Làm sao cho bớt cơn nóng giận?
24/11/2014 21:37 (GMT+7)

Giận là một thứ tập khí thuộc căn bản phiền não lâu đời. Nó là một trong ba thứ có gốc rễ sâu xa trải qua từ vô lượng kiếp. Nó thuộc loại câu sanh hay bản hữu chủng tử. Khi có mặt ta là đã có mặt nó. Ba thứ đó là: “Tham, Sân, Si”. Trong kinh thường gọi ba thứ này là “Tam độc”.

Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta trôi lăn xuống lên chịu nhiều đau khổ trong tam đồ lục đạo, cũng bởi ba thứ nầy làm tác nhân tạo nghiệp. Tuy nhiên, tùy theo tập khí sâu cạn do sự huân tu chuyển hóa của mỗi người mà cường độ hiện hành của nó có nặng nhẹ, mạnh yếu khác nhau. 
 
Trường hợp tập khí nóng giận của phật tử kể ra cũng khá sâu nặng. Vì thế, nên khi gặp cảnh trái ý nghịch lòng, thì phật tử liền nổi nóng lên dữ tợn.

Khác nào như lửa cháy phừng bốc lên cao ngọn. Dù phật tử đã có cố gắng chiết phục bằng cách niệm Phật, nhưng cũng không thể dằn được cơn giận tức. Với tâm hành giận tức như thế, thì thật là đau khổ! Tôi rất cảm thông cho nổi đau khổ của phật tử, bởi do những cơn giận tức nổi lên hoành hành làm cho tâm trí của phật tử rối loạn bất an. Tuy phật tử đã cố gắng hết sức để khắc chế nó, nhưng cũng không thể nào khắc chế làm giảm cường độ nó được. Ðây là tâm bệnh chung của chúng sinh, đâu phải chỉ riêng có mình phật tử.
 
Muốn chữa cháy của ngọn lửa sân hận này, trong kinh Phật có nêu ra nhiều phương pháp chữa trị. Tùy theo trình độ nhận thức của mỗi người mà áp dụng mỗi phương cách trị liệu khác nhau. Nhưng phương pháp nào, Phật dạy chúng ta cũng phải sử dụng trí huệ quán chiếu sâu vào nội tâm. Tuyệt đối, không nên ức chế đè nén. Vì đè nén cơn giận tức, chỉ làm cho nó càng nặng sâu thêm.

Trong đạo Phật rất tối kỵ và không chấp nhận việc đè nén dằn ép này. Bởi đó không phải là phương cách giải quyết hữu hiệu tuyệt hảo làm cho ta hết đau khổ.

Càng ức chế đè nén nó chừng nào, thì lòng bực tức sân hận của ta càng tăng trưởng lớn mạnh thêm chừng nấy.

Ðến một lúc nào đó, ta không còn ức chế đè nén sức ép của nó nữa, thì chừng đó nó sẽ nổ tung lên dữ dội và tàn phá rất mãnh liệt. Ðây là một hậu quả rất tai hại, mà không ai có thể lường trước được.

Bằng chứng như những thảm cảnh khủng bố giết người gây nên sự tàn sát đẩm máu, không biết bao nhiêu người đã chết và bị thương tích, thật là khiếp đảm hãi hùng!
                  
 
Ðạo Phật dạy ta cần phải nhận diện và chuyển hóa cơn giận. Khi ta giận ta cũng có thể biểu lộ nói rõ cho đối phương biết là ta đang bực tức buồn giận họ. Ta có nỗi  khổ niềm đau riêng của ta. Ta nên bày tỏ nỗi khổ của ta một cách rất chân tình và thật thà với người mà ta đang giận. Ta giận họ có thể vì họ không làm cho ta vừa ý. Ta phải nói rõ lý do để cho họ hiểu và cảm thông cho ta. Hoặc cũng có thể ta có những tri giác sai lầm về họ. Ta cần phải thiết lập truyền thông để tìm hiểu cặn kẽ kỹ càng nhau hơn. Ta không nên nuôi dưỡng chất chứa hận thù trong lòng. Vì đó không phải là thái độ khôn ngoan hành xử của ta. Ta cần phải bắt nhịp cầu cảm thông để ta và họ có cơ hội giải tỏa những khúc mắc nội kết của vấn đề. 
 
Khi trao đổi bàn giải với nhau, cả hai nên dùng lời ái ngữ ôn hòa và phải tỏ ra một cách hết sức thành thật cởi mở. Cả hai nên dẹp bỏ lòng tự ái kiêu căng ngã mạn. Vì lòng tự ái là con đẻ của bản ngã. Chính nó gây nên thù hận và giết chết đời ta. Một khi đã giải quyết ổn thỏa thông cảm với nhau rồi, thì ta cảm thấy lòng ta như trút đi một gánh nặng ngàn cân. Bấy giờ, tâm hồn ta trở lại tươi mát nhẹ nhàng và cảm thấy thương yêu nhau nhiều hơn. Ðó mới thực sự là phương cách hóa giải hận thù một cách tuyệt hảo vậy. Bằng ngược lại, ta cứ mãi ôm ấp hận thù, chỉ làm cho ta và người đau khổ sâu thêm chớ không có ích lợi gì.
 
Tâm lý thường tình, khi nổi giận là ta muốn trừng phạt nặng nề đối phương làm ta giận. Ðó là ta tạo cho hai bên trở thành đối nghịch thù ghét lẫn nhau. Và như thế, thì cả hai đều có những nỗi khổ niềm đau như nhau. Người trừng phạt và kẻ bị trừng phạt cả hai đều phải bị mất ăn mất ngủ. Thắng cũng khổ mà bại cũng khổ. Tốt hơn hết là ta nên buông xả cho lòng ta được an vui thanh thoát. Dại khờ gì mà ta phải ôm ấp nỗi khổ cho riêng mình! 
 
Là Phật tử, Phật dạy ta không nên nuôi dưỡng hạt giống thù hận ganh ghét với bất cứ một ai. Ðôi khi ta sai lầm mà ta vẫn cứ khư khư cố chấp bảo thủ cái định kiến của ta. Lòng tự ái của ta lúc nào cũng muốn ta phải lấn lướt hơn người. Muốn hạ nhục người mà ta căm tức thù ghét đến tận cùng đau khổ thì ta mới hả dạ. Tâm trạng đó, thật là quá ác độc! Dù cho ta có thỏa mãn vị ngọt của sân hận, nhưng lòng ta luôn luôn bất an và đau khổ. Ðó là điều mà ta tự chuốc quả khổ cho ta và làm tan nát đổ vỡ tình thân thuộc, bạn bè thân yêu của ta mà thôi. 
 
Ta nên biết rằng, khi người nào đó nói hoặc hành động làm cho ta đau khổ, thì trước tiên người đó đã chuốc lấy đau khổ trước rồi. Do đó, ta nên cảm thông thương xót họ hơn. Vì họ cũng có nổi đau khổ riêng. Có thể họ chất chứa nội kết sâu dầy nhiều hơn ta. Bởi họ là người chưa từng biết chăm sóc cơn giận. Hạt giống giận hờn của họ luôn ẩn tàng sâu kín trong tâm thức. Muốn nhận diện bản chất của nó thật không phải dễ dàng. Vì nó vốn không có nơi trú ngụ. Nhưng ta nên biết rằng, muốn vô hiệu hóa cơn giận tức trước khi nó bộc phát, Phật dạy ta nên thường xuyên quán chiếu sâu vào nội tâm và phải luôn thực tập chánh niệm. Có mặt trời ý thức chánh niệm soi sáng, thì sự nhận diện để chuyển hóa cơn giận sẽ không còn là vấn đề khó khăn nan giải nữa. Giận tức không phải là kẻ thù của ta. Mà nó chính là một phần tử của tâm thức ta. Ta và nó không phải là hai kẻ thù đối nghịch. Mà ta và nó là đôi bạn tri kỷ thân thiết với nhau. Vậy ta cần phải luôn quan tâm để ý chăm sóc vỗ về an ủi nó nhiều hơn. 
 
Nếu ta vung vãy những lời nói cay cú độc ác làm tổn thương cho người ta đau khổ, thì chính ta đã rước lấy nỗi khổ đau trước rồi. Ta nên ý thức rằng, ngậm máu phun người tất phải dơ miệng mình trước. Như thế, thì mình và người đều đau khổ như nhau. Chỉ cần ta khéo biết vỗ về an ủi chăm sóc khi cơn giận nổi lên, thì cường độ của sự giận tức sẽ không còn cơ hội bộc phát mạnh mẽ. Nguồn tuệ giác của đạo Phật giúp cho ta tháo gỡ thoát qua những cơn si mê giận tức nầy. Ta chỉ cần quán chiếu thật sâu và thật kỹ ở nơi chính mình và ở nơi tha nhân. Cần lấy gương soi lại gương mặt mình khi cơn giận tức nổi lên. Nhìn thấy chắc là ta sẽ phải ghê tởm cho ta lắm! Một gương mặt hình thù thật quái dị hung tợn rất là khó coi. Cái nhân như thế, thì cái quả đời sau chắc chắn là ta sẽ trở nên xấu xí vô cùng. Nhận thức rõ điều đó, cũng giúp cho ta bớt đi cơn giận dữ. Vì không ai muốn mình trở thành một kẻ xấu xí như quỷ Dạ Xoa, La Sát bao giờ!
 
Tóm lại, muốn chữa trị cơn giận tức cho có hiệu quả, theo tôi, thì ta có thể ứng dụng thực tập 4 nguyên tắc căn bản sau đây:
 
1. Phải thường xuyên thực tập chánh niệm bằng cách theo dõi hơi thở.
 

 

2. Lời nói và hành động phải luôn có mặt trời ý thức soi sáng.
 
3. Phải quán niệm thật hành lòng từ bi trải rộng tấm lòng yêu thương. Hãy mở rộng trái tim yêu thương cư xử, bao dung, tha thứ và hài hòa trong nếp sống giữa tình người với nhau.
 
4. Hãy quán chiếu thật sâu vào tâm thức để nhận diện thấy rõ hạt giống sân hận và nên chuyển hóa nó ngay từ trong trứng nước.
 
Ðại khái đó là 4 nguyên tắc chính yếu mà phật tử nên cố gắng thực tập một cách thường xuyên. Có thế, thì thói quen giận tức của phật tử sẽ từ từ lắng dịu lại và một ngày nào đó tự nó sẽ yếu dần không còn bộc phát mạnh bạo làm Phật tử đau khổ nữa. Mong Phật tử chịu khó thực tập thường xuyên để có được đời sống an lạc và hạnh phúc. Kính chúc Phật tử sẽ gặt hái thành công trong sự chuyển hóa tu tập nầy.


Thích Phước Thái Chú thích: Bài đã được đăng trên một số trang cá nhân trên mạng Internet, đăng trên phatgiao.org.vn với sự cho phép của tác giả

Các tin đã đăng: