và tất cả những ai là con Phật đều không phủ nhận vấn đề
này, ngay cả Đức Phật khi chế giới cũng rất rõ ràng trong vấn đề này
người nào nên thọ giới nào và nên giữ giới như thế nào rất cụ thể và rõ
ràng trong từng loại giới. Như trong một gia đình có mấy đứa con lớn,
nhỏ, ngu, trí, tính cách đều không như nhau, khi muốn cho chúng thành
người thì phải cho chúng đi học mà khi đi thì phải bắt đầu từ mẫu giáo
cho đến hết trung học là trình độ căn bản được qui định nếu như chúng
không muốn học hết cấp hai mà cứ vào đại học liệu có thể được không?
Hoặc là học sinh cấp hai lại không đọc những tài liệu học tập của cấp
hai mà cứ xem những chương trình của đại học rồi không hiểu hoặc hiểu
sai rồi lại vặn hỏi lại chúng ta thì phải làm sao? nên dạy chúng tiếp
tục đọc rồi tự hiểu, hay là khuyên chúng nên quay lại với chương trình
của mình đương học để trao dồi đừng lãng phí thời gian một cách vô bổ,
đôi khi lại làm ảnh hưởng đến thần kinh trở thành người không bình
thường mà dân gian thường có câu “Tẩu hỏa nhập ma”. Cho nên tài liệu của
đại học ai cũng có thể coi được không ai cấm, chỉ việc xem tài liệu này
có lợi ích hay không? mới là vấn đề, Giới luật của Tỳ Kheo cũng như
vậy.
Hoằng Nhất Luật Sư trong [Trưng
Biện Học Luật Nghi Bát Tắc] có đoạn chép: “Nếu như muốn tìm cầu
ở trong luật có chế…về văn nói rõ về việc người chưa đắc giới cần phải
học giới Tỳ Kheo, là việc không thể có.” Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
trong [Người Thế Tục có được xem Tăng Luật không] chép:
“quy định không được trộm nghe Tỳ Kheo tụng giới là do Phật chế. Thứ
nhất là để duy hộ sự tôn nghiêm của Tỳ Kheo, quan trọng hơn hết là bảo
hộ tín tâm của người chưa thọ giới và tránh việc sau khi biết nội dung
của Giới Tỳ Kheo, không đủ khả năng thể nhập và quán sát thánh ý của
Phật Đà khi chế giới, khởi lên vọng ý khinh thị.” Trên đây là những lời
tâm huyết của các bậc đại luật sư của Phật Giáo thời cận hiện đại, chúng
ta đàn hậu học tự mình nên thận trọng.
Ngày nay khi nghiên cứu về Luật học
nhất là Giới Luật của Nam Truyền Phật Giáo, vấn đề Nam Truyền Phật Giáo
cho cư sĩ được xem Luật Tỳ Kheo chúng ta liền đặt câu hỏi cho vấn đề
này, làm sao lại có việc khác biệt như thế, nếu như vậy theo quan niệm
của Phật Giáo Bắc truyền về Giới Luật họ có bị mắc tội “Tặc Trụ” hay
không?. Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm trong [Người Thế Tục có
được xem Tăng Luật không] nói: “Sở dĩ Phật Giáo Nam Truyền ở
Thái Lan không những không cấm cư sĩ xem luật Tỳ Kheo mà còn cổ động họ
xem luật, vì những người Cư sĩ của Thái Lan đa số đã từng đi xuất gia và
họ có thể tùy thời đi xuất gia trở lại.” Khi đi xuất gia thọ giới tức
đã học Luật thì khi về tại gia xem luật để chuẩn bị cho việc tái xuất
gia vấn đề này trong luật không cấm. Trong lịch sử Phật Giáo Bắc Truyền
không ít vị cao Tăng Phật Giáo khi chưa xuất gia đã từng đọc qua Đại
Luật. Trong [Tư Trì Ký] Linh Chi Luật Sư nói: “ Chư vị
cao Tăng từ xưa đến nay, phần đa khi còn là người tại gia có đọc Đại
Luật, nếu như có mắc tội chướng giới thì cũng không phải lo lắng lắm, vì
học để biết tu vậy.” .
Là Tăng sĩ tu trì theo truyền thống Phật
Giáo Bắc Truyền “Thích Tử Truy Y” mặc áo đắp
y, ăn chay, thì không phải những phép tắc của Phật Giáo Nam Truyền đều
có thể vận dụng, vì Phật Giáo Nam truyền có những truyền thống và luật
định để phù hợp với phong tục tập quán của người địa phương, Phật Giáo
Bắc Truyền chúng ta cũng như vậy, Phật dạy “Khế Lý Khế Cơ”. Cho nên chúng ta cần phải tuân thủ theo luật định của Đức Phật cũng như
thanh quy và Phép tắc của chư vị Tổ Sư Bắc Truyền đã đặt ra. Bởi lẽ tất
cả những luật định cũng như phép tắc này đều được hình thành từ trí huệ
vô lậu của Phật và tuệ giác thanh tịnh của các bậc Tổ Sư, cho nên trãi
qua hơn 2000 năm vẫn còn nguyên giá trị và trường tồn với Tăng Già Bắc
Truyền. Vậy nên khi có những ý kiến và tư tưởng mới trong vấn đề luật
học, tất cả đều chỉ là ý kiến của cá nhân chứ không đại diện cho Tăng
đoàn Phật Giáo Bắc Truyền vì nếu như là ý kiến của Tăng Đoàn thì phải
thông qua “Pháp Yết Ma” và khi nào những vấn đề đưa ra mà Tăng Yết Ma
“Thành” thì khi đó chúng ta nên làm theo, còn nếu như không thì nên xét
lại. Vì trong [Qui Sơn Cảnh Sách] Tổ Đại Viên dạy:
“Phép tắc Tỳ Ni chưa từng trao dồi, làm sao tỏ biết, liễu nghĩa thượng
thừa của Kinh, đáng tiếc cho một đời trôi qua sau hối không kịp.”.